Họ sống xa cách người thân, xa cách những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, trong một gian nhà đơn sơ được dựng lên giữa đại ngàn. Giấc ngủ chập chờn về đêm để không phải bỏ qua động tĩnh nào trong những cánh rừng. Ban ngày, với vắt cơm mang theo, họ rảo những bước chân miệt mài đi khắp rừng già để kiểm tra, ngăn chặn hoạt động của lâm tặc. Cuộc sống của họ là sự bình yên của những cánh rừng.
|
“Con Win” xuôi dốc vào rừng sâu. |
* 15 năm giữa đại ngàn
Theo chân anh Võ Văn Toàn, cán bộ kỹ thuật của Công ty Lâm nghiệp Sông Côn, chúng tôi phóng xe máy trên con đường tránh lòng hồ Định Bình theo hướng từ Vĩnh Thạnh đi về huyện Kbang (Gia Lai) để tìm một con người đã có 15 năm sống giữa đại ngàn để làm công tác quản lý, bảo vệ những cánh rừng thuộc lâm phần do Công ty quản lý. Đến góc ngoặt rẽ về huyện Kbang, một căn nhà xây đơn sơ hiện ra trước mắt chúng tôi, trông thật nhỏ nhoi bên cạnh những cây rừng đại thụ, phía trên gắn tấm biển nhỏ “Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Lò Than”.
May mắn cho chúng tôi, hôm nay đúng lịch anh Phạm Trung, người chúng tôi muốn tìm, đang ở nhà trực Trạm. Thấy có khách, anh Trung nở nụ cười rạng rỡ: “Bất ngờ quá, 15 năm sống ở đây chẳng mấy khi chúng tôi được tiếp khách như thế này. Trà nhạt nhé, sống giữa rừng thì trà loại nào cũng là “trà xịn” cả, thông cảm cho lính gác rừng”.
Những câu chuyện kể của anh Trung nối tiếp nhau theo những ngụm trà: “Trước khi có con đường tránh lòng hồ Định Bình, đời sống của anh em chúng tôi thiếu thốn mọi bề: đêm sống với đèn dầu; thức ăn là đồ muối mặn; khó có dịp nhìn thấy bóng người ngoài; không báo chí, tin tức… Rồi thì, nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con luôn ray rứt trong lòng. Muốn về thăm nhà vài ngày chỉ có nước chờ khi nào có xe của cơ quan vào khai thác gỗ thì mới bám theo. Để vượt qua nỗi nhớ, nỗi thiếu thốn trong cuộc sống, tôi luôn nhắc lòng: làm lâm nghiệp là phải ở rừng chứ ở đâu nữa! Lâu dần rồi cũng quen. Bây giờ cuộc sống ở đây đã đỡ hơn trước rất nhiều. Chúng tôi được Công ty cung cấp máy phát điện, tivi, báo (dù báo về có muộn). Từ khi có đường tránh lòng hồ Định Bình, ngày nào cũng có những cái “chợ chạy” dừng lại đây, trước khi vào bán tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, nên chúng tôi đã được thưởng thức những món ăn tươi sống mỗi ngày”.
|
Anh Phạm Trung đang luồn rừng đi tuần tra. |
* Theo chân người “gác rừng”
Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Lò Than có ba người (anh Trung là Tổ trưởng) mà phải quản lý đến 4.780 ha rừng tự nhiên nằm trên địa bàn sáu tiểu khu. Những con số trên cho thấy trách nhiệm của những thành viên trong trạm là rất nặng nề. Tổ trưởng Phạm Trung chịu trách nhiệm ba tiểu khu: 153, 154 và 183; anh Đinh Xuân Quang quản lý hai tiểu khu 175 và 167; anh Nguyễn Văn Long chỉ quản lý tiểu khu 168, vì tiểu khu này có chiều dài đến 10km. Ngoài công việc mỗi ngày đi tuần tra, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của lâm tặc, vào mùa nắng nóng, nhân viên bảo vệ rừng Trạm Lò Than còn phải luôn cảnh giác với nạn cháy rừng.
Anh Phạm Trung kể: “Sáng nào, chúng tôi cũng dậy sớm nấu cơm ăn sáng rồi vắt lại để anh em tuần tra rừng dỡ theo. Mỗi người trực trạm một ngày, hai người còn lại đúng 7 giờ sáng là nổ xe máy chạy đến khu rừng mình quản lý, giấu xe trong rừng xong là đi bộ len lỏi trong từng tiểu khu. Mặc dù được trang bị súng, dùi cui điện, nhưng đơn độc trong rừng sâu cũng “lạnh lưng” lắm”. Cái “lạnh lưng” của những người gác rừng ở đây là có thật, bởi khi đang khai thác hoặc vận chuyển gỗ trái phép mà gặp phải những người gác rừng, thì lâm tặc sẽ không “từ” bất cứ một kiểu uy hiếp nào để thoát thân hoặc tẩu tán tang vật.
Để được nếm trải cái cảm giác “lọt thỏm” giữa đại ngàn, chúng tôi đề nghị anh Trung dắt chúng tôi vào rừng theo lối đi tuần của anh hằng ngày. Vui vì được chia sẻ, anh Trung lập tức khoác súng, đội mũ, dắt “con Win” ra nổ máy. Để đến các tiểu khu thuộc địa bàn anh quản lý, “con Win” phải “nhảy cẫng” trên con đường dài 7km đầy những “ổ voi” và những con dốc dựng đứng. Đến nơi, anh Trung giấu xe vào lùm cây rậm, rồi dắt chúng tôi luồn vào rừng sâu.
|
Anh Trung với đôi tất chống vắt mùa mưa. |
Vừa đi, anh Trung vừa kể: “Mùa nắng thì việc đi tuần đơn giản hơn, mùa mưa mới thật sự cơ cực. Đường đi đã hiểm trở, lại trơn trợt, thêm cái nạn vắt rừng tấn công. Thường mùa này, lâm tặc ngưng vận chuyển gỗ vì đường đi khó khăn, nhưng lại dồn lực khai thác rồi giấu gỗ trong rừng, đợi nắng lên chuyển ra đi bán, nên chúng tôi càng phải nỗ lực tuần tra. Trước đây nếu gặp sự cố, chúng tôi sẽ phải chạy bộ băng rừng về đến Ban chỉ huy Đội Quản lý- Bảo vệ rừng số 1 để báo cáo, rồi gọi điện về Công ty xin tiếp viện. Bây giờ thuận lợi hơn nhờ có điện thoại di động, thế nhưng, trong rừng không phải chỗ nào cũng có sóng, phải chạy khắp rừng để tìm nơi có sóng cấp báo về đội. Có không ít lần chưa kịp ứng phó thì đã bị lâm tặc cho ăn đòn. Năm 1995, khi nạn khai thác gỗ hương của lâm tặc mạnh lên, trong lúc đi tuần tại vùng giáp ranh với xã Nghĩa An (huyện Kbang) thì tôi phát hiện bốn lâm tặc đang vận chuyển gỗ trên hai chiếc xe Honda. Thấy tôi chỉ có một mình, chúng ép xe chở gỗ vào xe tôi, rồi đột ngột dùng cây đánh mạnh vào đầu. Vừa hết choáng váng thì chúng đã “lặn mất tăm” giữa rừng. Nhiều đêm ngủ cũng không yên giấc, nếu nghe tin báo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số có lâm tặc đang hoạt động là cả tổ phải lên đường ngay, nhiều vụ phải đi trong rừng đến gần sáng mới tiếp cận được hiện trường”.
* Gieo tình giữa rừng sâu
Trong khi thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, những người “gác rừng” còn kết hợp về tận những làng đồng bào dân tộc thiểu số ở trong lâm phần mình quản lý, để kết tình thân, dần dà cảm hóa họ trở thành những cộng tác viên đắc lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Anh Trung cho biết: “Tôi phụ trách Đăklot và phụ trách chung, anh Quang phụ trách làng ĐăkHmuông, anh Long phụ trách hai làng Đăkkhâm và Đăkeng. Hằng ngày, đi tuần đến khu vực nào thì sẽ ghé vào làng ấy gặp gỡ, trò chuyện với bà con và hướng dẫn họ kỹ thuật canh tác lúa nước. Họ rất nhanh quên, nên gần như phải nhắc nhở trong từng mùa vụ. Gần gũi lâu hóa thân thiết, cứ ghé thăm làng là được chiêu đãi rượu cần”.
|
Người gác rừng thân thiện với dân làng ĐăkHmuông. |
Như để minh chứng cho tình gắn bó như “cá với nước” giữa những người gác rừng ở Trạm Lò Than và bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, anh Trung dắt chúng tôi xuôi một con dốc dựng đứng để “lọt” xuống làng ĐăkHmuông (thị trấn Vĩnh Thạnh). Làng có 9 hộ dân được di dời về đây vào năm 2001 để nhường đất cho lòng hồ Định Bình. Trước đây, vùng đất này là một bãi cỏ tranh khổng lồ, 9 hộ dân về đây đã khai hoang được 10 ha đất sản xuất lúa nước và trồng mì. Nhờ sự hướng dẫn của anh em trong Trạm Lò Than, bà con ở đây đã cơ bản nắm bắt được kỹ thuật canh tác, biết trồng mì cao sản nên lương thực đủ tự cung tự cấp. Hằng ngày, theo những con suối trong rừng kiếm thêm con cua, con cá làm thức ăn tươi cộng với khoản thu nhập “cứng” từ việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, cuộc sống của bà con ở đây đã dần ổn định.
Ghé thăm nhà Bok Mường (sinh năm 1943), chúng tôi gặp ngay cảnh dân làng đang tập trung trên sàn “vít can” uống mừng giá mì vừa tăng, các lái mì đã tìm về làng lùng mua và bán được thêm tiền. Nhận được những lời mời nhiệt tình, chúng tôi liền nhập cuộc. Sau một tuần “can” trong ché rượu vừa mới ra lò, Bok Mường thân tình: “Cán bộ ở Trạm thường xuyên ghé thăm làng, dạy chúng tôi làm lúa nước, cho giống, cho phân. Mùa lúa rẫy nào cán bộ ở Trạm cũng mang rượu về biếu và chung vui với chúng tôi cả ngày. Thân thiết nhiều, nên hằng ngày đi theo suối bắt cá, nếu gặp lâm tặc phá rừng, chúng tôi cho người báo cáo với cán bộ ngay”.
Anh Phạm Trung phấn khởi: “Từ khi Công ty Lâm nghiệp Sông Côn thành lập những trạm quản lý, bảo vệ rừng ngay giữa rừng sâu, lâm tặc không còn dám hoành hành như trước, bởi nếu chúng dùng cưa xăng đốn cây sẽ bị phát hiện ngay. Càng ngày, những cánh rừng giáp ranh giữa Vĩnh Thạnh và Kbang càng được bình yên hơn”.
|