ÔNG YANG DANH:
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”
11:34', 5/7/ 2009 (GMT+7)

Yang Danh là một cái tên quen thuộc, là niềm tự hào của người dân Vĩnh Thạnh không chỉ vì ông đã trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo từ huyện đến tỉnh, là đại biểu Quốc hội khóa X, XI, mà còn là một người Bana đầy tâm huyết với công việc nghiên cứu, sưu tầm bản sắc văn hóa dân gian của người Bana Kriêm Bình Định.

 

Với Yang Danh, từng lát cắt trong cuộc sống của người Bana đều chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc cần phải giữ gìn. -Trong ảnh: Thiếu nữ Bana bên những sản phẩm dệt thủ công truyền thống.

 

* Trên đường làm báo gặp “anh” văn hóa

Chúng tôi gặp Yang Danh giữa lúc ông đang bận làm nhà ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Yang Danh đầu đội mũ tai bèo, quần đùi, áo may ô ướt mèm, đang tưới nước lên các bức tường mới xây. Vẫn cái cách giao tiếp cởi mở, thân thiện của một người Bana, ông cười sảng khoái: “A, chào nhà báo!”, rồi kéo chúng tôi vào một ngôi nhà sàn của người bạn gần đó.

* Ông có nhà ở Quy Nhơn rồi, căn nhà này hẳn sẽ là một “chốn đi về” để ông có điều kiện thực hiện các công trình nghiên cứu về người Bana Kriêm mà mình đã ấp ủ?

- Hà… hà…, tôi sẽ ở cả hai nơi. Khi nào nhớ núi thì tôi về núi, lúc nhớ biển thì lại xuống biển.

* Có thể nói, ông là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống người Bana Kriêm…

- Không, tôi là người có nhiều duyên nợ với văn hóa dân tộc Bana Kriêm.

* Mối duyên nợ đó bắt đầu như thế nào, thưa ông?

- Năm 1969, sau khi học ở Trường Dân tộc Trung ương xong, tôi có hai sự lựa chọn là đi học Trường ĐHSP Việt Bắc (Thái Nguyên) hoặc nhận công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội. Tôi chọn công việc phóng viên, với mong muốn sẽ được vào Nam sớm. Có thể nói, tôi đến với nghề báo là tình cờ mà cũng phù hợp với mong muốn của mình. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương, tôi được phân công về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum, làm phóng viên rồi Tổ trưởng Tổ Văn - Xã. Thời gian làm báo là thời gian tôi được “tung hoành” ở cơ sở, có điều kiện tiếp xúc nhiều với đồng bào các dân tộc thiểu số.

“Tôi mong ước mọi người Bana đều có ý thức giữ gìn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”.

Ông Yang Danh tên thật là Yang Đêu, sinh năm 1950, tại làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, nay là làng L6, xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh).

Năm 1960 - 1967: là học sinh miền Nam, học tại Trường Dân tộc Trung ương.

Năm 1969 - 1975: phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1975-1979: Sinh viên khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương.

Năm 1979-1983: phóng viên, Tổ trưởng Tổ Văn - Xã Báo Gia Lai - Kon Tum.

Năm 1983-2006: trải qua các chức vụ: Trưởng phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thạnh; Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thạnh; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI; Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh; Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định.

- Năm 2007: nghỉ hưu.

Làm báo thích lắm. Phỏng vấn, thu thanh xong thì tôi “làm văn hóa”. Ở Gia Lai người ta gọi tôi là nhà báo văn hóa. “Làm văn hóa” là làm gì á? Là nghe đồng bào H’rê, Bana, K’Tu, K’Ho, Tày, Thái… nói chuyện, nghe họ hát, hát theo họ, đánh cồng chiêng, nhảy múa với họ. Mà tôi múa dẻo lắm nhé (cười). Tôi nói được thông thạo tiếng Bana, Gia Rai, H’rê, Tày. Thế rồi những cái ấy tự nhiên nó vào trong người mình thôi.

Từ năm 1980, tôi bắt đầu có ý thức sưu tầm để góp phần vào việc bảo tồn các yếu tố văn hóa của người Bana Kriêm. Đến năm 1994 tôi mới có điều kiện viết. Thời đó, ban ngày tôi đi làm, tối tranh thủ lên cơ quan viết đến 9 - 10 giờ đêm mới về. Từ khi nghỉ hưu (năm 2007) đến giờ, tôi có nhiều thời gian để viết hơn.

Nhờ cái duyên và có điều kiện (nghiệp vụ nhà báo) nên tôi làm được văn hóa. Có thể nói, trên đường làm báo, tôi gặp “anh” văn hóa.

* Tôi phải có trách nhiệm với dân tộc mình

Tác phẩm đầu tiên của Yang Danh là “Nhận diện văn hóa Bana Kriêm”, đoạt giải A3 - Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1999. Công trình này là kết quả của sự tổng hợp, so sánh, nghiên cứu để tìm ra những nét đặc trưng của văn hóa Bana Kriêm như: đâm trâu, cồng chiêng, nhà sàn, hoa văn… Liên tục từ đó đến nay, ông Yang Danh đã có 10 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch về văn hóa Bana Kriêm, như: rượu cần, ẩm thực, nhà sàn, rẫy, lễ hội đâm trâu, các trường ca… Các công trình này đã mang về cho ông 4 giải A3, 2 giải B, 2 giải Khuyến khích, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng.  

* Giải thưởng đầu tiên, vào năm 1999, có ý nghĩa gì đối với ông không?

- Giải thưởng này đánh dấu quá trình 20 năm tôi lăn lộn ở cơ sở, nhiệt tình tìm tòi các lĩnh vực, chi tiết cụ thể của văn hóa Bana nói riêng và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung; nó cũng động viên tôi tiếp tục công việc để có những tác phẩm hay hơn. Chỉ có cái buồn là tác phẩm này, và cả các tác phẩm sau này của tôi nữa, đều không được in ấn vì tôi không có tiền, cũng không được ai tài trợ. Mãi đến tháng 4.2009 vừa rồi, GS-TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đề nghị tôi tập hợp các tác phẩm đã viết gởi ra Hội để xin kinh phí in. Tôi vừa gởi xong rồi (cười).

* Nhưng rốt cuộc, điều gì khiến ông đam mê văn hóa Bana Kriêm đến vậy, ngoài lý do ông là một người Bana?

- Dân tộc Bana là 1 trong số 54 dân tộc thiểu số thuộc cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một trong khoảng 20 dân tộc có chữ viết. Tôi lại là người được học hành, có hiểu biết. Tôi nhớ lời Bác dặn khi còn đi học: “Các cháu là những hạt giống đỏ của miền Nam”, nên thấy mình phải có trách nhiệm với dân tộc mình. Có điều kiện để làm mà không làm là sống vô nghĩa, thiếu trách nhiệm, ích kỷ. 

* Ông có nhận xét gì về dân tộc mình?

- Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng. Người Bana sống ở nương rẫy nên mọi hoạt động đều gắn với núi rừng. Người Bana rất nhiệt tình, cởi mở, thân thiện. Tuy nhiên, mọi cái đều phải trong khuôn khổ.

Nhưng, hiện một số yếu tố văn hóa của người Bana đang mất dần. Nhiều nhà rông được dựng bằng bê tông, mấy cháu thanh niên giờ chẳng mấy ai thích cồng chiêng mà thích nhạc rock, những tên làng như KonHai, KonP’lo được thay bằng L, M, N từ thời hoạt động bí mật chống Mỹ, đến giờ vẫn không được đổi lại ... Trăn trở lắm, nhưng đâu phải mình muốn mà được ngay đâu.

 

Đây sẽ là “chốn đi về” của ông Yang Danh ở Vĩnh Thạnh.

 

* Mong không độc hành

Yang Danh kể: “Mọi người bảo tôi, ông, một là làm nhà báo, hai là làm văn hóa thì mới đúng, cớ gì lại làm đại biểu Quốc hội, rồi làm công tác dân vận, thế là sai nghề rồi. Hồi còn đi làm, ông Nguyễn Xuân Dương, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy, hay đùa rằng khi đang họp mà nghe tiếng cồng chiêng bên ngoài là Yang Danh thấp thỏm không yên, chỉ muốn… nghỉ sớm. Nhưng quả thật, thời gian làm đại biểu Quốc hội đã cho tôi nhiều cơ hội để làm văn hóa. Ban ngày đi tiếp xúc cử tri, tối tôi vào làng hỏi han bà con để có tư liệu cho các công trình nghiên cứu, sưu tầm”.

* Vậy theo ông, phải làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana?

- Muốn làm được điều này, mỗi người Bana phải nhận thức được và có ý thức giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, cụ thể qua y phục, nhà cửa, vật dụng… Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo, có các nghệ nhân giỏi, có nhân lực để làm công tác tổng hợp, lưu giữ và phải… có kinh phí.

10 năm là đại biểu Quốc hội, tôi có điều kiện đi khắp đất nước để hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tôi từng giã gạo với người Nùng, đánh cồng chiêng với người Mường, hát then với người Tày, ăn uống với người Vân Kiều... Nên tôi mong ước mọi người Bana lớn, nhỏ, trai, gái đều có ý thức giữ gìn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Người già hãy truyền lại cho con cháu các bài hơamon (trường ca), roi (kể chuyện), mẹ truyền cho con, ai biết truyền cho người chưa biết. Tôi mong có được nhiều người có trách nhiệm, say sưa với văn hóa Bana nói riêng và văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung. Tôi cũng mong các cấp chính quyền, văn nghệ sĩ, nghệ nhân hoàn thành công việc sưu tầm văn hóa Bana.

* Trên hành trình đi tìm tinh hoa của cội nguồn còn khá khó khăn đó, ông có bạn đồng hành không?

- Tôi chưa có bạn đồng hành, nhưng có những người em, người bạn có cùng tâm huyết như Đinh Y Oai (Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh), chị Hơ Đan (Trưởng phòng VH-TT-TT huyện), anh Y Chương (làng K8 Vĩnh Sơn), anh Y Băng…

* Bây giờ đã nghỉ hưu, ông còn ấp ủ dự định gì nữa?

- Tôi đang làm công trình nghiên cứu về các loại nhạc cụ cổ của người Bana Kriêm. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về hoa văn, đám cưới, đám tang, tiếng nói… các vùng Bana Kriêm ở Bình Định. Ngoài Vĩnh Thạnh, tôi cũng sẽ đi thăm người Bana ở Kbang, An Khê, ĐắkPơ (Gia Lai) để bổ sung tư liệu cho các bài viết của mình.

* Xin chúc ông có nhiều sức khỏe để tiếp tục thực hiện những dự định của mình.

  • Nguyên Sương - Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)
“Đói cho sạch, rách cho thơm”   (14/06/2009)
“Hạt giống đỏ” của bản làng  (08/06/2009)
Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền   (07/06/2009)
“Nghệ thuật lừa” kiểu đa cấp  (01/06/2009)
Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp  (25/05/2009)
Cư dân ở Trường Sa  (18/05/2009)
“Ý tưởng mới là chìa khóa của thành công”   (17/05/2009)
Làng tuồng công nghiệp hóa  (11/05/2009)
Nhà khoa học gắn bó với cây điều  (10/05/2009)
Tôi sẽ mãi là người bạn giúp nông dân làm giàu   (03/05/2009)