Khác với sự hình dung của tôi khi đến với cuộc hẹn, NSƯT Lý Huỳnh đã đứng chờ trước cửa khách sạn, nhanh nhẹn bước đến khoác vai trò chuyện thân mật. Phong độ và cả sự chân thành của ông khiến tôi ngạc nhiên khi nhớ lại ông sắp bước vào tuổi thất thập…
|
NSƯT Lý Huỳnh trong vai anh hùng Nguyễn Nhạc.
|
NSƯT Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942, tại Vĩnh Long. Ông từng thọ giáo nhiều võ sư nổi tiếng, học được nhiều môn võ: võ cổ truyền Việt Nam, võ Thiếu Lâm, quyền Anh. Trước giải phóng, Lý Huỳnh là người từng lên đài và lập nhiều trận thắng nổi tiếng. Võ thuật đã đem đến cho ông cơ hội đóng gần chục bộ phim hành động võ thuật nổi tiếng. Sau giải phóng, sự nghiệp điện ảnh của Lý Huỳnh rẽ sang một hướng khác, nhiều thử thách hơn. Nhưng lại là cơ hội để ông gặt hái thành công với hàng chục vai phản diện. Đột nhiên, ông lại thăng hoa với vai ông nông dân Hai Lúa trong phim “Vùng gió xoáy” (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến). Vai diễn này không chỉ đem lại cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI năm 1983, mà nhiều hơn, từ đó đến nay “Hai Lúa” trở thành tên gọi chung về người nông dân Nam bộ chân chất… “Hai Lúa” cũng là cách mà khán giả, người hâm mộ hình dung về nghệ sĩ yêu quí của mình- Lý Huỳnh.
* Làm thế nào ông có thể thể hiện thành công hàng chục vai phản diện, vai nào cũng có sức hút và ấn tượng riêng như thế?
- Tôi đã sinh sống nhiều năm ở Sài Gòn trước giải phóng, thường xuyên quan sát lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng… của những sĩ quan chế độ cũ. Khi nhận vai diễn, tôi luôn chú ý đến hoàn cảnh xuất thân và tính cách của các nhân vật để thể hiện cho chuẩn xác. Chẳng hạn, một viên sĩ quan chế độ Sài Gòn được đào tạo bài bản thì tác phong và tính cách phải như thế nào, còn sĩ quan xuất thân từ lính đi lên, trình độ văn hóa thấp hơn thì tác phong phải ra sao… Lột tả được những nét tính cách cơ bản đó thì gây được ấn tượng với khán giả.
|
Đoàn làm phim dâng hương tại điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Tây Sơn).
|
* Đang thành công với vai phản diện, lại quay ngoắt sang diễn nhân vật nông dân Hai Lúa, lạ lẫm nhưng xuất sắc hơn. Ông có “bí quyết” nào chăng?
- Để đóng nhân vật Hai Lúa, tôi đã về sống ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, ba tháng ròng. Sống thực sự như nông dân, hòa mình với cuộc sống người nông dân. Tôi lúc đó mới 38 tuổi, sống ở thành thị đã lâu. Trong khi đó, Hai Lúa là lão nông 60 tuổi thích hút thuốc rê, nằm võng, đánh xe ngựa, cày ruộng… nên tôi phải quan sát, học hỏi từng chi tiết nhỏ như cách quấn thuốc rê như thế nào, nằm võng gác chân ra sao để diễn xuất cho chính xác, sống động. Mình có cái may là con nhà võ nên cũng giống tính cách của Hai Lúa đến hơn nửa - chân thật, ăn ngay, nói thẳng. Sống với nông dân, hít thở không khí nông thôn, tôi đồng cảm được với họ, nhờ thế việc diễn xuất trở nên tự nhiên, như là cởi lòng mình ra vậy. Chiều sâu tính cách nhân vật nhờ đó bộc lộ rất rõ ràng mà không khiên cưỡng, thật chứ không giả.
* Vậy đúc kết lại cuộc đời điện ảnh, ông đã rút ra được điều gì?
- Tôi không phải là diễn viên được học hành, đào tạo qua trường lớp bài bản. Nhưng nhờ chịu khó quan sát thực tế, tìm hiểu kỹ vai diễn nên đã có chút ít thành công. Tuy nhiên, cũng phải kể đến sự may mắn khi được làm việc với các đạo diễn giỏi, giao cho vai diễn phù hợp. Bắt tôi diễn những vai hèn yếu, nhu nhược chắc chắn tôi chịu thua. Diễn độc ác, nham hiểm tôi diễn được, chứ diễn nhược hèn thì … (cười)
* Những người con của ông đều đã nổi tiếng trong điện ảnh. Vậy quan niệm dạy con của ông như thế nào?
- Tôi dạy con rất nghiêm. Diễn viên và có là diễn viên nổi tiếng đi chăng nữa thì trước tiên cũng phải là người tử tế, đàng hoàng. Chấp nhận theo cái nghề được công chúng biết đến thì phải biết giữ gìn hình ảnh đó trong công chúng. Đến tận bây giờ, các con tôi đều đã trưởng thành nhưng Lý Hùng, Lý Hương vẫn luôn khoanh tay trước ngực chào hỏi khi gặp người lớn tuổi…
|
Quân Mãn Thanh tháo chạy tán loạn trước sự truy kích của quân Tây Sơn - một đại cảnh trong phim “Tây Sơn hào kiệt”. Ảnh: Văn Lưu
|
* Ông và các con đều nổi tiếng nhưng vợ ông thì ít người biết đến. Ông có thể giới thiệu đôi nét về vợ mình?
- Vợ tôi vốn cũng là đồng môn trong môn phái võ, là người chăm sóc và ủng hộ tận tình mỗi khi tôi đấu đài trước đây. Chúng tôi yêu nhau một thời gian thì có một kỷ niệm nhớ mãi, đó là lần tôi thi đấu quyền Anh với võ sĩ Mạnh Trung Phương – Vô địch 6 tỉnh miền Trung. Lúc đó tôi ra đòn liên tiếp để hạ nốc ao, nhưng đối thủ tránh né bằng cách xông vào ôm chặt người tôi, vậy mà trọng tài không can thiệp. Người yêu tôi đứng dưới bèn nhảy lên võ đài phản đối trọng tài thiên vị, khiến tôi nể và bị “cưa đổ” (cười). Sau này khi lấy nhau rồi, tôi chỉ biết đến võ thuật và đóng phim, nên vợ tôi phải làm đủ việc từ chuyện nuôi heo, sản xuất và buôn bán bút bi… để nuôi chồng và 6 đứa con. Năm 1989, tôi quyết định hợp tác với các hãng phim Nhà nước cũng là nhờ vợ tôi đã “can đảm” đem đồng vốn làm ăn tích góp được bao nhiêu năm để đầu tư. Chúng tôi lấy nhau được 44 năm, tôi luôn hạnh phúc bên vợ, người suốt đời hy sinh vì gia đình.
Sau một thời gian ngắn rời xa điện ảnh, năm 2003, NSƯT Lý Huỳnh đã thành lập Hãng phim Lý Huỳnh. Nhưng đến nay Hãng Phim Lý Huỳnh mới quyết định đầu tư bộ phim lịch sử cổ trang đầu tiên là “Tây Sơn hào kiệt”. Ngày 20.3 vừa qua, đoàn làm phim “Tây Sơn hào kiệt” đã đến Bình Định để thực hiện các cảnh quay tại nhiều địa phương trong tỉnh.
* Điện ảnh Việt Nam chưa giỏi làm phim lịch sử cổ trang, một số phim được đầu tư khá lớn nhưng vẫn thất bại. Vậy “Tây Sơn hào kiệt” sẽ làm thế nào để thu hút khán giả?
- Cho phép tôi nhắc lại một điều - “Tây Sơn hào kiệt” không chỉ là một bộ phim mà còn là tâm huyết đời tôi. Vì vậy tôi đã bỏ ra ba năm để chuyên tâm chuẩn bị cho bộ phim này. Tất cả kinh nghiệm, hiểu biết về điện ảnh của tôi đều được huy động vào đây. Sức cuốn hút của bộ phim sẽ đến từ nhân vật chính đã được dân tộc Việt Nam tôn thờ: Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Phim có những điểm nhấn đặc sắc là các trận chiến, các màn đánh võ cổ truyền Việt Nam và đặc biệt là võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định. Sức cuốn hút của “Tây Sơn hào kiệt” còn nằm ở chỗ nó là bộ phim lịch sử cổ trang Việt Nam hoành tráng nhất từ trước đến nay, chỉ tính riêng kinh phí may phục trang cho phim thôi đã tốn đến… 1 tỉ đồng.
|
Công chúa Ngọc Hân nhận cành đào báo tiệp - một cảnh trong phim “Tây Sơn hào kiệt” Ảnh: Văn Lưu
|
* Nhưng làm sao bộ phim có thể hoành tráng như vậy khi kinh phí đầu tư ban đầu chỉ có 10 tỉ đồng?
- Có người đã nói với tôi rằng với kinh phí 10 tỉ đồng thì chỉ nên đi làm.. phim tình cảm. Nhưng cũng thật may là do làm phim về Quang Trung - Nguyễn Huệ, nên đoàn làm phim đi đến đâu cũng nhận được sự ủng hộ, từ Củ Chi cho đến Bình Dương, Biên Hòa… và đặc biệt là tỉnh Bình Định. Tôi có đến tiền trạm trước ở Bình Định và thấy ngoài việc là cái nôi của phong trào Tây Sơn, vùng đất này còn có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tôi liền xin gặp Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà, trình bày muốn quay nhiều cảnh phim ở Bình Định tại các địa điểm như Bảo tàng Quang Trung, Nhơn Hậu, Hầm Hô, Cát Hải… nhưng kinh phí đầu tư đã gần cạn sau khi đã hoàn thành 2/3 bộ phim. Nghe xong, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà can thiệp để đoàn làm phim được hỗ trợ kinh phí ăn ở, bồi dưỡng các võ sư, võ sinh, diễn viên quần chúng… Đề nghị hỗ trợ được quyết định quá nhanh, khiến tôi xúc động đến “nổi gai ốc”. Mình làm phim với lòng thành nên chắc “Ba ngài Tây Sơn” cũng phù trợ chăng (cười). Đã hơn một tuần làm phim ở đây, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL, các em học sinh, sinh viên đóng vai quân sĩ… Tôi vô cùng biết ơn về những sự giúp đỡ chân tình này.
* Ông có kỳ vọng vào sức hút và doanh thu của bộ phim này ?
- Đã đầu tư sản xuất phim thì ai cũng đều mong được giới chuyên môn và khán giả đón nhận. Uớc nguyện của cả gia đình tôi là toàn bộ tiền lãi có được ủng hộ từ thiện để mổ tim và mổ mắt cho người nghèo. Do đó, tôi luôn hy vọng bộ phim sẽ có được doanh thu cao khi trình chiếu.
* Xin cảm ơn ông.
Một số cảnh Quang Trung -Nguyễn Huệ và nghĩa binh Tây Sơn trong phim Tây Sơn hào kiệt (đang quay tại Bình Định):
|
Nguyễn Huệ tập hợp nghĩa binh, luyện quân.
|
Nông dân tặng bánh tráng, bánh tét cho nghĩa quân ăn tết.
|
Nguyễn Huệ chuẩn bị tiến quân ra Bắc.
|
|
Quang Trung dẫn đoàn quân thần tốc tiến ra Bắc Hà.
|
|
|
Nguyễn Huệ cùng Ngọc Hân dạo chơi bên bờ suối. Ngọc Hân tình cờ bị trượt chân được Nguyễn Huệ đưa tay nâng đỡ và... tình yêu của họ nẩy nở. | |
|
Nguyễn Huệ gặp Nguyễn Thiếp bàn việc đại sự. |
|
|
Nghĩa quân Tây Sơn vượt sông đánh quân Thanh.
|
|
Quang Trung đánh vào đồn Ngọc Hồi. |
|
|