Về với dân, đi cơ sở, nhưng không nhiều cán bộ biết “tiếng đồng bào”. Mà không nghe được bà con nói, không nói được cho bà con hiểu thì làm sao làm công tác dân vận được? Thực tế bức xúc đó đã “buộc” các cán bộ lãnh đạo tâm huyết của huyện Vĩnh Thạnh đi tiên phong trong việc tổ chức dạy tiếng nói và chữ viết Bana Kriêm cho cán bộ huyện mình. Chủ trương này hợp lòng dân - những người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh - vốn rất khao khát bảo tồn và phát triển văn hóa cũng như chữ viết của dân tộc mình.
|
Để học sinh người Bana được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình là một quá trình lâu dài. - Trong ảnh: Cô giáo Đinh Thị Thủy trong một giờ dạy tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh. Ảnh: Q.H
|
* Vạn sự khởi đầu nan
Huyện Vĩnh Thạnh vừa tổ chức bế giảng lớp dạy chữ Bana Kriêm thứ hai cho các cán bộ trong huyện. Để có hơn 120 học viên lấy được “bằng ngoại ngữ” Bana, đối với huyện là cả một quá trình. Có thể gọi đó là một cuộc hành trình dài của những người luôn đau đáu với việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Bana Kriêm, cũng như tâm huyết với mục tiêu giúp cán bộ có điều kiện gần dân, hiểu dân hơn.
Thật ra, chủ trương dạy song ngữ Kinh - Bana cho học sinh người Bana đã có từ Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XI, XII.
Mùa hè năm 1988, lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh lên Gia Lai (tỉnh đang làm tốt công tác giữ gìn và phát huy chữ viết Bana) “xin chữ” và mời thầy về dạy tiếng Bana cho học sinh Bana Vĩnh Thạnh. Một lớp học thử nghiệm được mở trong 3 tháng cho học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, công trình thử nghiệm ấy đã thất bại vì người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh nói tiếng không giống như người Bana “trên núi” (Gia Lai)…
Những người làm giáo dục và cả những người tâm huyết với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Bana vẫn không nản chí. Nhưng phải đến 10 năm sau, tức năm 1998, lớp học thứ hai, dạy tiếng Bana cho học sinh Trường PT Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Thạnh mới được tổ chức. Và lại thất bại. Bởi giáo viên mà huyện mời dạy cũng là người Bana “trên núi” nên học sinh Bana Vĩnh Thạnh vẫn không tiếp thu được!
Ông Yang Danh, nguyên Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm, nhớ lại: “Lúc ấy, quá bức xúc, tôi đã làm đề án nghiên cứu khoa học về chữ Bana Kriêm gởi Sở KHCN tỉnh. Tuy nhiên, mãi 3 năm sau, tức năm 2001, Sở mới trả lời là đã gởi ra Viện Ngôn ngữ học và được Viện chấp nhận. Từ đó, trong 4 năm tiếp theo, từ 2001 đến 2004, ông Yang Danh đã sưu tầm và cơ bản hoàn thành bộ từ vựng trên 3.000 từ tiếng Bana Kriêm.
Mặt khác, với quyết tâm phải giúp cho cán bộ biết tiếng Bana để dễ dàng tiếp cận người dân, nhất là đồng bào Bana khi đi công tác cơ sở, năm 2007, huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập Ban chỉ đạo Dạy và học tiếng Bana. Ban chỉ đạo lại tổ chức lên Gia Lai học hỏi kinh nghiệm và về tổ chức biên soạn giáo trình để dạy. Lớp dạy tiếng Bana đầu tiên cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện được mở vào đầu năm 2008, với sự tham gia của 87 học viên, cuối khóa còn 37 người “vượt vũ môn”.
Đến lớp thứ hai, rút kinh nghiệm lớp trước, Ban chỉ đạo đã thay đổi hình thức tổ chức lớp cho phù hợp, bài bản hơn; tài liệu giảng dạy cũng được giáo viên soạn lại theo từng chủ đề, chủ điểm rõ ràng để học viên dễ nhớ, dễ học. Cuối khóa, từ 154 học viên đăng ký ban đầu, lớp còn lại 85 người “tốt nghiệp”.
|
Cuốn sách này sẽ giúp cho quá trình dạy và học tiếng Bana Kriêm được thuận lợi hơn. Ảnh: N.S
|
* Những lớp “ngoại ngữ” đặc biệt
“Ngồi trên lưng cọp” - đó là cách mà ông Nguyễn Nhiên, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Dạy và học tiếng Bana huyện Vĩnh Thạnh, nói về công việc của mình cũng như những cán bộ tâm huyết với việc dạy chữ Bana cho cán bộ huyện. Rằng dẫu biết đó là một công việc rất khó khăn và trước đó vẫn chưa có ai tiên phong, nhưng với quyết tâm cao, Vĩnh Thạnh đã làm. Và đã làm rồi thì chỉ còn một cách là tiếp tục dấn bước.
Ông Nguyễn Nhiên bộc bạch: “Chúng tôi quán triệt với học viên: học tiếng Bana chính là để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặt khác, cán bộ có giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp học tiếng Bana được coi như có một bằng ngoại ngữ. Thấy được quyền lợi và trách nhiệm, nên anh em cán bộ trong huyện rất hào hứng đi học. Những người trụ lại được đến cuối khóa hầu hết đều là những người học tốt, nên kết quả đạt được cũng khá khả quan…”.
Để tổ chức lớp, ngoài chuẩn bị giáo trình, huyện đã mời 3 giáo viên người Bana đứng lớp. Đó là ông Đinh Tiêm, nguyên Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện, vốn đã được học chữ Bana từ những năm trước giải phóng. Đó là chị Đinh Thị Nớk, Phó Trưởng Đài Truyền thanh huyện, với thâm niên 10 năm phụ trách chương trình phát thanh tiếng Bana ở Đài. Người thứ ba là cô Đinh Thị Thủy, giáo viên Địa lý, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện.
Với quan điểm “vừa dạy vừa học”, “người biết dạy cho người chưa biết”, các giáo viên và học viên đã phối hợp ăn ý với nhau trong việc dạy và học. Cô Thủy nhận xét: “Học tiếng Bana đơn giản hơn học tiếng Anh vì chỉ cần ghép từ đơn thuần là thành câu. Mặt khác, do vốn từ của người Bana ít nên phải vay mượn nhiều từ tiếng Việt nên việc học cũng dễ dàng hơn… Mục tiêu của lớp học là dạy cho học viên nói được, hiểu được tiếng Bana trong giao tiếp hàng ngày, sau đó mới là viết chữ Bana, nên hầu hết học viên đều đáp ứng được yêu cầu này”.
Còn chị Trần Thị Ngọc Luyện, chuyên viên Phòng VH-TT-DL huyện Vĩnh Thạnh, học viên của lớp thứ 2, cho biết: “Tiếng Bana có nhiều từ khác nghĩa nhưng âm gần giống nhau, nên nếu phát âm không chuẩn thì dễ bị hiểu sai nghĩa. Mà đồng bào Bana thường nói rất nhanh, nên học được tiếng, chữ Bana rồi thì cũng cần phải thường xuyên ôn luyện và đi cơ sở. Có tiếp xúc thực tế nhiều thì mới nghe - nói tiếng Bana lưu loát được. Công việc của một cán bộ văn hóa như tôi yêu cầu phải thường xuyên đi cơ sở, nên biết tiếng, biết chữ Bana sẽ thuận lợi rất nhiều cho công việc”.
|
Lễ bế giảng lớp tiếng Bana thứ hai. Ảnh: Long Vũ
|
* Giữ hồn dân tộc qua chữ viết
Lớp dạy tiếng Bana thứ hai của huyện Vĩnh Thạnh sắp kết thúc thì cuốn sách “Chư Bơhnar Bình Định” (chữ Bana Kriêm Bình Định) phát hành. Sách dày 520 trang, do UBND tỉnh Bình Định, Sở KHCN, Ban Dân tộc tỉnh và Viện Ngôn ngữ học biên soạn (nằm trong bộ sách chữ viết của 3 dân tộc Bana Kiêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định). Để có bộ sách này, nhóm nghiên cứu do GS - TS Nguyễn Văn Lợi, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Ngôn ngữ học, cùng các cộng sự là những người con Vĩnh Thạnh tâm huyết với việc bảo tồn tiếng Bana đã thực hiện đề tài “Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng Bana Kriêm, Hrê, Chăm Hroi ở Bình Định”.
Nhóm nghiên cứu đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế thu thập tư liệu về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp trong ngôn ngữ của người Bana, điều tra tình hình sử dụng tiếng nói và chữ viết cũng như những đặc điểm văn hóa đặc trưng của họ. Tư liệu điều tra được chuyển vào máy tính dưới dạng số hóa bằng các chương trình chuyên dụng phân tích tiếng nói. Mỗi từ được phân tích để xác định cường độ, đặc trưng của cấu âm, trường độ và phổ âm của từ. Kết quả phân tích tư liệu cho phép kiểm tra và xác định những đặc trưng ngữ âm học của từng từ để phiên âm, miêu tả, xác định cách viết cho mỗi từ và xây dựng hệ thống chữ viết cho mỗi ngôn ngữ.
Ông Yang Danh, một trong những người tham gia biên soạn cuốn sách cho biết: “Hiện nay, mỗi dòng Bana có cách phát âm không hoàn toàn giống nhau, nhưng quan điểm của chúng tôi là chữ Bana thì phải thống nhất, nên với cuốn sách này, chữ viết Bana đã được thể hiện theo hướng chung nhất, đặc trưng và phổ biến nhất, để có thể sử dụng rộng rãi ở nhiều vùng Bana khác nhau”.
Về kế hoạch dạy tiếng Bana cho cán bộ huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Nhiên khẳng định: “Chúng tôi vẫn tiếp tục, vì đó là yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương mà. Hiện Ban chỉ đạo đang làm báo cáo tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm mở các lớp tiếp theo đạt kết quả cao hơn. Dự kiến cuối năm nay, huyện sẽ mở thêm một lớp nữa”.
Còn với ông Yang Danh, ông nói rằng việc tiếp theo mà ông muốn làm là soạn giáo trình dạy tiếng Bana cho người lớn và cho học sinh phổ thông, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Bana... “Một khi chương trình dạy tiếng Bana cho học sinh phổ thông được Bộ GD-ĐT chính thức triển khai thì việc phổ cập chữ Bana trong cộng đồng người Bana nói chung và Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh nói riêng mới “xuôi chèo mát mái” - ông Yang Danh nói.
Bana là một dân tộc thiểu số đứng thứ 10 trong số 64 dân tộc thiểu số Việt Nam về dân số với trên 174.000 người sống tại các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông. Lấy ranh giới từ đèo Mang Yang ngược lên trên là người Bana trên núi. Từ đèo Mang Yang trở xuống là người Bana dưới núi. Người Bana ở Vĩnh Thạnh thuộc một trong 7 dòng Bana, gọi là Bana Kriêm, với dân số hơn 7.000 người. |
|