Người “Nghe phù du hát”
9:29', 21/6/ 2009 (GMT+7)

Đang làm giáo viên dạy hóa thì quyết định bỏ ngang vô Sài Gòn phiêu bạt mưu sinh bằng nghề vẽ. Để rồi mấy năm sau lại quay về Quy Nhơn nặn tượng, vẽ tranh, làm non bộ… thậm chí có lúc, có người lại tưởng anh là một ông thợ hồ. Anh là Lê Ân, người “Nghe phù du hát”.

Lê Ân tên thật là Lê Công Ân, sinh 1965 tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Tốt nghiệp ngành Hóa - Địa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình, Lê Ân về dạy tại Trường PTCS Cát Nhơn từ 1985 – 1992. Sau đó anh bỏ nghề giáo viên, phiêu bạt vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề vẽ và một vài nghề khác trong gần mười năm ròng, đột nhiên anh quay về Quy Nhơn…

 

Vẽ là niềm đam mê nuôi sống Lê Ân.
- Trong ảnh: Lê Ân đang hoàn thiện tác phẩm “Sóng”.

 

* Họa sĩ vẽ “cái đẹp để suy ngẫm”

Khi học cấp II, Lê Ân tìm đến học vẽ ở một họa sĩ gần nhà. Tình yêu hội họa lớn dần, Lê Ân tự luyện vẽ suốt những năm tháng học sinh và cả thời gian đi dạy. Năng khiếu vẽ cũng đã giúp Lê Ân kiếm sống bằng nghề vẽ, điêu khắc gỗ. Những năm phiêu bạt ở Sài Gòn, Vũng Tàu anh luyện nghề chép tranh. Trở về sống ở Quy Nhơn khi tay nghề chép tranh đã thuộc hàng “cao thủ”, Lê Ân đã được nghề nuôi sống trong những lúc khó khăn. Chưa phải là hội viên của Hội VHNT Bình Định, nhưng anh đã gây ngạc nhiên cho giới họa sĩ tỉnh nhà khi có tác phẩm “Dòng sữa”, “Mầm sống” được chọn dự treo trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2005 và 2006. Tác phẩm “Đời sen” của Lê Ân cũng được chọn tham gia triển lãm mỹ thuật Bình Định trong dịp Festival Tây Sơn -  Bình Định 2008. Điều lạ lùng là khi nghe nhắc tới mình với hai chữ “họa sĩ”, Lê Ân lại rất e dè.

+ Hỏi thật anh nhé, vẽ với anh là nghề để kiếm sống lúc khó khăn hay là niềm đam mê?

- Cái nghề đầu tiên mà tôi đã chọn là dạy học đấy chứ. Hội họa là niềm đam mê trong tôi, nó cứ lớn dần lên, lớn mãi và tôi quyết định sống với niềm đam mê. Ngay cả những lúc vẽ tranh để kiếm sống, tôi cũng luôn cố gắng thể hiện dấu ấn đam mê riêng trong mỗi tác phẩm. Nhưng cũng có khi cầm cọ lên nguệch ngoạc không dự định vẽ cái gì, lúc đó, nó chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí, giúp mình giải tỏa bớt căng thẳng từ những bế tắc trong cuộc sống… Vẽ là niềm đam mê nuôi sống tôi.

+ Dù anh ít khi xưng mình là họa sĩ nhưng không thể quên rằng nghề vẽ đã nuôi anh. Vậy anh đã “nuôi” nó như thế nào?

- Phần lớn những gì tôi có được trong nghề là nhờ tự học. Tôi tìm hiểu nhiều tài liệu về các phong cách hội họa, để rồi vẽ tranh theo những gì mình thích, mình nghĩ. Tôi cũng luôn cố gắng tìm cách thể hiện dấu ấn riêng cho tranh của mình. Tôi yêu vẻ đẹp không phô diễn, cái đẹp cưu mang một điều gì đó về thế sự. Hay nói một cách cụ thể hơn, tôi không vẽ một cái đẹp để ngắm, mà thể hiện những dấu ấn buồn vui trăn trở về cái đẹp. 

 

Lê Ân đang tạo tác tượng danh nhân Nguyễn Du.

 

* Điêu khắc “giao cảm” với danh nhân

Ngoài làm thơ, vẽ tranh, Lê Ân còn có nghề làm hòn non bộ có kích thước lớn và đẹp. Gần đây, anh còn nhận thiết kế trang trí, thi công nhà hàng, quán. Nhưng gây ấn tượng nhiều nhất là những bức tượng danh nhân. Năm 2008, VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã thực hiện một phóng sự giới thiệu Lê Ân và những bức tượng danh nhân. Các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của anh là tượng Thiền sư Lê Ban tại chùa Linh Phong (chùa Ông Núi), tượng bác sĩ Đặng Đức Trạch tại Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, vườn tượng danh nhân tại Đại học Quy Nhơn…

+ Anh cũng tự học nghề điêu khắc, làm tượng?

- Thời học sinh, mơ ước lớn nhất của tôi là trở thành kiến trúc sư, tôi thi vào Đại học kiến trúc nhưng không đỗ. Tôi luôn hình dung kiến trúc với những hình khối, đường nét, sự xếp đặt… Thế nên, những năm phiêu bạt mưu sinh ở Sài Gòn, hễ rảnh là tôi đều tìm đến các cơ sở điêu khắc gỗ, cơ sở làm tượng và phù điêu bằng đá, thạch cao, xi măng… để làm quen với các người thợ nhằm quan sát họ làm, hỏi han kiến thức làm nghề. Sau đó về tự mình làm thử các bức tượng, phù điêu trên nhiều chất liệu để nắm bắt được kỹ thuật và rút tỉa kinh nghiệm dần.

+ Vậy đâu là bí quyết khiến anh có thể làm các bức tượng danh nhân đẹp và có “hồn” đến vậy?

+ Làm nghề gì cũng phải thật đam mê. Khi làm một bức tượng danh nhân nào, tôi đều cố gắng tìm hiểu thật nhiều tư liệu về nhân vật. Từ đó, mình mới có được mối “giao cảm” để thể hiện được hình tượng danh nhân theo quan điểm sáng tạo riêng.  Thường đối với tượng chất liệu bê tông, người ta chỉ khắc mí trên mí dưới, còn bên trong mắt để trần, nên mắt tối và lạnh lẽo. Tôi đã nghiên cứu để tạo một vòm cung khối cầu bên trong mắt; trong đó, vùng tối con ngươi mắt được làm âm xuống và điểm thêm một khối xi măng nhỏ để bắt sáng. Như vậy, mỗi khi có ánh sáng chiếu vào, đôi mắt tượng sẽ ánh lên, trông có “thần” hơn.

 

Lê Ân trả lời phỏng vấn của VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) trong phóng sự tượng danh nhân.
 

* Nhà thơ “Nghe phù du hát”

Cũng như tranh, những bài thơ đầu tiên của Lê Ân chủ yếu để giải tỏa tâm trạng trước những khó khăn trong cuộc sống. Sau khi có nhiều bài thơ được đăng trên các báo, năm 2007 Lê Ân cho ra mắt tập thơ đầu tay của mình với tựa đề “Nghe phù du hát”. Anh Trần Hà Nam, giáo viên văn Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn), đã có lời nhận xét về tập thơ trên diễn đàn CLB Văn học Xuân Diệu: “Đọc thơ Lê Ân, có nhiều bài cứ như rút ruột mà viết, đau đáu những kỉ niệm một thời lang bạt kì hồ! Bao trùm lên toàn bộ tập thơ là một chất say bàng bạc ánh trăng và những liên tưởng phóng túng như những bức ký họa đời bằng ngôn từ....”.

+ Anh đến với thơ như thế nào?

- Trong mọi cảm xúc của tôi, thơ là cảm xúc vô thường nhất. Tôi có thói quen quan sát, bắt gặp một sự việc gì trong cuộc sống làm mình nảy sinh ý tưởng thơ, thì đều ghi nhớ lại vào một tờ giấy. Các ý tưởng thơ này luôn luẩn quẩn trong đầu khiến tôi suy ngẫm, chiêm nghiệm. Để đến một lúc nào đó, khi cảm xúc từ ý tưởng đó chín mùi thì thơ tự nhiên mà ra. Có nhiều bài thơ tôi làm ra khi ở giữa bạn bè và đọc ứng khẩu cho họ nghe rồi quên mất. Khi bạn bè nhắc nhở thì mới nhớ ra “đứa con tinh thần” của mình (cười).

+ Đang lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, anh lại gom góp tiền xuất bản tập thơ “Nghe phù du hát” chỉ để tặng bạn bè. Phải chăng anh muốn quảng bá thơ mình?

- Tôi làm thơ để giải tỏa cảm xúc, suy nghĩ và nhiều khi để đối thoại với chính mình, chứ không phải để trở thành nhà thơ. Năm 2007, nói thẳng ra, tôi rất túng thiếu. Đến nỗi nằm nhà được bạn bè gọi điện rủ uống cà phê cũng “giật mình” hạnh phúc! Và cũng chính bạn bè đã động viên, giúp đỡ để tôi xuất bản tập thơ, vợ chồng anh Đào Tiến Đạt đã cho mượn phần lớn kinh phí để in đấy. Tập thơ “Nghe phù du hát” bao gồm 52 bài thơ tôi sáng tác từ năm 1992, ghi dấu những tâm trạng, suy nghĩ, quan niệm của tôi trong một giai đoạn nhiều thăng trầm của cuộc đời. Nên tôi chỉ dành tặng tập thơ cho bạn bè để sẻ chia và cảm ơn những ân tình mà họ đã dành cho tôi.  

 

Mẹ Lê Ân luôn đồng cảm với những bài thơ của con.

 

* Người con chưa tròn “trách nhiệm” với mẹ

Lê Ân sống cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Hưng (80 tuổi) trong một căn nhà nhỏ ở cuối một con hẻm nhỏ, hẹp trên đường Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn. Năm nay Lê Ân đã 45 tuổi, nhưng vẫn còn “trẻ thơ” dưới tình cảm yêu thương của mẹ. Bà Hưng tâm sự: “Hồi còn nhỏ 3-4 tuổi, nó chỉ thích ăn muối vừng với xì dầu, tôi đã linh cảm đời nó sẽ khổ. Nghĩ mà thương khi tính tình nó tốt vậy, nhưng đến giờ vẫn lận đận đường tình duyên. Cầu mong cho nó lấy được vợ thương yêu con người thực, chứ không phải yêu thơ, yêu tranh của nó…”.

+ Đến nay anh vẫn chỉ đang “kết duyên” với tình yêu nghệ thuật. Mẹ anh có than phiền gì không ?

- Mẹ tôi luôn thương yêu và đồng cảm với con. Những bài thơ nào sáng tác tôi đều đưa mẹ đọc, nên bà thuộc nhiều thơ tôi nhất. Nhiều lúc đọc thơ tôi, mẹ khóc rồi bình luận: “Phải là những người hiểu con mới cảm nhận hết được ý nghĩa của thơ con…”. Mẹ cũng thích ngắm tranh của tôi, dù đôi khi không hiểu gì, đặc biệt là bức tranh thiếu nữ ngồi dưới ánh trăng. Mẹ bảo bán bức tranh nào thì bán, nhưng đừng bán bức “Trăng” yêu thích của mẹ. Tôi cảm động lắm!

+ Xin cảm ơn anh.

  • Hoài Thu (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)
“Đói cho sạch, rách cho thơm”   (14/06/2009)
“Hạt giống đỏ” của bản làng  (08/06/2009)
Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền   (07/06/2009)
“Nghệ thuật lừa” kiểu đa cấp  (01/06/2009)
Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp  (25/05/2009)
Cư dân ở Trường Sa  (18/05/2009)
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)
Những người bắc “nhịp cầu nhân ái”  (20/04/2009)