Cư dân ở Trường Sa
8:12', 18/5/ 2009 (GMT+7)

Dù sống xa đất liền, điều kiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng nhiều người dân vẫn tiếp nối thế hệ đi trước, tình nguyện ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sinh sống, công tác. Họ đang cùng với cán bộ, chiến sĩ nơi đây ngày đêm canh giữ và xây dựng vùng biển, đảo của Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn...

 

Đoàn Bình Định đến thăm, tặng quà cho gia đình anh Võ Xuân Trường và Nguyễn Thị Hạnh ở đảo Trường Sa Lớn.

 

* Cuộc sống mới ở đảo

Đến thăm các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, người đất liền ngỡ ngàng khi thấy nguồn điện từ quạt gió, pin mặt trời và sóng điện thoại đã phủ khắp.

Đặt chân lên Trường Sa Lớn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trụ điện bằng quạt gió, pin mặt trời được lắp đặt quanh đảo, cạnh những cây phong ba, bão táp. Quanh trụ sở UBND thị trấn Trường Sa là những cột ăng ten tiếp sóng điện thoại, truyền hình. Nằm ở phía Nam đảo Trường Sa Lớn là khu dân cư bề thế được thiết kế và xây dựng rất đẹp, sát bờ biển. Mỗi căn hộ rộng khoảng 200m2, có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp ăn và vườn rau xanh để tăng gia và nuôi gà, vịt.

Không những cơ sở vật chất trên đảo được xây dựng ngày càng đẹp, đến nay, hệ thống hành chính trên các đảo có dân ở đã hoàn thiện. Các tổ chức, đoàn thể cũng đã được thành lập, từ Phụ nữ, Thanh niên, Mặt trận đến Hội Cựu chiến binh và hoạt động khá nhịp nhàng.

Tại Trường Sa Lớn, chúng tôi may mắn được gặp nhiều gia đình là dân gốc Bình Định ra đảo sinh sống. Như vợ chồng anh Võ Xuân Trường và chị Nguyễn Thị Hạnh; anh Trường ở xã Tây Vinh (Tây Sơn), chị Hạnh ở xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn). Rồi vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hải (ở Phù Mỹ) và chị Nguyễn Thị Kim Huệ (ở Hoài Nhơn); anh Đặng Thanh Chương và chị Bùi Thị Nhung (chị Nhung ở xã Nhơn Lộc, An Nhơn)...

Cũng như các gia đình khác trên đảo, từ khi chuyển từ đất liền ra đây sinh sống, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải tốt hơn rất nhiều. Anh Hải cho biết: “Ra đây, vợ chồng tôi và các gia đình khác đều có công việc trên đảo. Gia đình nào cũng có thu nhập, mấy đứa nhỏ đều được đến lớp. So với cuộc sống của gia đình tôi trước đây ở đất liền thì giờ khá hơn nhiều”.

Đến thăm gia đình anh Võ Xuân Trường và Nguyễn Thị Hạnh, gặp đồng hương ở nơi đảo xa, hai vợ chồng cố giữ chúng tôi lại khá lâu để trò chuyện. Chị Hạnh, nụ cười luôn nở trên môi, cho biết: “Gặp được mọi người trong đoàn Bình Định ra thăm, nghe giọng nói của quê mình, em cảm thấy vui lắm, nỗi nhớ người thân trong đất liền bấy lâu nay, giờ đã vơi đi”. Còn anh Trường thì hẹn cuối năm nay anh sẽ vào đất liền để thăm gia đình, người thân và anh em sẽ có dịp gặp lại nhau.

 

Khu nhà dân ở đảo Sinh Tồn được xây dựng khá khang trang.

 

So với Trường Sa Lớn, cơ sở vật chất ở đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây chưa khang trang bằng, nhưng cuộc sống của người dân ở hai đảo này cũng khá tốt. Vợ chồng anh Bùi Đình Khải và Trần Thị Nữ, ở đảo Sinh Tồn, hiện chị Nữ đang mang thai được 4 tháng. Anh Khải cho biết: “Đời sống của gia đình tôi và các hộ dân trên đảo rất tốt. Nhà cửa khang trang, trang thiết bị sinh hoạt trong nhà tương đối đầy đủ. Chúng tôi đã trồng được rau, nuôi gà vịt và bây giờ có cả ti vi bắt được 6 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, có điện thoại để liên lạc với đất liền nên đời sống rất thoải mái. Thậm chí nhiều hộ trên đất liền mơ cũng không được”.

Còn tại đảo Song Tử Tây, chúng tôi lại gặp một số gia đình là người Bình Định, như Huỳnh Quyền và Trần Thị Nga, anh Quyền quê ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn); Ngô Cần và Nguyễn Thị Chí, anh Cần quê ở xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ)... Hầu hết các hộ dân ở đây cũng đã được bố trí công ăn việc làm đầy đủ, thu nhập ổn định. Chẳng hạn với vợ chồng anh Cần, anh là công nhân viên nấu ăn trên đảo, còn vợ làm Chủ tịch Hội LHPN xã. Ngoài thời gian làm việc trên đảo, anh Cần còn tranh thủ đi đánh bắt gần bờ để cải thiện bữa ăn. Có hôm đánh bắt được nhiều,  anh mang cho các hộ dân xung quanh hoặc gửi tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo.

Trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi vợ gặp vợ chồng anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liền, quê ở Cam Lâm (Khánh Hòa), hiện chị Liềân đang mang thai sắp sinh em bé. “Tuy cuộc sống ở đảo còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhưng gia đình tôi ra đây sống khá lâu nên đã thích nghi. Từ khi mang thai đến giờ sức khỏe của tôi khá tốt, ăn uống đầy đủ và tăng được 10 kg so với trước khi có thai. Ở đảo có đầy đủ y, bác sĩ và thuốc men nên tôi rất yên tâm để sinh em bé”-chị Liềân cho biết.

Vào trưa ngày 16.5, chị Trương Thị Liền đã sinh được bé gái nặng 3,2kg ngay trên đảo Song Tử Tây dưới sự đỡ đẻ của các bác sĩ và y sĩ quân y trên đảo. Ca sinh dễ, an toàn, hai mẹ con chị Liền đều khỏe mạnh. Trước đó, khi tiếp xúc với chúng tôi, vợ chồng chị Liền cho biết, nếu sinh con trai sẽ đặt là Hồ Song Tất Minh (Hồ là họ cha, Song là đảo Song Tử Tây, Tất và Minh là tên của 2 vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam). Còn sinh con gái sẽ đặt là Hồ Trường Sa, bởi vì quần đảo Trường Sa đã thực sự gắn bó và có nhiều kỷ niệm với vợ chồng anh Dương, chị Liền cũng như những người dân đang sinh sống ở đây.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, cuộc sống ở đây tuy còn khó khăn, nhưng bù lại, có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhất là đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Hiện một số hộ dân đang thí điểm nuôi một số loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài tham gia làm kinh tế, 100% thanh niên của các hộ dân trên các đảo đều tham gia dân quân tự vệ, sẵn sàng chắc tay súng sát cánh cùng các chiến sĩ trên đảo bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

* Gieo chữ ở đảo

Không chỉ những người dân tình nguyện ra đảo, mà còn có cả những cô giáo, dù tuổi đời còn khá trẻ, đang dạy học ổn định trong đất liền vẫn tình nguyện ra đảo. Đó là cô giáo Bùi Thị Nhung, sinh ở xã Nhơn Lộc (An Nhơn, Bình Định) theo gia đình vào sống ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, ra trường, Nhung chạy ngược chạy xuôi mới xin được một chân dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Cam Thịnh Tây, một xã miền núi của thị xã Cam Ranh. Sau một năm, Nhung lại tình nguyện xin ra dạy ở đảo Cam Bình (thị xã Cam Ranh). Hai năm sau, Nhung nộp hồ sơn xin xét biên chế về lại huyện Cam Lâm, sau đó, được bố trí dạy ở Trường Tiểu học Suối Cát, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Chồng của Nhung khi đó đang làm nhân viên cho Công ty Cát Vàng, ở thị xã Cam Ranh, thu nhập hàng tháng tương đối ổn định; hai vợ chồng lại có con nhỏ mới 3 tuổi. Vậy rồi, một lần, Nhung nghe người bà con đang sinh sống ở đảo Sinh Tồn cho biết, ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang thiếu giáo viên nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo tạm thời lên lớp. Câu nói đó làm cho Nhung nhiều đêm suy nghĩ, thương các học sinh trên đảo và ý nghĩ tình nguyện ra đảo dạy bắt đầu trỗi dậy. Chưa dám nói vội với chồng, Nhung chỉ dám tâm sự với bố. Sau khi nghe Nhung trình bày, bố Nhung chỉ nói một câu: “Ở đâu cũng là dạy học, nếu nơi nào cần thì con cứ đến”. Được bốâ ủng hộ, Nhung quyết định ra đảo. Ban đầu, anh Đặng Thanh Chương, chồng Nhung phản đối, nhưng sau đó anh bị vợ thuyết phục và chịu theo vợ ra đảo.

 

Cô giáo Bùi Thị Nhung đang dạy các em mẫu giáo tại đảo Trường Sa Lớn.

 

“Ra đảo sinh sống và dạy học là một quyết định mà nhiều người trong đất liền cho là liều lĩnh. Thế nhưng đối với tôi đó lại là một quyết định đúng đắn và cũng đầy niềm vui”-Nhung tâm sự.

Trên đảo thiếu giáo viên, Nhung phải dạy từ mẫu giáo đến lớp 4, nên hầu như đêm nào Nhung cũng phải thức khuya để soạn giáo án cho 9 môn học lớp 2, 3 và 11 môn lớp 4.

Một ngày, Nhung phải dạy 4 lớp. Buổi sáng sau khi hướng dẫn các cháu mẫu giáo tập viết, đánh vần, Nhung chạy qua dạy Toán và giao bài tập mới cho học sinh lớp 4 làm. Buổi chiều, trong khi cho các cháu lớp 2 viết chính tả, Nhung phải sang lớp 3 dạy tập làm văn... Cứ vậy, lịch lên lớp của cô giáo Nhung bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều. Do một mình đứng lớp nên tranh thủ ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, Nhung dạy thêm tiếng Anh cho các cháu lớp 4. Tối, Nhung đến từng nhà kiểm tra bài vở, kèm cặp thêm cho các cháu học yếu.

Học sinh trên đảo không có điều kiện tiếp cận trang thiết bị học tập hiện đại, không được cùng cha mẹ đi chơi công viên, tham gia nhiều trò chơi lý thú như trẻ em trên đất liền... Do đó, Nhung càng gắn bó càng thấy thương các học trò mình nhiều hơn và luôn mong muốn làm việc hết sức mình để bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)
Người “có lòng” với cuộc đời   (22/03/2009)