Theo thống kê của Sở NN-PTNT, ngành chăn nuôi của tỉnh trong những năm gần đây phát triển khá mạnh, cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp chiếm tỉ lệ trên 40%. Đến nay, tổng đàn trâu-bò của tỉnh có 360 ngàn con, đàn heo 610 ngàn con, đàn gia cầm 4,4 triệu con. So với các tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đàn GSGC của tỉnh có tổng đàn cao thứ 3 sau Nghệ An và Thanh Hóa. Để có được kết quả đáng phấn khởi như vậy, có thể nói rằng ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đưa lĩnh vực chăn nuôi phát triển.
|
Ông Phan Trọng Hổ (bên phải) trao Cúp, Giấy khen cho bà Lương Thị Bằng ở xã Nhơn Hậu (An Nhơn)- người đạt giải Nhất về chăn nuôi bò lai. Ảnh: H.X |
* Là người đã nhiều năm công tác trong ngành chăn nuôi, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành trong thời gian qua. Để có được tỉ lệ đàn bò lai đạt khá cao như hiện nay, ngành Nông nghiệp đã có những biện pháp gì để khuyến khích nông dân chăn nuôi?
- Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi GSGC ở tỉnh ta phát triển khá mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Bình Định là một trong những tỉnh có đàn GSGC cao ở miền Trung-Tây Nguyên; đặc biệt là thương hiệu “bò lai Bình Định” đã trở thành quen thuộc với người chăn nuôi cả nước. Tỉ lệ bò lai ở tỉnh ta hiện chiếm 55% tổng đàn, cao gần gấp đôi so với tỉ lệ bò lai bình quân của cả nước.
Với chương trình cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn bò giống, đồng thời tăng dần tỉ lệ đàn bò lai, giống bò cỏ được loại bỏ dần từng bước nên không tạo ra cú sốc về quy mô đàn, không làm ảnh hưởng nhiều đến vấn đề sức kéo (chương trình cải tạo đàn bò bắt đầu triển khai từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước), và đặc biệt không tạo áp lực lên nông dân về vốn đầu tư. Chính việc xây dựng thành công chiến lược cải tạo đàn bò từ rất sớm nên tỉ lệ đàn bò lai phát triển nhanh. Bò lai có ưu thế hơn hẳn về vóc dáng, chất lượng thịt, giá trị kinh tế so với giống bò cỏ địa phương. Nhờ vậy, chăn nuôi bò lai đã trở thành nghề làm giàu cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh.
|
Ông Phan Trọng Hổ (thứ 2 từ phải qua) tham gia chương trình “Nhịp cầu nhà nông” của Đài PT-TH Bình Định. Ảnh: H.X |
* Mới đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện phiên chợ bò lai rất thành công, mục đích của phiên chợ này là gì, thưa ông?
- Đàn bò lai của tỉnh ta rất đa dạng về chủng loại, sản lượng và chất lượng thịt cao. Trong đó đáng chú ý là các giống bò lai như Brahman lông trắng, Brahman lông đỏ các thế hệ F1, F2, F3, F4. Ngoài ra, tỉnh ta còn có du nhập các giống bò thịt ngoại chất lượng cao như giống bò Crilimousin, Triclimousin… Tuy vậy, thời gian trước đây nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết đầu ra, nhiều nông hộ không bán được bò, hoặc bán bò với giá rẻ đã ảnh hưởng đến thu nhập. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành trong nước khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi bò lai, nhưng họ không tìm được nguồn bò giống chất lượng cao như ở tỉnh ta. Bởi vậy, phiên chợ bò lai tổ chức vừa qua là nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh bò lai, là cơ sở để ngành chức năng các tỉnh, thành tham dự hội chợ đánh giá, lựa chọn và đặt mua bò lai của nông dân trong tỉnh. Qua đó giúp bà con giải quyết khó khăn lâu nay, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi tỉnh ta phát triển hơn.
Bên cạnh đó, để giới thiệu, quảng bá thương hiệu bò lai, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh phối hợp cùng với các hộ chăn nuôi bò lai xúc tiến xây dựng trang Web bò lai Bình Định. Trang Web này sẽ tập trung giới thiệu những giống bò lai chất lượng cao của tỉnh, đồng thời cũng là diễn đàn để người chăn nuôi có thể gặp gỡ, giao lưu, mua bán các giống bò lai.
* Được biết, ngoài con bò lai đã có thương hiệu trên thị trường cả nước, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng đã tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm các giống vật nuôi mới để chuyển giao cho bà con nông dân?
- Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển đàn bò lai, chương trình cải tạo đàn heo giống; nghiên cứu, khảo nghiệm các giống vật nuôi mới để chuyển giao cho người chăn nuôi được ngành chú trọng, kết quả mang lại rất đáng ghi nhận. Qua chương trình cải tạo đàn heo, đến nay, tỉ lệ đàn heo lai của tỉnh đã chiếm đến 96% tổng đàn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 trang trại heo giống cấp 1 và 86 trang trại heo giống cấp 2, hàng năm cung cấp hàng chục ngàn con heo giống chất lượng cho người chăn nuôi trong tỉnh và các tỉnh khác.
Ngoài ra, chương trình nghiên cứu, khảo nghiệm các giống vật nuôi mới cũng đã thành công với các giống vật nuôi mới như giống dê Boer (Mỹ), giống thỏ New Zealand, thỏ Cali, các giống gà Sao (Hunggary), gà Ai Cập, heo rừng… góp phần đa dạng các giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Trọng Hổ sinh năm 1960 tại xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, công tác tại Chi cục Thú y tỉnh từ năm 1986 - 2001; từ 2001 - 2004 giữ chức Giám đốc Trung tâm KHKT vật nuôi tỉnh; từ năm 2004 đến nay được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.
Năm 2006, ông Phan Trọng Hổ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Thú y Quốc gia với đề tài “Phân lập và xác định một số đặc tính sinh vật, hóa học và các yếu tố của vi khuẩn Ecoli trong bệnh phù đầu heo con và điều chế vắc-xin chữa trị”. Qua đó đã chủ động sản xuất được vắc-xin phòng chống bệnh phù đầu ở heo con tại địa phương, với giá thành khá thấp, được người chăn nuôi tin tưởng. |
* Ông đánh giá như thế nào về ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC của nông dân tỉnh ta hiện nay?
- Trước đây, ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi trong tỉnh rất thấp, nhiều hộ chăn nuôi còn tỏ ra ít quan tâm đến công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhờ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về hiệu quả của việc tiêm phòng nên hầu hết bà con chăn nuôi đã hợp tác với ngành chức năng, chú trọng việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn GSGC của mình. Điều đáng ghi nhận là qua đợt tiêm phòng vừa qua, tỉ lệ đàn GSGC được tiêm đạt cao, trong đó 98% đàn gia cầm được tiêm phòng dịch cúm, 88% đàn gia súc được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng…
* Để ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục định hướng gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Vừa qua, Sở NN-PTNT đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt về kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh từ nay đến 2010. Để thực hiện đề án này thành công, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn kết hợp kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Ngành cũng sẽ tăng cường chuyển giao các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, quản lý chặt chẽ công tác giết mổ… nhằm tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi.
* Xin cảm ơn ông!
N. Hân (Thực hiện) |