Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”
8:58', 20/4/ 2009 (GMT+7)

Ngày 18.4 vừa qua, một chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện hoành tráng, tụ hội những người có tấm lòng từ thiện, đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Xuân Diệu (huyện Tuy Phước). Ít ai biết rằng, đằng sau những cảm xúc thăng hoa là những con người đang ngày đêm âm thầm làm sứ giả nối nhịp cầu nhân ái. Đó là những tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước.

 

Câu lạc bộ tặng quà cho người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Tuy Phước.

 

* Âm vọng yêu thương

Một chương trình rất lạ, nối nhịp cầu yêu thương từ những tấm lòng vàng đến với những mảnh đời bất hạnh. Lạ, bởi đông đảo khán giả là những mảnh đời bất hạnh. Lạ, bởi diễn viên, ngoài những giọng ca mượt mà của các thành viên câu lạc bộ, còn có cái dáng khập khiễng của anh Quang Ân, rồi một người con Bana Đinh Ang bị khuyết tật hai chân, hay những em nhỏ khiếm thính ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đồng Tâm… Lạ, bởi từ khâu tổ chức đến khâu viết kịch bản chương trình, dàn dựng, làm MC… tất tần tật đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Lạ, vì kinh phí hơn 13 triệu đồng để tổ chức chương trình cũng là sự đóng góp từ các nhà hảo tâm.

Hôm ấy, khán phòng của Nhà Văn hóa Xuân Diệu chìm ngập trong sắc màu yêu thương, có lúc vang dội những tràng pháo tay, có lúc ngập chìm trong sự sẻ chia đồng cảm. “Bạn tôi, những trẻ tật nguyền từ thuở sơ sinh…” - những âm vọng yêu thương của bài hát “Thăm trại trẻ tật nguyền” của anh Quang Ân, như khắc sâu vào trái tim của mỗi người có mặt. Người con của quê hương Tuy Phước này hiện đang công tác tại Chi cục Kiểm lâm thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã không kìm được xúc động: “Tôi đã từng đứng trên nhiều sân khấu, nhưng chưa bao giờ có cảm giác lạ đến thế này”.

Ông Ngô Vĩnh Khương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Hiện, toàn tỉnh có 12 đội và câu lạc bộ tình nguyện viên chữ thập đỏ. Tuy nhiên, Câu lạc bộ của huyện Tuy Phước là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất, mang tính chặt chẽ, với hình thức vận động đa dạng, tập trung nhiều thành viên năng động.

“Chúng ta hãy cùng nhau bắc nhịp cầu nhân ái hướng đến những số phận bất hạnh, những con người dễ bị tổn thương trong cộng đồng. Xã hội cần lắm những tấm lòng, của tôi, của các bạn, của tất cả chúng ta, để chiếc cầu nhân ái được nối dài, để tấm chăn hạnh phúc được nới rộng, để người người xích lại gần nhau” - đó chính là những âm vọng đẹp nhất của chương trình mà ông Phạm Tích Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, đã gửi đến mọi người. 

* Kết nối những trái tim

Tháng 5.2008, Câu lạc bộ tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước ra đời với 25 thành viên. Đến nay, số thành viên tự nguyện gia nhập Câu lạc bộ đã gấp đôi, với đủ thành phần: cán bộ đương chức, cán bộ hưu trí, thầy thuốc, người làm kinh doanh và các ngành nghề tự do… Họ đến với nhau, tự nguyện gắn kết nhau để đến với những mảnh đời bất hạnh.

Sau khi Câu lạc bộ ra đời được vài tháng, các xã khu Đông của huyện Tuy Phước liên tục ngập chìm trong lũ. Một mặt, các thành viên trong Câu lạc bộ góp tiền, góp sức, rồi chia nhau đi vận động bà con ủng hộ. Mặt khác, để có điều kiện cứu trợ tại chỗ kịp thời, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tham mưu cho Thường trực Hội Chữ thập đỏ huyện phát hành “Thư kêu gọi quà tặng nhân đạo” gửi đến các đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp hưởng ứng, tặng quà cho đồng bào nghèo. Kết quả lần ấy thật bất ngờ, Câu lạc bộ đã quyên góp được gần 70 triệu đồng, chuyển đến tận tay những nạn nhân.

Qua đận này, Câu lạc bộ tiếp tục ý tưởng tổ chức bữa cháo tình thương vào mỗi sáng thứ Bảy cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Phước. Nói về chuyện này, chị Quang Cẩm Thu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, vẫn còn nhớ như in: “Hồi mới đưa kế hoạch ra bàn thảo, một số thành viên trong Câu lạc bộ không tán thành. Đến khi xuôi rồi, anh Hiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, lo đứng lo ngồi không biết duy trì được bao lâu vì không có nhà tài trợ thường xuyên, không khéo lại thành ra “bữa đực, bữa cái” thì nguy. Nhưng mấy chị em quyết tâm lắm, cứ làm rồi khắc có người ủng hộ”.

Lãnh đạo huyện thấy ý tưởng hay, liền ủng hộ Câu lạc bộ 1,5 triệu đồng mua nồi niêu, xoang chảo. Nhưng, đúng là khổ thật. Câu lạc bộ cử người đi tham khảo Ban Giám đốc của Bệnh viện về lượng dinh dưỡng trong cháo cho phù hợp với bệnh nhân. Ban đầu, tính ra nồi cháo (thịt heo nạc, cà rốt, khoai lang tây, gạo thơm, gia vị…) cho 80 suất, ngót 150 ngàn đồng. Không có nguồn ổn định, mọi người chia nhau đi vận động, được đồng nào hay đồng ấy, khi thì chị bán cà rốt ở chợ Bồ Đề, khoai lang tây ở chợ Diêu Trì “đùn” thêm vài củ, khi thì chị bán thịt heo nới tay lấy rẻ vài ngàn… còn lại bao nhiêu thì các thành viên bỏ tiền góp vào. Cũng may, Câu lạc bộ đông chị em nên chia thành ba tổ: thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước và xã Phước Lộc, thay phiên nhau nấu xoay vòng hàng tháng. Mỗi tổ tự lo mua đồ, nấu nướng ở nhà, rồi gồng gánh vào bệnh viện cấp cho bệnh nhân.

Chật vật một thời gian, nồi cháo vẫn được duy trì và được bà con ủng hộ. Nhiều tấm lòng đã tự nguyện đến ủng hộ cho Câu lạc bộ. Vừa rồi, anh Hồ Ngọc Tiên Trung, ở phường 7, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nghe tin đã ủng hộ 7,2 triệu đồng cho nồi cháo Bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Hào, ở xã Phước Lộc cũng góp 5 kg gạo/tháng cho câu lạc bộ. Chị Kim Hoàn, ở thị trấn Tuy Phước, cũng đăng ký cho 10 kg gạo/tháng… Vậy là, nguồn tài trợ đã bắt đầu dồi dào hơn. Bây giờ, số lượng suất cháo mỗi sáng thứ Bảy đã tăng lên 100 suất/ngày.

Từ số tiền quyên góp được, Câu lạc bộ đã giúp đỡ cho nhiều trường hợp khó khăn ở địa phương và những vùng lân cận có được sự sẻ chia để vươn lên trong cuộc sống. Với họ, tình người không có biên giới, ở đâu có người khổ là ở đó cần sự sẻ chia. Vì thế, Câu lạc bộ cũng là chiếc cầu nối tình yêu với những người gặp nạn do cơn bão ở Myanma và động đất ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

 

Điều day dứt nhất của họ là làm thế nào để kết nối những tấm lòng.

 

* Và “trả ơn cuộc đời”

Những thành viên Câu lạc bộ mỗi người, một hoàn cảnh. Không đến nỗi khó khăn, nhưng cũng chưa hẳn là dư dả, nhiều người đã hoạt động rất tích cực với niềm tin để “trả ơn cuộc đời”.

“Ngày đó, ổng bị lật xe tải hai lần phải nằm viện, rồi con bé nhỏ đau liên tục, tiền bạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Nếu mà không có bạn bè, người thân, rồi cả những người không quen giúp thì chưa biết thế nào. Bây giờ, mình làm thế này đã là gì đâu. Nhiều anh, chị trong Câu lạc bộ còn khó khăn hơn mình gấp bội mà vẫn chia sẻ cùng người khác. Cốt chỉ ở tấm lòng…” - chị Quang Cẩm Thu, nhớ lại cái ngày mình gia nhập vào mái nhà thứ hai.

Từ tháng 5.2008 đến nay, Câu lạc bộ đã đóng góp và vận động hơn 150 triệu đồng để giúp học sinh nghèo, người khuyết tật và những trường hợp bị tổn thương trong xã hội, khám chữa bệnh miễn phí, tổ chức bữa cháo tình thương, cứu trợ lũ lụt, cắt tóc cho học sinh, hiến máu nhân đạo, xây nhà tình thương…

Chồng chết vì bệnh ung thư, năm đó chị Huỳnh Thị Anh Đào mới 41 tuổi. Ngày chồng nằm viện ở Trung tâm Ung bướu TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng không một đồng xu dính túi. Tiền điều trị thì vay nóng của nhiều người đắp vào để lo cho chồng. Cơm thì bệnh viện cho. Nhiều nhà hảo tâm vào bệnh viện thăm bệnh nhân, lần nào vợ chồng chị cũng được phần nhiều. Đến lúc chồng chị mất, bệnh viện và những người thăm nuôi cho tiền mua vé tàu để chị đưa anh về Bình Định. Vậy là, ý nguyện làm tình nguyện viên Câu lạc bộ để “trả ơn cuộc đời” của chị đã thành hiện thực.

Hễ có cơ hội là chị Đào lăn vào giúp người khác. Lần chị bị bệnh rong kinh nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mọi người vẫn thấy một phụ nữ dáng người thấp đậm mặc áo bệnh nhân đi “xin” tiền và máu. Thậm chí, chị còn “nằng nặc” đòi bác sĩ cho ở lại bệnh viện ba ngày để lo vận động ba đơn vị máu cho chị Nguyễn Thị Thu Hồng, 42 tuổi, ở huyện An Nhơn, mổ u xơ tử cung. Rồi, lân la ở Bệnh viện, tình cờ biết một gia đình nghèo có con bị bệnh tim, chị cũng góp tiền, vận động mọi người cùng giúp đỡ. Đi xin tiền, mà mắt chị cay xè vì thương đôi vợ chồng trẻ. Ai thắc mắc, chị bảo: “Mình nằm viện, nhưng có liệt một chỗ đâu mà không đi xin được…”.

***

Tôi có nhiều cơ hội được cùng những con người nối nhịp cầu tình thương ở Câu lạc bộ tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tuy Phước, về với đồng bào khó khăn. Đó là lần đi cứu trợ lũ lụt ở xã Phước Thắng và Cát Chánh (huyện Phù Cát), đi cắt tóc cho học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận… Tôi đã từng chứng kiến cảnh các tình nguyện viên ở thị trấn Tuy Phước băng qua dòng nước lũ để đưa nồi cháo đến Bệnh viện kịp giờ. Rồi cảnh họ mướt mồ hôi khi cắt tóc cho các em học sinh nghèo, cùng bà con vùng lũ thấm cảnh cơ cực…

Bước chân tình nguyện của họ đã đi khắp các nẻo đường. Không ngại khó, ngại khổ, nhưng họ chỉ day dứt nỗi niềm làm thế nào để khơi gợi nhiều hơn nữa những tấm lòng trong hành trình kết nối những trái tim vì cuộc sống cộng đồng.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…   (22/02/2009)
Chênh vênh mùa rong mứt  (16/02/2009)