CỰU CẦU THỦ TRẦN VĨNH ĐỨC:
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”
9:5', 26/4/ 2009 (GMT+7)

Rất tiếc nuối khi phải chia tay bóng đá đỉnh cao lúc mới 26 tuổi, nhưng ngã rẽ mới đã đưa cựu tiền đạo Trần Vĩnh Đức trở thành một doanh nhân thành đạt: Giám đốc DNTN Minh Đức kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Gia (Công ty Nam Gia). Ông đã có cuộc trò chuyện với Báo Bình Định về bóng đá và kinh doanh…

* Tâm huyết cùng bóng đá

Kỹ thuật cá nhân tốt, xử lý bóng khéo léo bằng chân trái và có những cú sút căng như búa bổ… đó là những tố chất giúp Trần Vĩnh Đức gắn bó với nghiệp cầu thủ. Giờ đây, tuy rất tất bật với công việc kinh doanh, ông vẫn dành thời gian để nối dài niềm đam mê thuở nhỏ. Bạn bè ông kể, không ít lần ông nổi hứng thưởng nóng cho các đội trẻ Bình Định ngay sau trận đấu, thưởng để động viên và mong muốn “các em cống hiến nhiều hơn nữa cho bóng đá Bình Định”…

 

Dưới sự “dẫn dắt” của “ông bầu” Trần Vĩnh Đức, năm 2008 doanh nghiệp của ông tăng trưởng tới 47%, và hiện đang tiếp cận đến mô hình tập đoàn.
 

- 8 năm chơi bóng “chuyên nghiệp” không phải là khoảng thời gian ngắn, nhưng dường như tên tuổi của anh ít được biết đến so với những đồng đội như: Văn Cường, Công Long, Kim Đức…

Đúng vậy. Tôi thuộc tuýp người có cá tính mạnh mẽ nên không phải lúc nào cũng dễ được những người xung quanh chấp nhận. Điều đó phần nào ảnh hưởng cơ hội ra sân để thể hiện những phẩm chất của mình. Mặt khác, dù có 8 năm chơi bóng ở Bình Định, nhưng tôi lại chơi cho 3 đội khác nhau nên việc hòa nhập cũng bị hạn chế. Năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi về chơi cho Công an Nghĩa Bình; năm 1987 đá cho Thanh niên Quy Nhơn, một năm sau khi cùng đồng đội giành quyền lên chơi ở hạng A2 (1988), tôi sang đầu quân cho đội Bình Định, nhưng chỉ đến năm 1991 thì “treo giày”.

- Ở giải bóng đá “Nam Á đồng hành cùng doanh nghiệp” vừa qua, người ta lại thấy một Trần Vĩnh Đức thi đấu rất có nét (dĩ nhiên là so với những cầu thủ U45), ông vẫn có thời gian đá bóng thường xuyên?

Cũng chỉ thỉnh thoảng thôi. Tôi vẫn sinh hoạt cùng các anh em ở đội Lão tướng Bình Định. Ngoài ra, mỗi khi đội bóng của doanh nghiệp tham gia giải, tôi cũng xỏ giày ra sân, để động viên anh em là chính. Nhưng ở các giải mang tính phong trào, tôi cũng chưa phải hết thời đâu (cười).

- Đang nắm trong tay hơn 200 công nhân, có tin ông định trở thành một ông “bầu” bóng đá như một số chủ doanh nghiệp khác?

Tôi đang ấp ủ xây dựng cho riêng mình một đội bóng. Trong đó thành phần chính vẫn là những công nhân, nhân viên của mình. Do đó, tôi tuyển người cũng ưu tiên anh em biết chơi bóng đá. Khi có dịp sẽ tham gia các giải của tỉnh, thành phố tổ chức, thậm chí có thể chơi ở giải hạng Ba, hạng Nhì. Điều đó có rất nhiều cái lợi, nó vừa mang tính xã hội, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho anh em nâng cao sức khỏe, tạo mối đoàn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp lại còn có tác dụng quảng bá thương hiệu. Chỉ thế thôi, chứ để làm một CLB có thể chơi ở hạng Nhất hay chuyên nghiệp thì tôi chưa dám mơ, cái đó phức tạp và cần tập hợp thêm nhiều yếu tố mới làm được.

- Từng là một cầu thủ, vậy ông thấy cách làm bóng đá hiện nay của Bình Định thế nào?

Cầu thủ bây giờ sướng hơn thời bọn tôi rất nhiều. Họ được xã hội tôn vinh, nhưng nhiều người vẫn chưa ý thức được về nghề nghiệp và chưa thực sự chuyên nghiệp. Cách làm bóng đá của mình cũng chưa chuyên nghiệp. Đã chuyên nghiệp thì mô hình phải như một công ty cơ. Quản lý chặt chẽ thì mới phát triển được, chứ như bây giờ thì… không ổn. Nhưng nói như thế không có nghĩa thời của tôi, bóng đá chỉ toàn những chuyện khổ, chuyện không vui. Nếu như thế, tôi đâu xỏ giày ra sân, đâu động viên công nhân của mình chơi bóng.

* Nhạy bén trên thương trường

Chưa phải là một doanh nghiệp có quy mô lớn, nhưng sản phẩm của DNTN Minh Đức và Công ty Nam Gia đang có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Trung. Không những vậy, hiện DNTN Minh Đức còn có hàng chục đối tác ở các thị trường “khó tính” như: Mỹ, EU, Australia… Trong năm nay, Công ty Nam Gia sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng thêm 3ha tại Long Mỹ (TP Quy Nhơn).

- Nhiều đồng đội của ông rất chật vật tìm kế mưu sinh sau khi giã từ bóng đá, để có được cơ ngơi như hiện nay, chắc ông nhận được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình?

Cũng vì đam mê bóng đá mà việc học hành của tôi dang dở. Do đó, ngay sau khi nghỉ chơi bóng, tôi đã đi học Đại học Tài chính kế toán, rồi về phụ giúp cha trông coi cơ sở sản xuất thức ăn gia súc. Đến năm 2000, tôi được cha giao lại quyền điều hành cơ sở. Sau đó tôi quay sang mở xưởng gia công hàng may mặc rồi mới dần dần tiếp cận công nghệ sản xuất nệm mút. Tôi có điều kiện ban đầu tốt hơn một số anh em khác. Nhưng một chút thành công của tôi hiện nay không phải đã có được một cách dễ dàng. Tôi phải dồn vào đó nhiều công sức và tâm huyết.

- Hiện sản phẩm của ông đang chiếm lĩnh thị trường miền Trung, khi có đến hơn 90% doanh nghiệp ngành gỗ thường xuyên đặt hàng, hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Thành công đầu tiên của ông phải chăng là nhờ chọn đúng sản phẩm… “độc”?

Cái này cũng có phần tình cờ. Trong thời gian gia công, may quần áo bảo hộ lao động cho các công ty gỗ, nhận thấy nhiều DN phải mua nệm từ TP. Hồ Chí Minh về lắp ráp vào sản phẩm rồi mới xuất sang các nước khác, tôi nảy sinh ý định làm nệm để cung cấp cho các DN này. Nhưng phải mất mấy năm tìm hiểu, sau đó nhờ một người anh kết nghĩa là doanh nhân trong ngành hàng này chỉ bảo các bí quyết sản xuất, tôi mới dần dần thực hiện được dự định của mình. Việc đầu tư trang thiết bị sản xuất thật sự không khó, nhưng có những bí quyết riêng, không phải ai cũng có thể làm được, đó chính là điểm khác biệt lớn nhất của các sản phẩm của tôi so với các công ty khác.

 

Cầu thủ Trần Vĩnh Đức (hàng đứng, thứ 3 từ phải sang) trong đội hình của đội bóng Nam Gia.
 

- Nhưng để cạnh tranh với các đối thủ vốn đã vững vàng trên thị trường từ nhiều năm trước quả là không dễ?

Đúng vậy. Nhưng những doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn cũng có những lợi thế riêng. Như tôi có thể tiếp cận được công nghệ mới hơn; chi phí vận chuyển ít hơn. Chất lượng sản phẩm tốt và cách thức phục vụ nhanh chóng cũng giúp tôi giành được khách hàng. Trong những năm qua DNTN Minh Đức vẫn lấy xuất khẩu làm nền tảng cho thị trường nội địa. Công ty Nam Gia ra đời vào năm 2008 chính là để nhắm vào các phân khúc nội địa.

- Năm 2008 nhiều DN lao đao vì khủng hoảng tài chính, thậm chí nhiều DN phải phá sản, nhưng ông lại mở thêm DN mới. Có vẻ như ông không chịu tác động tiêu cực nào?

Những DN phải đóng cửa đa phần là những DN nhỏ, có số lượng khách hàng ít. Khi không nhận được các đơn hàng từ những đối tác đó, họ sẽ ngay lập tức gặp khó khăn. Khách hàng của chúng tôi đa dạng, lớn có nhỏ có, hạng vừa vừa cũng có. Nếu họ có cắt giảm thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Năm 2008 chúng tôi tăng trưởng 47%, một con số ấn tượng đấy chứ. Tôi đang xây dựng công ty của mình theo mô hình tập đoàn, sẽ có nhiều công ty con, sản xuất, kinh doanh nhiều ngành hàng khác nhau.

- Một câu hỏi cuối, những năm tháng chơi bóng có giúp gì cho ông trong công việc kinh doanh không?

Bản chất và tính cách cầu thủ là nhanh và dứt khoát, có sự dẻo dai nên giúp ích cho tôi rất nhiều trong kinh doanh. Khi thương thảo với đối tác, nhiều lúc đòi hỏi phải có những xử lý, quyết định nhanh chóng mới thành công. Bên cạnh đó, với khối lượng công việc ngày càng lớn, có một sức khỏe tốt để đương đầu với nó là điều vô cùng quan trọng. Đời cầu thủ không dài, nhưng nếu biết lấy nó làm nền tảng sẽ rất tốt, giúp ích nhiều cho công việc sau này.

- Xin cảm ơn ông.

  • Lê Cường (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…   (22/02/2009)