Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu
11:23', 3/5/ 2009 (GMT+7)

Gặp nhà giáo - chuyên gia “nhà nông làm giàu” Nguyễn Lân Hùng tại TP. Quy Nhơn vào cuối buổi chiều một ngày nóng nhất trong tháng 4, ông bảo: “Tớ vừa đến thăm và tư vấn cho bà con nông dân ở xã Cát Hải (một xã nghèo nhất huyện Phù Cát) về, tớ chỉ còn nửa tiếng đồng hồ để “hầu chuyện” nhà báo thôi, 19 giờ tớ phải có mặt ở Đài Truyền hình để thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Nhịp cầu nhà nông”, sáng mai lại bay đi Hà Giang rồi, thông cảm nhé!”. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu tại phòng chờ của khách sạn nơi ông nghỉ.

 

GS Nguyễn Lân Hùng (người thứ 2, bên trái qua) đang hướng dẫn cách làm giàu cho bà con nông dân xã Cát Hải (Phù Cát).
 

- Được mệnh danh là chuyên gia giúp nông dân làm giàu, nhưng Giáo sư có phải là người… giàu không?

Suốt ngày ngập đầu với các câu giải đáp giúp nông dân làm giàu từ sản xuất, kinh doanh. Nếu tôi dành thời gian cho việc làm giàu của riêng mình, thì chắc chắn không còn thời gian để giúp những người bạn của tôi, đó là nông dân. Có lẽ tôi nghèo cho đến khi chết thôi! (cười).

- Nhiều người biết đến đại gia đình của Giáo sư với người cha nổi tiếng: Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân và các con cháu toàn là những trí thức đỗ đạt cao, công tác ở các vị trí giảng dạy, nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, vì sao riêng mình ông lại chọn việc làm bạn với nông dân?

Cha tôi đến 90 tuổi còn bắt đầu viết sách mới, 95 tuổi hoàn thành xong quyển sách hơn 2.000 trang. Đối với chúng tôi, ông là tấm gương lớn về sự lao động và cống hiến. Ông dạy chúng tôi phải biết đem cái mình có ra phục vụ xã hội một cách tối đa. Tôi học ngành sinh, các tiến bộ sinh học đem ứng dụng vào cho nông thôn, nông nghiệp, nông dân là phù hợp nhất, nên mấy chục năm nay tôi gắn cuộc sống của mình với nông dân là lẽ tất nhiên. Về nông thôn mới thấy bà con mình còn thiếu điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật nên còn nghèo hoài. Các nhà khoa học nắm kiến thức trong tay mà không chuyển đến cho nông dân là lãng phí, là có tội!

- Từ nhiều năm nay ông đã là gương mặt rất quen thuộc trên ti-vi mỗi buổi sáng, ông có nhớ lần đầu tiên mình xuất hiện trên màn ảnh nhỏ là khi nào không?

Có lẽ là cách đây hơn 30 năm rồi. Từ năm 78, 79 tôi đã phối hợp với Đài truyền hình làm chương trình “Nông dân cần biết”, rồi đến “Cùng nông dân tìm cách làm giàu”, bây giờ là “Nhà nông làm giàu”. Còn viết sách báo dành cho nông dân thì nhiều lắm. Hiện nay tôi đang mơ ước mở một kênh truyền hình .

- Ồ! Giáo sư lại định bước hẳn qua lĩnh vực truyền thông à ?

Không! Tôi chỉ muốn thò một chân sang đấy thôi. Tôi mong muốn có một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân. Ở đó có chương trình khoa học phục vụ nông dân, dạy nghề cho nông dân, ca nhạc cho nông dân, thậm chí cả phim cho nông dân. Tại sao một nước có 70, 80 phần trăm dân số là nông dân mà lại không có chương trình truyền hình dành riêng cho nông dân?

- Vậy tiêu chí của kênh truyền hình này là gì, thưa giáo sư?

Đó là phải thiết thực, gần gũi, dễ hiểu, bình dị theo kiểu của nông dân. Nông dân đã thích rồi thì mới sẵn sàng nghe theo, làm theo. Chứ bây giờ, mỗi sáng tôi chỉ có 2 phút đồng hồ trên ti-vi để nói cho nông dân nghe, mà lại nói nhanh như tên bắn, nói cuống cuồng lên vì sợ hết giờ, có khi nông dân nghe mà chưa kịp hiểu.

 

GS Nguyễn Lân Hùng (giữa) tham gia chương trình “Nhịp cầu nhà nông” của Đài PTTH Bình Định.
 

- Xin hỏi thật, thế đã có ai trách Giáo sư về chuyện này chưa?

Vâng! Có rồi đấy. Một cháu ở Tiền Giang gọi điện đến bảo: “Bác ơi, bà con ở chỗ cháu thích xem chương trình của bác lắm, bà con nghiện cái giọng khàn khàn, nhanh như nước cuốn của bác rồi!”- Nhưng nghe vậy rồi có hiểu được không? - Tôi hỏi lại. “Dạ không! Nhưng mà vẫn thích ạ!”.

- Vâng, chất giọng lạ của Giáo sư giờ đã trở thành thương hiệu rồi. Bao nhiêu năm nay, sáng nào khán giả cũng thấy Giáo sư xuất hiện trên chương trình “Chào buổi sáng”, Giáo sư làm thế nào để dành thời gian cho nông dân trong khi mình vô cùng bận rộn ?

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng (65 tuổi), giảng viên Khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN; UVBCH T.Ư Hội Nông dân VN, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và thành viên Hội Nhạc sĩ Hà Nội.

Cha là Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam thế kỷ XX. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng có 7 anh chị em đều thành đạt: Nguyễn Lân Tuất- Giáo sư Viện Hàn lâm Âm nhạc, Nghệ sĩ Công huân CHLB Nga; Cố TS sinh học Nguyễn Tề Chỉnh (chị gái)- nguyên giảng viên ĐHSP Hà Nội; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng- ĐBQH, PCT Hội các ngành sinh học VN; PGS-TS khảo cổ học Nguyễn Lân Cường, ĐHQG Hà Nội; GS-TS Nguyễn Lân Việt- Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, PCT Hội Tim mạch VN; PGS-TS Nguyễn Lân Trung- Phó Hiệu trưởng ĐHSP Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội, Phát ngôn viên của LĐBĐVN.

Tôi là người khá tham việc. Việc chính của tôi là đi dạy ở trường đại học và các hội. Rảnh lúc nào viết lúc nấy, rồi tranh thủ đi lấy tư liệu, đi làm phim để mỗi ngày có một mục trên truyền hình. Ba năm nay tôi có 1.000 mục “Mách nhỏ cho bà con” rồi đấy. Hiện nay tôi đang viết bộ sách hướng dẫn 100 nghề cho nông dân. Đến nay đã xuất bản được 15 cuốn, dự kiến vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chúng tôi sẽ hoàn tất bộ sách này.

- Thưa Giáo sư, điều đặc biệt ở bộ sách này là gì?

Chúng ta đã có nhiều sách cho nông dân nhưng phần nhiều nông dân không đọc được, bởi khi viết người ta chưa thật sự nghĩ đến đối tượng của sách là nông dân. Chúng tôi muốn viết những cuốn sách dành riêng cho họ, phải thật dễ hiểu, ngắn gọn, thiết thực, làm bà con cảm thấy vui, thấy thích trong việc tra cứu, áp dụng, từ đó sẽ dễ có kết quả hơn. Tôi đọc báo thấy nói là Nhà nước sẽ cấp tiền cho nông dân mua hàng để kích cầu, nhưng có một vị giáo sư lại đề nghị nên dùng tiền ấy để dạy nghề cho nông dân. Tôi thấy ý kiến ấy rất hay, hãy cho nông dân tự chọn lấy một, hai nghề trong bộ sách 100 nghề này, giá mỗi cuốn sách chỉ 9.000-10.000 đồng, bằng giá một lon bia. Thay vì tặng nông dân một lon bia, hãy tặng họ một cuốn sách, họ có thêm một nghề để làm giàu. Chúng ta hãy tìm mọi cách để đưa tiến kộ KHKT đến với bà con nông dân một cách hợp lý nhất, đúng mức nhất để nông dân mau khấm khá lên, giàu có lên.

- Xin cảm ơn Giáo sư đã dành khoảng thời gian đáng quý cho chúng tôi! Chúc Giáo sư luôn khỏe mạnh và mãi là người bạn nhiệt huyết của nhà nông.

  • Ngọc Diên (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)