Con đường dài 44 km tựa như sợi dây vắt ngang sườn núi, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh đưa chúng tôi từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến chân trạm vi ba Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), nơi có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Giữa lưng chừng trời mây ấy, tưởng chừng chẳng có ai sống, nhưng vẫn có những con người ngày đêm bám trụ giữ cho “mạch máu thông tin” được thông suốt.
Anh Ngô Văn Vẻ, công nhân gác trạm vi ba Vĩnh Sơn, người có thâm niên trên 13 năm gắn bó với trạm vi ba này, chạy ra đón chúng tôi, vồn vã: Lâu lắm rồi mới có người từ Quy Nhơn lên đây, còn thường ngày thì chỉ hai anh em chúng tôi vừa làm việc, vừa quanh quẩn bên nhau. Câu chuyện giữa chúng tôi với anh Vẻ đã quay lại những ngày đầu đưa anh đến với công việc này. Đó là năm 1996, khi trạm vi ba Vĩnh Sơn được thành lập.
|
Anh Ngô Văn Vẻ kiểm tra thiết bị vi ba. |
- Anh có thể cho biết “cơ duyên” nào đưa anh đến với công việc gác trạm vi ba giữa lưng chừng núi này ?
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi chọn thi vào Trường Công nhân Bưu điện II (Đà Nẵng), vì gia đình mình lúc ấy quá khó khăn, phải chọn học một trường nào đó, có thể sớm ra trường đi làm phụ giúp bố mẹ. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi xin vào làm việc tại Công ty Điện Báo - Điện thoại (Bưu Điện tỉnh). Cùng lúc ấy, công ty vừa xây dựng và đưa vào hoạt động trạm vi ba Vĩnh Sơn, đang rất cần người. Sức trẻ, cộng với máu phiêu lưu, tôi đã đăng ký và được cơ quan phân công về công tác tại đây. Từ đó đến nay, tôi đã gắn bó với núi rừng Vĩnh Sơn và với công việc này …
- Ngày đầu tiên mới lên công tác, cảm giác của anh như thế nào ?
Thú thật, tôi là người sinh ra và lớn lên ở TP Quy Nhơn, lần đầu tiên ra trường làm việc, lại làm việc ở một nơi quá hẻo lánh nên cũng rất buồn. Quãng đường từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh lên đến trạm vi ba Vĩnh Sơn dài trên 40 km, phải qua 2-3 lần thay đổi phương tiện, lúc đâu là đi ô tô, sau là xe máy và cuối cùng là đi bộ 8 km, đã đủ để tôi biết được rồi đây công việc của mình buồn tẻ và vất vả đến mức nào. Đêm đầu tiên xa nhà, xa bạn bè và người thân, tôi đã không giấu được nước mắt và cảm thấy lo lắng nhiều lắm. Lo liệu mình có làm được công việc này không ? Liệu mình có theo đuổi được nghề này mãi không ? Nhưng rồi mọi việc đã trôi qua một cách tốt đẹp.
- Công việc hàng ngày mà anh đảm nhận tại trạm vi ba này là gì?
Công việc hàng ngày của chúng tôi là: Chạy máy phát điện; bảo dưỡng máy móc thiết bị; đo đường dây; kiểm tra máy định kỳ báo cáo về trung tâm; xử lý các sự cố về sóng; giám sát tuyến và kênh liên lạc, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt cho cả mạng lưới.
Ngoài ra, trạm vi ba Vĩnh Sơn còn làm nhiệm vụ phát triển các máy cho 2 xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim của huyện Vĩnh Thạnh. Nơi đây là vùng cao của tỉnh và là nơi có Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn - một trong những nhà máy thủy điện lớn của quốc gia - nếu thông tin liên lạc bị tắc nghẽn, dù chỉ vài chục phút thôi cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế, đó là chưa nói đến an ninh quốc gia. Vì vậy, anh em chúng tôi phải thay nhau bám trụ theo dõi và phát hiện kịp thời các sự cố để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho mọi người.
|
Trạm vi ba Vĩnh Sơn. |
Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, cái lạnh lúc nào cũng thấu đến tận xương tủy! Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của thời tiết chẳng thấm tháp vào đâu so với việc các anh phải đối mặt với thần sét. Cột sóng vi ba là nơi thường xuyên được ông Thiên Lôi “ghé thăm”.
Anh Vẻ tâm sự: Vào các tháng mưa giông (từ tháng 4 đến tháng 8), các anh chỉ cần lên đây sống chừng 1 tuần thì biết thế nào là sấm sét. Cuộc sống của anh em chúng tôi lâu nay đã quen với sấm sét rồi. Có đêm sét ghé thăm tới mấy chục lần, có lúc sét dựng tất cả chúng tôi dậy cùng một lúc. Bây giờ chỉ cần nhìn mây trôi trên trời là biết có thần sét ghé thăm hay không và ghé thăm với mức độ như thế nào. Do đã quen, nên chúng tôi không còn sợ sét đánh nữa. Cái mà chúng tôi sợ nhất mỗi khi có sét là làm thế nào để bảo vệ cho được thiết bị, máy móc. Dù đã có kinh nghiệm trong việc chống sét, nhưng có những lúc chúng tôi trở tay không kịp. Đó là vào tháng 5.2006, trời bỗng trở nên u ám đến kỳ lạ, mưa giông bỗng chốc kéo về. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trực vi ba, tôi lập tức cắt toàn bộ điện ở trạm biến thế, cho máy hoạt động ở nguồn điện dự trữ. Vừa thực hiện những thao tác này xong, một tia chớp khổng lồ dội xuống ngọn núi, cả trạm biến thế điện như bật lên khỏi mặt đất. Khi sét đánh trúng trạm vi ba, cả luồng điện sáng lòa chạy quanh thân cột rồi đi xuống đất. Và rồi một card mạng đã bị sét đánh hỏng, chúng tôi phải nhanh chóng khắc phục sự cố ngay.
- Công việc là vậy. Còn những sinh hoạt hàng ngày của các anh tại đây?
Với những người lần đầu lên đây, để được lùa tay vào trong mây, được với tay lên hái sao trời, thì nơi đây cũng có phần thi vị. Nhưng đối với những người phải “ăn đời ở kiếp” ở đây thì điều kiện sinh hoạt thật không dễ dàng gì. Mùa mưa gió, chúng tôi phải đối mặt với cái lạnh đến thấu xương. Mùa nắng, chúng tôi phải lo chuyện nước sinh hoạt. Nguồn nước dự trữ có năm không dùng đủ, phải tiết kiệm từng giọt. Do điều kiện ở xa, nên mỗi ca bắt buộc phải có 2 người, trực 24/24 giờ và liên tục trong suốt từ 7-10 ngày liền. Hai người được đổi ca xuống núi, khi quay lên phải mua gạo, mắm muối và thức ăn khô mang lên dự trữ đủ để cho cả 2 người ăn trong thời gian nửa tháng trời. Mọi công việc từ nấu nướng, chợ búa, khâu vá, giặt giũ ...hai anh em cùng ca trực phải thay nhau tự biên tự diễn.
|
Ghi nhật ký trực vi ba. |
- Hơn 13 năm gắn bó với núi rừng để “giữ mạch máu thông tin”, chắc anh có nhiều kỷ niệm?
Hơn 13 năm nay tôi chưa một lần được đi chúc Tết, vui vẻ cùng gia đình, bạn bè vào đúng những ngày Tết. Vào dịp Tết, nhu cầu thông tin liên lạc tăng lên đột biến. Những người đi xa luôn có nhu cầu được nghe giọng nói của người thân, nên lưu lượng điện thoại tăng cao, anh em chúng tôi phải căng mình ra làm việc, quyết không để xảy ra sự cố. Bởi vậy, mặc dù vào 3 ngày Tết, lãnh đạo quan tâm gửi quà lên cho anh em gác trạm vi ba ăn Tết, nhưng chúng tôi luôn dặn lòng mình: không được phép say sưa dù chỉ một chút. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của mình, có thể làm cho hàng trăm con người khác bị ngắt liên lạc với bạn bè, người thân. Đến giấc ngủ chúng tôi cũng chia nhau, người ngủ người trực. Ngay cả những vấn đề tình cảm gia đình chúng tôi cũng phải hy sinh. Cách đây 6 tháng, lúc vợ chuyển dạ sinh con, nhận được tin báo nhưng vì công việc tôi cũng không thể về được.
Chúng tôi bịn rịn chia tay anh khi trời đã về chiều. Anh Vẻ đứng nhìn theo bóng khách khuất dần giữa núi rừng Vĩnh Sơn trùng điệp. Xa xa, những đám mây mù kéo đến giăng kín sườn núi. Anh vội vã quay trở lại với những công việc thường ngày, nhằm giữ cho “mạch máu thông tin” luôn được thông suốt.
|