Vượt khoảng 1.200 hải lý (hơn 2.000 km) trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết trên biển, chúng tôi đến với Trường Sa-vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc nằm giữa biển khơi. Mỗi khi đặt chân lên một hòn đảo, đoàn công tác chúng tôi đều cảm phục trước sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây và cũng cảm thấy tự hào vì mình đã đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng giữa trùng khơi...
|
Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định trước đảo Trường Sa Lớn.
|
Đây là chuyến đi thứ 7 trong năm 2009, có số lượng người đông nhất, hơn 160 người của 14 đơn vị, gồm 9 tỉnh, thành, các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và Đoàn ca nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa). Riêng đoàn Bình Định có 10 thành viên do ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa-Phó chính ủy Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn công tác.
Hải trình mà đoàn công tác chúng tôi đi thăm qua 5 đảo nổi là Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây; 4 đảo chìm là Đá Lát, Đá Tây, Đá Lớn, Đá Nam và nhà giàn DK1. Chuyến đi này cũng có thêm một điều đặc biệt, trùng vào dịp kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2009) được tổ chức tại đảo Nam Yết và tại đây lãnh đạo đảo Nam Yết tặng lá cờ Tổ quốc đã treo trên đảo suốt 34 năm qua cho đoàn Bình Định để làm lưu niệm.
* Vượt sóng ra đảo
Xuất phát tại cảng Cát Lái (TP.HCM) từ sáng ngày 15.4, sau 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu HQ 996 đưa chúng tôi đến điểm đầu tiên là nhà giàn DK1 (thềm lục địa phía Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Tàu vừa thả neo, ai cũng nôn nóng được xuống chiếc xuồng đầu tiên để leo lên các nhà giàn, trực tiếp thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây. Mọi công tác chuẩn bị đã xong nhưng bất ngờ một cơn mưa dông ập đến thế là kế hoạch đi thăm của đoàn bị hủy bỏ, dù tàu đậu cách nhà giàn DK1-16 chỉ khoảng 200m.
Sau một phút hội ý chỉ một xuồng nhỏ được thả xuống, trong lúc biển động cấp 5-6 để chở chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa đến thăm nhà giàn DK1-7, cách nơi tàu HQ 996 neo đậu 12 hải lý. Do điều kiện sóng to, gió lớn chỉ những người nào có sức khỏe mới được tham gia cùng đoàn. Ngoài 4 cán bộ Hải quân chỉ có 3 người xung phong đi là 2 phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam và tôi. Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ vượt sóng lớn, đoàn chúng tôi mới tiếp cận được nhà giàn DK1-7, quà tặng của các đoàn chúng tôi mang theo được chuyển lên bằng cách dùng dây thừng để kéo, còn người thì không cách nào leo lên được. Vậy là chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa ra lệnh cho xuồng quay về tàu vì không bảo đảm an toàn. Nhìn các cán bộ, chiến sĩ phía trên nhà giàn đưa tay vẫy xuống chỉ cách nhau khoảng chừng 20 m mà không sao lên được, mọi người trong xuồng đều xúc động.
Trên tàu HQ 996, tất cả mọi người kéo ra boong để nhìn sang các nhà giàn khác và chờ tin, khi hay xuồng chúng tôi cũng không thể lên được nhà giàn ai cũng xúc động lẫn trong niềm nuối tiếc.
|
Đoàn ca nhạc Hải Đăng giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây.
|
Cô ca sĩ Khánh Phương (Đoàn ca nhạc Hải Đăng), tâm sự: “Bọn em đã vượt sóng biển đến đây để mang tiếng hát của mình đến với các cán bộ, chiến sĩ, vậy mà không được trực tiếp hát cho các anh nghe, tụi em trong đoàn buồn lắm”. Không hát trực tiếp được, các ca sĩ lên buồng lái hát qua ICOM để tặng cán bộ, chiến sĩ. Đáp lại tình cảm đó, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn cũng hát, đọc thơ về biển, đảo để tặng lại đoàn công tác.
Trong suốt chuyến hành trình đến với Trường Sa, ngoài nhà giàn DK1 còn có đảo chìm Đá Lớn là đoàn công tác không thể tiếp cận được, vì sóng to, gió lớn. Trong hành trình chuyến đi, đoàn Bình Định mong chờ được lên đảo Đá Lớn để đến thăm một cán bộ là người con quê hương Bình Định đang làm nhiệm vụ trên đảo. Đó là đại úy Nguyễn Thanh Chi (SN 1970, ở xã Nhơn Mỹ, An Nhơn), hiện gia đình đang ở trên đường Lê Xuân Trữ (TP Quy Nhơn). Lệnh không được vào đảo vì biển động mạnh làm chúng tôi thêm một lần buồn và tiếc nuối, thế là những món quà vội vã được chuyển xuống canô cao tốc của đảo chạy ra chở vào và đoàn Bình Định chỉ kịp gởi những món quà quê hương cho Nguyễn Thanh Chi. Rất may khu vực đảo Đá Lớn có sóng điện thoại nên anh em trong đoàn thay nhau gọi điện vào hỏi thăm, động viên Chi. Qua điện thoại, Chi tâm sự: “Em ra đảo làm nhiệm vụ được 1 năm rồi, đây là lần đầu tiên có đoàn công tác của tỉnh nhà ra thăm đảo, cả đêm em không ngủ chỉ mong được gặp các anh, chị trong đoàn để trò chuyện, vậy mà tiếc quá...”.
* Đổi thay ở đảo
Theo đại tá Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, với tinh thần “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”, trong nhiều năm qua được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương trong cả nước nên nhiều cơ sở hạ tầng trên các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây được đầu tư xây dựng khá khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ngày càng được cải thiện; bộ mặt của các đảo có sự đổi thay nhanh chóng...
Đúng như lời giới thiệu của đại tá Nguyễn Đức Thắng, khi đặt chân lên các đảo nổi, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cây xanh trên đảo khá nhiều. Các khu vực hành chính, nhà dân cũng như các doanh trại bộ đội được xây dựng mới, khá đẹp. Đầu tháng 4.2009, hệ thống điện năng lượng mặt trời và điện gió được đưa vào sử dụng. Vào ban đêm, các trụ đèn lắp đặt quanh đảo được bật sáng, đứng trên tàu nhìn vào các đảo giống như những thành phố lung linh giữa biển khơi.
Riêng tại Trường Sa Lớn, nhờ hệ thống điện năng lượng mặt trời và điện gió được đầu tư khá lớn nên lượng điện sản xuất đủ cho sinh hoạt toàn đảo cả ngày lẫn đêm, không còn phải sử dụng theo giờ như qui định trước đây.
|
Đảo Nam Yết rợp bóng cây xanh.
|
Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, 21 tuổi, quê ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, ra làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn được 5 tháng, thổ lộ: “Khi mới ra đảo làm nhiệm vụ, những ngày đầu chưa quen với cuộc sống ở đảo nên em nhớ nhà lắm. Được sự động viên, quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị và đồng đội, giờ đây em đã quen với cuộc sống ở đảo. Vả lại, đảo được xây dựng ngày càng đẹp hơn nên em cũng như nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây ngày càng yêu đảo hơn, và cùng có nguyện vọng được ở lại phục vụ lâu dài trên đảo”.
Còn gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải và chị Nguyễn Kim Huệ, ở thị trấn Trường Sa, cho biết: “Trong những năm gần đây, đảo Trường Sa Lớn có nhiều thay đổi nhanh chóng, đường sá đi lại trên đảo được xây dựng mới rất nhiều, hệ thống thu tín hiệu truyền hình được đầu tư nên xem được 6 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, điện thoại thông suốt nên người dân chúng tôi thường xuyên gọi vào đất liền để hỏi thăm họ hàng trong đó. Bây giờ, người dân sống trên đảo ai cũng vui mừng và rất yên tâm làm ăn, sinh sống”.
12 ngày đêm lênh đênh trên biển, đoàn công tác chúng tôi đã đặt bước chân của mình đến khá nhiều đảo, ở mỗi nơi đến thăm ai cũng thấy tự hào và cảm phục trước sự hy sinh, vượt qua khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ đảo.
|