Lòng trung thực được hun đúc từ truyền thống gia đình, cùng với yêu cầu nghề nghiệp đã tạo cho chị Đặng Thị Nhuần, thủ quỹ của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, một “bản năng”: “Cứ thấy tiền thừa là trả!”. Trong một năm chị đã trả lại cho khách 300 triệu đồng tiền thừa. Đối tượng phục vụ của chị là nông dân. Chỉ cần lấy 100 ngàn đồng cũng là cướp đi của họ thành quả lao động ròng rã mấy tháng trời trên đồng ruộng.
|
Chị Đặng Thị Nhuần (thứ 3, từ trái sang) và các đồng nghiệp nữ thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Phù Mỹ. Ảnh H.X |
* Cứ thấy tiền thừa là trả
Quê ở Nghệ An, chị có duyên nợ gì với mảnh đất Phù Mỹ mà lại chọn nơi đây làm quê hương thứ hai?
- Ừ, hồi đó, tôi chưa lập gia đình, muốn bay nhảy một chút, khao khát một chút những cái mới mẻ. Anh, chị tôi đã lập nghiệp ở đây, nên tôi cũng muốn chọn nơi đây làm bến đỗ. Đến Phù Mỹ, tôi xin vào làm tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước huyện, cũng bởi nghĩ, nghề này có cái gì đó thoải mái, sang trọng… vậy thôi!
Từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chuyển sang Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, từ lối làm việc của cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, chị có thấy xáo trộn gì không?
- Trước đây, nhiệm vụ của tôi chỉ là thu, đếm tiền giúp các doanh nghiệp. Đếm cho đủ, giữ cho kỹ là được. Còn bây giờ, tôi thực sự là một cá nhân đang kinh doanh trong một tập thể kinh doanh năng động, nên phải thay đổi, từ cung cách, thái độ phục vụ khách hàng sao cho thật hòa nhã, lịch thiệp “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, đến nghiệp vụ cũng phải vững vàng thì mới thu hút khách hàng đến với Ngân hàng của mình. Muốn vậy, tôi phải luôn luôn học hỏi hàng ngày, hàng giờ. Đọc thêm các văn bản, nghị định của ngành một cách cặn kẽ, để áp dụng vào thực tế làm việc của mình. Ngân hàng cũng thường xuyên tổ chức cho nhân viên đi học các lớp marketing, trang bị cho nhân viên từ cách khai thác khách hàng đến tác phong đi lại, phong cách ăn mặc, chào đón, ăn nói lúc khách đến, khách đi… Tôi luôn luôn để tâm trau dồi từ những bài học lớn nhất cho đến bé nhất…
° Trong một năm, chị đã 224 lần trả lại tiền thừa cho khách hàng, với tổng số tiền thừa lên đến hơn 300 triệu đồng. Đó là một gia tài không nhỏ đối với một viên chức?
- Hàng ngày, bình quân tôi đã phải trả lại 6-7 món tiền thừa cho khách hàng, khi 50 ngàn đồng, khi 70 ngàn đồng, nên không phải lúc nào cũng ngồi ghi lại. Tôi chỉ nhớ những món tiền thừa có giá trị lớn như trong năm vừa rồi, lớn nhất là 100 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng, 20 triệu đồng… tổng cộng khoảng hơn 300 triệu đồng. Đó đúng là một gia tài đối với tôi. Nhưng, ngay từ nhỏ tôi đã được sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình rằng không được gian tham. Hơn nữa, ở quê, tôi hiểu được nỗi khổ của người nông dân. Cắt lên một đám ruộng lời chỉ được vài chục kg thóc. Tôi chỉ cần tham của họ 100 ngàn đồng thôi, là họ đã mất vài chục kg thóc, cũng là mất đi thành quả lao động ròng rã 4-5 tháng trời. Cầm thêm 100 ngàn đồng tiêu đi cũng hết, nhưng lương tâm sẽ áy náy suốt đời… Bởi vậy, với tôi cứ thấy tiền thừa là trả.
|
Chị Nhuần luôn làm việc với tinh thần “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Ảnh: Q.H |
* Đếm tiền, không đơn điệu
“Làm dâu trăm họ”, chắc chị không tránh khỏi những lần gặp “sự cố” với khách hàng, chị đã giải quyết sự cố ấy bằng cách nào?
- Tôi luôn lấy nhiệm vụ làm đầu. Khách hàng có nói nặng lời cũng phải giữ cho được bình tĩnh và cố gắng giải thích nhẹ nhàng, cặn kẽ cho khách hiểu. Làm thủ quỹ, đức tính đầu tiên phải có là sự trung thực, liêm khiết. Có trung thực thì mới chiếm được lòng tin của khách hàng, nói người ta mới nghe. Có lần, một khách hàng mang một cọc tiền lớn đến gởi, tôi đếm thấy thiếu 1 triệu đồng, nhưng anh ấy nhất định không chịu, bảo ở nhà đã đếm đi, đếm lại kỹ rồi… Tôi bảo, tôi sẽ đếm lại cho anh thấy, nếu vẫn chưa tin, anh có thể đem tiền về nhà đếm lại. Anh khách hàng đã đem tiền về nhà và đầu giờ sáng hôm sau đã lên gặp tôi, rối rít xin lỗi và mong tôi thông cảm bỏ qua những lời nói thiếu tế nhị chiều hôm qua. Anh thừa nhận là vợ anh đã rút ra 1 triệu đồng từ cọc tiền. Tôi vẫn vui vẻ và cảm ơn anh đã hiểu ra… Từ đó về sau, đem tiền đến gởi Ngân hàng, anh không đếm trước, chỉ ghi nhận số tiền đã có sau khi nhờ tôi đếm hộ. Tôi hiểu, anh đã tin tưởng ở tôi…
27 năm tiếp xúc với đồng tiền. Đếm, đếm và đếm… Chị có bị mắc bệnh nghề nghiệp hay ít ra là cảm thấy công việc của mình đơn điệu và tẻ nhạt không vậy?
- Bệnh nghề nghiệp thì có, nhưng sự đơn điệu, tẻ nhạt thì không! Bây giờ, chỉ cần cầm tờ tiền lên là tôi nhớ ngay đến 7 động tác thu, 7 động tác chi; hay cầm tờ tiền rách, tôi đã nghĩ ngay đến văn bản nào rồi. Rách còn lại bao nhiêu phần trăm; mình phải đổi ngay cho khách hàng hay đổi lấy phí; rách do cố ý, phá hoại thì cần phải thu… Đó chẳng phải là bệnh nghề nghiệp sao.
Nhưng ngay với cả đồng tiền rách mà khách hàng đem đến đổi, với tôi, cũng đã có đầy đủ các cung bậc tình cảm. Tôi vui khi thấy khách vui vì tưởng đồng tiền không còn giá trị giờ đã có giá trị. Gặp tờ tiền giả, phải thu hồi, khách bất bình, tôi lại lựa lời phân tích cho người ta hiểu tác hại của đồng tiền giả trong lưu thông, để họ chịu chấp nhận thiệt thòi. Gặp khách “cương” quá thì phải giở văn bản, quy định cho người ta xem… Đối với tôi, mỗi đồng tiền qua tay đều là những đồng tiền biết “nói”. Nó chứa chất cuộc sống, hoàn cảnh và cả số phận của mỗi con người khi sử dụng nó. Bởi vậy, tôi càng thấy mình phải làm hết trách nhiệm vì mỗi khách hàng, vì Ngân hàng của mình.
Bắt đầu ngồi vào bàn làm việc, hai tay tôi đã phải hoạt động liên tục. Rảnh ra, tôi lại sắp xếp, phân loại tiền, nhặt ra những tờ tiền rách... Đếm tiền xong, xem lại xấp bạc đã thẳng chưa… nên lúc nào cũng thấy việc để làm. Đến 5 giờ chiều, Ngân hàng hết khách. Tôi nán lại kiểm kê số thu, số chi cho khớp rồi mới về. Thường là 6-7 giờ tối, tôi mới về đến nhà. Công việc lúc nào cũng bận rộn. Hơn nữa, khi mỗi đồng tiền đều mang theo tình cảm và trách nhiệm thì không thể tẻ nhạt, đơn điệu được.
* Biết đủ là đủ vậy
Được biết, chồng chị chẳng may gặp nạn qua đời. Một mình nuôi 2 con ăn học. Những bức bách về tài chính có khi nào làm chị “mềm lòng”?
Chị Đặng Thị Nhuần, sinh năm 1960, tại Nghệ An. Trong thời gian làm thủ quỹ tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, chị liên tục được công nhận là lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mới đây, chị đã được Tỉnh ủy tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… |
- Năm 1996, ngôi nhà đang ở của gia đình bị chập điện, cháy rụi. Khi tôi về đến nhà thì tất cả đồ đạc, quần áo… chỉ còn là những mảnh, miếng không rõ hình thù, khét lẹt, đen đúa. Phải làm lại từ đầu. May mà hồi đó, chúng tôi nhận được sự chia sẻ, đùm bọc của bà con, cơ quan, đồng nghiệp, chòm xóm. Gom góp mãi, chúng tôi mới mua lại được ngôi nhà này (nhà chị đang ở tại thị trấn Phù Mỹ), cũng ọp ẹp lắm. Vợ chồng tôi đã bàn tính, lên kế hoạch dành dụm, tiết kiệm để sửa nhà. Nhưng chưa thực hiện được gì thì chồng tôi chẳng may gặp tai nạn và mất đi. Tôi đã chịu sự hẫng hụt về mặt tinh thần quá lớn. Cả kế hoạch sửa nhà, giờ đành giao lại cho thế hệ… các con. Bây giờ, tôi chỉ cố gắng và đủ sức nuôi 2 con. Đứa lớn đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh, đứa nhỏ học lớp 11. Mỗi tháng, chi phí học hành của các cháu đã chiếm hơn một nửa thu nhập. Tuy vậy, các cháu học giỏi, tôi rất mừng và được an ủi phần nào.
Trong cuộc sống, biết đủ là đủ vậy. Tôi sống đơn giản, biết cân đối trong chi tiêu và giáo dục con ý thức tiết kiệm. Ngày trước, ba tôi cũng mất sớm, mẹ tôi một mình nuôi 6 con ăn học, còn gian truân hơn tôi bây giờ rất nhiều. Tuy vậy, bà luôn dặn dò con cái “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Tôi đã tâm niệm lời mẹ dạy trong cuộc sống hàng ngày nên dù lòng tham có cơ hội, lý trí cũng không đi lệch ra ngoài được.
Xin cảm ơn chị!
|