Sức sống Đăk Mang
8:34', 20/7/ 2009 (GMT+7)

Ở Đăk Mang (huyện Hoài Ân) có hai điều đặc biệt. Thứ nhất, một xã đồng bào dân tộc thiểu số mà 10 năm liền không ai sinh con thứ 3; thứ hai là tỉ lệ đảng viên trên số dân là 1/11. Từng một thời anh hùng trong kháng chiến, giờ xã vùng cao này lao vào “cuộc chiến” chống đói nghèo bằng một sức sống mãnh liệt…

 

Nhà rông làng O6. Ảnh: N.V.C

 

Đăk Mang! Đăk Mang! Nghe cái tên đặc sệt vùng cao vừa dịu dàng, vừa nguyên sơ có gì cứ quyến rũ, thôi thúc tôi.

Anh Giang Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoài Ân, người được phân công phụ trách xã miền núi này, nói sẽ đưa tôi lên Đăk Mang bằng ô tô. Nhưng tôi từ chối, bởi nếu thế sẽ không thể ở lâu được. Mà tôi thì muốn la cà với Đăk Mang, chí ít cũng được vài ngày. Thế là tôi quyết định đi xe máy với sự dẫn đường của Hồ Việt Quốc, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện.

Tỉnh lộ ĐT 630 nhỏ hẹp, một chiếc ô tô hạng trung là choán hết lòng đường. Tôi cứ chạy sau bám lấy cái dáng nhỏ bé của Quốc. Cách thị trấn Tăng Bạt Hổ chừng mươi cây số, rẽ qua cầu Bằng Lăng là vào thế giới của rừng núi.

Chừng ngót một giờ sau, chúng tôi đi vào một thung lũng, bốn bề núi cao. Con đường bê tông chui qua cổng làng xây bằng gạch, trên tấm biển xanh ghi dòng chữ “Làng văn hóa O6”. Thế là chúng tôi đã đến trung tâm Đăk Mang!

Để xe vào góc sân trụ sở xã, tôi vào gặp anh Đinh Văn Liên, Bí thư Đảng ủy và anh Đinh Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã. Đã được anh Giang Trung báo trước, nên các anh chủ động tiếp tôi.

Đăk Mang nằm lọt thỏm giữa các dãy núi cao: Tràng Sim, Pa Ke, Kon Lu, Kon Trơm, Hang Cọp… Ngày xưa, Đăk Mang có 9 làng, sau giải phóng ghép lại còn 4 làng, có con sông Nước Lương chảy quanh và từng thuộc về An Lão (trước 1943), Vĩnh Thạnh (1943-1976), rồi Hoài Ân (từ 1976 đến nay).

* Căn cứ địa năm xưa

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đăk Mang là căn cứ cách mạng của huyện, của tỉnh. Các đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Đặêng Thành Chơn, Nguyễn Trung Tín cùng nhiều vị lãnh đạo khác thường qua lại nơi này. Những người con của Đăk Mang như Đinh Văn Pai, Đinh Văn Vo, Đinh Văn Hảo, Đinh Pri, Đinh Nhút… hết chống Pháp lại chống Mỹ, anh dũng bảo vệ cách mạng, bảo vệ buôn làng. Địch đóng chốt ở Krông Srơm, Kông Hlu, Groi Kông Krai và Groi Pơ có quân số đông, có trận địa pháo và sân bay dã chiến cùng hàng chục chốt điểm khác để đêm ngày tìm diệt cách mạng, giết hại dân làng. Nhưng người Đăk Mang không sợ địch. Ngày 8.1.1960, Đăk Mang đã thành lập đội du kích gồm lực lượng thường trực chiến đấu và lực lượng bí mật. Ngày 3.2.1961, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập để lãnh đạo nhân dân chiến đấu.

Với dân số ít ỏi thời đó nhưng Đăk Mang có đến 216 người tham gia cách mạng, chiếm gần nửa nhân khẩu của xã và có gần 100 người chết và bị thương. Nhân dân và du kích Đăk Mang vót 523.240 bó chông; đào hơn 1.500 hầm chông, gài 3.100 mang cung cùng hàng trăm bẫy dập, bẫy đá; đóng góp 259 tấn lương thực cùng hàng trăm con trâu, bò, dê, heo cho cách mạng nuôi quân. Ấy là chưa kể trong từng nhà, dân nuôi cán bộ hàng tháng, hàng mấy tháng trời trong sự kìm kẹp của địch.

 

Khám bệnh cho bà con  xã Đăk Mang. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Lực lượng vũ trang Đăk Mang cùng lực lượng vũ trang các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân đánh trên 100 trận lớn nhỏ và độc lập tác chiến 66 trận.

Có những cái tên mà lịch sử chiến đấu của Đăk Mang cũng như của Hoài Ân còn phải nhắc mãi. Đó là xã đội trưởng Đinh Pókva, Đinh Pó Hình, Đinh Văn Véo, Đinh Văn Tôn. Họ đã dùng mang chông gài lựu đạn diệt được 3 máy bay đổ biệt kích tại chỗ trên đồi Kông Krai. Rồi là Xã đội trưởng Đinh Pók Rết chỉ huy 5 du kích đón địch trên đồi Klong Xông, diệt 1 tiểu đội biệt kích Mỹ. 

Ngày 24.6.2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho quân và dân xã Đăk Mang.

* Sức sống mới

Suốt trong thời kỳ chống Mỹ, dân số Đăk Mang chỉ khoảng trên dưới 450 người, hầu hết là dân tộc Bana mang họ Đinh. Đến đầu năm 2009, dân số ở đây cũng chỉ có 1.051 người, nhiều hơn gấp đôi sau 35 năm. Người dân tộc thiểu số thường đẻ “hết trứng mới thôi”. Riêng ở Đăk Mang, đã 10 năm liền, từ 1998 đến 2008, không người phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ lại sinh đến đứa con thứ 3.

Đăk Mang thưa người nhưng diện tích tự nhiên khá rộng, đến hơn 12 ngàn ha mà 93% là rừng núi, chỉ còn 7% đất nông nghiệp và đất có khả năng canh tác. Trước đây, năng suất lúa chỉ 10-12 tạ/ha/năm nên người Đăk Mang thiếu đói quanh năm. Chính quá khứ hào hùng làm bệ phóng cho người Đăk Mang bước vào “cuộc chiến đấu” mới: “cuộc chiến” chống đói nghèo lạc hậu. Chỉ hơn một năm sau ngày giải phóng, người Đăk Mang từ 9 làng du canh du cư đã sống ổn định tại 4 làng. Đồng bào khai hoang phục hóa, làm ruộng lúa nước, đưa diện tích lúa 3 vụ lên 104 ha. 12 con đập do bàn tay dân làng xây đắp lấy nước tưới cho đồng ruộng, không còn phải cúng lễ cầu Yàng ban nước trời. Bà con biết gieo giống lúa mới đúng thời vụ cho năng suất cao. Năng suất bình quân hàng năm nâng dần lên. Đến năm 2008, năng suất lúa đã đạt 42 tạ/ha. Mì cao sản giống mới KM 94 thay thế cho giống mì su chiếm đến 90% diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dân Đăk Mang bây giờ không ai còn đói. Nếu thiếu chăng là thiếu gạo non một tháng giáp hạt thôi.

 

Những công dân mới của Đăk Mang. Ảnh: N.V.C

 

Từ khi có Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Đăk Mang có điện về từng nhà. Tiếng ca nhạc, tiếng phát thanh từ loa đài công cộng, từ ti-vi rộn rã khắp buôn làng. Đường ô tô chạy đến trung tâm xã. Đường bê tông vào đến từng làng. Chính phủ cấp cho 4 làng, mỗi làng một chiếc máy cày tự quản lý, sử dụng. Rồi máy suốt lúa, máy xát gạo… cũng được dân Đăk Mang sắm dần phục vụ cho bà con. Cả xã bây giờ chỉ còn khoảng hơn hai chục nóc nhà đơn sơ.

Đăk Mang có 2 điểm trường tiểu học với gần một trăm em từ lớp 1 đến lớp 5. Học lên cao hơn thì phải ra Ân Tường Tây xa ngót chục cây số. Các bé mầm non cũng có 3 điểm trường với gần năm chục cháu. Đau ốm bây giờ đã có trạm xá, có bác sĩ. Rừng Đăk Mang bây giờ được giao cho từng hộ dân quản lý, bảo vệ. UBND xã cũng thành lập Ban Quản lý, Bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác, chống bọn lâm tặc. Trên 3.375 ha rừng, trong đó có 1.200 ha rừng nguyên sinh, còn lại là rừng lâm nghiệp, rừng cây công nghiệp mới trồng đang lên xanh tốt, tầng nọ nối tầng kia. Ngoài ra, hai công ty: Lâm nghiệp PISICO và Nguyên liệu giấy từ Quy Nhơn lên Đăk Mang trồng rừng. Trên 2.400 ha rừng Đăk Mang được giao cho bà con trồng, chăm sóc. Mỗi năm, cứ gần đến Tết là hai công ty này lại cử người mang mấy trăm triệu đồng lên trả công cho đồng bào. Mỗi làng được khoảng 40-60 triệu đồng. Lại còn ngót 1.000 ha rừng phòng hộ, bà con bảo vệ cũng cho thu nhập khá. Vì thế ai cũng ra công bảo vệ rừng. Lâm tặc từ các nơi đến Đăk Mang là bị bắt, bị “xử lý” ngay.

Ở Đăk Mang có hai điều đặc biệt. Thứ nhất, 10 năm liền không ai sinh con thứ 3 và thứ hai là công tác phát triển Đảng, xây dựng Đảng khá tốt. Dân số xã chỉ có 1.051 người mà đảng viên có 91 đồng chí, tính ra cả già trẻ lớn bé ở Đăk Mang, cứ hơn 11 người có một đảng viên, mỗi làng có một chi bộ Đảng.

Anh Hồ Việt Quốc, sau khi đưa tôi đến xã đã tranh thủ vào làng chụp một loạt ảnh sinh hoạt của bà con. Chiều về, Quốc khoe: “Em kiếm được mấy kiểu đẹp lắm anh ạ”. Tôi nhìn loạt ảnh trên máy số. Đó là một bà già đang ngồi cặm cụi nhặt hạt điều trong ánh nắng chiều sắp tắt; một cháu nhỏ trần truồng, hồn nhiên tắm bên vòi nước sạch tự chảy về đầu nhà sàn; người mẹ trẻ cho con bú với hai bầu sữa căng mọng… Tôi vui lây với niềm vui của Quốc.

Chiều đã nhạt nắng, Quốc dẫn tôi đến ngôi nhà sàn nho nhỏ, dặn nấu cơm, làm món rồi Quốc trực tiếp vào bếp. Chị chủ nhà mà Quốc kêu là “mí Đường” mới ngoài bốn mươi tuổi đã lên bà ngoại. Bữa ăn có cá nướng, gà nướng, gà luộc…

Đêm Đăk Mang thật yên tĩnh. Không có tiếng chim khuya, cũng không có tiếng thú ăn đêm gọi nhau. Nhưng tiếng gà gáy sang canh thì cứ rộ lên từng đợt hết nhà này sang nhà khác, làng này sang làng khác.

Gần 5 giờ, tiếng nhạc từ loa phóng thanh cũng vang lên gọi dân làng trở dậy. Một chiếc máy cày chạy xình xịch dọc đường làng để kịp ra ruộng làm buổi cày sớm. Mặt trời chưa lên, đã thấy Quốc xách máy ảnh lọ mọ chỗ này, nhòm ngó chỗ kia…

  • Nguyễn Văn Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)
“Đói cho sạch, rách cho thơm”   (14/06/2009)
“Hạt giống đỏ” của bản làng  (08/06/2009)
Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền   (07/06/2009)
“Nghệ thuật lừa” kiểu đa cấp  (01/06/2009)
Sinh viên trong “cơn bão” bán hàng đa cấp  (25/05/2009)