Dù đã ngoài 80 tuổi, bok Hưa ở xã Bok Tới vẫn đam mê với nghề làm gùi, vạt, nỏ, khung dệt…; còn bok Chắt, giá Chanh, bok Sĩ, bok Hay… thì làm cây nêu, đàn Pơlơnkhơn, đàn T’rưng… Họ được coi là “người giữ lửa” cho văn hóa truyền thống dân tộc Bana ở hai xã vùng cao Bok Tới và Đăk Mang của huyện Hoài Ân. Song mỗi người trong số họ đều canh cánh nỗi lo thất truyền…
|
Đã ngoài 80 tuổi, Bok Hưa vẫn miệt mài vào rừng, bứt mây về vót, đan gùi, vạt cho người Bana trong và ngoài làng.
|
* “Báu vật” của làng
Những ngày đầu tháng 4, giữa đại ngàn Bok Tới và Đăk Mang, chúng tôi lặn lội tìm gặp các nghệ nhân đã và đang âm thầm làm nhiệm vụ lưu truyền những giá trị văn hóa của người Bana.
Ở làng T2 (xã Bok Tới), chúng tôi được anh Đinh Văn Ngốp, cán bộ văn hóa xã, đưa đến nhà giá Chanh (69 tuổi). Bước vào một ngôi nhà sàn nhỏ, chúng tôi đã nghe một giọng hát phụ nữ cất lên ngọt, ấm. Giọng hát gây xao xuyến lòng người dù tôi không hiểu tiếng Bana. Anh Ngốp giới thiệu: “Người đang hát là giá Chanh đó. Giá là người hát hay và biết nhiều bài hát của người Bana nhất xã. Giá biết dùng cây Tai Mang khô làm đàn Pơlơnkhơn, một loại đàn treo ở bờ nương, góc rẫy để đuổi chim muông và thú rừng đến phá hoại cây trồng…”.
Thấy khách tới nhà, giá ngừng hát, niềm nở đem ché rượu ở góc nhà sàn ra mời. Vừa uống rượu, giá vừa kể: “Cái miệng mình nó thích hát từ khi biết nói. Cái tai mình thích nghe tiếng đàn của cha mình từ lúc nào không nhớ nổi”. Cũng vì mê đàn, ngày nhỏ, có đêm một mình giá lặn lội lên rẫy lấy đàn của cha treo trên thân cây xuống tập đánh. Năm 15 tuổi, giá được cha truyền dạy đánh và làm đàn Pơlơnkhơn. Dần dà, giá trở thành người đánh đàn Pơlơnkhơn giỏi nhất vùng. Giá có thể đánh đàn cả ngày lẫn đêm ở các lễ hội, đám cưới của người Bana mà không biết mệt. Còn việc hát dân ca Bana, giá nghe nhiều, rồi ngấm vào người lúc nào không biết. Chồng giá, bok Chắt (75 tuổi) cũng là người làm cây nêu giỏi nhất vùng. Mỗi cây nêu huy động khoảng 30 người làm từ 3-7 ngày. Nhưng chỉ bok Chắt là người khắc hoa văn hình con mang, khỉ, voi, đại bàng… chìm hoặc nổi đẹp nhất.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân:
Để các giá trị văn hóa của người Bana được gìn giữ, lưu truyền, cần có sự đầu tư từ Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh cho công tác điều tra, sưu tầm, mở lớp dạy đàn, hát, kể chuyện... Từ năm 2010-2012, huyện sẽ cấp cho mỗi xã 2 triệu đồng/năm từ Chương trình 135 để sử dụng mua sắm đàn, cồng chiêng hoặc hỗ trợ cho các đội văn nghệ tập luyện, học đánh đàn, đan đác, làm cây nêu… |
Ở xã Đăk Mang, chúng tôi được các bok kể lại câu chuyện về bok Du giỏi chơi các loại đàn, nhất là đàn Pơren và là người giữ: “kho báu” chuyện cổ tích của người Bana. Từ nhỏ, cậu bé Du đã được người mẹ của mình kể cho nghe những câu chuyện thần thoại về chàng Giông, về sức mạnh phi thường của thần sét... Hơn 12 tuổi, bá Du đã thuộc vanh vách những câu chuyện dài như con suối, như vực sâu của làng O6, rồi của cả vùng đại ngàn ở Hoài Ân. Cứ sau một ngày lao động mệt nhọc, buổi tối, bà con ở làng O6 lại tụ tập tại nhà rông hoặc nhà bá Du để nghe kể chuyện. Cũng có khi ở ngay trên rẫy, mỗi lần cao hứng, bá Du lại vừa đánh đàn, vừa cất cao giọng hát giúp mọi người xua đi mệt nhọc. Dấu chân bá Du đã băng qua bao bản làng, đồi nương để kể chuyện cho đồng bào mình nghe, khi thì trên nương rẫy, khi thì ở các lễ hội trong vùng.
Năm ngoái, bá Du “về với giàng”, những câu chuyện như dòng suối ngọt lành theo năm tháng bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ dân làng cũng “về với giàng” theo ông.
Giờ đây, nghệ nhân còn giữ gìn các giá trị văn hóa nghệ thuật người Bana ở xã Đăk Mang chỉ còn bok Hay (83 tuổi), và bok Trường (80 tuổi) đều ở làng O10. Bok Hay là nghệ nhân truyền dạy các bài hát Bana cho lớp trẻ ở vùng, còn bok Trường là người cuối cùng trong vùng am hiểu sâu sắc giá trị tâm linh, cấu trúc truyền thống của một nhà sàn, nhà rông Bana.
|
Bok Hay với cây đàn Pơren.
|
* Nỗi niềm “người giữ lửa”
Theo dòng chảy thời gian, các giá trị văn hóa của người Bana không còn được sử dụng thường xuyên như trước. Mỗi khi có lễ hội lớn trong vùng thì già làng, cán bộ văn hóa xã lại đi tập hợp một số thanh niên, rồi nhờ các nghệ nhân truyền dạy. Song, do thời gian truyền dạy ngắn, nên chất lượng không được đảm bảo. Sau ít ngày tập luyện, biểu diễn hoặc đi thi ở các lễ hội, chẳng mấy thanh niên Bana chịu khó học hỏi thêm từ nghệ nhân. Anh Đinh Văn Thới, Chủ tịch xã Đăk Mang, ngậm ngùi: “Bok Du mất đi, các câu chuyện cổ tích có giá trị của người Bana cũng chẳng còn. Mỗi khi có dịp lễ hội trong làng, người dân không còn được nghe ai kể chuyện nữa. Giờ bok Hay còn biết vài câu chuyện cổ tích nhưng cũng đã lớn tuổi”.
Giá Chanh có 9 người con, nhưng có mỗi anh con cả Đinh Văn Khiêm là chịu học đánh và làm đàn Pơlơnkhơn. Chẳng may, anh Khiêm qua đời vì cơn bạo bệnh. Người em thứ 7 của anh Khiêm là Đinh Văn Kinh, thay anh học đánh đàn Pơlơnkhơn. Nghe nhắc đến người con cả đã mất, giá Chanh rưng rưng: “Kinh chỉ là người biết đánh đàn chứ không hay, không biết nhiều bài để đàn và lại càng không biết làm đàn như Khiêm. Giá giờ đã yếu, không thể vào rừng sâu tìm cây Tai Mang tốt để làm đàn Pơlơnkhơn được nữa. Vì vậy, đàn chỉ sử dụng được vài tháng là “nhạt” tiếng”. Vì lý do này, hiện trong nhà giá chẳng có cây đàn Pơlơnkhơn nào để biểu diễn cho chúng tôi nghe. Giá đang chuẩn bị vào rừng tìm cây Tai Mang về làm đàn cho Kinh đi biểu diễn tại Lễ hội Văn hóa Thể thao các dân tộc miền núi toàn tỉnh, tổ chức tại xã Vĩnh An (Tây Sơn) vào ngày 24.4 tới.
Dẫu anh Kinh không đàn giỏi bằng anh mình, thì ít ra giá Chanh vẫn còn người để truyền nghề. Các nghệ nhân khác thì chẳng thể tìm đâu ra. Nhắc đến việc tìm thế hệ tiếp nối, bok Chắt ngậm ngùi: “Mỗi lần làm cây nêu, chỉ có người già tập trung làm, dù mắt không còn sáng, tay không còn khéo như xưa nữa. Bọn trẻ trong làng bận sản xuất hoặc đi học, nên chẳng đứa nào chịu học, chịu làm nêu”.
|
Giá Chanh biểu diễn đàn Pơlơnkhơn tại một lễ hội làng.
|
Hàng ngày, bok Hưa vẫn miệt mài ngồi vót mây, đan đác mà vẫn không kịp giao hàng cho khách ,vì cả vùng này chỉ còn mỗi bok biết đan các hoa văn bằng mây hoặc cài thêm hoa văn bằng thổ cẩm vào vạt. Người Bana trong vùng, kể cả những vùng lân cận, không ai chịu khó vào rừng sâu bứt mây về vót, đan như bok nữa. Khi nào cần gùi, vạt, nỏ… họ lại đặt bok làm giúp. Anh Đinh Văn Ngốp giãi bày: “Trong làng, cũng có vài ba người biết đan đác nhưng vì ít làm, không quen tay, nên sản phẩm không đẹp, không bền như bok Hưa”.
Không tìm được người học để nhớ các câu chuyện cổ tích, bok Hay nghĩ ra cách sẽ chép lại bằng tiếng Bana, giữ lại cho đời sau. Tuy nhiên do tuổi đã cao, sức đã yếu, bok lo không chép được nhiều chuyện.
Người Bana ở Hoài Ân sinh sống chủ yếu ở 12 làng thuộc hai xã Bok Tới và Đăk Mang. Nổi bật trong đời sống văn hóa của đồng bào Bana là các lễ hội như lễ ăn mừng làng mới, lễ xây dựng nhà rông, lễ cúng bến nước, lễ khai rẫy, lễ ăn cốm lúa mới, lễ ăn trâu cầu phúc, lễ về nhà mới, lễ cưới, lễ đặt tên con, lễ bỏ mả… Kho tàng văn hóa dân gian của người Bana trù phú với các loại hình dân ca, dân vũ, hát hơamon, kể khan, caliêu-cachoi, xoang…; các loại nhạc cụ dân tộc làm từ chất liệu gỗ, đá, kim loại như cồng chiêng, đàn Pơlơnkhơn, đàn T’rưng, đàn Pơren, sáo Pơlía, kèn Hơđâng… |
Trong các nghệ nhân ở các xã miền núi của huyện Hoài Ân, nghệ nhân đàn T’Rưng Đinh Văn Sĩ là có tuổi đời còn trẻ (mới 45 tuổi). Bok Sĩ tâm sự: “Ngày xưa ông bà, cha mẹ mình dạy cho mình biết, nay mình cũng muốn dạy lại cho con cháu mình trong làng, để cái vốn văn hóa của dân tộc mình không mất, nhưng sao mà khó quá. Lớp trẻ bây giờ không chịu khó, chịu khổ học hỏi như mình trước kia nữa”.
Nhắc đến việc giữ gìn giá trị văn hóa, Bí thư xã Bok Tới Đinh Xuân Á, cho biết: “UBND xã đã đầu tư hơn chục triệu đồng mua sắm thiết bị âm thanh giúp các đội văn nghệ tập luyện. Do điều kiện kinh phí, xã không thể tổ chức các lễ hội làng, trong khi đó, lễ hội dành cho đồng bào người Bana của huyện và tỉnh còn ít. Bởi vậy, thanh niên Bana không được tập luyện, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ nghệ nhân”.
Trở về miền xuôi, chúng tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh bok Hưa đưa mắt nhìn về phía đồi núi cao, vuốt bộ râu trắng xóa, thổ lộ: “Nếu ta và các bok Hay, bok Trường… “đi theo giàng” rồi, buôn làng người Bana này lấy ai mà hát hơamon, kể chuyện cổ tích cho con cháu nghe; làm gùi, vạt cho con cháu dùng nữa. Rồi đám trẻ sẽ không được học bao điều hay, đẹp về văn hóa, phong tục, lối sống của người Bana?”.
|