Làng tuồng công nghiệp hóa
8:9', 11/5/ 2009 (GMT+7)

Trong ngày Kỷ niệm 34 năm Giải phóng tỉnh Bình Định (31.3), làng tuồng Nhơn Hòa (huyện An Nhơn) quê tôi có thêm niềm vui mới: Khu Công nghiệp Nhơn Hòa chính thức khởi công. 34 năm, quê tôi thay đổi từng ngày, và giờ đây sự nghiệp “công nghiệp hóa” chẳng còn là khái niệm trừu tượng với người dân nơi đây nữa. Nó đang hiển hiện và tăng tốc đến nỗi người dân ở nơi vốn vẫn được coi là một trong những cái nôi hát tuồng này có thể nhìn thấy, sờ mó được!

 

Đi vào công nghiệp hóa, người dân địa phương đã được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp. - Trong ảnh: Công nhân chế biến đá granite tại Công ty TNHH Hoàn Cầu (Nhơn Hòa). Ảnh: Ngọc Thái

 

Khi đã sắp bước qua lứa U50, nhìn lại đời mình, tôi thấy có được một niềm hạnh phúc lớn là được sống và làm việc gần với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mà mình đã trải qua một thời ấu thơ gian khó. Quả như thế, bạn bè nối khố và cả cậu em trai đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đôi lúc cũng tỏ ra ghen tị với tôi: “Anh được làm việc ở quê nhà, muốn thăm quê, thăm mồ mả ông bà, thăm bà con cô bác, bạn bè… chỉ cần một cuốc xe máy nửa giờ là được…”. Và cũng có lẽ vì thế mà tôi đâm yêu cái làng quê Nhơn Hòa nằm trải dài ven dãy Sơn Triều ở cực Nam của huyện An Nhơn. Yêu đến mức, khi cậu em nhờ tôi đặt tên cho con trai, tôi không phải suy nghĩ mà lấy ngay tên dãy núi quê nhà đặt tên cho cháu!

* Nhơn Hòa không “địa lợi”

Làng tôi rộng lắm. Một chiều dài trải theo Quốc lộ 19 đến những 7 cây số, còn một chiều dài khác là dòng sông Trường Thi yên ả, có đoạn sông phía trên đập Thạnh Hòa tuyệt đẹp với dòng nước xanh, tre trúc xanh cả 4 mùa. Một chiều rộng lại chạy ven Quốc lộ 1A từ cầu Bà Gi về phía Bắc cũng được vài cây số! Nhưng làng tôi cũng đông dân lắm! Đông đến mức cả làng có gần 1.700 ha đất sản xuất (nông, lâm nghiệp) nếu đem chia đều thì bình quân mỗi người cũng chỉ được có 450m2.

Làng tôi vốn nghèo. Dẫu dòng sông Côn đi qua Bầu Gốc trước khi đổ về xuôi đã chia hai nhánh bao bọc, vẫn không thể cho đất quê tôi phù sa màu mỡ, bởi địa hình dốc và nước từ dãy Sơn Triều vẫn xiết chảy mỗi mùa lũ lụt. Đồng đất bạc màu “gieo sét gặt vun” không nuôi nổi người, nên hàng chục năm đầu sau giải phóng, dân quê tôi cứ bấu vào dãy Sơn Triều. Mỗi sáng sớm, dòng người lại lũ lượt đổ về núi chặt cây, chặt củi, đốt than, rồi đi khai thác đá… Anh em chúng tôi lên mười, ngoài giờ học, đứa nào cũng đã phải lên núi chặt, đào…

Cho đến khi cây rừng chỉ còn thưa thớt, Luật Bảo vệ rừng siết chặt, người dân quê tôi lại phải bứt ra khỏi làng để kiếm sống. Người đi làm thợ hồ, thợ mộc; kẻ lên Tây Nguyên tìm việc… Cái “thương hiệu” Nhơn Hòa nếu có tồn tại trong lòng một ai đó ở ngoài địa phương, có lẽ cũng chỉ bởi nó được biết đến như một cái nôi của hát bội Bình Định. Bởi ở đây, từng có những thế hệ nghệ sĩ hát bội nổi tiếng khắp cả nước, có bàn thờ Tổ hát bội. Những năm thập niên tám mươi của thế kỷ trước, trong làng còn có cả những lớp dạy hát bội và nhiều đoàn hát cùng tồn tại, cả đoàn đồng ấu. Có lẽ, không nơi đâu mê hát bội cho bằng dân quê tôi…

Những năm tháng ấy, chẳng ai thấy cái làng Nhơn Hòa của tôi còn cả yếu tố “thiên thời” và “địa lợi”.

Và rồi như một sự ngẫu nhiên, phía mé Sơn Triều dọc theo Quốc lộ 19 trước ngày giải phóng vốn là căn cứ, đồn bót của Mỹ ngụy; sau giải phóng, đất bỏ hoang tàn bởi trong lòng đất còn đầy kẽm gai và bom mìn, lại được một số công ty, doanh nghiệp chọn mở xưởng. Ban đầu, chỉ là một số xưởng xẻ gỗ, sau dần là các xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, sản xuất đá… Một vùng phố mé Sơn Triều hình thành và sầm uất dần lên! Làng tôi không còn chỉ là của vài dòng họ. Người từ khắp nơi đổ về, ban đầu là số trăm, giờ đã là số ngàn. Họ quy tụ làm ăn trong các xí nghiệp, mang theo gia đình, con cái, rồi họ hàng… đặt ra yêu cầu xã phải tăng thêm đơn vị hành chính. Năm 2003, thôn Tân Hòa nằm ven Quốc lộ 19 được thành lập, nâng số thôn trong xã thành 9 thôn!

 

Đúc kim loại tại DNTN Minh Đạt (Nhơn Hòa). Ảnh: N.T

 

* Công nghiệp hóa Nhơn Hòa

Chưa kể Khu Công nghiệp Nhơn Hòa vừa mới được khởi công xây dựng hôm 31.3.2009, hiện trên địa bàn xã có 34 công ty, doanh nghiệp đứng chân hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, đá granit, đá xây dựng… với hơn 2.000 công nhân. Số lượng công ty, doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và việc khởi động Khu công nghiệp rộng 290 ha chứng tỏ Nhơn Hòa có “địa lợi” phát triển công nghiệp! Và cái thế “địa lợi” ấy không gì khác hơn chính là vị trí trên trục đường 19 nối Cảng Quy Nhơn với Tây Nguyên và chỉ cách Quốc lộ 1A có vài cây số.

Nhơn Hòa đi vào công nghiệp hóa không chỉ bởi hơn 1 ngàn trong tổng số hơn 2 ngàn công nhân là người địa phương được làm việc ăn lương trong các công ty, doanh nghiệp, mà chính là ở con số gần 70% số hộ có thu nhập chính từ hoạt động công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Lê Quang Thinh nói vanh vách các con số: 13 cơ sở sản xuất gạch ngói với sản lượng hơn 10 triệu viên, 133 xe cơ giới các loại, 36 xe súc vật kéo, 27 máy cày công nông, 41 máy cày đuôi tôm, 1 máy gặt đập, 19 máy cắt, 21 máy tuốt lúa, 4 cơ sở đóng thùng xe, 324 hộ kinh doanh sản xuất công nghiệp cá thể, 557 hộ kinh doanh thương mại lớn nhỏ…

Lê Quang Thinh là cháu gọi tôi bằng chú. Tôi nể phục ông cháu này từ thời Thinh còn đi học. Nhà nghèo, tốt nghiệp THPT, Thinh tiếp tục đi học đại học bằng con đường vừa học vừa làm, rồi đi học tiếng Anh ban đêm. Hơn 10 năm trước, cứ chiều chiều, hai anh em Thinh lại đèo nhau trên chiếc xe đạp vượt 24 cây số từ Nhơn Hòa về Quy Nhơn học tiếng Anh đến nửa đêm lại đạp xe về. Bây giờ trình độ tiếng Anh, của Thinh đã qua bằng C. Đội ngũ cán bộ ở xã Nhơn Hòa có 42 người, giờ đã có 19 người qua đại học, 18 người trung học chuyên nghiệp… Đây thực sự là môït tín hiệu đáng mừng cho một xã đang trên đà công nghiệp hóa nhanh chóng.

Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh đã dẫn đầu đoàn cán bộ lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh về kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 4 tháng đầu năm ở xã. Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, đã không tiếc lời khen đội ngũ lãnh đạo của xã đã biết báo cáo. Ông nói: “Trong khi nhiều xã lãnh đạo chỉ biết “nói chung là…”, thì lãnh đạo Nhơn Hòa đã biết “nói riêng” trên nhiều lĩnh vực… Và ông thử thách: “Địa phương nào cũng bảo khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến sự phát triển kinh tế. Với xã Nhơn Hòa thì tác động đó là gì?”. Và ông đã thỏa mãn khi nghe Phó Chủ tịch Lê Quang Thinh trả lời: “Nhơn Hòa có hơn 1 ngàn dân đang làm công nhân trong các doanh nghiệp. Trước đây công việc nhiều, làm việc tăng ca có thể thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng; giờ công việc ít, thu nhập giảm chỉ còn trên dưới 1 triệu, thậm chí có người phải nghỉ việc dài ngày. Song điều đáng mừng là công nhân Nhơn Hòa không ly nông, nên cuộc sống vẫn ổn định…”.

 

Trong nhịp sống công nghiệp hóa, người dân Nhơn Hòa vẫn không thôi niềm đam mê hát bội. - Trong ảnh: Đoàn tuồng Sao Mai chuẩn bị lưu diễn. Ảnh: Q.K

 

* Trăn trở với quê hương

Tôi thường về quê, thường được nghe bà con kể những chuyện vui, song đôi khi cũng nghe “méc” cả những chuyện buồn. Công cuộc công nghiệp hóa địa phương cũng có mặt trái khi có đến 8 doanh nghiệp chế biến đá xây dựng ngày ngày vẫn ầm ào nổ mìn làm rung chuyển nhà dân và tung bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường; rồi thì việc canh tác giống lúa U ải 32 được Sở NN&PTNT khuyến cáo là sâu rầy, song bà con vẫn quyết canh tác vì “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”; việc xã phải cho máy cày ra cày phá một số diện tích ruộng tăng vụ vì không thực hiện theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; việc Trại heo giống xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt…

Tôi ghé thăm Khu Công nghiệp Nhơn Hòa đang khởi động. Cánh đồng gieo phía trước hòn Đá Cóc, nơi ngày xưa mỗi năm chỉ một vụ lúa trì gieo sét gặt vun, đang ầm ầm chuyển động trong công việc nâng mặt bằng. Tôi lại về thắp hương bàn thờ Tổ hát bội và được biết dẫu trong nhịp sống ầm ào của công nghiệp hóa, người dân quê tôi vẫn không thôi niềm đam mê hát bội. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm này, cả xã đã tổ chức 23 đêm hát bội, trong đó UBND xã tổ chức 2 đêm, 21 đêm còn lại là thôn và xóm gom tiền tổ chức… Tính bình quân, cứ nửa tháng ở quê tôi lại có 3 lần vọng lên tiếng trống chầu! Tôi lại ghé thăm Đoàn tuồng Sao Mai của quê hương đúng vào lúc anh Trí, chị Hạnh (những bầu sô của đoàn) đang tất tả chuẩn bị cho đạo cụ lên xe đi lưu diễn…

Và tôi hiểu Nhơn Hòa của tôi đang bừng lên sức sống mới trong nhịp điệu văn hóa ngàn đời!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)