Đêm 22.5 vừa qua, chị Phan Thị Thiên Thai và con gái 8 tuổi đang nằm ngủ thì mặt đất bỗng chao đảo, căn nhà rung chuyển. Một tiếng động dữ dội đã lật tung hai mẹ con xuống giường. Chị Thai lồm cồm bò dậy, bế con thoát ra gian bếp phía sau. Mưa đang rất to. Lối đi độc đạo trước nhà đã thành một dòng thác cuồn cuộn nước… Nhà sập không biết lúc nào và cuộc sống không “an cư lạc nghiệp” cứ đè nặng trong lòng hàng trăm hộ dân sống bên mép sóng ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).
|
Nước chảy xói bộng các con hẻm xi măng làm vỡ gãy từng đoạn, kéo theo sự đổ sập của các ngôi nhà hai bên.
|
* Sống dưới “lưỡi triều”
Chị Thai dẫn chúng tôi về căn nhà sập ở thôn Lý Hòa. Muốn đến nhà chị phải đi ra bãi biển và leo lên một con dốc đã được bà con ở xóm này lấy bao xác rắn đổ đầy cát, lót thành những bậc thang để dễ đi lên. Căn nhà của chị Thai là nhà đầu tiên nằm trong cái lối hẻm có một không hai này.
Chị Thai kể: “Hồi mới ra ở riêng, vợ chồng tôi đã mua căn nhà này với giá 2 lượng vàng để được ở gần biển, thuận tiện cho việc đi biển . Ở xã đảo, người càng đông, đất không mọc ra, có được ngôi nhà như thế này để ở đã là tốt lắm rồi. Hơn nữa, trước căn nhà của vợ chồng tôi còn 2 dãy nhà nữa. Vậy mà, trong những năm qua, biển cứ lấn dần vô và vào mỗi mùa mưa lũ lại kéo đi một dãy nhà. Bà con sống ở đây luôn lo lắng, bất an”.
Tối hôm nhà sập, anh Võ Ngọc Vạn, chồng chị Thai, đã “đi bạn”. Mẻ lưới đêm thường bắt đầu từ 2-3 giờ chiều và trở về vào sáng sớm hôm sau. Gặp biến cố kinh hoàng lại không có người “trụ cột” ở nhà, nên nỗi sợ hãi vẫn còn hằn trên mặt chị Thai dù ngôi nhà sập đã gần 1 tháng.
Trước ngôi nhà đổ nát, chị Thai nghẹn ngào kể: “Khoảng 21giờ30 phút, trời mưa to, đang nằm ngủ thì tui nghe đánh ầm thiệt mạnh. Lồm cồm bò dậy, tui chết đứng vì căn nhà trống hoác, gian phía trước đã sụp, đồ đạc trong nhà trôi hết chẳng còn lại thứ gì. Lúc đó không nhờ hai tấm tôn rớt xuống nền nhà thì có lẽ giờ này hai mẹ con tui…”- chị Thai bỏ lửng câu nói.
Bà con hàng xóm nghe tiếng nhà đổ sập vội chạy đến. Bà Chung Thị Điểm, mẹ ruột của chị Thai, cũng nhớ lại, lúc nghe hung tin, hai bên nội ngoại cũng đến để giúp. Nhưng khổ nỗi, con đường bê tông đi chung của chục hộ dân nằm kế cận đã là một vực nước sâu hoắm, đang chảy cuồn cuộn, làm cô lập cả một vùng, nên họ chỉ còn cách đứng bên ngoài mà nhìn. Còn chị Thai phải bế con leo lên mái nhà của hàng xóm để đi về nhà mẹ ruột.
Chị Thai không có việc làm, chỉ ở nhà nội trợ. Anh Vạn làm nghề “đi bạn” nhưng biển “đói”, đánh bắt bữa có bữa không, nên đời sống gia đình rất khó khăn. Từ ngày mất nhà, vợ chồng con cái đùm túm nhau đi ở nhờ. Nhà mẹ ruột, mẹ chồng đều đông người, chật chội, nên chị Thai phải xin ở “ké” nhà một người bạn, đến bữa thì về nhà mẹ đẻ rau cháo qua ngày. Sau sự cố ấy, nhà bên cạnh nhà chị Thai sợ quá cũng dọn lánh tạm nơi khác.
|
Ngôi nhà của anh Võ Ngọc Vạn đã bị sập đổ hoàn toàn hôm 22.5.
|
Hôm chúng tôi đến Lý Hòa, bà con trong thôn nghe tin kéo đến, bày tỏ nỗi lo chưa biết đến khi nào thì nhà mình bị “hà bá” nuốt chửng. Anh Phan Văn Thành, 42 tuổi, đang chuẩn bị ra biển, cũng bức xúc nán lại kể: “Mùa này còn đỡ, chớ đến mùa mưa, vợ chồng con cái chúng tôi ngủ không yên. Con đường này năm nào bà con cũng phải tu bổ, vậy mà cứ mưa xuống là nước mưa, rồi nước sinh hoạt của cả thôn Lý Hòa đều dồn chảy xuống lối nhỏ này. Trước đây, các xóm biển toàn cát, nên mưa đến đâu nước thấm xuống cát đến đấy. Còn bây giờ, tất cả các sân nhà, đường hẻm đều đã được bê tông xi măng, nước không rút được nên dồn xuống đây, đục rỗng dưới lòng bê tông, lôi đi từng mảng đường, kéo theo sự đổ sập của những căn nhà hai bên”.
Không an cư nên chẳng ai dám đầu tư cho chuyện làm ăn. Chị Nguyễn Thị Sính, vợ anh Thành từ hôm thấy nhà hàng xóm sập đã phải lo đưa mấy thùng nước mắm đi gởi những nhà phía trong. Chị Sính nói: “Chỉ trông chờ vào mấy chuyến đi biển thất bát của chồng thì không đủ ăn nên tui mới phải muối thêm mấy thùng cá làm nước mắm để bán, chớ ở trên cao như thế này, mỗi lần gánh cá lên xuống đều rất khó khăn. Giờ thì phải khuân các thùng mắm đi gởi kẻo mưa lớn tắc đường, nhà sập thì mắm cũng không còn”.
Thấy chúng tôi chụp ảnh mấy ngôi nhà đổ nát, vợ chồng anh Phạm Cư, 33 tuổi, ở ngay phía sau nhà chị Thai, sát bên con hẻm đầy bất trắc kéo chúng tôi vào nhà để “trút” bớt nỗi lo lắng. Không như đa số bà con sống bên mép biển đều mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện di dời vào bên trong, anh Cư có nguyện vọng thành phố tiếp tục cho đầu tư xây dựng bờ kè chắn sóng phía trước. Anh nói: “Bây giờ, Nhà nước có cho đất, gia đình tui cũng không đủ tiền làm nhà. Dân biển phải ở trước mặt biển, có kè ổn định là mừng rồi”.
* Sẽ phải di dời 256 hộ dân
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, lo lắng: “Không chỉ ở Lý Hòa, tính ra cả xã Nhơn Lý có đến hàng trăm hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất và nhà đổ sập bất cứ lúc nào. Toàn xã có bốn thôn thì cư dân cả bốn thôn đều sống tập trung ở sát mặt biển… Thôn Lý Hòa, có 30 nhà ở trước mặt biển, hàng thứ hai có 27 nhà, hàng thứ ba có 17 nhà. Thôn Lý Chánh có 22 nhà ở trước mặt biển, hàng thứ hai có 19 hộ và hàng thứ ba là 11 hộ. Thôn Lý Lương hàng trước mặt biển là 23 hộ, hàng thứ hai là 21 hộ, hàng thứ ba là 12 hộ. Thôn Lý Hưng hàng trước mặt biển là 25 hộ, hàng thứ hai là 33 hộ, hàng thứ ba là 16 hộ. Tổng cộng, Nhơn Lý có đến 256 hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm, cần phải di dời. Trước mắt, là phải nhanh chóng di dời khoảng 100 hộ ở trước mặt biển”.
Sau sự cố sập nhà của chị Thai- anh Vạn, đồng chí Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã về làm việc ở Nhơn Lý và chỉ đạo lãnh đạo TP Quy Nhơn phải xem xét và có phương án hỗ trợ, khắc phục để tránh làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ngày 10.6, lãnh đạo thành phố cùng đại diện các sở, ngành liên quan cũng đã có buổi khảo sát, làm việc với lãnh đạo địa phương và thống nhất đề nghị tỉnh khẩn trương xây dựng khu tái định cư vùng thiên tai; đồng thời, xây dựng tuyến đê biển chạy qua các thôn của Nhơn Lý. Trong khi chờ ý kiến của tỉnh, trước mắt, lãnh đạo xã phải theo dõi các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở. Động viên bà con di dời, tránh không để xảy ra thiệt hại vật chất và con người những lúc mưa, gió, triều cường…
Hiện trên địa bàn Nhơn Lý đã quy hoạch 4 khu dân cư mới ở khu Đông (diện tích 4,5 ha); khu Tây (13,6 ha); khu tái định cư Lý Hòa (44,9 ha) và mới đây, khu dân cư Lý Hưng (26,3 ha) đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng.
|
Đê chắn sóng xã Nhơn Lý mới xây dựng 46m ở thôn Lý Hòa.
|
Ông Long cho biết: “Trước mắt, sẽ xin ý kiến thành phố xét cấp đất cho hộ ông Võ Ngọc Vạn vừa bị sập nhà ở khu tái định cư Lý Hòa. Về lâu về dài, thành phố sẽ phải quy hoạch thêm khu tái định cư vùng thiên tai (hiện xã còn khoảng 3 ha đất trống hoang hóa ở phía Tây khu tái định cư Lý Hòa) để di dời dân hoặc tiếp tục đầu tư xây dựng đê biển chắn sóng. Năm vừa rồi, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu dành cho các xã bãi ngang của Chính phủ cùng với vốn đấu giá quyền sử dụng đất của xã (khoảng 1,1 tỉ đồng), Nhơn Lý đã xây dựng được 46 m đê biển ở thôn Lý Hòa. Bên cạnh việc di dời dân, xã cũng đã tính đến việc đề nghị tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng 196,6 m đê biển ở thôn Lý Chánh và 318 m đê biển còn lại ở thôn Lý Hòa…”.
TP Quy Nhơn được cảnh báo là một trong bốn thành phố của Việt Nam nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu hiện nay. Trong đó, cùng với phường Nhơn Bình, xã Nhơn Lý cũng nằm trong “danh sách đen” về tình trạng xâm thực biển. Vì thế, để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân vùng xã bán đảo Nhơn Lý, vấn đề lúc này là phải di dời dân vào khu tái định cư an toàn; đồng thời, tiến hành xây dựng tuyến đê biển ở đây.
***
Chia tay bà con Nhơn Lý, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt trông chờ cùng câu hỏi của cô bé Gần, con chị Gái: “ Mẹ ơi, nhà mình rồi có sập không? Bao giờ nhà mình được dời đi chỗ khác?”.
|