Tình nghĩa Cù Lao Xanh
9:16', 27/7/ 2009 (GMT+7)

Giữa tháng Bảy, tháng của nhiều hoạt động tri ân những người cống hiến máu xương cho Tổ quốc, chúng tôi đã cùng đoàn văn nghệ sĩ Chi hội Văn học, thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, đi thực tế sáng tác ở đảo Cù Lao Xanh - hòn đảo đầu sóng ngọn gió của TP Quy Nhơn mang nặng bao nghĩa tình.

 

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng 332 cùng đoàn viên - thanh niên địa phương trồng cây xanh trên đảo. Ảnh: N.V.C

 

Nhờ sự giúp đỡ của Hải đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh , gần 20 văn nghệ sĩ, nhà báo của tỉnh đã vượt qua gần 12 hải lý, cập đảo trong sự đón chào nồng nhiệt của các chiến sĩ Đại đội hỗn hợp Đ30 và Đồn Biên phòng 332. Đây là hai đơn vị đóng quân trên đảo, ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo thân yêu của quê hương Bình Định.

* Từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên...

Mùa này Nhơn Châu đầy nắng. Cái nắng nóng hầu như lúc nào cũng thường trực, bởi trời rất ít gió, mà điện thì cũng chỉ có từ 17 đến 23 giờ trong ngày. Suốt những buổi trưa, cả đoàn cùng với các chiến sĩ thường phanh trần ra ngồi dưới những gốc bàng, để chờ đợi vài cơn gió lạc thổi từ biển vào.

Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng, Chính trị viên Đại đội hỗn hợp Đ30, cho biết, ở Nhơn Châu chỉ có mùa hè cây cối mới tươi xanh được, còn mùa đông hầu hết đều trơ cành vì những cơn bão, những trận gió mang theo vị mặn của muối biển. Cho nên, mấy cây bàng của doanh trại dù được các chiến sĩ ngày ngày chăm bẵm, tưới tắm, cũng không thể tươi tốt như ở đất liền. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây còn hằn cả lên những vườn rau tăng gia của các chiến sĩ và bà con trên đảo. Những cây ớt, cây cà, những thửa rau muống, dù ngay hàng thẳng lối, nhưng vẫn không thoát khỏi vẻ còi cọc. Để đủ nước tưới cây và chăn nuôi trong mùa nắng hạn, các chiến sĩ phải nghĩ ra cách làm bể ngầm tận dụng nước đã qua sinh hoạt, tắm rửa, để lắng lại, rồi mang đi tưới cây.

Ấy là những ngày nắng, còn mùa đông, chỉ cần gió cấp sáu, cấp bảy, thì đảo đã bị cô lập với đất liền. Còn nhớ mùa đông năm 2005, sau gần ba tháng bị cô lập vì gió bão, lương thực trên đảo cạn kiệt, nhân dân thiếu đói, Đồn Biên phòng 332 và Đại đội Đ30 phải xuất 3 tấn gạo trong cơ số gạo dự trữ sẵn sàng chiến đấu của mình, để cứu đói cho dân.

 

Một góc Cù Lao Xanh. Ảnh: M.T

 

* ...đến những khó khăn của đời sống tinh thần

Ngay trong buổi chiều đầu tiên trên đảo, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Nhơn Châu. Đồng chí Phan Văn Binh, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, diện tích của xã chừng 3,5 km2, nhưng chỉ khoảng 1/4 là đất bằng, còn lại là đá và núi. Trước kia, dân còn làm ruộng, nhưng gần đây thì chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Diện tích đất ít ỏi trên đảo chỉ dùng để trồng rau, chăn nuôi, còn lương thực thì chủ yếu mua từ đất liền. Toàn xã có hơn 2.400 nhân khẩu với 487 hộ. Hiện có 150 thuyền đánh bắt thủy sản của ngư dân với tổng công suất hơn 2.700 CV. Năm vừa qua, sản lượng đánh bắt đạt hơn 1.000 tấn, bà con còn trúng đậm vụ tôm hùm hơn 15.000 con nên rất phấn khởi, đời sống được cải thiện đáng kể. Cả xã có hơn 3.000 con gia súc, gia cầm và hơn 50 lồng nuôi tôm hùm, cùng nhiều bè nuôi cá trên biển.

Hiện nay, đời sống của người dân trên đảo đã có nhiều cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chuyện thiếu điện vẫn là mối lo thường trực, bởi nguồn điện cung cấp cho xã chỉ trông chờ vào mấy chiếc máy nổ phát điện được 6 tiếng trong đêm. Nghe đâu, đã có kế hoạch kéo cáp ngầm đưa lưới điện Quốc gia vượt biển ra với đảo, song đó vẫn còn là kế hoạch đến năm 2015.

Góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho các chiến sĩ Đại đội Đ30 là một thư viện với gần 80 cuốn sách, hầu hết là sách lý luận chính trị, mà cuốn nào cũng sờn gáy vì được chuyền tay quá nhiều. Chính vì thế mà những thùng quà là sách của đoàn văn nghệ sĩ đưa ra càng trở nên quý giá.

Nhìn cảnh các chiến sĩ tập hợp nghiêm túc ngoài sân xem ti-vi vào mỗi đầu buổi tối, mới thấy thương những thanh niên trẻ nơi đảo xa, chẳng có nguồn vui nào ngoài cái màn ảnh nhỏ. Mà ti-vi cũng chỉ bắt được đài Phú Yên, hoặc VTV1. Được biết, cách đây mấy năm, TP Quy Nhơn đã cho lắp đặt một trạm tiếp phát lại trên xã đảo để nhân dân xem truyền hình Bình Định, nhưng từ đầu năm, trạm đã hư hỏng, không hoạt động được. Do nguyên tắc kỷ luật, các chiến sĩ trên đảo không được sử dụng điện thoại, vì thế, mọi thông tin từ đất liền chỉ còn là những cánh thư cùng chiếc radio đã cũ của đồng chí Chính trị viên.

Ở Nhơn Châu, nhộn nhịp nhất vẫn là chợ cá vào mỗi sớm mai với cảnh thuyền, bè, lưới, thúng về bến… Cũng mua bán, cũng khiêng quảy, nhưng không vội vã, không ồn ào tấp nập. Những thúng cá còn tươi rói, những mẻ lưới phơi, rũ trong nắng cho kịp đảo chuyến lúc chiều về. Vài ba hàng quán rất gần với chợ cá. Có cả cà phê, ăn sáng, với bánh xèo, bánh bèo, rồi xôi, bánh mì... đủ cả, nhưng suốt ba ngày trên đảo, quanh đi quẩn lại cũng từng ấy con người, từng ấy công việc.

Chính vì thế mà đêm giao lưu của tuổi trẻ xã Nhơn Châu các văn nghệ sĩ vừa từ đất liền ra đã thành một sự kiện được bà con náo nức cổ vũ. Nhờ dàn âm ly hiện đại và ban nhạc cơ động của Ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phụ trợ, nên các tiết mục đọc thơ của các nhà thơ trong đoàn, rồi tiết mục đơn ca, tốp ca của chính các chiến sĩ, các đoàn viên - thanh niên xã đảo như càng hấp dẫn hơn, trong tiếng vỗ tay không ngớt của người xem.

 

Các chiến sĩ Đại đội Đ30 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: M.T

 

* Nghĩ về tình quân dân trên đảo

Từ phía hàng ghế khán giả trong đêm giao lưu, tôi được nghe chị Huỳnh Thị Mỹ Hiệp, 25 tuổi, đang trông chừng con gái 4 tuổi vui chơi trong đêm văn nghệ, tâm sự: chồng chị quê ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn, từng là chiến sĩ Đại đội Đ30. Khi ra quân, anh chị cưới nhau rồi định cư ở đảo này đã hơn 4 năm. Họ đã có nhà riêng nhờ nghề thợ hồ của chồng và sự tích cóp, siêng năng của vợ.

Cùng se duyên với bộ đội trên đảo như chị Huỳnh Thị Mỹ Hiệp, còn có chị Liên, chị Út… Họ là những thiếu nữ làng chài, vì yêu thương anh bộ đội xa nhà, đóng quân trên đảo, mà trở thành vợ chồng. Có người ra quân thì làm đám cưới, rồi dắt về đất liền làm ăn sinh sống; có người “bén rễ” trên đảo, trở thành một công dân, rồi một hộ, một gia đình, góp thêm những tiếng cười và hạnh phúc cho xã đảo.

Nghe chuyện tình duyên của chị Huỳnh Thị Mỹ Hiệp, hoặc chị Liên, chị Út, tôi lại chợt nhớ đến câu chuyện trong truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thành Long mang tên “Chuyện tình trên Cù Lao Xanh”. Mong rằng các chị, các anh rồi cũng sẽ đón nhận thật nhiều niềm vui và hạnh phúc, cho Cù Lao Xanh ngày một xanh tươi hơn trước mặn mòi sóng biển.

Trong số 16 cán bộ sĩ quan của Đại đội Đ30 đang đóng quân trên đảo, có 6 người đã có gia đình riêng ở đất liền và 1 người có gia đình ở xã đảo. Riêng Chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Hoàng còn rất trẻ, mới 29 tuổi, đang có người yêu ở đất liền. Khi được chúng tôi mời tham gia chương trình “Quà tặng âm nhạc” phát trực tiếp trên sóng FM của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, để làm cầu nối giữa đất liền với xã đảo qua làn sóng phát thanh, thì anh rất bối rối. Bối rối vì muốn ưu tiên cho các chiến sĩ trẻ cấp dưới, phần vì sợ lỡ nói trên Đài, người yêu xúc động quá mà khóc thì hỏng việc. Nhưng cuối cùng thì chương trình cũng thành công trên cả mong đợi với 7 tiết mục giao lưu của các chiến sĩ với bạn bè, người thân ở đất liền. Hôm đó, điện trên Cù Lao Xanh có muộn đến nửa tiếng, nên khi Đài Truyền thanh xã tiếp âm phát trên loa phóng thanh thì đã qua tiết mục của Chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Hoàng.

Cuộc sống, sinh hoạt của các chiến sĩ Đại đội Đ30, hay các chiến sĩ Đồn Biên phòng 332 cũng hòa với cuộc sống của nhân dân trên đảo, cùng nghe chung một điệu bài chòi, một câu ca từ đất liền chuyển tới qua làn sóng điện. Họ cùng chung lưng chống đỡ với gió bão và cùng chia nhau những hạt gạo dự trữ cuối cùng khi biển động.

Những ngày trên đảo, chúng tôi còn nghe câu chuyện cảm động về chiến sĩ Cường, quê ở huyện Tây Sơn và chiến sĩ Huỳnh Ngọc Sử, quê ở huyện Tuy Phước, đã anh dũng hy sinh khi cứu một cô gái của xã đảo ngã xuống biển trong mùa sóng dữ. Hài cốt của hai anh đã chuyển về đất liền sau nhiều năm yên nghỉ trên đảo, nhưng nơi an táng cũ vẫn phủ đầy hoa…

Ngoài giờ tập luyện, tuần tra các chiến sĩ tham gia đá bóng, tăng gia sản xuất và sinh hoạt với nhân dân. Chiều về, cởi bộ quân phục ra, họ như những dân chài chân chất và mộc mạc cùng nhau vẫy vùng trên sóng biển…

  • Mai Thìn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)
“Đói cho sạch, rách cho thơm”   (14/06/2009)
“Hạt giống đỏ” của bản làng  (08/06/2009)
Người phụ nữ vượt trên đôi chân tật nguyền   (07/06/2009)