Khắc khoải La Vuông
8:55', 22/6/ 2009 (GMT+7)

Nhắc đến La Vuông, trong ký ức nhiều người hiện lên một vùng đất xa xôi, cách trở và cằn cỗi. Cái thôn nhỏ của xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn chỉ với hơn 50 nóc nhà ấy đã từng nếm trải nỗi cực nhọc vì cái nghèo đằng đẵng đeo bám. Qua nhiều dự án, mạo hiểm có, táo bạo có, La Vuông hiện vẫn chỉ là một vùng đất giàu tiềm năng…

 

Đường vào La Vuông.

 

* Miền đất nhiều khó khăn

Trong những người tôi gặp trong chuyến đi lần này, có lẽ ông Trần Đức Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hoài Sơn, là người nắm rõ nhất về mảnh đất La Vuông từ những ngày đầu. Ông Huấn từng sở hữu một bản đồ quận Tam Quan của Mỹ, trong đó có đầy đủ các địa danh và từng con đường nhỏ ở La Vuông. Rất tiếc, trong một lần chuyển nhà, tấm bản đồ ấy đã bị thất lạc.

Theo ông Huấn, từ những năm 1922 - 1923, thực dân Pháp đã đến vùng núi này để mở nông trường nuôi bò sữa. Ông nội của ông Huấn từng làm thuê cho Pháp trong thời kỳ này. Cái tên La Vuông là từ đọc trại tên của một ông điền chủ người Pháp.

Năm 1967, quân đội Mỹ lên Đồng Vuông làm sân bay dã chiến, cất giấu ở đây hàng tấn vũ khí, đạn dược. Đây là nơi đóng quân của Sư đoàn 1 Không vận Hoa Kỳ (còn gọi là đội “kỵ binh bay”). Đến cuối năm 1968, giao lại cho Lữ đoàn 173. Năm 1969, Mỹ rút, quân Ngụy tiếp quản sân bay.

Đường Hòa Bình dài 13 km xuyên Hoài Sơn, Hóc Đằng (thuộc vùng núi An Lão) được mở từ tháng 3.1972, trở thành một nhánh của đường Trường Sơn. Thông qua con đường này, ta vận chuyển vũ khí, đạn dược để phục vụ cho trận đánh Đồi 10 lịch sử.

“Chạm mặt” La Vuông vào trưa một ngày giữa tháng sáu đổ lửa. Cảm tưởng như trên trời có bao nhiêu nắng nóng đều dồn đổ cả về đây. Cả thôn vắng vẻ, chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ và lũ chó sủa váng lên khi thấy người lạ. Giờ này, hầu hết bà con đang canh tác trên những đồng rẫy.

 

Ông Nguyễn Xuân Trị bên chiếc máy bơm đầy mạng nhện.

 

Chẳng hiểu vì cớ gì, gần 3 năm qua, vườn điều của người dân La Vuông không ra trái. Nhiều người chẳng còn đủ kiên nhẫn, bắt đầu chặt cây bán củi. Đồng hành với chúng tôi lên La Vuông, ông Nguyễn Thành Tính (ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo) cho biết, hơn hai năm qua, ngày nào nắng ráo, ông đều đánh xe độ chế lên đây mua củi điều về bán. Những cây điều xum xuê, có cây hơn 10 năm tuổi, phải chịu hóa thân vào lửa, nhường chỗ cho xà cừ và keo lá tràm.

Ông Nguyễn Xuân Trị, 50 tuổi, lên định cư ở La Vuông từ năm 1990 theo lời kêu gọi lập khu kinh tế mới. Bên chén trà nóng còn nồng mùi khói củi điều, câu chuyện của ông dường như tê tái hơn. Năm 2003, ông cùng 4 hộ khác ở La Vuông đầu tư trồng dứa (bà con ở đây quen gọi là khóm) để cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Nguyên liệu Dứa và Chế biến rau quả Bình Định. Một năm sau, ông thu được 3,5 tấn dứa, trả được một nửa trong số 5 triệu vay ngân hàng để đầu tư trồng dứa. Thế rồi, từ năm 2005 trở đi, dứa trồng ra chẳng ai mua nữa. Bữa cơm người dân La Vuông xoay vòng, “bội thực” với những món ăn được chế biến từ dứa: dứa chấm mắm đục thay rau, dứa xào, dứa nấu canh, dứa trộn gỏi… Bàø con tiếc của ăn dứa rát cả lưỡi. Dứa chất đống từ đầu đến cuối thôn. Dứa chín rục ngoài đồng chẳng ai đoái hoài. “Nhưng đau nhất là toàn bộ thiết bị phục vụ hệ thống tưới tiêu bây giờ chẳng biết xử lý thế nào” - ông Trị ngậm ngùi. Ông Trị cho tôi xem dây chuyền máy bơm, ống nước, dây điện… tính sơ sơ không dưới hai triệu đồng. Số tài sản trộng trộng với người nông dân giờ nằm chỏng chơ ở xó nhà, mặc cho bụi bặm, tơ nhện giăng mắc làm võng.

Ông Huỳnh Phấn, Trưởng thôn, cho biết: hiện La Vuông có 53 hộ, trong đó có 49 hộ thường trú với 224 nhân khẩu. Cả thôn có 12 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo, và chỉ 15 hộ khá. Trong đó, 20 hộ từ nông trường chuyển xuống, 29 hộ thuộc diện đi kinh tế mới.

Làm Trưởng thôn La Vuông đã hơn 10 năm, thế nên, La Vuông những ngày đầu được khai sinh còn nguyên vẹn trong ký ức ông Phấn. Năm 1990, thành lập khu kinh tế mới. Lúc mới hình thành, khu có 300 hộ đăng ký, nên đã xây một trạm xá, 2 trường học (sau này, tôi được biết, lúc đầu, các cán bộ lãnh đạo đã định mở một xã mới ở đây: xã Hoài Trung). Song đa phần, các hộ gia đình trẻ mới đến không đủ sức chịu đựng gian khổ, thiếu thốn nơi đây; 5-6 năm sau, khi nhận tiền chế độ xong, các hộ gia đình đùm túm kéo nhau đi hết! Cuối năm 1996 đến nay, mảnh đất này chính thức thuộc về xã Hoài Sơn...

* Giấc mơ lạc nghiệp

Sau 1975, Nông trường La Vuông ra đời. Đây là nông trường tầm cỡ Quốc gia, có thời điểm nuôi hơn 3 nghìn con bò. Khí hậu mát mẻ và những đồng cỏ ngút ngàn, Đồng Vuông (một bãi đất cao thuộc La Vuông) trở thành một bãi chăn nuôi khổng lồ. Thế nhưng, đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX, vì nhiều lý do khác nhau, nông trường chính thức giải thể. Những năm sau đó, Đồng Vuông trở thành “đất dự án”, nhưng từ cây dâu đến cây dứa đều không mang lại thành công.

Diện tích tự nhiên của La Vuông là 150 ha. Loay hoay bao lần chuyển đổi, người dân La Vuông mới chính thức chuyển sang trồng rừng. Nhưng để chuyển từ hoa màu sang trồng rừng, phải gần 7 năm mới thu hoạch rừng được. Trong thời gian chờ đợi mùa hái quả ấy, không phải hộ nào cũng biết cách xoay sở, “lấy ngắn nuôi dài” nên nguồn thu rất hạn chế. Theo ông Phấn, cần phải nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng của La Vuông, xem thử loại đất này phù hợp với loại cây trồng nào, bởi hiện tại, người nông dân vẫn sản xuất theo nhu cầu nhất thời của thị trường. Dự án rừng phòng hộ giao cho người dân quản lý cũng không hiệu quả, bởi kinh phí hỗ trợ thấp, địa bàn lại khó quản lý. Trăn trở lớn nhất là làm sao cho người La Vuông hưởng lợi trên chính mảnh đất của họ, có như vậy họ mới thật sự muốn gắn bó lâu dài với vùng đất này.

 

Lòng hồ chứa nước Cẩn Hậu.

 

Tuy vậy, hiện tại ở La Vuông cũng đã xuất hiện những tín hiệu vui. Một số nông dân cần cù đã vươn lên thoát nghèo. Như anh Phan Đình Hường, ở xóm 1, ngoài 5 sào lúa và bắp, 1 ha thầu đâu, hai vợ chồng anh còn có đàn gà hàng trăm con. Trước đây, anh Hường là công nhân của Nông trường La Vuông, khi Nông trường giải thể, anh và nhiều công nhân khác chuyển xuống định cư dưới núi. Giờ cuộc sống gia đình anh đã ổn định, nuôi cả 3 con ăn học như anh là một điều đáng quý và hiếm ở đất La Vuông này.

Những dự án mới cũng đang đến với La Vuông. Hồ chứa nước Cẩn Hậu được khởi công ngày 15.9.2005, khi hoàn thành sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho người dân La Vuông và cả huyện Hoài Nhơn. Cuộc sống ở La Vuông giờ đã thay đổi nhiều, có điện thắp sáng, con đường Hòa Bình cũng đã được bê tông hóa...

Nhắc đến La Vuông, không thể bỏ qua ông Lê Văn Thiệt, Giám đốc Công ty TNHH Thương Thảo, “vua dứa” ở La Vuông. Ông là người có nhiều mơ ước, hoài bão. Những ước mơ ấy của ông gắn chặt với mảnh đất La Vuông này. 5 năm qua, ông đã mất 4 năm cho một ước mơ lớn, rồi khi cánh đồng Đồng Vuông ngập ngụa hàng tấn dứa úng thối, ông biết ước mơ của mình đã mất đi. Thất bại với dứa, ông Thiệt thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Thế nhưng, khi tôi hỏi, ông nói, ông không muốn nhắc lại những gì đã qua. Với niềm tin còn lại, một năm qua, ông đã quy hoạch khu chăn nuôi, khu trồng trọt, khu giải trí… để gây dựng lại cơ nghiệp trên chính mảnh đất này.

Sau những gì đã qua, ông Thiệt dè dặt hơn: “Tôi định làm một sân bóng nho nhỏ, hè sang năm, xin phép Trường THPT Lý Tự Trọng cho các em học sinh cuối cấp lên đây nghỉ ngơi, vui chơi. Tôi sẽ mổ cặp heo rừng cho các em liên hoan… Xa hơn một chút, sẽ làm một tour nho nhỏ cho cán bộ nhân viên của huyện nhà, ngày cuối tuần lên Đồng Vuông xả hơi. Vậy thôi, chứ chẳng làm khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort gì hoành tráng như người ta đồn đại đâu”.

Ông bảo tôi đừng viết gì nhiều về những dự định ngổn ngang ông đang cần mẫn gây dựng, “Lỡ có gì đó không may mắn, ngộ nhỡ thất bại thì… La Vuông khí hậu thay đổi theo mùa, gió và nắng đổi thay đến chóng mặt, không ai dám đoán chắc được điều gì khi lên đây...”.

Nói thì nói vậy, nhưng trông đôi mắt người đàn ông gần năm chục tuổi đời ấy, vẫn còn khắc khoải một niềm tin vào ngày mai…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)
“Đói cho sạch, rách cho thơm”   (14/06/2009)
“Hạt giống đỏ” của bản làng  (08/06/2009)
Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền   (07/06/2009)
“Nghệ thuật lừa” kiểu đa cấp  (01/06/2009)
Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp  (25/05/2009)
Cư dân ở Trường Sa  (18/05/2009)
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)
Hành trình đến với Trường Sa  (30/04/2009)
Lối nay… xe ngựa  (27/04/2009)
“Chất cầu thủ giúp tôi nhiều trong kinh doanh”   (26/04/2009)