“Hạt giống đỏ” của bản làng
9:15', 8/6/ 2009 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về An Lão, tìm gặp những già làng được đồng bào ví như những “hạt giống đỏ” ở làng vì am hiểu việc làng, phong tục tập quán, nghi lễ của dòng họ. Bằng khả năng, kinh nghiệm, họ đã xử lý hài hòa việc làng việc nước, luật tục và luật pháp, việc dòng họ và tộc người; nói dân nghe, làm dân tin, dân phục và dân theo.

 

Đoàn đại biểu, cán bộ, già làng có uy tín của huyện An Lão chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Phủ Chủ tịch.

 

* Chân dung già làng

Dân tộc thiểu số người H’rê, Bana ở An Lão có những tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống riêng; có nguồn gốc lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với bản làng, tộc họ, mang tính cộng đồng cao. Già làng là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng và là chức danh không thể thiếu ở làng, dù chức năng ấy hình thành tự nhiên, không qua bất kỳ thủ tục bầu bán hành chính nào. Bà Đinh Thị Minh Kết (ở thôn 2, thị trấn An Lão), có 25 năm giữ vai trò lãnh đạo ở huyện An Lão, phác họa về già làng như sau: “Già làng ngày nay (có độ tuổi từ 60 đến 80) được mọi người tôn sùng phải là người động viên đồng bào thực hiện hương ước, xóa bỏ tập tục lạc hậu… Họ còn là những người biết cách sản xuất, xây dựng kinh tế vững chắc, không chỉ tránh được đói nghèo cho gia đình, mà còn hướng dẫn người trong làng cách làm ăn”.

Trong hành trình tìm gặp những già làng uy tín ở huyện, chúng tôi được nghe nhiều giai thoại về già làng Đinh Xuân Ba (ở thôn 2, thị trấn An Lão). Dù đã mất, ông vẫn được đồng bào nhớ mãi. Bà Trần Thị Được, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho biết: “Dù ở cương vị nào, khi còn đương chức và cả lúc về hưu, anh Ba vẫn làm việc hết mình với mong ước đồng bào Bana, H’rê thoát khỏi tập tục lạc hậu và đói nghèo”. Bà Kết kể lại: “Tôi nhớ mãi hình ảnh anh xin phép mọi người tạm dừng cuộc họp thường kỳ của huyện rồi chạy “vắt chân” đến xã An Hòa, kịp giải cứu anh Đinh Văn Rọ và Đinh Văn Đũa, bị dân trong làng đưa đi chịu hình phạt nhận nước vì nghi cầm đồ thuốc độc. Sau khi khuyên nhủ đồng bào thả người, anh đưa Rọ và Đũa về nhà ở, cho đi học nghề và giúp họ lập nghiệp”. Ngày ông mất, hàng trăm người đã từng được ông cứu sống từ những vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở khắp nơi tìm về thắp nhang tưởng nhớ người đã cứu sống mình.

 

Một buổi làm việc của lãnh đạo huyện với già làng, để nhờ họ truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào.

 

Khác với già làng Ba, được người dân tín nhiệm từ khi còn giữ cương vị lãnh đạo cấp huyện, già làng Đinh Văn Nhin (68 tuổi, thôn 4, xã An Hưng) vốn chỉ là thường dân. Dù chưa học hết lớp 8, nhưng ông đã rất thành công trong việc hòa giải ở làng. Đến nay, đã có hàng chục vụ mâu thuẫn, xích mích ở trong làng, nhờ “tiếng nói” của ông mà “trong ấm ngoài êm”. Ông chia sẻ: “Mọi người cứ nghĩ tôi là người có khiếu ăn nói, thực ra muốn giữ đoàn kết thì phải hiểu từng người, từ chuyện quá khứ đến chuyện hiện tại. Nếu ai tốt thì phải nhắc cái tốt đó, nếu ai xấu thì cũng phải nhắc cái xấu. Nhưng phải chân tình chứ không được ghét bỏ. Làm được như vậy thì họ sẽ phục và nghe theo”.

Rồi ông kể chuyện hòa giải thành công vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc phức tạp ở thôn từ năm 2008. Do mâu thuẫn và bị nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, anh Đinh Văn Éo đã bị thanh niên ở làng đánh. Sau trận đánh ấy, anh Éo phát bệnh tâm thần. Thời gian sau, anh Éo chết ở vườn tiêu gần nhà mà không rõ lý do. Ông Đinh Văn Hồn, cha của Éo, đã hăm dọa sẽ đổ thuốc độc vào dòng nước suối đầu nguồn để giết cả làng. Biết được tin này, ông Nhin lặn lội vào rừng sâu, nơi ông Hồn trốn, để khuyên nhủ và thuyết phục ông trở về thôn sinh sống, đồng thời bỏ ý định trả thù dân làng. Vừa qua, ông Nhin vinh dự là 1 trong 3 già làng uy tín của tỉnh tham dự Hội nghị tuyên dương Già làng uy tín các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên năm 2009.

 

Nhờ sự vận động của già làng, đồng bào giúp nhau làm nhà sàn cho các hộ nghèo.

 

Trong 2 năm qua, toàn huyện An Lão xảy ra 183 vụ việc vi phạm an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số, song dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của già làng, Công an huyện đã điều tra và xử lý theo luật định. Quyền Trưởng Công an huyện An Lão, ông Trần Văn Trai, cho biết: “Già làng có tác động quan trọng nhiều mặt của cuộc sống. Có một số việc làng, việc dòng họ, tộc người, nếu không có già làng làm thì không ai làm thay được. Họ chính là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với dân, làm cho việc giải quyết thấu tình, đạt lý”.

* “Đảng gần dân, dân tin Đảng”

Trong số 64 già làng có uy tín ở huyện An Lão, gần 90% người từng giữ vai trò cán bộ nòng cốt từ cấp xã đến cấp huyện. Họ đều là đảng viên, đóng góp nhiều công sức, tâm huyết xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Già làng Đinh Văn Bền (SN 1948, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, ở thôn 2, xã An Hưng), bộc bạch: “Được đồng bào tín nhiệm gọi là già làng thì tôi phải biết phát huy vai trò, nhận rõ trách nhiệm và niềm vinh dự lớn phục vụ dân làng. Đó cũng là làm theo lời của Bác Hồ dạy: Đảng phải gần dân thì dân mới tin Đảng”.

 

Già làng có vai trò quan trọng trong việc động viên dân làng đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa. Trong ảnh: Hát múa quanh cây nêu tại Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi của đơn vị huyện An Lão. Ảnh: Văn Lưu

 

Những đảng viên ưu tú đang giữ vai trò già làng, trưởng bản uy tín trong làng còn phải kể đến các ông Đinh Văn Toàn (SN 1943, ở thôn 3, xã An Hưng); Đinh Văn Chể (SN 1954, ở thôn 6, xã An Trung); Đinh Văn Bui (SN 1933, ở thôn 2, xã An Vinh)…. Họ đã giúp chính quyền xã, huyện xóa bỏ dần nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Tình hình an ninh trật tự của huyện còn nhiều diễn biến phức tạp khác như nạn phá rừng làm nương rẫy, gây rối trật tự công cộng, săn bắn thú rừng trái phép, rồi các hoạt động truyền đạo trái phép, kích động tư tưởng hẹp hòi…. nên công việc của các già làng nặng nề hơn trước. Vậy mà, họ làm việc hăng say và không đòi hỏi bất cứ sự trợ cấp nào. Thời hiện đại, các già làng cũng trang bị cho mình một chiếc điện thoại để công việc của mình thuận lợi hơn. Song, muốn gặp được các già làng, chúng tôi phải gọi điện vài lần vì họ còn bận việc làng, việc nước.

Tại Hội nghị tuyên dương các Già làng có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2007 – 2009 của huyện An Lão, ông Đinh Văn Beo, Bí thư Huyện ủy, đã đề nghị: “Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chủ động nắm bắt và dựa vào các già làng làm “cầu nối” thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ... Trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò của các già làng và biết giữ quan hệ mật thiết bằng lòng thành, tin tưởng, tôn trọng họ, bàn bạc dân chủ với họ; không chỉ hướng dẫn mà còn phải học họ, lắng nghe ý kiến họ, tạo được sự đồng thuận; tạo điều kiện cho họ làm việc hợp với khả năng và sức khỏe, kịp thời động viên tinh thần và vật chất với bản thân và gia đình họ...”.

Những câu chuyện về các già làng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” thường được kể bên ánh lửa bập bùng, trong lúc chúng tôi thưởng thức vị chát của rau dớn và vị đắng của cá niên nướng cùng mùi men dịu của rượu cần. Các già làng kể chuyện về những việc không thể làm một mình. Ví như chuyện già làng Bền chủ động kêu gọi Công an xã, dân quân, thanh niên trong thôn vây bắt tên Lương Đức Hiền cùng 4 đối tượng khác ở thôn Thuận An, xã An Tân, vào trộm gỗ đang chuẩn bị xây nhà; chuyện già làng Toàn theo dõi một nhóm thanh niên ở Hoài Ân dùng súng săn tự chế đến địa phương săn bắn thú rừng trái phép. Biết chắc lịch trình hoạt động của họ, ông đã gọi điện báo và cùng Công an xã, dân quân bắt giữ. Già làng Bui bộc bạch: “Cái bụng mình tốt thì ắt hẳn sẽ được dân tin, dân giúp”.

Dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của các già làng, chính quyền các bản làng đã xây dựng được quy ước với 3 mục tiêu “không để Fulro, Đề Ga xâm nhập móc nối hoạt động; không để tôn giáo phát triển trái phép; không để các tập tục lạc hậu tái diễn và giải quyết các tranh chấp khiếu kiện, mâu thuẫn trong bản làng” ở 39/39 thôn của huyện An Lão. Quy ước này đã trở thành phong trào rộng khắp và được gần 10.500 người dân tộc thiểu số ở huyện chấp hành tốt, góp phần đem lại sự bình yên cho thôn, xóm.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền   (07/06/2009)
“Nghệ thuật lừa” kiểu đa cấp  (01/06/2009)
Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp  (25/05/2009)
Cư dân ở Trường Sa  (18/05/2009)
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)
Mai một “hồn rừng”  (13/04/2009)
Gác sóng giữa trời   (12/04/2009)
Mai này, phố thị Bồng Sơn...  (06/04/2009)