Cứ tưởng đã biết rõ, đã hiểu nhiều về ông - Đinh K’Răng, hay còn gọi là Bá Thạch, 81 tuổi, già làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), qua những bài báo, những câu chuyện về ông mỗi lần đi - về Vĩnh Thạnh. Nhưng đó chỉ là cảm giác. Phải gặp trực tiếp mới biết rằng, ông luôn mới mẻ và lôi cuốn, bởi những suy nghĩ và tư tưởng, cũng như những đóng góp không ngừng nghỉ cho làng Hà Ri.
|
Hà Ri luôn giữ được danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh từ năm 2001. Ảnh: H.S
|
* Đổi cách làm ăn để đổi đời
Già làng Đinh K’Răng có một vị trí, vai trò quan trọng đối với làng Hà Ri. Không chỉ được dân làng yêu mến, nể phục, ông còn được lãnh đạo tin tưởng. Ông là người có công rất lớn trong việc xây dựng làng, tạo dựng đời sống no ấm cho bà con và “chiến đấu” với hủ tục lạc hậu để xây dựng thành công Làng văn hóa Hà Ri.
* Hà Ri bây giờ là một trong những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số đẹp nhất trong tỉnh. Đường làng được bê tông hóa, hầu hết bà con đã có nhà ngói, nhà xây… Bok đã làm cách nào để làng được như vậy?
- Làng Hà Ri hiện có 110 hộ, 468 nhân khẩu. Ruộng lúa nước được 15 ha, nên mỗi người chỉ có nửa sào. Người biết làm thì đủ ăn, không biết làm thì thiếu. Người làng chủ yếu làm kinh tế vườn đồi, mỗi hộ có từ 2-5 ha đất, chủ yếu là trồng điều. Đói thì không đói, nhưng làng vẫn còn 45 hộ nghèo…
Được đi đó đi đây, tiếp thu kiến thức mới, nóng lòng trước cách làm ăn còn lạc hậu của bà con, nên nhận thức được gì, tôi về vận động, hướng dẫn cho bà con làm theo, nhất là việc thực hiện chủ trương đổi mới, sao cho miền núi đuổi kịp miền xuôi. Và đổi cách làm ăn là đổi đời.
* Việc vận động bà con chắc là không đơn giản, thưa bok?
- Lúc đầu, vận động khó khăn lắm, vì bà con dân trí thấp, canh tác lạc hậu… Trong Chi bộ còn có đồng chí phản ứng: “Đã nghèo thì làm sao đổi mới được?”. Tôi giải thích: “Nghèo mới phải xây dựng, phải đổi mới để bớt nghèo chứ”… Vận động bà con đào ao nuôi cá, trồng cây, bà con lại nói: “Người ăn cơm, gạo chứ có ăn trái cây như chim đâu...”. “Phải biến cá, biến cây thành gạo chứ”- Tôi nói và gương mẫu làm trước. Cuối cùng, bà con cũng nhất trí làm theo.
- Ông Đinh K’Răng, sinh năm 1928.
- Các vị trí công tác đã trải qua: du kích thôn Hà Ri, cán bộ tham mưu Huyện Đội Vĩnh Thạnh, Trưởng Ban An ninh huyện Vĩnh Thạnh, Giám đốc Trường Đảng huyện Tây Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp, Bí thư Chi bộ làng Hà Ri.
- Các danh hiệu đạt được: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc Toàn quốc năm 2002; Gia đình văn hóa cấp tỉnh 2001; nhiều bằng khen trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”… |
Trước đây, làng Hà Ri nhà ở sát nhau, túm tụm ở ven sông. Làng mà sống theo kiểu thành phố đâu được, phải dãn dân ra để có đất lập vườn. Bà con không chịu đi, tôi đi trước. Rồi bà con cũng theo. Vậy nên, từ năm 1987, làng Hà Ri được mở rộng, tiến sâu vào hướng núi hơn nửa km như bây giờ.
Trước đây, 85% số hộ người Bana ở Hà Ri vừa đói, vừa nghèo. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tôi kiên trì vận động bà con đổi mới cách làm ăn, không đốt rừng làm rẫy nữa, mà làm lúa nước, xóa bỏ mê tín dị đoan… Bây giờ thì đời sống đã khá lên rồi. Hầu hết bà con đều có nhà xây, xe máy, ti-vi, nhiều nhà có điện thoại… Đời sống văn hóa tinh thần vậy là đuổi kịp các dân tộc khác.
Tóm lại là phải kiên trì vận động, thuyết phục và mình phải làm gương đi trước. Thấy được hiệu quả thì bà con mới làm theo.
* Từ năm 2001, Hà Ri đã là Làng văn hóa được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Thưa bok, điều gì là cốt yếu giúp xoay chuyển một làng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều tập tục lạc hậu, thành một “điểm sáng văn hóa” nhanh đến vậy?
- Muốn xây dựng cuộc sống mới đối với những dân tộc vừa thoát khỏi đêm dài lạc hậu phải có bốn điều kiện: đất đai, con người, tổ chức tiền phong và có thượng tầng kiến trúc bảo hộ, tức là Nhà nước. Tôi vận dụng triết học Mác-Lênin để thay đổi cuộc sống cho bà con mình như vậy. Đất đai cần phải được quy hoạch; con người phải được giáo dục tốt, tổ chức và những người “tiền phong” phải gương mẫu…
|
“Phải kiên trì vận động, thuyết phục và mình phải làm gương trước, khi thấy được hiệu quả, bà con mới làm theo”. Ảnh: H.S
|
* Ở cùng làng, phải đi cùng hướng
Quy ước làng Hà Ri được Ban cán sự làng Hà Ri biên soạn năm 1995, đến năm 2006 thì sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Nếu không kể cách diễn đạt còn mang hơi hướm văn nói, thì nội dung Quy ước lại rất văn minh, hiện đại, nhưng cũng vừa gần gũi, dễ hiểu.
* Phải chăng, nhờ hướng được bà con đi cùng một hướng mà bok đã thành công?
- Ừ! Điều tôi tâm đắc nhất là đã giúp dân làng xóa bỏ được các tập tục lạc hậu. Để làm được điều đó, từ năm 1995, Chi bộ cùng Ban cán sự làng bắt tay vào xây dựng Quy ước làng và kiên trì vận động bà con thực hiện Quy ước, từ việc ăn ở, đi đứng, xưng hô, đến từ bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng làng tự quản, hộ tự chủ...
Như trước đây, người Bana dễ có đến hàng trăm cái cúng. Mà một lần cúng là một lần kiêng 2-3 ngày ở luôn trong nhà, nội bất xuất, ngoại bất nhập, cản trở rất lớn đến việc làm ăn, phát triển kinh tế. Giờ thì chỉ còn 6 cái cúng (giỗ chạp, tạ nhà, cưới xin, khấn, cúng Tết, mai táng) và không còn kiêng nữa. Tình đoàn kết giữa mọi người trong làng trở nên bền chặt hơn…
* Thế còn việc xây dựng nghĩa địa của làng Hà Ri thì sao?
- Đây là thành tích lớn nhất của tôi trong việc vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Người Bana trước kia có phong tục bỏ mả. Người mất lấp đất rồi là bỏ luôn, không nghĩ tới nữa, vì sợ con ma nó về quấy phá không cho người sống làm ăn. Nhưng người Kinh thì xây mồ mả cho ông bà mình đàng hoàng, hàng năm con cháu còn đi giẫy mả, thắp hương, giữa người sống - người chết có sợi dây liên hệ tình cảm, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Nghĩ vậy, nên tôi đã vận động bà con xây mộ, lập nghĩa địa… Từ bỏ một thói quen, phong tục đã ăn sâu, bám rễ lâu đời không dễ dàng gì. Từ năm 1995, tôi bắt đầu vận động bà con, rất kiên trì. Rồi tôi xây mộ cho ông bà mình trước… Năm đó (2004), Hà Ri lại được mùa lúa, đào, bà con thấy Giàng không những không trừng phạt mà còn giúp cho làm ăn nên làm theo tôi. Nghĩa địa giờ đã có khoảng 60-70 ngôi mộ rồi.
|
Cây đa hơn 150 năm tuổi ở đầu làng được xem là biểu tượng của làng Hà Ri. Ảnh: H.S
|
* Cách mạng là đi tới
Sau 15 năm liên tục giữ chức Bí thư Chi bộ làng Hà Ri, năm ngoái, ông Đinh K’Răng thôi không làm nữa, chỉ là già làng và Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Hiệp. Tiếp bước ông, con trai và cháu nội ông cũng đã được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ chủ chốt của làng: Anh Đinh Văn Lịch - cháu nội ông - làm Bí thư Chi bộ làng và anh Đinh Văn Thìn - con trai ông - giữ chức Trưởng làng.
* Bok đã hài lòng với những gì mà mình làm được cho bà con làng Hà Ri?
- So với trước đây, đời sống của bà con làng Hà Ri nay đã khác nhiều rồi, nhưng so với yêu cầu của cuộc sống mới thì hãy còn xa. Bây giờ, tuy đã nghỉ việc làng, nhưng tôi nghĩ mình còn cống hiến được gì thì sẵn sàng làm hết mình, dân làng yêu cầu gì thì tôi làm, để giúp họ biết cách làm ăn; vận động con cháu thực hiện tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ an ninh trật tự làng xóm, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Tôi luôn nghĩ: Cách mạng là phải đi tới, chứ không thể ngồi chờ. Cách mạng là phải tự lực, tạo thời cơ, chớp thời cơ.
* Bok đã giúp đỡ thế hệ trẻ như thế nào để họ tiếp bước mình xây dựng làng ngày càng giàu đẹp?
- Chi bộ làng có 21 đảng viên, trong đó có 1/3 là người lớn tuổi. Những đảng viên lớn tuổi như tôi thường góp ý với các cán bộ trẻ rằng, làm cán bộ thì phải có trách nhiệm, phải xông xáo trong công việc, và biết học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe lời góp ý của người đi trước. Đảng viên phải đi trước, biết trước, nói trước, làm trước thì dân mới làm theo.
* Xin cảm ơn và chúc bok luôn mạnh khỏe để luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con làng Hà Ri.
Điều 24: “Trách nhiệm của hộ tự chủ xây dựng gia đình nếp sống mới trong thế kỷ 21: Gia đình là tế bào của xã hội, có mâm cơm ngon, canh ngọt và các thứ, là nơi quy tụ tổ ấm của con cháu, là nơi có điều kiện ma chay, con cháu khỏe mạnh. Do đó, từng hộ phải phát huy vai trò hộ tự chủ, chủ động giáo dục gia đình phấn đấu thực hiện khẩu hiệu đề ra cho thế kỷ 21: đi lại dễ dàng, ở sang, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ yên”.
(Trích Quy ước làng Hà Ri sửa đổi năm 2006) |
|