Tôi biết Thúy Hoa (SN 1974, một người bị khuyết tật bẩm sinh rất nặng) chưa lâu. Một buổi chiều tôi đang ở xa, chợt nhận được tin nhắn của cô: “Tối nay bọn em khai trương quán kem, anh đến nhé!”. Tôi vô cùng ngạc nhiên và không sao hiểu nổi cô bạn nhỏ ấy lấy đâu ra phép thần thông, chỉ trong vòng có ít ngày đã kịp biến một ý tưởng từ mơ hồ trở thành hiện thực.
|
Quán kem của Thúy Hoa.
|
Cách đấy đúng 2 tuần, trong một hội thảo về các nhóm tự lực, khi Thúy Hoa - đại biểu khuyết tật nặng nhất có mặt tại diễn đàn - nằm trên xe lăn nói về ước mong mở một quán nhỏ tại nhà để vừa kiếm tiền tự nuôi sống bản thân, lại vừa làm nơi các bạn bè cùng cảnh gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật…, không ít người đã cho rằng cô bé đang mơ mộng viển vông, bởi với khuyết tật nặng như vậy, làm sao cô lại có thể nghĩ đến chuyện mở quán kinh doanh? Dòng tin nhắn của Thúy Hoa làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa tò mò, muốn đến tận nơi xem thử “công trình” của cô.
Đến nơi, thấy mấy dây đèn nhấp nháy, mấy dây lá rơi rơi, những chiếc ghế màu xanh hòa trong tiếng nhạc dìu dịu, căn nhà số 05 Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) của Thúy Hoa giờ trở thành một quán kem trông thật lạ lẫm và bắt mắt. Thúy Hoa nằm nghiêng trên chiếc giường nhỏ bên trong quán, xung quanh là bàn phím máy tính, điện thoại và sổ sách ghi chép. Cô đang bán card điện thoại cho khách hàng qua phần mềm dành cho đại lý của bưu điện. Buông con chuột máy tính, cô đón tôi bằng một câu hỏi: “Quán có đẹp không anh?”.
* Tuyệt quá! Ai thiết kế vậy?
- Em tự làm đấy! Em thiết kế còn các bạn em thi công. Đầu tiên em lên ý tưởng làm một cái quán dành cho giới trẻ, nên mặt hàng kinh doanh em chọn là kem và nước giải khát. Đã là nơi gặp gỡ của giới trẻ thì phải có bài trí thật phù hợp, nên em chọn sơn quán màu xanh lá non, bàn ghế cũng thế, phải cùng tông màu. Lên được ý tưởng rồi em nhờ anh trai đi mua vật liệu rồi nhờ các bạn tới thi công. Bạn Trung, bạn Hải sơn tường, bạn Điển mắc điện, các bạn trong bút nhóm Hoa Xương Rồng đem tới mấy bức thư họa, còn em tự mình đi mua mấy dây lá về trang trí. Em muốn có một cái đèn chùm nhưng hỏi giá ngoài tiệm họ nói tới hơn 1 triệu. Đắt quá! Thế là em quyết định mua vật liệu về tự làm. Đấy, cái đèn màu tím anh đang thấy là do em nghĩ ra, làm nó hết 110 ngàn đồng, trông cũng dễ thương phải không?
* Bạn làm tôi ngạc nhiên quá! Tôi không thể nào hình dung được chỉ trong vòng 2 tuần lễ mà bạn có thể tự mình giải quyết được nhiều việc đến thế?
- Không phải 2 tuần, mà chỉ là hơn 10 ngày thôi. Em đã gặp may, sau khi tình cờ biết em muốn mở quán mà không có tiền, một nhà hảo tâm đã giúp em 500 USD. Em bàn bạc với gia đình và bạn bè, mọi người đều đồng ý hỗ trợ, giúp sức, vậy là em làm ngay. Trang trí quán xong, một chị bạn và một cô cháu gái tình nguyện giúp em bán hàng. Tổng vốn đầu tư cho cái quán này hết khoảng trên chục triệu đồng, trong đó vốn riêng em tích cóp được từ tiền lời mua bán card điện thoại cũng được vài triệu. Em hy vọng sẽ mau lấy lại vốn và mừng nhất là từ nay câu lạc bộ giao lưu văn thơ ngoại ngữ của tụi em sẽ có nơi tụ họp.
* Vậy là bây giờ bạn đã trở thành cô chủ quán, tự mình kiếm sống rồi.
- (Cười…) Anh chưa biết em đấy thôi, em đã tự kiếm sống từ mấy năm nay rồi, từ khi ba mẹ em cùng lúc qua đời…
Rồi Thúy Hoa kể: Nhà em ngày xưa đông anh em lắm, có tất cả bảy anh em, em là út. Anh Hai là liệt sĩ, chị Ba, anh Tư đều mất trong chiến tranh, chị Năm, chị Sáu đều lấy chồng, ở riêng. Sau giải phóng em ở với ba mẹ và anh Bảy. Do em bị bại liệt lúc 6 tháng tuổi, sức khỏe yếu ớt nên ba mẹ rất thương chiều em. Em chỉ có thể thoải mái nhất trong tư thế nằm, còn tất cả các sinh hoạt cá nhân khác đều do mẹ giúp. Em không được đến lớp, mà chỉ ở nhà được mẹ dạy chữ, còn anh Bảy là kỹ sư xây dựng thì dạy em làm toán.
|
Thúy Hoa
|
* Sức khỏe của bạn yếu như vậy, việc học của bạn chắc gặp nhiều khó khăn lắm?
- Em còn nhớ như in, chữ đầu tiên mẹ dạy cho em học là chữ “ba”, ghép từ chữ “a” và chữ “b”. Hồi ấy em phát âm rất nhỏ và rất khó khăn, chân tay thì yếu ớt. Thuộc mặt chữ và đánh vần được chữ “ba” em vã hết mồ hôi, nước mắt em chảy ròng, mẹ cũng chảy nước mắt; hai mẹ con ôm nhau khóc vì sung sướng. Tập viết mới là khổ ải đối với em. Khi tập viết, em chỉ nằm nghiêng, đôi tay của em cử động rất yếu ớt, em đánh vật nhiều ngày nhưng không khoanh nổi chữ “o”!
Thế rồi nhờ miệt mài mà em cũng viết được chữ và giờ đây em đã viết được văn, làm được thơ. Em sống trong tình thương của cha mẹ cho đến năm 1995 thì cả hai người đều qua đời vì bệnh hiểm nghèo, lúc đó em 21 tuổi. Còn lại 2 anh em trong căn nhà cha mẹ để lại, anh Bảy của em làm ăn thất bại, cuộc sống khó khăn của em lúc đó mới thực sự bắt đầu…
* Bạn đã làm gì trước hoàn cảnh khó khăn lúc đó?
- Đầu tiên em nghĩ mình phải kiếm một cái nghề thật nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe để kiếm sống. Em chọn nghề thêu tay. Một chị thợ thêu tên là Min đã dạy cho em nghề thêu. Em có thể thêu được những bức tranh trang trí như bức đang treo ở trên tường mà anh đã thấy, nhưng phải mất thời gian lâu gấp nhiều lần người bình thường, bởi vì em vừa nằm vừa thêu. Một thời gian sau sức khỏe em kém dần bởi nhiều thứ bệnh hoành hành, không cầm nổi kim quá lâu, thế là dừng thêu. Nghĩ đến cảnh ngồi không, sống bám là em không chịu nổi. Cách đây vài năm một cô giáo đã giúp em học tiếng Anh, em không thể đi thi nhưng cô giáo nói em có trình độ tương đương chứng chỉ B, thế là em tổ chức dạy kèm cho vài em học sinh cấp 2 tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
* Lúc nãy tôi thấy bạn sử dụng vi tính để bán hàng rất thành thạo, bạn cũng tự học món này ở nhà à?
- Dạ không, em học chương trình tin học văn phòng ở trung tâm dạy nghề đấy. Lúc đó em muốn mở dịch vụ kinh doanh internet nên phải đi học mới đủ điều kiện để đăng ký kinh doanh. Khi đến lớp, nghe em nói về lý do đi học, ai cũng cười ngất cho là điều không tưởng. Vừa học xong, em đề nghị anh Bảy thế chấp luôn ngôi nhà, vay 150 triệu đồng để mở quán Internet, làm tất cả mọi người đều bất ngờ.
* Nhưng sao bạn không tiếp tục làm “cô chủ nhỏ” của quán Internet mà lại chuyển nghề?
- Quả thực là em còn thiếu kinh nghiệm làm kinh doanh. Quán của em lúc đó vẫn có khách thường xuyên; nhưng phải gánh chịu lãi suất ngân hàng, không đủ điều kiện nâng cấp máy, thiết bị và không đủ sức giải quyết khi các “game thủ” gây lộn… nên em đành dừng hoạt động. Tính toán còn nợ hơn chục triệu, nhưng đổi lại nhờ quán Internet này mà hai anh em đã vượt qua thời gian làm ăn thất bại của anh Bảy em, giờ thì tạm ổn rồi. Quán kem của em được nhiều bạn bè ủng hộ, cũng là nơi nhóm bút Hoa Xương Rồng gặp gỡ tối thứ Bảy hàng tuần, cho nên nhiều người khuyên em đổi tên thành quán Những Người Bạn.
|
Thúy Hoa và những người bạn.
|
Em đang nghĩ cách để tự sản xuất kem cho quán. Một chị bạn ở TP.HCM đã cho em công thức làm kem ngon và độc đáo mà chị học ở một nhà hàng nước ngoài. Việc của em bây giờ là phải sắm được một cái máy làm kem. Nếu có kem ngon, giá rẻ, thế nào quán cũng đắt hàng; CLB của bọn em càng có điều kiện để hoạt động. Nhưng hiện tại em chưa thực hiện được, bởi máy làm kem đến ba mươi triệu đồng.
Trong tác phẩm “Những vì sao mơ ước” của Thúy Hoa, in trong tập thơ văn cùng tên của nhóm bút Hoa Xương Rồng, Thúy Hoa đã tâm sự và mơ ước: “Tôi thường nghe nói số phận của mỗi con người đều được ứng với một vì sao. Người may mắn sẽ được dành cho ngôi sao to sáng, còn ngôi sao nhỏ thì dành cho người kém may mắn hơn. Vì thế đêm đêm tôi thường hay nhìn lên bầu trời để ngắm các vì sao, và tôi tự hỏi: Đâu là ngôi sao của mình nhỉ?
…
Tôi không có được cái may mắn như người bình thường vẫn có, chưa một lần được cắp sách đến trường, bởi tôi chưa một lần “đứng được trên đôi chân của chính mình”, khi tôi ý thức và cảm nhận được về số phận của mình, tôi rất buồn. Tôi nghĩ mình vẫn còn cái đầu, còn có tâm hồn và trái tim. Tôi khao khát được học, được hiểu biết và được làm điều gì đó có ích…
Theo thói quen, tối nay tôi lại ngước nhìn bầu trời đầy sao. Trong số những vì sao đó có một ngôi sao mà một người bạn đã “tặng cho tôi” với lời cầu chúc là nhiều điều may mắn sẽ đến với tôi. Ngôi sao đó to sáng hơn những ngôi sao khác… Tôi cảm thấy rất vui và thầm mơ ước: “Mai này khi nhìn lên bầu trời tôi không chỉ thấy một vì sao mà sẽ có rất nhiều sao sáng, thật nhiều sao sáng cho hết mọi người. Tôi nghĩ lúc đó cả bầu trời sẽ đẹp biết bao”.
Chia tay, tôi chúc Thúy Hoa vui khỏe, mãi giữ sức sống mãnh liệt và đạt được nhiều ước mơ; chúc quán kem Những Người Bạn của cô ngày thêm đông bạn bè và mong cô sẽ trở thành một vì sao sáng, là tấm gương nỗ lực vượt qua chính mình, biến những điều không thể thành có thể, cho các bạn trẻ không may bị khuyết tật khác noi theo.
|