Từ đất Hà thành, sang Mỹ tự mày mò học và nghiên cứu bởi sự lôi cuốn từ những điều kỳ diệu của tim mạch học can thiệp, để rồi 20 năm sau, GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch trở thành một tên tuổi được giới chuyên môn tim mạch quốc tế kính trọng. Cuối tháng 4, trong chuyến công tác tại TP Quy Nhơn để tham dự Đại hội và Hội nghị Nội khoa Toàn quốc lần thứ VI, ông đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Bình Định về chuyện nghề và chuyện đời….
|
GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch (bìa trái) cùng các đồng nghiệp trong lần dạy học tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 301 tại Bắc Kinh - Trung Quốc (ảnh do nhân vật cung cấp). |
* Không bao giờ có điểm dừng!
Sau khi học 3 năm nội khoa tại New York, năm 1987, Nguyễn Ngọc Thạch tiếp tục bước vào con đường đầy sức hút - chuyên khoa tim mạch học. Kể từ đó, ngoài chuyện “đi cày” khoảng 10 giờ/ngày để kiếm sống, ông còn đi nhiều bệnh viện chung quanh thuyết trình các đề tài tim mạch.
+ Vì sao ông lại chọn chuyên khoa tim mạch học - con đường lắm chông gai - bởi phải 3 năm sau đó, người Mỹ mới có chương trình đào tạo chính thức về lĩnh vực này?
- Lý do rất đơn giản, vào những năm 80, tim mạch là một môn khó, nhiều thách thức và có nhiều câu hỏi cần giải đáp nhất.
+ Bây giờ, ông đã là một trong những khuôn mặt sáng giá của nền tim mạch học ở Mỹ, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện St. Mary (thành phố Hobart, bang Indiana), thành viên gốc Việt duy nhất trong Ủy ban Quốc tế Trường Môn Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology: ACC), phụ trách các hoạt động ngoài nước Mỹ của ACC, đặc biệt là châu Á. Ông cũng có tên trong các cuốn “tự điển” nổi tiếng về các danh nhân trên thế giới (Who’s Who in America, Who’s Who in the World…). Ngoài việc tham gia các hội nghị mang tầm cỡ quốc tế, giảng dạy ở các nước, ông còn “đi cày” hàng ngày ở các phòng khám?
- Cũng giống như các khoa học khác, những kiến thức về tim mạch học không bao giờ có điểm dừng. Bởi khi dừng lại, cũng đồng nghĩa là môn học đó đã trở nên thoái hóa. Là một nhà tim mạch học trong thời đại tin học, như bao nhiêu bác sĩ khác, tôi bị “dội bom” liên tục bởi vô số thông tin mới, tốt cũng có, mà đầy hoài nghi, khó tin cũng có. Vậy, làm sao có thể tiếp nhận thông tin mới một cách gạn lọc, áp dụng những kiến thức mới một cách thông minh vào các ca bệnh phức tạp?
* “Không có ý tưởng mới, bạn sẽ mãi theo sau người khác”
GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch cũng là tác giả những cuốn sách y khoa về tim mạch được coi là best-seller tại Mỹ và được dịch ra các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nga… Trong đó, cuốn “tim mạch lâm sàng” được các nhà phê bình gọi là “kim chỉ nam” dẫn đường cho các bác sĩ tim mạch.
+ Vậy, đâu là chìa khóa trong thành công của ông?
- Cốt lõi là phải có ý tưởng mới. Tháng rồi, khi đến Kualalumpur (Malaysia) để báo cáo tham luận tại Hội nghị Tim mạch Malaysia, tôi đã cố gắng đưa các ý tưởng mới vào bài báo cáo. Chính điều này đã làm cho các bác sĩ của Malaysia ngạc nhiên và thán phục. Và lần này đến với Đại hội và Hội nghị Nội khoa Toàn quốc lần thứ VI, được tổ chức tại Quy Nhơn, cũng 2 báo cáo đó đã được các bác sĩ tim mạch lắng nghe rất thích thú.
Trong quan niệm người Mỹ, ý tưởng mới rất quan trọng. Một người có thể bán sức lao động chân tay với giá tối thiểu 5 USD/giờ. Ảnh hưởng của người công nhân đó chỉ khu trú trong mảnh vườn, công xưởng, hay chỉ trong một phạm vi nhỏ. Nếu biết bán những ý tưởng mới, người đó sẽ có thu nhập cao hơn nhiều và tầm ảnh hưởng rộng hơn. Đó là lý do vì sao phải có ý tưởng mới, lắng nghe những khái niệm mới, đặt nghi vấn làm thế nào để tiến hành công việc tốt hơn. Còn nếu không, bạn chỉ là người mãi “lẹt đẹt” theo sau người khác mà thôi!
|
GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch tại Orlando, bang Florida vào tháng 4.2009 trong dịp Hội nghị Tim mạch Hoa Kỳ (ảnh do nhân vật cung cấp). |
+ Liệu có ý tưởng mới đã đủ chưa, thưa ông?
- Chưa! Khi đã có những ý tưởng mới, tôi trình bày vào bài báo cáo, nghiên cứu với suy nghĩ người tiếp nhận thông tin sẽ thoải mái, sảng khoái và hứng thú như đang nghe một bản hòa tấu của Beethoven hay Bach vậy. Đó là bí quyết thành công của các bài báo cáo hay các chương sách của tôi.
Nhưng trước hết phải biết cách tự chứng minh nó đã. Khi điều trị ở bệnh viện, tôi luôn nhắc mình phải nhớ đặt câu hỏi (vì không phải khi nào tôi cũng thắc mắc), rằng “Làm thế đã đủ chưa?”, “Có cách nào tốt hơn không?”, “Tôi có bỏ sót gì không?”. Và một câu hỏi cốt lõi cho những người thầy thuốc nhiều kinh nghiệm là “Tôi phải làm gì một khi đã áp dụng tất cả các khuyến cáo y học, nhưng bệnh nhân vẫn chưa khỏi bệnh?”. Thế nên, nếu tôi có ý tưởng mới, đây là lúc áp dụng để có kết quả tốt hơn, tất nhiên phải làm một cách an toàn. Nhiều khi, tôi thành công. Đôi lúc, tôi thất bại. Câu hỏi nữa là “Tại sao?”, “Làm thế nào cho tốt hơn?”…
+ Nhưng trước khi thành công, theo ông, các thầy thuốc tim mạch cần gì?
- Ngoài một đầu óc thông minh, chúng ta còn phải có một trái tim đạo đức. GS Pamela Douglas, Chủ tịch ACC, đã từng hỏi tôi: “Làm thế nào ông thành công khi làm việc chung một cách hài hòa và lâu dài với các đồng nghiệp Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan?”. Tôi đã trả lời: “Chúng tôi làm việc với nhau dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức của Khổng giáo. Đây là 5 phẩm chất cơ bản phải có của mỗi một con người: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Chúng tôi thấm nhuần các tiêu chuẩn đạo đức này và trên tinh thần đó, chúng tôi có thể làm việc hài hòa và cùng nhau đạt đến thành công”.
* Bác sĩ Việt Nam không kém gì các thầy thuốc khác trên thế giới
Từ năm 1994 đến nay, GS–TS Nguyễn Ngọc Thạch thường xuyên trở lại Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… để giúp các đồng nghiệp phát triển tim mạch học can thiệp. Chính ông là người “bắc nhịp cầu” đưa các chuyên gia hàng đầu thế giới về tim mạch học can thiệp tới Việt Nam, đặt nền móng cho ngành tim mạch can thiệp trong nước.
+ Có cơ hội tiếp cận với nhiều nền y học ở các nước, ông nhận xét gì về sự phát triển của ngành tim mạch học can thiệp ở Việt Nam?
- Tôi đến Hà Nội năm 1994. Khi ấy, Bệnh viện Bạch Mai chưa có thiết bị chụp mạch vành. Năm 1997, nhóm chuyên gia Mỹ do bác sĩ Stephen Osterle, John Douglas và Kenneth Kent đã thực hiện một số ca bệnh, đặt “giá đỡ” đầu tiên cho Việt Nam. 10 năm sau, các thầy thuốc Việt Nam ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh đã có thể “đua tài” được với tất cả các thầy thuốc tim mạch học can thiệp khác trên thế giới. Năm 1999, bác sĩ Ted Feldman, Giám đốc Trung tâm thông tin ở Đại học Chicago, đến Việt Nam dạy về thủ thuật sửa van 2 lá bằng bóng nong. 4 năm sau, các thầy thuốc Việt Nam đã làm hơn 2.000 ca với kết quả rất tốt và biến chứng rất thấp. Kết quả này làm nức lòng mọi người. Họ đã và sẽ làm việc tốt như bất kỳ bác sĩ trẻ nào trên thế giới, nếu có cơ hội, phương tiện để học tập và thực hành.
GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch thích nghe nhạc cổ điển, sưu tập đồ cổ, đi dạo trong rừng, tập thể dục, giải mã những bí ẩn của lịch sử (nhất là lịch sử Việt Nam)…
Xa quê hương đã hơn 20 năm, nhưng GS-TS Nguyễn Ngọc Thạch vẫn rất tinh tế với tiếng Việt. Ông tâm sự: “Chuyến đi thăm mộ Hàn Mặc Tử là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời tôi vì Hàn có những ý mới được thể hiện trong các bài thơ bất hủ, thực sự làm rung động lòng người. Ví như cái cách Hàn nói “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, có chở trăng về kịp tối nay” trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”. |
+ Hiện nay, Bình Định có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cần được điều trị. Vậy, ông đã có kế hoạch đặt nền móng phát triển tim mạch học can thiệp ở Bình Định?
- Trong lần đầu về Quy Nhơn, tôi đã có gặp gỡ và trao đổi thông tin với một số giám đốc các bệnh viện. Lần này, tôi có gặp một số giám đốc bệnh viện ở Việt Nam và họ có yêu cầu phái đoàn Mỹ hợp tác phát triển thêm lĩnh vực tim mạch học can thiệp. Riêng tại Bình Định, tôi đã có tiếp xúc với bác sĩ Phan Nam Hùng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và sẽ có kế hoạch đem phái đoàn Mỹ đến Quy Nhơn vào tháng 10 này để làm các thủ thuật tim mạch can thiệp đầu tiên khi Bệnh viện có đủ máy móc, thiết bị. Như vậy, không lâu nữa, Bệnh viện có thể làm được các thủ thuật tim mạch can thiệp như TP Hồ Chí Minh, Huế hay Hà Nội.
+ Và những thách thức cho bác sĩ trẻ Bình Định là gì, thưa ông?
- Bạn hãy hình tượng thế này, khi đến Quy Nhơn, tôi có tham quan 2 điểm là bãi trứng và Bảo tàng Quang Trung. Tôi đã đặt câu hỏi “Tại sao lại có những viên đá tròn 100% như vậy?”. “Tại sao trước điện thờ 3 anh em nhà Tây Sơn, có một kiến trúc nhô thẳng ra từ chính điện hình chữ T?”. Tôi đã đi tất cả các tỉnh thành từ Trung Quốc đến Việt Nam nhưng chưa thấy có một kiến trúc nào như vậy trước đền thờ anh hùng dân tộc. Vậy, kiến trúc đó có ý nghĩa gì?
+ Xin cảm ơn GS!
|