Đó là tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB), người đã có một số nghiên cứu về việc khảo nghiệm, tuyển chọn, kỹ thuật thâm canh cây điều, chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
TS Nguyễn Thanh Phương (bên phải) theo dõi sự phát triển của cây đậu phụng canh tác trên vùng đất bạc màu thuộc xã Cát Lâm (Phù Cát). Ảnh: N.hân
|
* Xin ông cho biết, là một đơn vị nghiên cứu khoa học của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Bình Định, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã có những nghiên cứu gì giúp phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh?
- Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB là đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KHKT trong lĩnh vực nông nghiệp giúp nông dân Bình Định nói riêng và nông dân khu vực DHNTB nói chung nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân làm giàu.
Về nghiên cứu khoa học, hàng năm đơn vị thực hiện nhiều đề tài trong lĩnh vực trồng trọt như nghiên cứu về giống và kỹ thuật canh tác của cây lúa, cây đậu, cây công nghiêp, cây ăn quả, rau, hoa các loại… Qua đó, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm tăng cao hiệu quả và bền vững trong sản xuất. Trong đó, việc nghiên cứu các giống lúa mới, các giống đậu năng suất cao hỗ trợ các tỉnh khu vực DHNTB thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang 2 vụ lúa ăn chắc; 2 vụ lúa - 1 vụ màu; 1 vụ lúa - 1 vụ màu… đạt kết quả tốt, đồng thời tiết kiệm nước, vật tư, công lao động.
Một tiến bộ kỹ thuật được xem là nổi bật cho các tỉnh vùng DHNTB và tỉnh Bình Định là Viện đã thành công trong việc tuyển chọn, khảo nghiệm và nhân nhanh giống điều ghép thay cho việc trồng điều bằng hạt, cùng với quy trình đầu tư thâm canh vườn điều cũ năng suất thấp đem lại hiệu quả cao. Tiến bộ này đã được Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới.
* Là một trong những người tham gia nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống và kỹ thuật canh tác cây điều ghép năng suất cao, ông có thể nêu những kết quả mà ông thực hiện được?
- Ở các tỉnh DHNTB, cây điều chiếm diện tích khá lớn, nhưng lâu nay thường cho năng suất rất thấp, điều này đã thôi thúc cán bộ kỹ thuật trong Viện, trong đó có tôi nghiên cứu về cây điều. Vừa qua, tôi đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất điều (Anacardium occidentale) ở Bình Định. Đây cũng là luận án TS của tôi, đề tài được thực hiện từ năm 2002, bảo vệ thành công năm 2007.
|
TS Nguyễn Thanh Phương tại Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI (Philippines). Ảnh: H.X |
Ông Nguyễn Thanh Phương, sinh năm 1959, học vị TS nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt. Năm 2003 ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo với mô hình canh tác điều bền vững trên vùng đất dốc Bình Định và vùng DHNTB. Đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo KH-CN tỉnh Bình Định năm 2003 - 2004 cùng với đề tài trên. Năm 2004, Bộ NN-PTNT đã công nhận tiến bộ kỹ thuật mô hình canh tác điều bền vững trên vùng đất dốc. |
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã nghiên cứu, khảo nghiệm và xác định được 3 dòng điều có thể cho năng suất rất cao, đó là các dòng điều ĐDH 209-317, ĐDH 185-BĐ03 và ĐDH 211-319. Đồng thời, cũng xác định được kỹ thuật trồng thâm canh cây điều, kết hợp trồng xen các loại cây đậu dưới tán điều trong những năm đầu đã cho hiệu quả. Với kỹ thuật trồng điều thâm canh được thực hiện tại vườn điều trồng mới sau 5 năm, năng suất điều đã tăng từ 36,5-101% so với các vườn điều đối chứng không áp dụng các biện pháp thâm canh. Ngoài ra, Viện đã thành công trong việc nhân giống các dòng điều ghép cao sản, chuyển giao cho bà con sản xuất, cho năng suất cao. Đối với các giống điều ghép có đầu tư thâm canh có thể cho năng suất đạt từ 2-3 tấn/ha vào giai đoạn kinh doanh…
* Những kết quả như ông nói là rất khả quan, nhưng thực tế năng suất điều bình quân của tỉnh rất thấp, chỉ từ 200 - 300 kg/ha, vì sao nông dân chưa mặn mà trong việc đầu tư thâm canh nâng cao năng suất điều?
- Sở dĩ năng suất điều bình quân của tỉnh còn thấp là do nông dân còn có tâm lý xem cây điều là cây của nhà nghèo nên chưa chú trọng các biện pháp đầu tư thâm canh hợp lý như bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, tưới nước, tạo tán, tỉa cành… Do vậy, khi cây điều ra chồi non và ra hoa đậu quả thường bị nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu róm đỏ… làm cho năng suất điều giảm và có khi mất trắng.
Thực tế, nếu nông dân chú trọng đầu tư thâm canh, cây điều có thể cho năng suất rất cao. Vừa qua, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã thực hiện mô hình đầu tư thâm canh ở những vườn điều cũ năng suất thấp, với diện tích 120 ha tại 8 xã của 3 huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, kết quả năng suất điều đạt từ 1,18 - 1,56 tấn/ha, doanh thu 18 triệu đồng/ha, lãi 9 triệu đồng/ha. Trong khi đó các vườn điều không đầu tư thâm canh chỉ thu được khoảng 220 kg/ha, doanh thu 2,8 triệu đồng/ha.
* Vậy, tỉnh Bình Định cần phát triển cây điều theo hướng nào, thưa ông?
- Đối với cây điều, muốn phát triển bền vững, hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh cần có quy hoạch cụ thể lại diện tích cây điều và xác định vùng trồng điều thích hợp. Bên cạnh đó, cần tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho người trồng điều trong tỉnh, nhất là những vườn điều cũ năng suất thấp. Điều quan trọng để cây điều mang lại hiệu quả là phải chú trọng công tác chọn giống, áp dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh cây điều, như bón phân hợp lý, phun thuốc BVTV, tưới nước, tạo tán, tỉa cành, trồng xen cây đậu đỗ trong những năm đầu khi vườn điều chưa khép tán…
|
TS Nguyễn Thanh Phương bên vườn điều ghép sai quả do Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đầu tư thâm canh. Ảnh: H.X
|
* Hiện nay, vấn đề được nhiều người quan tâm là tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, theo ông tỉnh Bình Định cần làm gì để đối phó với vấn đề này?
- Đối với vùng DHNTB nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, là vùng đất đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, hàng năm thường xuyên phải chịu thời tiết rất khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt thường xuyên đã gây tình trạng thoái hóa đất, ảnh hưởng đến việc phát triển KT-XH của địa phương. Để giúp người dân cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã và đang tập trung chọn tạo và phát triển giống theo hướng năng suất, chất lượng và chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường; nghiên cứu kỹ thuật canh tác tiên tiến; khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khí hậu, đất và nước; nghiên cứu hệ thống nông nghiệp bền vững, hiệu quả... Ngoài ra, Viện đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) triển khai các dự án với nội dung tập trung sử dụng nguồn đất và nước hợp lý, nghiên cứu hệ thống nông nghiệp bền vững. Theo đó, sẽ tăng cường nghiên cứu sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước hợp lý, đồng thời khảo nghiệm, tuyển chọn giống và biện pháp canh tác thích hợp của những loại cây trồng cạn, các giống lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả… và hệ thống canh tác phù hợp, bền vững, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt để chuyển giao cho người dân sản xuất…
* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!
|