Những ngày qua, nhiều người dân Bình Định, từ chủ nhà trọ đến người lái xe thồ, bảo vệ dân phố… đã âm thầm chia sẻ khó khăn cho các thí sinh (TS) về Bình Định dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009. Những nghĩa cử cao đẹp của họ, cùng việc làm của các tình nguyện viên (TNV), đã góp phần làm sáng lên tinh thần tương thân tương ái của chương trình “Tiếp sức mùa thi” ở Bình Định.
|
Ông Thái Bình Minh (bìa phải) luôn có mặt kịp thời giúp đỡ các tình nguyện viên hoàn thành nhiệm vụ.
|
* Ấm lòng các sĩ tử
Vào mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhu cầu nhà trọ của TS tăng cao. Đây sẽ là thời cơ để các chủ nhà trọ tăng giá thuê phòng hoặc “nhét” người đến “quá tải” để kiếm thêm thu nhập. Song, ở cả 3 địa điểm tổ chức thi của cụm thi Quy Nhơn là: TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện An Nhơn, đã không diễn ra tình trạng này…
Gắn bó với chương trình “Tiếp sức mùa thi” hơn 5 năm qua, cứ vào thời điểm này, ngôi nhà của ông Nguyễn Mạnh Hồng và bà Nguyễn Thị Ngữ (ở tổ 41, khu vực 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) lại được dọn dẹp sạch sẽ, chờ đón TS về ở. Lúc tôi đến thăm, nhà có gần 10 TS và phụ huynh ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk… Căn nhà đơn sơ chỉ mỗi vợ chồng ông sinh sống nhưng lại có đầy đủ chăn, đệm, mùng, gối, quạt cho gần hai chục người ở. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) dẫn con gái đi thi kể: “Hai mẹ con tôi và mọi người đến đây được ông bà bố trí chỗ ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, cả đồ dùng để tự nấu ăn mà không cần phải mua sắm gì thêm”. Trong ngôi nhà của ông Hồng luôn rộn rã tiếng cười nói, không khí thật vui vẻ, đầm ấm. TS thì gọi ông Hồng, bà Ngữ bằng “ông”, “bà”; còn phụ huynh thì kêu họ bằng “ba”, “mẹ” một cách thân mật.
Ông Hồng tâm sự: “Khi nghe người em kể về hành trình dẫn con đi thi đại học khá vất vả, vợ chồng tôi quyết định sẽ giúp đỡ TS có hoàn cảnh khó khăn để họ được ở nhờ. Năm đầu tiên, chúng tôi cho 3 TS ở, lo cho họ ăn cơm luôn; sau này năm nào cũng gần hai chục người, nên các em tự nấu ăn với nhau”. Thông lệ, những ngày này, hai người con của ông bà đang sinh sống tại Hà Nội lại gọi điện thoại hỏi thăm công việc chuẩn bị, đón tiếp TS của ba mẹ. Năm nay, vợ chồng ông Hồng, bà Ngữ còn vận động được mấy nhà hàng xóm cho ở trọ miễn phí như mình.
Còn gia đình nhà chị Huỳnh Thị Sằn (ở xóm 3, Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) lại là người nắm giữ kỷ lục về số lần cho TS ở trọ miễn phí: 8 lần - liên tục từ năm đầu tiên triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi” đến nay. Trong suốt 8 mùa thi, chị Sằn đã giao cho TS quản lý luôn căn nhà của mình trong thời gian ở trọ. Lúc đầu, cũng có người nói ra nói vào, tỏ ra cảnh giác, nhưng chị Sằn luôn tin tưởng rằng những TS và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn sẽ trân trọng tấm lòng của mình. Đi làm cả ngày mệt mỏi, nhưng hễ về tới nhà là chị hỏi thăm sức khỏe, kết quả thi cử của các TS, rồi dọn dẹp nhà cửa cùng mọi người. Chị Sằn tâm sự: “Những năm qua, tôi đã có thêm niềm vui là được các em gọi điện chia sẻ. Nhiều em gọi điện thông báo đậu đại học hoặc khi đã là sinh viên, các em lại tìm đến thăm hỏi; có em còn nhận tôi làm chị kết nghĩa nữa chứ!”.
|
Anh Nguyễn Mạnh Cường- Bí thư Thành Đoàn Quy Nhơn (đầu tiên, bên phải) - thăm hỏi gia đình bà Ngữ và phụ huynh ở trọ miễn phí.
|
Vừa mới xây nhà được vài tháng, anh Lương Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Lệ Thu (ở đội 5, thôn Diêu Trì, thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) cũng đã kịp lần đầu tiên đăng ký cho TS và phụ huynh ở trọ miễn phí. Nhà có 3 phòng, mỗi phòng đều có giường trải chiếu trúc và toa lét khép kín, anh chị đều dành để phục vụ TS; còn con cái mình thì gửi sang ở nhà ông bà. Đợt 1 vừa qua, nhà chị có 7 TS cùng 3 phụ huynh xin ở trọ, song chị còn muốn nhận thêm nữa bởi như chị nói: “Cả năm mình mới chỉ tiếp họ đến nhà một lần; có mất một chút tiền điện, nước cũng không đáng. Cái chính là mình tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho các em học ôn, ăn uống, nghỉ ngơi để làm bài thi được tốt”…
Không thể kể hết những tấm lòng gia chủ của hơn 5 ngàn chỗ trọ miễn phí đã đăng ký tại TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện An Nhơn. Ngay trong lúc trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Thành Đoàn Quy Nhơn, cũng đồng thời tiếp nhận thiện ý của Ban Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm Hàng hải 201 (59A Nguyễn Huệ, Quy Nhơn). Họ đã chuẩn bị hội trường cơ quan với đầy đủ tiện nghi: máy lạnh, bàn, ghế… cho khoảng 20 TS có hoàn cảnh khó khăn được ở miễn phí trong suốt kỳ thi. Danh sách nhà trọ miễn phí dành cho TS và người nhà TS sẽ tiếp tục tăng lên cho đến đợt 2 của kỳ thi này…
* Những người “tiếp sức” âm thầm
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh Ban Bảo vệ dân phố khu vực 2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn đang nỗ lực giúp đỡ các TNV. Ban có 7 người đều làm bảo vệ, giữ xe ở chợ Nhơn Bình. Vậy mà, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, họ thu xếp công việc để thay nhau trực chốt tại điểm tư vấn và bảo vệ trật tự tại địa bàn dân cư. Ông Thái Bình Minh, thành viên của Ban Bảo vệ khu phố, giúp các TNV sắp xếp chỗ đứng và phân tài xe thồ, đưa TS về nhà trọ… một cách nhiệt tình. Ông Minh kể: “Mấy năm nay, anh em tôi đều dành thời gian, công sức để giúp các TNV làm việc tốt hơn, không bị cánh xe thồ bắt nạt. Dù công việc vất vả nhưng ai cũng tự hào vì không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra ở địa phương”. Năm ngoái, có TS bị mất trộm 200 ngàn đồng và giấy tờ tùy thân. Do TS báo vụ việc khá trễ nên khó tìm lại được. Dù TS đó không yêu cầu gì thêm, nhưng Ban Bảo vệ đã bảo lãnh để bổ túc lại giấy tờ tùy thân sau ngày thi đầu tiên. Ngoài ra, Ban Bảo vệ còn ủng hộ 100 ngàn đồng cho TS ấy có “chút lộ phí” trở về quê. Rồi chuyện Ban Bảo vệ đứng ra làm người hòa giải các vụ tranh chấp, bắt chẹt TS với chủ nhà trọ, chủ quán cơm…
Hàng ngày, các thành viên của Ban Bảo vệ còn tham gia trong đội bảo vệ của phường tiến hành kiểm tra các nhà trọ không đủ điều kiện về cơ sở vật chất hoặc “nhét” quá tải… để kịp thời can thiệp và bố trí cho TS sang ở trọ ở nơi khác tốt hơn mà không lo bị mất tiền đặt cọc hoặc tiền trọ…
|
Bà Nguyễn Thị Ngữ (bìa phải) đang xếp chỗ trọ cho các thí sinh đến từ Quảng Ngãi.
|
Trong khi nhiều người làm nghề xe thồ tranh thủ mùa thi để nâng giá, bắt chẹt hoặc nhận tiền cò nhà trọ để kiếm thêm, thì các thành viên của Nghiệp đoàn Xe máy thị trấn Tuy Phước lại làm việc ngược lại là giảm giá cho TS và phụ huynh. Toàn đội có 22 thành viên đều tuân thủ chặt chẽ nội quy của đội: không lấy quá 10 ngàn đồng/người/lượt, không nhận tiền cò nhà trọ… Ông Nguyễn Hữu Tấn, Tổ trưởng Nghiệp đoàn Xe máy thị trấn Tuy Phước, cho biết: “Nếu các thành viên trong nghiệp đoàn vi phạm, mức phạt nhẹ thì tạm nghỉ 1 tháng, nặng thì khai trừ khỏi đội, lúc ấy chỉ có giải nghệ thôi, nên anh em chấp hành nghiêm túc lắm”. Chuyện nhặt được của rơi, túi xách đựng tiền, giấy tờ… trả lại cho TS trở thành “chuyện vặt” của cả đội. Đôi khi, đang chở TS về nhà trọ, hỏi thăm tình hình, biết hoàn cảnh quá khó khăn, thành viên trong đội lại không nỡ nhận tiền…
Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 vừa kết thúc. Trên gương mặt đen sạm vì cháy nắng của các TNV, của những người lái xe thồ, bảo vệ dân phố… vẫn luôn nở những nụ cười và sẵn sàng chờ đón các thí sinh ở đợt 2. Họ thật sự mãn nguyện khi đem lại niềm vui cho các TS, dù bản thân cuộc sống của họ vẫn còn không ít khó khăn, vất vả.
Và chính những nghĩa cử của họ đã góp phần làm nên “thương hiệu” người Bình Định: nhân ái, thân thiện, cởi mở, chân tình, hiếu khách…
Cả thôn cùng Tiếp sức mùa thi
Đó là thôn Thanh Quang và thôn Phong Tấn (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Xã Phước Lộc chỉ có khoảng 700 TS và phụ huynh ở trọ để dự thi; vậy mà, Đội TNV của xã Phước Lộc đã vận động được 54 nhà trọ miễn phí với hơn 120 chỗ trọ dành cho TS có hoàn cảnh khó khăn. Tiên phong là gia đình anh Dũng Cảnh cho hơn 20 TS ở trọ miễn phí. Dần dần, hàng xóm, rồi người thân của anh và các bạn TNV cũng đã gọi điện hoặc trực tiếp đến các điểm tư vấn của chương trình Tiếp sức mùa thi để đăng ký nhận TS vào ở miễn phí. Ngoài ra, Xã Đoàn Phước Lộc còn thành lập được đội xe ôm miễn phí gồm 6 thành viên. Những ngày qua, đội xe ôm đã làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của TS. UBND xã đã hỗ trợ cho 20 TNV và thành viên của đội xe ôm 10 ngàn đồng/ngày. Anh Nguyễn Văn Huy (ở thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), tâm sự: “Ở mô mà cũng như ở ni thì những người có con đi thi đại học như chúng tôi chẳng còn phải lo lắng gì nữa”. |
|