Đam mê âm nhạc từ nhỏ, tự học và chơi được nhiều loại nhạc cụ; cùng bạn bè lập nhóm hát để có cơ hội trình diễn trước công chúng những ca khúc yêu thích. Những người yêu âm nhạc ở Quy Nhơn không ai không biết đến anh. Anh là Phạm Ghi, hiện là chủ quán cà phê – nhạc Trịnh Công Sơn (đường Xuân Diệu, Quy Nhơn).
* Cây guitar ngẫu hứng
Đến quán cà phê Trịnh Công Sơn trong các Chủ nhật hàng tuần, sẽ thấy Phạm Ghi ôm guitar trên sân khấu, đệm cho ca sĩ hát. Anh có phong cách đệm nhạc rất riêng, đầy chất ngẫu hứng. Nhiều khi cùng một ca khúc nhưng trong một đêm hứng khởi anh lại có những biến tấu, những nốt luyến láy khiến không chỉ ca khúc mà cả tiếng hát của ca sĩ cũng bật lên những vẻ đẹp mới.
|
Với uy tín lao động nghệ thuật nghiêm túc, quán cà phê – nhạc Trịnh Công Sơn có một lượng khách quen khá lớn. Ảnh: Văn Lưu |
+ Lúc còn nhỏ, có bao giờ anh mơ ước mình trở thành một nghệ sĩ guitar?
- Gia đình tôi không ai đi theo con đường nghệ thuật cả. Hồi nhỏ tôi rất mê âm nhạc. Khoảng 9, 10 tuổi, thấy người ta đánh đàn ở đâu là tôi liền mon men đến gần, say sưa đứng nghe và thầm ước sao cho mình được như họ. Nỗi ao ước lớn dần và tôi tìm cách tự mày mò, tự học.
+ Tự học?
- Vâng! Nói cho chính xác thì thời trung học, tôi được học một số giờ nhạc lý cơ bản. Với vốn liếng ít ỏi đó, tôi tìm đọc thêm trong sách vở, băng đĩa... để bổ sung kiến thức rồi tự tập. Thời đó, nhiều bạn bè của tôi cũng có niềm ham thích tương tự, chúng tôi thường trao đổi và học tập lẫn nhau. Khả năng mà tôi có được là nhờ tự khổ luyện. Nếu gọi việc chơi các nhạc cụ, sống với nó và nó nuôi sống tôi về vật chất và cả tinh thần là một nghề thì tôi đã tự dạy nghề cho mình.
Nhiều năm trước tại sân khấu ở một cửa hàng giải khát tọa lạc ở tầng 3 Chợ Lớn Quy Nhơn có một nhóm nhạc nhỏ biểu diễn khá thường xuyên. Phạm Ghi là thành viên của nhóm nhạc này. Năm đó anh khoảng 26-27 tuổi. Đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh một gã lãng tử đa năng, đa nhiệm có thể chơi nhiều loại nhạc cụ như trống, đàn ghita, kèn armonica và… đàn bầu.
+ Chơi khá thành công trong ban nhạc “tầng 3 Chợ Lớn Quy Nhơn” nhưng rồi anh “biến mất”, sau đó xuất hiện và nổi đình nổi đám ở quán cà phê Thu Vàng, vì sao lại có khúc chuyển này, thưa anh?
- Thời đó chúng tôi chơi khá thành công, được nhiều người hâm mộ lắm (cười). Nhưng vai trò và vị trí của mình đến lúc đó vẫn chỉ là nhạc công. Trong khi đó, niềm đam mê được phục vụ công chúng của tôi và bạn bè lớn dần lên. Chúng tôi muốn làm thêm một điều gì đó để chia sẻ với mọi người.
Năm 1995, tại quán cà phê Thu Vàng, tôi cùng hai người bạn là Nguyễn Mỹ Nữ và Đỗ Ngọc Hoánh hợp thành bộ ba, tổ chức những đêm nhạc trữ tình, trình diễn những bài hát tiền chiến nổi tiếng một thời của Việt Nam của các tác giả như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Hoàng Giác… vào tối thứ Bảy hàng tuần. Chúng tôi còn tổ chức những đêm nhạc theo chủ đề, tôn vinh những nhạc sĩ lớn của nước mình như Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Phú Quang, Dương Thụ… Sau năm 1975, Thu Vàng là nơi đầu tiên ở Quy Nhơn tạo dựng được hoạt động tinh thần này. Từ sân khấu đơn sơ ấy, nhiều giọng ca trẻ đã lớn lên. Một thời gian dài, gần đến 10 năm liền, Thu Vàng là địa chỉ quen thuộc của giới yêu âm nhạc ở Quy Nhơn. Nhiều chương trình biểu diễn của chúng tôi đã được giới thiệu trên báo chí, tôi nhớ có một dạo chương trình giải trí hàng tuần của báo Tuổi trẻ đã giới thiệu chúng tôi khá thường xuyên.
+ Đó là những năm đời sống tương đối khó khăn, có lẽ anh và bạn bè đã phải vượt qua nhiều trở ngại khi chia sẻ và phục vụ công chúng?
- Cho phép tôi được lấy cuộc trò chuyện này làm cơ hội để thêm một lần nữa nói lên lời cảm ơn với những người hâm mộ âm nhạc đã đến chia sẻ cùng chúng tôi. Các bạn đến uống nước, nghe trình diễn âm nhạc và trả tiền cho những gì đã nhận, đó là sòng phẳng. Nhưng nhiều hơn một cuộc mua bán đơn giản đó là cái tình. Cà phê Thu Vàng có khá nhiều khách quen, họ đến với sự chân thành, trân trọng. Khi họ lắng nghe và vỗ tay cảm ơn, chúng tôi đọc được trong đó niềm động viên, chia sẻ, điều đó đã tiếp sức cho chúng tôi. Bởi vậy sau khi trình diễn, tôi thích được gọi những đêm nhạc ấy là “chia sẻ và phục vụ công chúng”.
Người ta thường bảo “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng riêng với trường hợp của chúng tôi thì mọi chuyện rất thuận lợi. Những thành viên đầu tiên của nhóm nhạc đều là bạn bè thân thiết. Họ yêu nhạc, hát hay và cái chính là muốn ủng hộ việc chúng tôi làm. Sau đó, do bận việc gia đình, việc làm ăn riêng, nên những thành viên ban đầu giãn dần ra. Thêm vào đó, với vai trò là người dàn dựng chương trình, để tiếp cận những người hâm mộ trẻ, tôi quyết định mời thêm những giọng ca trẻ và đưa vào ca mục những ca khúc mới, cập nhật hơn. Cũng xin nói thêm một điều, những người đến trình diễn ở Thu Vàng chủ yếu vì đam mê ca hát, chứ thời gian đầu, quán không thu phụ phí và không trả cát sê cho ca sĩ.
+ Không tính thêm phụ phí khi có nhạc sống, không trả cát sê cho ca sĩ, liệu điều đó có làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình?
- Xin nói ngay là không. Dù biểu diễn vì niềm đam mê ca hát, hay nói như nhiều anh chị em là vì “ham vui” nhưng việc tập luyện, ráp nhạc… diễn ra rất nghiêm túc. Có người vì quá bực mình, từng nói với tôi rằng: Chỉ hát chơi mà làm gì căng quá vậy. Tôi phải giải thích rằng dù chỉ là để chơi, nhưng không vì thế mà thiếu nghiêm túc. Làm không chu đáo là thiếu tôn trọng người nghe. Có thể khán giả vẫn chưa thật sự hài lòng nhưng ít ra điều khiến chúng tôi an tâm là mình đã cố gắng đến mức có thể.
+ Và từ sự nghiêm túc như thế của Thu Vàng, đã có một Quang Dũng xuất hiện?
- Công bằng mà nói Quang Dũng là một bất ngờ. Khi Dũng đến với nhóm, tôi biết anh có năng lực, nhưng vẫn nghĩ rằng Dũng sẽ mất khá nhiều thời gian mới thành công. Nhưng Quang Dũng còn trẻ, đủ thời gian để trưởng thành nên tôi thường xuyên động viên và hướng dẫn Dũng luyện tập. Không chỉ đam mê ca hát, có giọng hát hay, Dũng còn khát khao trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và siêng năng tập luyện. Tôi nghĩ trong sự thành công của Quang Dũng, chính điều này mới là động lực quan trọng. Quang Dũng gắn bó với Thu Vàng hơn hai năm. Sau đó, vào hát ở phòng trà Đồng Dao (TP Hồ Chí Minh) và nổi tiếng như chúng ta đã biết.
Thời đó, không chỉ có Dũng, mà tôi còn phát hiện những giọng ca trẻ khác phù hợp với dòng nhạc trữ tình, hướng dẫn họ cách thể hiện, thổi cảm xúc vào bài hát, giúp họ hoàn chỉnh giọng hát. Sự thành công của Quang Dũng là niềm khích lệ cho những thành viên trẻ trong nhóm.
|
Theo Phạm Ghi, khát khao trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc là động lực chính làm nên thành công của ca sĩ Quang Dũng (trái). Ảnh: T.X |
+ Nghe kể rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ghé thăm Thu Vàng và hát tặng các anh…
- Một ngày tháng 10.1998, khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi đang ngồi trò chuyện ở quán, thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng một số nhạc sĩ trong nhóm “Những người bạn” như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên… bước vào. Chúng tôi bất ngờ và quá đỗi vui mừng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể rằng ông tình cờ đọc một bài báo đăng trên tờ Tuổi trẻ với nhan đề: “Lời chúc mừng lặng lẽ”, viết về đêm nhạc mừng sinh nhật Trịnh Công Sơn do cà phê Thu Vàng ở Quy Nhơn tổ chức. Ông quyết định về Quy Nhơn đến thăm Thu Vàng vì mối giao tình này. Sau đó, ông đã hát liền hai bài Diễm xưa và Biển nhớ, để ôn lại ký ức về một khoảng thời gian ông đã sống, học tập và sáng tác ở Quy Nhơn.
* Một góc nghệ thuật riêng
Bẵng một thời gian tạm gác niềm đam mê nghệ thuật vì những toan tính cho cuộc sống thường nhật, năm 2006, Phạm Ghi đánh dấu sự trở lại bằng việc khai trương quán cà phê Trịnh Công Sơn (nằm ở sân sau của CLB hưu trí trên đường Xuân Diệu). Và từ năm ngoái, anh bắt đầu tổ chức những đêm nhạc tại đây vào tối Chủ nhật hàng tuần.
+ Trở lại với công việc tổ chức những đêm nhạc khi tại Quy Nhơn đã có không ít điểm biểu diễn như thế, anh thấy khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong lòng người hâm mộ?
- Đến nay cà phê Trịnh Công Sơn đã có một lượng khách quen khá lớn, đủ để tôi tạm yên tâm. Những điểm nhạc ở Quy Nhơn nay đã khá nhiều, mỗi nơi lại có một phong cách riêng, sự phong phú đó có lợi cho thị hiếu thẩm mỹ của người hâm mộ. Tôi thấy không có khó khăn gì lớn trong việc chinh phục công chúng vì mình lao động nghệ thuật nghiêm túc.
+ Nhiều người còn nhớ đến một Phạm Ghi “đa năng, tài tử và ngẫu hứng” nhưng “Trịnh Công Sơn” sẽ khác với “Thu Vàng” trước đây chứ?
- Có giống và có khác chứ. Chúng tôi vẫn làm những đêm nhạc có chương trình cụ thể và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bình quân, một đêm có 6 ca sĩ biểu diễn khoảng 20 bài hát trong 120 phút liên tục. Ca mục chủ yếu vẫn là những bản tình ca của Phú Quang, Dương Thụ, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn – Từ Linh và tất nhiên là Trịnh Công Sơn. Giọng ca của cà phê - nhạc Trịnh Công Sơn là những người từng được khán giả yêu thích và một vài gương mặt mới. Để tránh cảm giác nhàm chán, khi xây dựng chương trình tôi luôn tìm tòi những bài hát mới, kết hợp với những tình khúc quen thuộc. Cả những đoạn dẫn, đề từ giới thiệu cũng được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Tuy vậy tôi biết mình còn phải nỗ lực nhiều vì thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thẩm âm của công chúng ngày càng cao hơn, nghiêm khắc hơn.
|
Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà dàn dựng chương trình Phạm Ghi. Ảnh: Văn Lưu |
* Gia đình là chỗ dựa tinh thần
Phạm Ghi đang sống hạnh phúc với vợ và hai con: 1 gái, 1 trai. Hai con anh đều có năng khiếu âm nhạc. Điều này làm anh rất vui, vì có được người chia sẻ đam mê nghệ thuật. Con trai anh 23 tuổi, hiện là tay keyboard trong ban nhạc của quán. Con gái anh đang học lớp 10, có chất giọng khá tốt, từng đoạt giải Nhì tiếng hát Hoa phượng Đỏ do TP Quy Nhơn năm 2006.
+ Người ta hay bảo rằng mấy ông nghệ sĩ là đa tình, đa đoan lắm, còn anh?
- Tôi là người nghiêm túc. Và tôi hài lòng với những gì mình đang có. Để có thể chơi nhạc, ca hát và chia sẻ đam mê đến ngày hôm nay, tôi biết ơn vợ tôi rất nhiều. Những khi tôi bị đau hay bận công việc đột xuất, hai con tôi vẫn thường điền vào chỗ trống. Những người quen thường trêu: bố chơi ghita, con trai chơi keyboard, con gái hát, vậy là đã thành một ban nhạc rồi (cười).
+ Anh có định hướng các con đi theo con đường nghệ thuật không?
- Tôi để các con tùy ý lựa chọn. Con trai tôi hiện đã có công việc riêng, nhưng vẫn thường xuyên chơi nhạc với tôi. Tôi thấy mình thật là hạnh phúc khi chỉ con trai chơi đàn, dạy con gái cách hát. Gia đình thực sự là chỗ dựa tinh thần, là nơi làm cho tôi vơi đi những mệt nhọc sau một ngày làm việc.
+ Xin cảm ơn anh!
|