Mai này, phố thị Bồng Sơn...
9:22', 6/4/ 2009 (GMT+7)

Năm 2010 là mốc thời gian để thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) trở thành đô thị loại IV. Diện mạo của một đô thị đang  thành hình bằng sự quyết tâm, nỗ lực không chỉ của lãnh đạo huyện, thị mà còn từ sự góp sức từng ngày, từng giờ của mỗi người dân Bồng Sơn.

 

Một góc thị trấn Bồng Sơn hiện nay. Ảnh: Minh Tuấn

 

* Hiện dần gương mặt phố

Đến Bồng Sơn bây giờ, ai cũng có thể cảm nhận được tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng gấp gáp và khẩn trương. Những tuyến đường liên thôn, liên khối đã nhanh chóng được bê tông hóa. Nhiều con đường nội thị cũng đang được mở rộng, nối dài; thi công bó vỉa, thảm nhựa; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng…

Đường Trần Hưng Đạo nối từ Quốc lộ 1A mới đến ngã tư đường Lê Lợi dài 780m, trước chỉ rộng 12m (thảm nhựa có 3m) nay cũng đã được giải tỏa, mở rộng thành 18m. Đường tuy chưa xây dựng hoàn chỉnh, nhưng vẫn đem lại cảm giác “thênh thang” cho những người dân sống ở đây. Ông Nguyễn Xiền, 55 tuổi ở khối Liêm Bình bày tỏ: “Đây là con đường huyết mạch nối huyện Hoài Nhơn với huyện An Lão, trước đây nhỏ bé, bụi bặm, dễ xảy ra tai nạn giao thông… Giờ thì, đường đã rộng hơn, thông thoáng hơn, bà con chúng tôi ai cũng rất vui mừng”.

Việc mở rộng gần 1km đường Trần Hưng Đạo không hề đơn giản. Đã có 125 hộ dân hai bên đường bị mất đi một phần đất đai, nhà cửa, hoa màu. Người nhiều, mất hàng trăm m2 đất, người ít cũng hàng chục, vài chục m2. Cũng như nhiều tuyến đường đã được mở rộng, cải tạo để phát triển hạ tầng được thực hiện trong nhiều năm qua, thị trấn Bồng Sơn vẫn áp dụng chủ trương: vận động dân hiến đất! “Tất đất tấc vàng” nhưng vì thị xã Bồng Sơn trong tương lai và vì cái chung, nên hầu hết những người dân thị trấn đều đồng thuận.

 

Bên cạnh con đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ sông Lại nên thơ sẽ là Khu Hành chính - Dịch vụ - Thương mại - Dân cư Bạch Đằng trong tương lai.

 

Để mở đường Trần Hưng Đạo, gia đình ông Nguyễn Xiền đã phải “hy sinh” 76m2 đất trải dài trên mặt tiền đến 24m với số tiền đền bù nhà, đất vỏn vẹn 47 triệu đồng! Hiện, ông Xiền đang thuê thợ cải tạo lại căn nhà đã bị “chặt” đi một phần để mở đường. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ nói: “Nhờ mở đường mà gia đình tui có cơ hội làm lại nhà khang trang hơn đấy chứ! Tuy có thiệt thòi chút đất, nhưng tui nghĩ Nhà nước mở đường là vì dân sinh, giúp cho dân đi lại, làm ăn tốt hơn, thuận lợi hơn, xã hội phát triển hơn, nên tui rất vui…!”. Vợ chồng ông Huỳnh Yên, 62 tuổi, ở thôn Liêm Bình, cũng bày tỏ: “Chúng tôi chỉ mong đường mau chóng hoàn thành cho sạch, đẹp chứ chẳng mấy quan tâm đến giá đền bù…”.

Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Bồng Sơn, ước tính: “Trong những năm qua, để mở rộng các tuyến đường nội thị, đã có khoảng 2.000 hộ dân thị trấn bị ảnh hưởng về đất đai, cây cối, hoa màu… Nhưng hầu hết người dân Bồng Sơn đã hưởng ứng chủ trương của thị trấn và tự nguyện hiến đất, góp một phần công sức và của cải để xây dựng quê hương...”.

Không chỉ cải tạo, phát triển mạng lưới giao thông, thị trấn Bồng Sơn đang được quy hoạch và từng bước đầu tư để phát triển về mọi mặt… Chợ Bồng Sơn hiện cũng đã được nâng cấp với kinh phí gần 900 triệu đồng. Trường Tiểu học Bồng Sơn lâu nay bị “vướng” ở tiêu chí diện tích đất trên “đầu” học sinh, nay đã được mở rộng thêm 7.500m2, tạo điều kiện cho trường đạt chuẩn Quốc gia… Rồi các khu dân cư Tây Bắc chợ Bồng Sơn rộng 10ha; khu dân cư dịch vụ bến xe và đồng Đất Sét rộng 15ha đã được quy hoạch chi tiết cho tiến trình đô thị hóa…

 

Trường Tiểu học Bồng Sơn đã được xây dựng và mở rộng.

 

* Thị xã bên bờ sông Lại

Là đô thị miền đồng bằng duyên hải miền Trung, thị trấn Bồng Sơn có tổng diện tích tự nhiên 1.704ha, chiếm 4,1% diện tích toàn huyện Hoài Nhơn. Dân số của thị trấn thuộc vào hàng đông nhất so với các thị trấn trong tỉnh, với 21.426 người. Theo đồ án quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí thông qua, đô thị loại IV Bồng Sơn trong tương lai sẽ là toàn bộ thị trấn Bồng Sơn và các thôn Lại Khánh, Bình Chương, Bình Chương Nam, Văn Cang (xã Hoài Đức); Đệ Đức 1, Đệ Đức 2, Đệ đức 3 (xã Hoài Tân) với dân số hiện trạng là 39.252 người, diện tích đất tự nhiên ở khu vực nội thị sẽ là 1.050ha. Đến giai đoạn 2, phát triển lên thị xã (năm 2025), dự kiến tổng diện tích đất tự nhiên là 18.049ha (trong đó, đất nội thị là 1.560ha, đất ngoại thị 16.489ha), dân số khoảng 103.000 người. 

Theo ông Trương Công Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, thì điểm nhấn của đô thị Bồng Sơn trong tương lai sẽ là khu vực phía Đông thuộc xã Hoài Xuân và chạy dọc sông Lại Giang. Một dự án xây dựng Khu Hành chính- Dịch vụ- Thương mại- Dân cư Bạch Đằng ngay bên bờ Lại Giang rộng 34ha, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 151 tỉ đồng, đã được quy hoạch chi tiết và đang triển khai giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1).

Từ ngày cầu Bồng Sơn mới được xây dựng và con đường Bạch Đằng được mở ra chạy dọc theo sông, người Hoài Nhơn đã có thêm một không gian sống thơ mộng và yên bình. Sáng sáng, nam thanh, nữ tú, người già, trung niên đổ ra bờ sông chạy bộ, tập thể dục. Chiều tan tầm, từng nhóm công chức tụ tập ngồi đón gió Lại Giang… Nhà làm việc Huyện ủy là công trình kiến trúc đầu tiên và sắp hoàn thành trong Khu Hành chính- Dịch vụ- Thương mại- Dân cư Bạch Đằng. Tiếp đến sẽ là công sở của một số cơ quan hành chính khác… Tại đây, rồi sẽ mọc lên trung tâm thương mại, quảng trường, các nhà hàng, dịch vụ, khu dân cư với kiến trúc hiện đại và mở rộng trung tâm thị xã tương lai dọc theo hai bên bờ sông.

Việc xây dựng thị trấn Bồng Sơn lên đô thị loại IV sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế phù hợp với một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phía Bắc tỉnh. Đô thị Bồng Sơn cũng sẽ đảm nhận vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Để phát triển, cơ sở hạ tầng xã hội sẽ được xây dựng quy mô đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn sẽ được nâng cấp để đảm bảo quy mô 230 gường bệnh. Chợ Bồng Sơn bán buôn và bán lẻ lớn nhất của khu vực phía Bắc tỉnh, là đầu mối giao thương hàng hóa của các khu vực lân cận cũng sẽ được nâng cấp. Hệ thống các trường mầm non, phổ thông được quy hoạch mở rộng và xây dựng thêm, đáp ứng chuẩn của một thị xã.

Ông Trương Công Tịnh cho biết: “Trên cơ sở 250ha đất nội thị hiện có, để đảm bảo nâng cấp phát triển thị trấn lên đô thị loại IV trong tương lai gần, khu vực nội thị sẽ được chỉnh trang, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng đã có; đồng thời với việc xây dựng, phát triển và mở rộng đô thị về phía Tây và phía Nam với các khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các khu dân cư. Đây là khu vực có quỹ đất dồi dào, không bị ngập lụt và các khu đồi thấp phía Bắc có mật độ xây dựng thấp, đất đai chủ yếu là đầt trồng màu và cây công nghiệp, rất thuận lợi cho việc xây dựng...”.

Đứng trên cầu Bồng Sơn, tôi mường tượng đến thị xã tương lai bên bờ sông Lại. Rồi đây những bờ xe nước ngày đêm kẽo kẹt trên dòng sông Lại sẽ chỉ còn là ký ức của người Bồng Sơn… Trong năm nay, cầu Bồng Sơn sẽ được sửa chữa lại với kinh phí đầu tư 21,4 tỉ đồng. Các giải pháp nạo vét khơi thông, kè bờ bảo vệ và xây dựng đập dâng sông Lại cũng đang là mong muốn của lãnh đạo và mỗi người dân nơi đây nhằm khai thác hiệu quả con sông này, tạo cảnh quan cho việc xây dựng và phát triển một đô thị nên thơ, hiện đại dọc hai bên bờ sông.

 

Đường Trần Hưng Đạo nối Quốc lộ 1A (mới) với đường Lê Lợi đã được mở rộng.

 

* Vĩ thanh

Để có một tương lai rực rỡ đó, thị trấn Bồng Sơn hiện nay sẽ phải vượt qua không ít khó khăn, nhất là việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hoài Nhơn ở xa trung tâm thành phố Quy Nhơn, xa cảng biển… việc thu hút các nhà đầu tư về huyện là không dễ. Hiện Bồng Sơn mới chỉ có một cụm công nghiệp rộng 12ha thu hút được 9 doanh nghiệp đang đầu tư ở một số ngành nghề. Phát triển lên đô thị loại IV, Bồng Sơn sẽ phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng phát triển công nghiệp, giảm nông nghiệp. Người nông dân cũng sẽ phải được định hướng sản xuất theo tác phong công nghiệp. Rồi, rất nhiều vấn đề của một đô thị đang đặt ra như những bất cập trong quản lý đất đai, nhà ở, quản lý trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…

Ông Trương Công Tịnh cho biết: “Những hạng mục cần đầu tư xây dựng thì rất nhiều nhưng huyện đang rất khó khăn về nguồn vốn. Kinh phí xây dựng công trình chỉ dựa vào nguồn đấu giá đất cho dân, nhưng mỗi năm cũng chỉ được vài chục tỉ đồng…”.

Thế nhưng, Bồng Sơn đang có “nội lực” rất lớn là sự đồng lòng, quyết tâm phấn đấu lên thị xã của mỗi người dân. Anh bạn người Bồng Sơn của tôi cũng đã phải “hy sinh” rất nhiều vì sự đổi thay của phố thị (gia đình bị giải tỏa hơn 13.000m2 đất và 250 cây dừa đang ra trái). Bảo là không buồn, không tiếc thì không phải, nhưng tất cả vì cái chung. Nguồn “vốn” từ nhận thức và ý thức công dân trong quá trình xây dựng văn minh đô thị là tài sản vô cùng lớn, không đong đếm được…

  • Q.Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…   (22/02/2009)
Chênh vênh mùa rong mứt  (16/02/2009)
Đi dầu ở Dốc Bay  (09/02/2009)
Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường  (08/02/2009)
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)