Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp
7:47', 25/5/ 2009 (GMT+7)

Thời gian gần đây, Báo Bình Định nhận được phản ánh của nhiều sinh viên (SV) khi “bị lừa” tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC). Vậy thực chất của vấn đề này như thế nào?

 

Nhiều SV bị cuốn vào “cơn bão” BHĐC. - Trong ảnh: Một buổi huấn luyện nhân viên của một doanh nghiệp BHĐC. Ảnh: T.X

 

* Nạn nhân - đồng phạm

Gần đây, gia đình phát hiện N.T. Hiên (SV năm 2, Trường Đại học Quy Nhơn) đã làm việc cho Công ty TNHH SX-TM Hưng Thời Đại từ ngày 28.2.2009. Kể từ lúc tham gia vào Công ty, Hiên có nhiều biểu hiện lạ như thường xuyên vắng nhà; về đến nhà hay nói “lải nhải” và cầm điện thoại gọi điện, nhắn tin liên tục. Một lần, tình cờ đọc tin nhắn của em, Hương, chị gái của Hiên, còn biết Hiên đang ủng hộ một SV khác bỏ học để theo đuổi “sự nghiệp” BHĐC.

Qua theo dõi, chị của Hiên biết em mình đã vay mượn ngân hàng và người quen số tiền khá lớn. Không chỉ thế, giữa tháng 4.2009, Hiên về quê, bắt mẹ phải vay tiền để Hiên đi thực tế ở Đà Lạt. Nhưng thực ra, lần ấy, Hiên đi dự “Đại hội Hoa hồng” do Công ty tổ chức ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Dương, lớp trưởng của Hiên cho biết, đã ba tháng qua, việc học hành ở lớp của Hiên rất chểnh mảng. Hiện nay, Hiên đứng đầu lớp về “thành tích” nghỉ học. Không chỉ thế, Hiên còn đến phòng trọ của từng SV trong lớp, giở đủ chiêu bài để lôi kéo bạn bè tham gia vào Công ty và đều dặn dò bạn đừng nói cho người khác biết. Đến nay, theo Dương biết, đã có 2 SV trong lớp trở thành thành viên của Công ty Hưng Thời Đại, còn số SV đến tham dự thuyết trình giới thiệu sản phẩm, nộp tiền đặt cọc thì rất nhiều. Khi Dương đọc thông báo của Đoàn Trường cảnh báo SV không nên tham gia hình thức BHĐC, nhiều SV mới tiết lộ mình từng bị “dụ dỗ” như thế nào. Hiện nay, tình hình của lớp Dương rất lộn xộn, bạn bè không tin tưởng nhau; trong nội bộ SV xảy ra tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết.

Ông Lê Văn Chánh, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương: “Hiện nay, trong quản lý hoạt động BHĐC còn nhiều sơ hở. Nếu doanh nghiệp bán hàng không hóa đơn nghĩa là trốn thuế. Sở Công Thương chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm quản lý về giấy phép, còn việc kiểm soát hàng hóa bán ra như thế nào thuộc về cơ quan quản lý thị trường. Mức độ vi phạm như thế nào, có đến mức truy tố hay không, thì phụ thuộc vào các cơ quan điều tra”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối tượng mà các công ty BHĐC hướng đến là những SV năm 1, năm 2 có hoàn cảnh khó khăn phải làm thêm. Dân (SV năm 1, khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quang Trung) là một trường hợp như thế. Nhà nghèo, Dân vừa học vừa phụ bán cà phê. Cách đây không lâu, Dân được một SV tên M. rủ rê tham gia BHĐC. Dân kể: “Chị M. hỏi tôi bán cà phê mỗi ngày được bao nhiêu, rồi chê làm vậy là quá thấp, khuyên tôi bỏ việc. Chị M. còn dẫn tôi tham gia buổi thuyết trình giới thiệu sản phẩm ở Cơ sở Đại Phát (số 5 Tây Sơn, phường Quang Trung, Quy Nhơn). Nhiều người ở đó hùa vào khuyên tôi nên tham gia BHĐC cho Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, làm việc nhẹ nhàng mà lương cao. Nhưng muốn làm thành viên của Công ty, phải mua hàng hóa trị giá 3 triệu đồng. Họ còn bày cho tôi kiếm tiền bằng cách nói dối cha mẹ xin tiền học ngoại ngữ, tin học. Thấy tiền nhiều quá, tôi về hỏi chị gái thì được biết chị M. ấy cũng học cùng lớp với chị tôi. Hiện nay chị M. học hành giảm sút, vay mượn nợ nần rất nhiều. Chị tôi cấm tôi không được tham gia”.

Để dụ dỗ SV tham gia vào mạng lưới BHĐC, những “kẻ săn mồi” thường đánh vào tâm lý tuổi trẻ thích khám phá cái mới, ham muốn thành đạt, giàu có. Nhiều SV là cán bộ lớp cũng trở thành nạn nhân, tham gia lôi kéo người khác, nguy cơ ảnh hưởng dây chuyền là rất lớn. Nhiều người “đâm lao phải theo lao”, biết mình là nạn nhân vẫn phải dụ dỗ bạn bè, người thân để “gỡ gạc”, không dứt ra được. Có thể nói, họ là “nạn nhân”, nhưng đồng thời cũng chính là “đồng phạm” tiếp tay cho những biến tướng của BHĐC. Nhiều người thoát ra được, lại cố tình im lặng, vô tình tạo điều kiện cho kẻ khác tiếp tục “săn mồi”.

 

Cơ sở Đại Phát – nơi hoạt động của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: N.V.T

 

* Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Hương cho chúng tôi xem máy xay cắt đa năng trị giá hơn 1,7 triệu đồng mà Hiên phải mua để trở thành nhân viên của Công ty Hưng Thời Đại. Dưới đáy máy xay cắt đa năng có dán một mẩu giấy nhỏ, ghi tên mặt hàng (máy xay cắt đa năng) xuất xứ Trung Quốc, nhà nhập khẩu: Công ty TNHH SX-TM Hưng Thời Đại; không có thông tin nào về nguồn gốc cụ thể của sản phẩm cũng như sự kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Khi mua hàng, người mua cũng không có hóa đơn chứng từ gì.  Nghiêm trọng hơn, khi nộp 100 ngàn đồng để đặt cọc, người nộp tiền cũng không nhận được hóa đơn. Vì vậy, họ không thể đòi tiền khi không tham gia nữa.

Lên, SV năm 3 Trường Đại học Quy Nhơn - một nhân chứng khác - kể: “Một lần mua sách cũ của ông V.L. ở trước cổng trường, ông L. hứa sẽ tìm cho tôi một chỗ làm hấp dẫn. Tôi thắc mắc, nhưng ông ấy không nói. Đến khi được ông L. dẫn vào Cơ sở Đại Phát, dự buổi thuyết trình, tôi mới biết mình đã bị lôi kéo vào hoạt động BHĐC. Sau đó, tôi được biết, việc không cung cấp thông tin cho người khác khi mời họ làm khách mời là yêu cầu đối với nhiều nhân viên”. Lên đưa cho tôi một tài liệu huấn luyện của công ty BHĐC nọ, ở trang 7 có ghi “Đề nghị bạn không nói 3 điều sau: Công ty, chế độ, sản phẩm”.

TS. Hà Thanh Việt, giảng viên Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Đối với các sản phẩm hàng đa cấp, giá trị bán ra thường cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của nó. Tham gia BHĐC rất dễ bị lừa. Chúng tôi đã khuyến cáo SV không nên tham gia hoạt động này, mong các bạn nâng cao cảnh giác hơn nữa”.

Bảo trợ một người khác tham gia mạng lưới BHĐC mà không thông báo đầy đủ thông tin thì rõ ràng là đã vi phạm khoản 1, điều 8 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24.8.2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC. “Không riêng gì ông L., nhiều “kẻ săn mồi” khác cũng bưng bít thông tin để lôi kéo người khác” - Lên khẳng định.

Khẳng định của Lên hoàn toàn có cơ sở. Tháng 11.2008, tôi được Thương, bạn học chung lớp hồi cấp ba, hiện đang là điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rủ tham gia vào một công việc “ít tốn thời gian, nhưng được nhiều tiền”. Tôi cố hỏi, nhưng Thương cứ lờ đi, chỉ hẹn đưa tôi đi. Đến khi vào Cơ sở Đại Phát, tôi mới biết Thương giới thiệu tôi tham gia BHĐC cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Sau khi nhận được cảnh báo của bạn bè ở TP Hồ Chí Minh, tôi quyết định không tham gia. Điều đáng nói là, Thương luôn khẳng định bếp điện từ mà Công ty bán, Thương đang dùng rất tốt. Thế nhưng, cách đây ba hôm, tôi tìm Thương để tận mắt xem sản phẩm, thì Thương cho biết vẫn chưa nhận hàng. Và từ ấy đến nay, Thương chỉ “dụ” được một “con mồi” mà thôi.

Tại điều 7 của Nghị định 110 cũng ghi rõ những hành vi bị cấm của doanh nghiệp BHĐC; trong đó, có cấm doanh nghiệp yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC. Thế nhưng, thực tế trái ngược hoàn toàn. Trong tài liệu huấn luyện dẫn chương trình do công ty BHĐC phát cho Hiên, có đoạn: “Ngày hôm nay đến đây, Công ty đã chuẩn bị cho quý vị tất cả như: mặt bằng, điện, nước, sản phẩm, nhân viên… Và mời tất cả quý vị về đây làm Ông chủ, Bà chủ phân phối hàng hóa của Công ty chúng tôi. Quý vị có muốn làm chủ Công ty chúng tôi không ạ? Như thế quý vị phải qua 3 điều kiện hết sức đơn giản: 1. 18 tuổi trở lên; 2. Người giới thiệu; 3. Sử dụng sản phẩm (từ 1 triệu PV (PV- giá trị tích lũy cá nhân))”…

 

Máy xay cắt đa năng Hiên mua để trở thành nhân viên BHĐC. Ảnh: N.V.T

 

* Quản lý BHĐC: thiếu chặt chẽ

Trong văn bản số 100/SCT-TM ngày 19.2.2009 của Sở Công Thương gửi Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, về việc báo cáo định kỳ về quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh Bình Định, có ghi rõ: “Thực hiện Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 8.11.2005 của Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24.8.2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa có doanh nghiệp nào đăng ký cấp Giấy đăng ký tổ chức BHĐC tại Sở Công Thương”. Như vậy, việc các công ty tổ chức BHĐC tại tỉnh ta là chưa rõ ràng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Chánh, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết: “Hiện nay trong lĩnh vực BHĐC, trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn còn nhiều sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng. Việc quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh là rất khó khăn”.

Trong quá trình quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn, Sở Công Thương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Như tại điểm a, khoản 10, Thông tư số 19/2005/TT-BTM, quy định: “Khi doanh nghiệp BHĐC phát triển mạng lưới ra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà doanh nghiệp không đặt trụ sở chính, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Thương mại hoặc Sở Thương mại - Du lịch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó”, theo mẫu Thông báo (MTB-3) Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Tuy nhiên, mẫu Thông báo (MTB-3) lại không quy định nội dung địa chỉ giao dịch (văn phòng, chi nhánh) nơi doanh nghiệp BHĐC phát triển mạng lưới ra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà doanh nghiệp không đặt trụ sở chính. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn.  

  • Nguyễn Văn Trang

Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cư dân ở Trường Sa  (18/05/2009)
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)
Ông “Hai Lúa” đi làm phim Vua  (29/03/2009)
Đêm chợ cá   (23/03/2009)