Làng phong Quy Hòa (nằm trong khuôn viên Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, TP Quy Nhơn) có hàng trăm bệnh nhân đang hàng ngày, hàng giờ vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi lần đến đây, tôi không khỏi quặn lòng khi chứng kiến những người bệnh dù đã bị cụt tay, cụt chân nhưng vẫn phải ra khơi đánh cá trong sóng dữ…
Ông Trần Công Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Bệnh nhân, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết: Hiện làng phong Quy Hòa có 277 hộ dân là bệnh nhân phong và 63 hộ dân là con em của bệnh nhân phong đang sinh sống tại xóm Mới. Đời sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn, phần vì bệnh tật, phần không có việc làm. Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi, hầu hết các bệnh nhân phải tự bươn chải tạo việc làm để có thêm thu nhập. Trong số này, hàng chục hộ lâu nay lấy đánh bắt cá trên biển làm nguồn sống chính.
|
Những chiếc sõng cũ kỹ, nhỏ bé này đã giúp bệnh nhân phong vượt sóng dữ, ra khơi mưu sinh. |
* Người bệnh mưu sinh
Biển Quy Hòa sạch và khá đẹp, nhưng là vùng bãi ngang, sóng lớn. Bởi vậy, ngư dân luôn phải đối mặt với những bất lợi mỗi khi đưa sõng ra khơi, vào bờ. Và, càng bất lợi hơn khi họ là người bệnh, không lành lặn…
Ông Phạm Bưởi, 60 tuổi, quê ở Huế, nhưng cuộc đời đã gắn chặt với Quy Hòa hơn 40 năm qua. Từ khi vào Quy Hòa sinh sống và điều trị bệnh, ông Bưởi có thêm nghề đi biển. Ông dẫn chúng tôi ra biển, nơi hàng chục chiếc sõng đan bằng tre của ngư dân làng phong đang phơi mình trong nắng sau một đêm đánh bắt trở về. Vừa trò chuyện, ông chỉ tay về phía biển nói: “Nhìn ra xa thì thấy biển êm thật đấy. Nhưng trong này, lúc nào biển cũng động. Mỗi khi đưa sõng ra đi đánh cá hoặc vào bờ, chúng tôi như đánh vật với từng cơn sóng…”.
Để minh chứng, ông Bưởi bảo tôi tháo giày, bỏ máy ảnh, điện thoại, sổ ghi chép lại trên bờ và theo ông ra sõng. Bước chân đi trên cát của ông cứ xiên qua xẹo lại, bởi cả hai bàn chân đều bị cụt hết ngón. Cũng may, đôi bàn tay còn nguyên vẹn nên ông cầm được mái chèo, tấm lưới bỏ vào sõng. 30 phút đồng hồ, tôi với ông Bưởi phải vật lộn với muôn vàn con sóng mới đưa được chiếc sõng ra khơi an toàn. “Ngày hôm nay, biển êm nên những con sóng này chỉ tầm tầm, chưa có gì ghê gớm lắm đâu chú em, chớ gặp hôm sóng lớn thì còn khốn khổ gấp nhiều lần”- ông Bưởi vừa thở hổn hển, vừa nói với tôi.
Làm biển đối với những ngư dân lực lưỡng còn chưa đủ ăn, huống chi là người bệnh như ông Bưởi. Nên sau những chuyến vào bờ sớm hoặc khi biển động, ông Bưởi lại đạp xe đạp đến các công trường xây dựng xin phụ hồ. Biết ông là bệnh nhân phong nên nhiều nơi e ngại… từ chối; chỗ cảm thông thì cũng trả công thấp. “Làm cật lực cả ngày, tiền công cũng chỉ 50- 60 ngàn đồng chứ mấy. Nhưng dù sao có tiền lo cho gia đình là mừng lắm rồi”- ông Bưởi bùi ngùi nói.
|
Ông Nguyễn Văn Mẫn lắp chân giả, chuẩn bị ra khơi. |
Ở làng phong Quy Hòa, những người bị bệnh phong đi đánh cá trên biển khá phổ biến, kể cả những người bệnh nặng, cũng phải hàng ngày ra khơi mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Mẫn, có tục danh “Mẫn cụt”, bởi cách đây 3 năm, chân trái ông bị lở loét, phải chấp nhận cắt bỏ gần đến đầu gối. Vậy mà trừ những ngày gió bão, còn lại hầu như ngày nào ông Mẫn cũng ra khơi. Ông chỉ ở nhà một ngày là 5 miệng ăn trong gia đình sẽ đói. Tiền trợ cấp hàng tháng của 2 vợ chồng ông cộng lại chưa đến 300 ngàn đồng. Trong khi đó, ông phải nuôi 3 đứa con ăn học, đứa lớn đang học Trung cấp y, đứa giữa học lớp 11 và đứa út học mẫu giáo. Nhiều hôm bệnh trở nặng, ông phải nhập viện điều trị dài ngày. Nhà hết gạo, vợ ông chạy đi vay mượn hàng xóm hoặc các chủ thu mua cá về cầm cự qua ngày, chờ ông ra khơi trả nợ. Vậy nên, bệnh vừa đỡ ông Mẫn đã xin xuất viện sớm để… đi đánh cá. Trong cuộc đời đi biển, ông đã không biết bao lần bị sóng biển nhấn chìm, cứ tưởng không vào bờ được nữa… Nhưng rồi, biển cũng không nỡ “bắt” một người bệnh tật nhưng đầy can trường vật lộn mưu sinh như ông.
“Đánh cá ngoài biển cả đối với người lành lặn đã khó khăn, huống chi bị cụt mất một chân như tôi. Có hôm, đang chèo sõng vào bờ gặp biển động, sóng đánh chìm sõng… Thế là tôi phải bám vội vào mép sõng, vật lộn hàng giờ với biển khơi, chờ sóng lặng, anh em trong bờ ra cứu”- ông Mẫn kể.
Khi tôi đến nhà, anh Lương Thành Tân - một bệnh nhân phong đã hơn 10 năm hành nghề đánh bắt cá tại vùng biển Quy Hòa- đang ngồi vá lại tấm lưới cũ bị rách. Các ngón tay trên đôi bàn tay của anh bị co quắp, cụt phân nửa; các ngón của bàn chân phải cũng cùng chung “số phận”. Tuy đôi tay không lành lặn, anh Tân vẫn vá lưới một cách thành thục nhờ kết hợp với… miệng. Anh Tân tâm sự: “Do đôi tay của tôi không còn nguyên vẹn, nên việc chèo sõng, thả lưới có phần vất vả hơn. Từ bờ chèo ra được nơi thả lưới tôi phải mất 3 giờ đồng hồ, vì vừa chèo vừa nghỉ do đôi tay thường xuyên bị tê cứng. Mỗi lần đưa được sõng ra khơi, vào bờ, tôi phải nhờ sự trợ giúp của vợ”.
Chị Phạm Thị Thu, vợ anh Tân, vừa phụ chồng vá lưới, vừa cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều bị bệnh. Mỗi tháng được trợ cấp hơn 300 ngàn đồng, làm sao đủ sống. Vợ chồng đành phải vay mượn hai bên gia đình được một ít tiền để mua chiếc sõng và sắm vài tấm lưới đánh cá. Ngày nào “trúng” thì kiếm được từ 20 - 30 ngàn đồng, nhưng có hôm, không đánh được con cá nào. Thu nhập chỉ đủ ăn nên số tiền 5 triệu đồng chúng tôi mượn cách đây 10 năm để mua dụng cụ hành nghề giờ vẫn chưa trả hết”.
|
Sản phẩm sau một đêm ra khơi của anh Trần Sáng. |
* Mong manh khát vọng đổi đời
Bệnh nhân phong khó tìm được việc làm đã đành, 63 hộ dân với gần 300 nhân khẩu là con em bệnh nhân ở xóm Mới kiếm việc làm cũng khó lắm thay. Nghề biển chỉ giải quyết được việc làm cho vài chục lao động nam, còn cả trăm lao động nữ hầu như đều thất nghiệp.
Theo quy định, bệnh nhân phong được phân 5 loại để nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Loại 1, được hỗ trợ 159.500 đồng/tháng; loại 2: 154.000 đồng/tháng; loại 3: 148.000 đồng/tháng; loại 4: 143.000 đồng/tháng; loại 5: 137.500 đồng/tháng. |
Anh Nguyễn Văn Dũng, con em của bệnh nhân phong ở xóm Mới, tâm sự: “Nghề đi biển bây giờ bấp bênh lắm. Nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, trong khi các ngư dân ở phường Trần Phú, Hải Cảng thường xuyên đưa tàu qua đây giã cào nên cá lớn, cá bé đều bị bắt ráo. Có hôm, họ còn cào rách lưới của ngư dân làng phong rồi bỏ chạy”. Nói rồi, anh Dũng chỉ tay về 3 tấm lưới của anh vừa bị tàu giã cào làm rách, thiệt hại cả triệu đồng.
Bệnh nhân phong cũng như con em bệnh nhân ở làng phong Quy Hòa đều mong muốn được đổi đời, nhưng làm cách nào? “Vay vốn ngân hàng không được, vì không có gì thế chấp. Vay “nóng” bên ngoài thì lãi suất cao, vả lại họ cũng không tin tưởng chúng tôi mỗi khi cho vay”- bệnh nhân Nguyễn Văn Sanh cho biết.
Trước đây, cũng đã từng có một số dự án của một số doanh nghiệp trên lĩnh vực may mặc, thêu, đan dự định đưa vào làng phong Quy Hòa để tạo công ăn việc làm cho số phụ nữ thất nghiệp. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có dự án nào thành hiện thực. Theo ông Trần Công Nghĩa, nếu giải quyết được bài toán việc làm cho phụ nữ ở làng phong, với mức thu nhập từ 600 đến 800 ngàn đồng/tháng cũng phần nào giúp họ có thêm một khoản tiền để đầu tư cho con cái học hành.
Trước khi chia tay những bệnh nhân phong và con em của họ, anh Trần Sáng, 39 tuổi, một bệnh nhân phong, nói với tôi trong nỗi niềm xót xa: “Đời chúng tôi cực khổ mấy cũng chịu được, chỉ mong sao đời con chúng tôi sẽ khác”.
|