Lối nay… xe ngựa
7:47', 27/4/ 2009 (GMT+7)

Cách đây chừng hơn chục năm, trên các nẻo đường, vẫn thấy hình ảnh những chiếc xe ngựa hòa nhịp cùng tiếng lục lạc; những con ô, con tía… nhẩn nha gặm vệt cỏ ven đường. Thế nhưng càng ngày, hình ảnh ấy càng thưa vắng. Sợ rồi đến một ngày, chẳng còn vết tích của chiếc xe ngựa ngày xưa…

 

Phút nghỉ ngơi bên đường.

 

* Quá vãng vàng son

Ông Năm Bình ở thôn Tây Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn là một trong những người có thâm niên bậc nhất trong nghề cầm cương. Ông Năm lái xe ngựa từ năm 18 tuổi, chính thức “nghỉ hưu” từ năm 1999. Ban đầu, ông theo người đi đua ngựa khắp Phù Mỹ, Tây Sơn… Qua đó, ông học được cách chăm sóc ngựa. Tiếp đến ông nhận chạy xe ngựa cho Hợp tác xã 30 tháng 3. Ông nhớ lại thời hoàng kim của xe ngựa, cách đây chừng 9 - 10 năm, khi nhà ông có tới 5 cỗ xe ngựa cho 5 người con trai. Những cỗ xe ngựa nhà Năm Bình nổi tiếng cả một vùng. “Dạo ấy, còn những con đường đất đầy ổ trâu ổ gà, xe ngựa là phương tiện cơ động nhất. Ngày nào cha con tôi cũng tất bật, phải dậy từ lúc tờ mờ sáng đi chở hàng, đến tối mịt mới về nhà. Vậy mà còn bị khách hàng la ó, nài nỉ vì không đáp ứng đủ nhu cầu”, ông kể.

Hai địa điểm tập trung xe ngựa nhiều nhất là ngã ba Bến Xe Ngựa (nay thuộc thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng) và ngã tư thị trấn Bình Định, mỗi bến tập trung hơn 50 xe. Trong ký ức của ông Sáu Thẹo (ở thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá), vào thời Pháp thuộc, tuyến đường xe ngựa nổi tiếng nhất là ngã ba Bằng Châu đi Bồng Sơn. Tại bến ấy, lúc nào cũng sầm uất, tấp nập ngựa xe, người đi buôn và hàng hóa. Thời chống Mỹ và sau giải phóng, có 4 tuyến đường chính. Tuyến thứ nhất từ Đập Đá đi Tháp Trụ (Nhơn Hậu), từ đó lội qua sông Côn đi An Thái. Tuyến thứ hai từ Bình Định đi An Thái. Tuyến thứ ba từ Bình Định đi Gò Bồi. Tuyến thứ tư từ Cẩm Văn (Nhơn Hưng) đi Nhơn Hạnh.

Ông Sáu Thẹo thường được gọi bằng cái tên thân mật “ông Sáu xe ngựa”, bởi cả đời gắn bó với con ngựa và chiếc xe ngựa chở hàng hóa. Năm nay gần 70 tuổi, nhưng ngày nắng cũng như mưa, ông và con Kim vẫn rong ruổi khắp nơi. Ông Sáu cũng một thời là thành viên của Hợp tác xã 30 tháng 3. “Hồi ấy, hàng hóa nhiều lắm, cứ một ngày xe lam, một ngày xe ngựa thay phiên nhau chuyên chở, chẳng anh nào dám lấn anh nào. Những năm đầu sau giải phóng, xe ngựa rất có giá. Người ta vẫn ví von: Một chiếc Toyota không đổi được một con ngựa ông Sáu. Khi đường sá chưa được bê tông hóa, cầu cũng chưa được làm kiên cố thì sõng và xe ngựa là hai phương tiện thuận lợi nhất. “Nhất sõng nhì ngựa mà lại”, ông nháy mắt hóm hỉnh.

Cứ thế, sớm ngày đến tận đêm, ngựa chở bắp, mì, khoai lang, giấy bản, tơ lụa, bún Song Thằn, rượu Bàu Đá... từ An Thái, Cây Bông lộc cộc chạy xuống; ngựa thồ cá tôm, nò rẩu, lúa nếp, nước mắm, chiếu cói... từ Giã, vạn Gò Bồi, chợ Nước Mặn... hộc tốc chạy lên. Cũng trên những con đường xe ngựa đó, những cỗ xe bánh gỗ lắc lư chồn chân ngựa kéo, chở chật cứng người và đủ các loại hàng đi về các nẻo trong những ngày chợ quê họp. Người xưa, đôi khi vẫn giật mình thức giấc vì một tiếng ngựa hí dài, vẳng xa tiếng nhạc ngựa lốc cốc, lòng nôn nao hoài niệm về những ngày thơ ấu đu xe ngựa, chạy bộ theo xe ngựa, mệt nhưng lòng ngập tràn niềm vui…

 

Ông Sáu Thẹo đang chăm sóc chú ngựa Kim của mình.

 

* Đìu hiu xe ngựa

Con Kim của ông Sáu Thẹo đã hơn 20 tuổi nhưng vẫn rắn rỏi, oai phong lắm. Ông bảo, đó là nhờ ông biết cách chăm sóc. Ngựa có thể chở tối đa 1,5 tấn hàng, nhưng mình thường cho chở khoảng 800 kg đến 1 tấn thôi. Ngựa có thể chạy tối đa 10 km/h, nhưng nên duy trì ở mức 7 km/h. Cách chăm sóc ngựa tốt nhất là cho ăn no uống kỹ. Thức ăn chủ yếu là cỏ tươi và lúa ngâm, gạo nấu cháo. Ngựa rất thích uống nước mật đường đen hòa loãng. Vào những ngày làm việc nặng nhọc, nên bổ sung vào thực đơn cho ngựa ít trứng gà.

Thường ngựa khoảng hơn 5 tuổi là bắt đầu kéo xe được. Tuổi thọ làm việc của ngựa phụ thuộc vào cường độ làm việc của ngựa và sự chăm sóc của chủ xe. “Những hôm chở hàng nặng, thời tiết nóng bức, phải có chế độ bồi bổ riêng. Kinh nghiệm của tôi, để ngựa phục hồi nhanh, cứ trước bữa ăn chừng nửa giờ, lấy lòng đỏ trứng gà đánh với bia cho ngựa uống. Mùa mưa lụt lội không có cỏ tươi thì cố gắng bù bằng cháo nếp, đừng để ngựa bị đói. Ngựa “khó tính” hơn trâu, bò nhiều, cỏ hôi, cỏ úa, nước dơ nó hất đổ chứ nhất quyết không chịu uống”, ông Sáu cho biết. 

Quãng 10 năm trở lại đây, thu nhập từ xe ngựa không đủ sống, con cái của ông Năm Bình đều đã chuyển nghề. Chỉ có người con thứ năm, anh Nguyễn Ngọc Đức còn theo nghề xe ngựa. Năm 2004, anh Đức mua con Kim, dự định gắn bó với nghề xe ngựa. Không lâu sau, anh ốm nặng qua đời. Vợ anh, chị Cao Thị Thu Tâm vừa nối nghề chồng, lái chiếc xe ngựa mưu sinh, vừa tập cho hai con trai. Giờ, hai anh em Lộc, Lợi đã lái xe thành thạo, thay phiên nhau một buổi đi học, một buổi chở hàng. “Thu nhập ngày càng giảm, nếu trước đây, chở một tấn gạo từ thị trấn Đập Đá về Cảnh Hàng được trả ba chục ngàn, nay xe độ “phá giá”, chạy có hai chục, vậy là xe ngựa cũng đành hạ xuống. Giờ người ta cũng ít kêu xe ngựa, chúng tôi chủ yếu chở giỏ tre đựng trứng gà trứng vịt. Đến mùa dịch cúm, người ta không kêu chở nữa thì không biết gì mà chở. Ngày có hàng chở, thu nhập chừng năm chục ngàn, nhưng cũng phải mua thức ăn, nước uống cho ngựa hết mười lăm ngàn”, chị Tâm chia sẻ.

Hiện giờ trên toàn tỉnh, số lượng xe ngựa có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trấn Đập Đá 3 xe; thị trấn Bình Định, xã Nhơn Hạnh, An Thái mỗi nơi còn 2 xe; Nhơn Thành còn 1 xe… Ở Quy Nhơn, Phù Cát cũng còn vài chiếc. Ngay cả xóm ngựa ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong cũng chẳng còn mấy ai làm nghề. Cha và anh trai ông Sáu cũng gắn bó với nghiệp xe ngựa. Vậy nhưng, 6 người con của ông, chẳng ai theo nghiệp cha. Ông Sáu bảo, chạy xe ngựa không tốn xăng dầu, tuy không giàu nhanh được, nhưng mỗi khi ngặt nghèo, chịu khó làm cuốc xe thì cũng có cân gạo ký thịt cho đậm đà bữa cơm gia đình. “Bao năm nay, từ chuyện nhà cửa, con cái học hành đều từ cái xe ngựa này mà ra”, ông huơ tay giữa ngôi nhà khang trang, nói.

Ngựa là giống khôn. Có lần ông Sáu gặp bạn cũ, nhậu “quắt cần câu”, lúc nửa đêm, con Kim vẫn dò dẫm đưa ông vượt qua những nhịp cầu bị đốt dang dở về đến nhà trước sự “tá hỏa” của vợ con. Khi con Kim già yếu, thay vì bán xẻ thịt như người ta thường làm, ông lại nuôi nó cho đến khi nó chết và chôn cất tử tế con vật nghĩa tình ấy.

 

Xe ngựa sẽ tham gia vào hoạt động tổ chức đám cưới và phục vụ khách du lịch.

 

* Vĩ thanh

Vừa rồi, tình cờ gặp được một chiếc xe ngựa giữa đường phố Quy Nhơn. Chiếc xe ngựa lộng lẫy, chở hai cặp nam thanh nữ tú, người đánh xe cũng mặc trang phục của nài ngựa. Chiếc xe ngựa vòng quanh khắp phố xá, làm nhiều người đổ ra đường tròn xoe mắt nhìn. Hỏi ra mới biết, chiếc xe ngựa ấy của ông Trần Văn An, 53 tuổi, ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn. Ông được Công ty TNHH Cali Hotel mời xuống Quy Nhơn để tham gia một mô hình kinh doanh mới. Bà Đỗ Thị Tiềm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty cho biết: “Ở nước ta, đã có nhiều nơi như Hội An, Đà Lạt, Nha Trang… sử dụng xe ngựa làm du lịch, tại sao ở Quy Nhơn mình lại không thể? Chúng tôi sẽ thành lập một đội xe ngựa khoảng 5 chiếc, phục vụ hai hoạt động chính là rước dâu trong tổ chức đám cưới và phục vụ khách du lịch có nhu cầu đi dạo khắp thành phố. Các điểm đến có thể là Ghềnh Ráng, cầu Nhơn Hội. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành xin giấy phép của Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch…”.

Khi chúng tôi đem chuyện này kể ông Sáu nghe, ông vỗ đùi đánh đét sung sướng: “Mừng quá, thỏa ước nguyện những người cầm cương chúng tôi rồi. Bao năm nay, bọn tôi mong mỏi Bình Định mình tổ chức được hình thức xe ngựa làm du lịch như trong Nha Trang, trên Đà Lạt, Gia Lai... Những nơi đó, lễ, tết vẫn mướn bọn tôi lên chở khách đấy chứ. Chạy xe ngựa như hiện nay, kể ra thì thu nhập cũng tạm, nhưng cũng không nên duy trì mãi trong thời buổi giao thông hiện đại này”.

Khi chúng tôi thực hiện phóng sự này, đã có những khách hàng đầu tiên đến đăng ký dịch vụ trên. Hy vọng rằng, cũng như con trâu với cái cày, xe ngựa, khi đã làm tròn “sứ mệnh lịch sử” là phương tiện vận tải trong thời buổi đất nước còn nghèo, thì ngày nay tiếng nhạc ngựa “đất Vua” sẽ còn được gìn giữ trong một chiếc áo mới…

  • Văn Trang - Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)