Đêm chợ cá
7:56', 23/3/ 2009 (GMT+7)

Chợ cá Quy Nhơn, mà người dân hay gọi là Cảng cá Hàm Tử, là đầu mối nhận và cung cấp cá cho TP Quy Nhơn, một số huyện trong tỉnh và cả các tỉnh lân cận. Nửa đêm, khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ, nơi đây lại bắt đầu nhộn nhịp tàu vào bến cùng với những hoạt động bán mua cá. Xưa nay, chợ cá này đã nuôi sống biết bao người…

 

                            Chợ cá bến Hàm Tử (Quy Nhơn). Ảnh: Cát Hùng

 

* Nghề theo con cá

Nửa đêm. Những chuyến tàu khẳm cá nối nhau cập bến, ấy cũng là lúc ở trên bờ, hàng trăm người đang chờ việc. Một tốp phụ nữ đứng xếp hàng chờ khiêng cá, gánh cá hoặc đổ nước… tức là ai thuê gì làm nấy. “Ê! Xuân khiêng giúp mấy két cá này coi”- một nậu cá gọi với về phía những phụ nữ đang đứng. Một phụ nữ dong dỏng cao, tuổi dưới 50, tay đẩy một chiếc cộ nhỏ vội vàng chạy lại. Chị nhanh chóng chất cá lên cộ rồi chuyển ra xe. Những phụ nữ còn lại cũng lần lượt có việc của mình.

Vợ chồng anh chị Trần Thị Xuân và Nguyễn Hữu Sang (KV6, phường Hải Cảng) làm việc ở Cảng cá đã mười mấy năm nay. Chị Xuân làm “thợ đụng” (đụng gì làm nấy); còn anh Sang thì chuyên làm cho một nậu. “Làm tự do nên đôi khi phải tranh giành, cãi vã, thậm chí đánh nhau để được gánh, được bưng. Còn như ông xã tôi chỉ làm cho một nậu, không phải tranh giành song đói, no lại phụ thuộc vào nậu có mua được nhiều cá hay không. Thường thì được vài chục ngàn đồng, “vô mánh” có thể có cả trăm ngàn đồng một ngày, nhưng cũng có bữa về tay không, hoặc chỉ được năm, mười ngàn, không đủ chi thuốc lá, cà phê “- chị Xuân nói.

 

Xếp hàng đợi cá về. Ảnh: N.V.T

 

Đã hơn chục năm nay, tiền công gánh một két cá (10 đến 15kg) vẫn “bình ổn” ở mức 500 đồng; hốt cá từ thùng sang két, rồi vệ sinh sạch sẽ mới được nhận 5.000 đồng. Ở chợ cá, có nhiều tổ khiêng cá, mỗi tổ có những mối riêng, mối ai người ấy làm, không chen ngang.

Chị Nguyễn Thị Mười (ở KV 7, phường Hải Cảng) cho biết, mấy năm trước, chị làm cho nậu Dung. Nậu Dung nghỉ, chị chuyển sang làm cho nậu Xoa, bình quân mỗi tháng kiếm khoảng 700-800 ngàn đồng. “Làm nghề này phải nhanh, chân năm tay mười. Hốt cá từ thùng sang két, rồi chuyển két ra các xe hoặc vào kho, làm đến đâu phải sạch sẽ đến đó. Mất két thì phải đền 20.000 đồng”- chị Mười cho biết.

Ngoài lực lượng gánh, đẩy cá, ở Cảng cá, còn có những nhóm chuyên mót cá, hay rình những lúc chủ cá sơ ý, “hôi” cá rồi chạy. Những người này thường xuyên bị chủ hàng mắng chửi, thậm chí dùng mái chèo đánh đập khi bị bắt tận tay. Lại có một số người già, trẻ con hàng ngày đi xin cá bán lại hoặc đem về cho gia đình. Chúng tôi gặp hai em Tí, Sỹ (ở xóm Tiêu, phường Quang Trung) đạp xe từ một, hai giờ sáng xuống xin cá. Các em cho biết là thường xin những con cá sứt đầu, đứt đuôi của các chủ xe. Và không phải bữa nào cũng xin được cá.

 

                             Gánh gồng giữa đêm.   Ảnh: N.V.T

 

Sống nhờ vào cá còn có đội quân xích lô, xe thồ, xay đá, làm két... Họ có mặt ở đây và cũng khiêng cũng gánh trong suốt thời gian hoạt động của chợ cá… Những âm thanh hỗn tạp, ồn ào cùng mùi tanh tưởi bốc lên, người không quen khó lòng chịu nổi; còn với họ - những người sống dựa vào chợ cá - sống lâu trong môi trường ấy, nên cả thính giác lẫn khứu giác đều đã bị “trơ” với cả mùi lẫn tiếng…

* Tình người ở chốn lao xao

Chuyện tranh giành, cãi vã, đổ máu vì miếng cơm manh áo ở chợ cá diễn ra hàng ngày. Thậm chí, nói như chị Xuân, nguyên là giáo viên, đôi khi phải biết tạm quên đi lòng tự trọng. Thế mà, nơi đây cũng có những câu chuyện rất cảm động về tình người…

Trong các nậu cá, dân lao động vẫn nhắc đến nậu Hinh (tên thật Lê Thị Hằng, 52 tuổi) là người có tấm lòng nhân ái. Ngày cá nhiều, bà Hinh cho nhân công hưởng theo sản phẩm; mùa biển động không có việc, bà cho gạo hoặc tiền, không để “lính”  đói. Bảy năm trước, hai vợ chồng Đậu Văn Hoàng, Trần Thị Thu khăn gói từ Thanh Hóa vào đây kiếm sống và được bà Ba Hinh nhận vào làm. Tích cóp được 30 triệu đồng, họ muốn mua nhà nhưng còn thiếu 35 triệu đồng nữa, nên hỏi mượn bà Hinh. Không chỉ cho mượn, bà Hinh còn giúp họ tìm mua nhà. Nay thì, đôi vợ chồng trẻ này đã có một căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 1.083 đường Trần Hưng Đạo. Anh Hoàng ngỏ ý trả dần bằng tiền công, bà Hinh gạt đi, bảo cứ lo sửa nhà, sắm xe máy để tiện làm ăn. “Tui thương hai vợ chồng nó chịu khó, siêng năng. Chồng 32 tuổi, vợ 28 tuổi mà vẫn chưa dám có con nên không nỡ nhận tiền lúc này”- bà nói.

 

Mỗi người bỏ vào một lon gạo để nấu cơm chung. Ảnh: T.

 

Trong số những người gánh cá ở đây, không ít người có những cảnh đời éo le. Chị Phạm Thị Sen, 45 tuổi, một mình nuôi người chồng bệnh tật đã hơn hai mươi năm và đàn con 5 đứa đang đi học. “Một năm 365 ngày, Sen chỉ nghỉ vào mùng một Tết. Thường tụi tui chỉ làm một buổi, còn nó “cày” tới hai buổi. Nó thèm ngủ tới mức vừa đi vừa ngủ được mà”- “đồng nghiệp” của chị Sen đã nói vậy về chị. “Hoàn cảnh” không kém là chị Mai nhà ở Hóc Bà Bếp (phường Đống Đa): chồng nghiện rượu, con thì đứa chết, đứa bị bệnh tâm thần. Con gái lấy chồng cũng không có tiền làm mâm cơm cho tươm tất. “Đồng bệnh tương lân” những phụ nữ này đều đỡ đần, nương tựa nhau những lúc khó khăn, những mùa biển không có cá. 

* Vì tương lai con cái

Dân gánh cá thuê ở chợ cá, ngoài “thổ địa” ở trong phường hoặc dân thành phố, còn có không ít người từ các huyện. Căn nhà nhỏ cuối hẻm sát biển phía trên chợ khu Một, là nơi họ thuê trú ngụ.

Hơn 10 giờ sáng, họ lục tục kéo về. Ngả cái xoong khá to giữa nhà, chị Nguyễn Thị Phụng bỏ lon gạo đầu tiên vào đó. Tiếp đến, những người khác cũng lục tục tháo túi gạo của mình, bỏ vào một sét gạo. 11 người là 11 lon. “Gạo thì ở quê đem ra. Còn thức ăn, chủ yếu là cá, xin hoặc mua rẻ ở chợ, thêm chút rau rác là xong một bữa. Tính ra, mỗi ngày tốn chỉ vài ba ngàn đồng tiền chợ”- các chị nói. Trưa hôm ấy, ngoài cơm, các chị còn có thêm món củ mì luộc xin được từ những người đi mót mì.

 

      Đếm “thành quả” sau một ngày làm việc.  Ảnh: T.

 

Căn phòng họ thuê chỉ rộng hơn 10m2, được ngăn ra làm hai. Phần trên cho hai mẹ con nhà bà Phẩm chuyên “hôi cá”; nửa dưới là chốn ăn ở, sinh hoạt của 11 phụ nữ cùng quê thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát. Hai cái giường kê liền nhau choán hầu hết diện tích. Phần còn lại làm lối đi chưa đầy nửa mét, được kê thêm ba chiếc lò. Trên trần nhà, trên tường, lủng lẳng những túm gạo, đồ đạc cá nhân. Sát góc tường bên kia dựng một vạt giường rộng chừng 1,2m, ấy là chốn ngả lưng của năm, sáu con người. “Nằm sao cho hết vậy, các chị?”- tôi hỏi. “Thì nằm ngang, chân thòi ra ngoài chứ sao”- họ trả lời.

Chị Trần Thị Hương nói như an ủi: “Có chỗ dung thân vầy là tạm ổn rồi. Trước, tụi tui ở nhờ trong chợ hoặc mái hiên nhà, mấy lần bị mấy “ông thu gom” rượt chạy té khói vì tưởng là người lang thang cơ nhỡ”. Nhà chị Hương chỉ có năm sào ruộng không đủ nuôi tám đứa con, nên chị xuống Quy Nhơn gánh cá thuê đã hơn chục năm. Những người khác như chị Thu, chị Phụng, chị Sương… cũng đều vậy. Con gái của chị Sương giờ đã có chồng, con , nay cũng tiếp bước theo nghề của mẹ. Ăn nhín nhịn thèm, chí ít mỗi ngày, họ cũng tiết kiệm được ba, bốn chục ngàn gởi về quê nuôi gia đình, cho các con đi học.

“Gánh riết rồi cái chân bị sưng u, nhức mỏi, còn vai thì chai sần lên như thế này này”- chị Sương nói, chìa cho tôi xem đôi vai đỏ tấy, sưng u vì gánh nặng. Đôi vai của những phụ nữ khác cũng chai sần, đen nhẻm đầy những vết gánh cũ, mới. Ngày nào vai sưng, đỏ tấy thì tiền mới nhiều, tính ra một ngày họ gánh không dưới 100 kg cá.

Vì tương lai con cái mà nai lưng ra gánh đã và đang là sự thực và mong ước của nhiều phụ nữ làm việc ở nơi này. Các chị Phụng, Hương, Sương đều đang nuôi con lớn học đại học và con nhỏ học phổ thông. Nhưng họ nói, “kỳ tích” nuôi bốn con vào đại học thì không ai qua nổi bà Năm Gà, cùng quê Cát Thắng, nay đã “giải nghệ” vì yếu sức… Các con của bà Gà học rất giỏi, đỗ đại học ngoại thương, kinh tế, hoặc học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn… giờ đã ra trường, đi làm. “Thấy vậy tụi tui mới ham, mới gắng cho con theo học đến cùng”- họ nói.

  • Thu Hà - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…   (22/02/2009)
Chênh vênh mùa rong mứt  (16/02/2009)
Đi dầu ở Dốc Bay  (09/02/2009)
Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường  (08/02/2009)
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)