Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền
9:23', 7/6/ 2009 (GMT+7)

Vào cuối tháng 5 vừa qua, tại Bình Định đã diễn ra buổi tọa đàm về các nhóm tự lực của người khuyết tật (NKT). Nhân dịp này, chị Nguyễn Hồng Oanh - Phó Giám đốc tổ chức IDEA (Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập) Việt Nam - đã dành nhiều thời gian tham quan, thăm hỏi các nhóm tự lực ở Bình Định và chia sẻ kinh nghiệm sinh hoạt nhóm tự lực của NKT. PV Báo Bình Định đã có cuộc chuyện trò với chị Nguyễn Hồng Oanh về những mối quan tâm đối với NKT.

 

Chị Oanh (ngồi giữa) chụp hình lưu niệm với NKT ở Bình Định.
 

- Thưa chị! Trước khi chị đến với buổi tọa đàm này, chúng tôi được biết chị là một trong số ít những người phụ nữ khuyết tật thành đạt trong công việc cũng như gia đình. Vậy đâu là động cơ đưa chị đến với những thành công này?

Thực sự tôi cũng không biết con đường nào đã dẫn tôi đến với diễn đàn NKT. Mới 2 tuổi tôi bị sốt bại liệt và trở thành NKT, nên trong cuộc sống tôi gặp nhiều khó khăn. Đối với những NKT là nam giới thì đã gặp không ít những khó khăn trong cuộc sống, trong sinh hoạt rồi, còn đối với phụ nữ là NKT thì khó khăn sẽ nhân lên gấp đôi, gấp ba. Nhưng điều mà NKT cảm thấy nặng nề, buồn tủi nhất là những ánh mắt kỳ thị của xã hội, thậm chí của các thành viên khác trong gia đình. Để vượt qua những cái kỳ thị này là cả chặng đường dài phải trải qua từng ngày, từng ngày một mới đến được điểm mà tôi muốn đến.

- Chị có thể nói một chút về bản thân?

Những năm của thời kỳ bao cấp, kinh tế gia đình quá khó khăn, tôi là con đầu, còn có thêm 4 đứa em. Việc đi học của tôi gắn liền với những năm tháng đu trên lưng bố mẹ, bạn bè. Những lần đi sơ tán chiến tranh, hoặc đi chữa bệnh tôi gần như phải bỏ học ở trường và tự học. Thời gian đến lớp không nhiều, nhưng nhờ sự cố gắng, ham học và có chút sáng dạ nên tôi luôn ở “top” đầu trong lớp. Năm lớp 8, tôi được vào đội tuyển giỏi văn của thành phố Hà Nội.

Năm 22 tuổi tôi mới tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ. Lúc này bố mẹ già yếu không cõng được tôi, thật may tôi có những người bạn đã hết lòng giúp đỡ. Và rồi 6 năm học cũng qua đi, cầm tấm bằng cử nhân với một chút hy vọng sẽ tìm được một việc làm nào đó. Nhưng rồi, giống như chị Nguyễn Thị Dư (GĐ Cty TNHH May Trường Thành - PV) của Bình Định, tôi luôn bị những cái lắc đầu của các nhà tuyển dụng, khi họ thấy tôi là NKT. Tôi tủi thân lắm! Nhưng tự động viên mình không được lùi bước. Tôi lại phải trở lại công việc mà lúc bé thường phụ giúp mẹ, đó là đan áo len thuê và vừa học thêm tiếng Pháp, học đại học tại chức khoa Ngữ văn… để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Một người rất quan trọng trong cuộc sống của tôi, đó là anh Nguyễn Duy Thuần, sinh viên Đại học Dược, vừa là người bạn trai thân thiết ở gần nhà, vừa là thầy dạy học và là chồng tôi sau này. Bởi tôi đi lại khó khăn, nên bạn bè thường lấy nhà tôi làm tụ điểm cho nhóm. Anh Thuần có một mong muốn là chữa được bệnh cho tôi để tôi đi lại được. Hằng ngày anh ấy đưa tôi đi châm cứu, rồi anh nghiên cứu cả Đông y lẫn Tây y… để mong tìm được phương thuốc hữu hiệu cho bệnh tật của tôi; chúng tôi yêu nhau lúc nào cũng không biết.

 

Chị Oanh (ngồi xe lăn) trao đổi với Hội Bảo trợ NTT và trẻ em mồ côi tỉnh Bình Định.
 

Tôi không thể tưởng tượng nổi, một người con gái khuyết tật như tôi, khó có việc làm ổn định, còn anh vừa tốt nghiệp đại học, được ở lại làm cán bộ giảng dạy tại trường, bao nhiêu dư luận chung quanh sự chênh lệch đó đã làm cho chúng tôi rất khổ sở. Nhưng rồi chúng tôi vẫn có một đám cưới nghèo mà khách đến dự đông đến bất ngờ. Hiện giờ con trai tôi đã 20 tuổi, sinh viên năm thứ 3, ĐHBK Hà Nội.

Tôi đã trải qua một quãng đời khá dài mà chưa dám mơ ước một điều gì to tát cho mình, chỉ dám đón nhận những gì mà tôi đã và đang phấn đấu để có được, tôi có được những gì như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu và luôn phấn đấu vượt quá sức mình.

- Chị có thể giới thiệu khái quát về hoạt động của IDEA Việt Nam?

Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập Việt Nam ra đời năm 2006, qua hoạt động của Diễn đàn NKT Việt Nam (thành lập năm 2000). Công việc chính là hỗ trợ các nhóm tự lực, như: tư vấn cách thành lập nhóm, các kỹ năng hoạt động của từng nhóm, thông qua các hoạt động tư vấn thiết kế dự án cho các nhóm NKT và giúp họ có nhiều kỹ năng thông qua các lớp tập huấn, nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên trong nhóm tự lực của NKT trong toàn quốc. Năm ngoái chúng tôi kỷ niệm 20 năm nhóm “Vì tương lai tươi sáng” hình thành, đây là nhóm tự lực của NKT đầu tiên của Việt Nam; trong đó có cả những người trí thức tham gia. Tham gia IDEA, tôi đã được tham gia rất nhiều những hoạt động liên quan đến NKT, tham gia những chương trình đào tạo, tập huấn và tham quan ở rất nhiều nước.

- Đằng sau những thành công của chị đã có sự đóng góp rất nhiều của bố mẹ, chồng con, bạn bè… Chị có lời khuyên gì đối với gia đình những trẻ em khuyết tật, để các em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống?

Tôi nghĩ rằng không riêng gì trẻ khuyết tật mà kể cả trẻ không khuyết tật cũng vậy, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ là quan trọng nhất. Một đứa trẻ sinh ra bao giờ cũng được tiếp xúc với gia đình trước khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Điều quan trọng làm sao để bố mẹ trẻ em bị khuyết tật hiểu rằng con của mình dù như thế nào đi nữa cũng không phải là đứa trẻ bị bỏ đi, là gánh nặng của gia đình. Tôi đã tham gia nhiều trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Tôi đã chia sẻ với những người mẹ có con bị khuyết tật và biết rằng có nhiều người rất buồn, tự ti, mặc cảm vì bị gia đình nhà chồng không thông cảm, ruồng rẫy, coi mình là tội lỗi. Có trường hợp bị chồng xa lánh vì… đẻ đứa con khuyết tật, đó là điều rất đau khổ cho những bà mẹ trong hoàn cảnh này.

 

Chị Hồng Oanh đang làm việc với cộng sự.

 

Ở Hà Nội có những CLB phụ nữ có con khuyết tật, họ đến sinh hoạt, chia sẻ và cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn và cho con của họ đến tiếp xúc, làm quen với thế giới bên ngoài. Theo tôi, hãy tạo cơ hội cho đứa con tội nghiệp của mình học tập, phát triển trong những điều kiện tốt nhất mà mình có thể, chứ không thuần túy là cho nó ăn no, mặc ấm là đủ. Tôi đã đến một số vùng nông thôn ở Bình Định, thấy có những trẻ chỉ bị khoèo chân một tí, bị dị tật nhẹ, hoặc có dấu hiệu thiểu năng một chút là gia đình xem như gánh nặng, là người bỏ đi. Nếu bố mẹ có ý thức một chút, được tiếp cận một số thông tin về chăm sóc, can thiệp sớm với những trẻ em bị khiếm khuyết thì những đứa trẻ này có rất nhiều cơ hội trở lại những đứa trẻ bình thường.

- Qua những ngày làm việc tại Bình Định, chị có nhận xét gì về những NKT ở Bình Định và các nhóm tự lực của NKT Bình Định?

Chị Nguyễn Hồng Oanh SN 1957, tại Hà Nội. Bị khuyết tật bẩm sinh hai chân, đi lại bằng xe lăn; trình độ đại học; là chuyên gia các vấn đề tiếp cận cho NKT; Phó Giám đốc Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) Việt Nam; Quản lý chính Diễn đàn NKT Việt Nam; Đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương; thành viên nhóm “Vì tương lai tươi sáng”… Chồng là Nguyễn Duy Thuần, Viện phó Viện Dược liệu Trung ương.

Những gì tốt đẹp, đáng tôn vinh về NKT và các nhóm tự lực ở Bình Định thì tôi đã nói ở buổi tọa đàm. Thế nhưng, ấn tượng mà tôi khó quên nhất ở NKT tại Bình Định đó là họ muốn được thể hiện mình qua buổi tọa đàm, bằng việc trưng bày, triển lãm các sản phẩm từ trí tuệ, sức lực lao động của họ. Ví như: xe máy số lùi, leo cầu thang của anh Võ Đình Minh; sản phẩm tin học của nhóm “Khuyết tật Niềm Tin” Vân Canh; hàng điện tử anh Hùng; sản phẩm may xuất khẩu của những người thợ khuyết tật của Cty TNHH Thành Hiệp, do chị Dư, một NKT làm Giám đốc. Hay các sản phẩm mỹ nghệ cực kỳ tinh xảo của NKT tại Cơ sở Nguyễn Nga, Trung tâm BTXH Đồng Tâm và cũng khó mà quên được những đôi giày da được làm ra từ đôi tay của người mù, mang thương hiệu Thịnh Vượng.

Những NKT của Bình Định mà tôi đã gặp hầu hết đều chịu khó và có chung một mong ước là cơ hội việc làm; bởi số NKT được biên chế vào cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp làm ăn ổn định chỉ tính trên đầu ngón tay. Số lượng nhóm tự lực của NKT ở các huyện chưa được phát triển và chưa có sự quan tâm giúp đỡ đúng mực của xã hội. Đặc biệt là ở Bình Định chưa có Hội NKT, chưa có chiến lược vì sự phát triển hòa nhập nên ít đón được các dự án hỗ trợ NKT ở Bình Định.

- Xin cảm ơn chị!

  • Ngọc Diên (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nghệ thuật lừa” kiểu đa cấp  (01/06/2009)
Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp  (25/05/2009)
Cư dân ở Trường Sa  (18/05/2009)
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)
Một ngày theo chân người “gác rừng”   (30/03/2009)