Theo quy hoạch chung của tỉnh, năm 2010, huyện An Nhơn sẽ phát triển lên thị xã. Dựa trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, An Nhơn sẽ là thị xã phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và nông nghiệp. Song, nhanh hay chậm một đô thị phồn thịnh trong tương lai, phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo và cả ý thức xây dựng đô thị của mỗi người dân.
|
Trung tâm huyện lỵ An Nhơn. Ảnh: Đào Nguyên
|
* Hình dáng đô thị tương lai
Từ ngã ba cầu Bà Gi đi lên Quốc lộ 19, rồi quay lại xuôi Quốc lộ 1, từ Nhơn Hòa ra đến Nhơn Thành, đã thấy diện mạo của một An Nhơn thị xã trong tương lai. Nhịp sống đô thị hối hả với phố xá ken dày nhà cửa, xe cộ tấp nập, cùng nhiều hoạt động giao thương là điểm nổi bật của An Nhơn.
Theo quy hoạch, thị xã An Nhơn sẽ phát triển theo mô hình chùm các đô thị, bao gồm: khu đô thị trung tâm (nội thị); khu đô thị Cảnh Hàng (xã Nhơn Phong); khu đô thị Nam Tượng (xã Nhơn Tân); khu đô thị An Thái (xã Nhơn Phúc); khu đô thị Nhơn Mỹ.
Khu vực nội thị được xác định bao gồm thị trấn Bình Định, thị trấn Đập Đá, khu vực Gò Găng (xã Nhơn Thành), xã Nhơn Hưng và một phần xã Nhơn Hòa (khu vực giáp cầu Bà Gi) với diện tích khoảng 1.500 ha. Khu đô thị Đập Đá - Gò Găng sẽ gồm 4 phường, phát triển theo hướng du lịch - thương mại - dịch vụ; khu đô thị Bình Định - Nhơn Hưng gồm 3 phường, có chức năng là trung tâm hành chính - thương mại - dịch vụ, là trung tâm hành chính, chính trị của thị xã An Nhơn tương lai; khu đô thị Nhơn Hòa gồm 1 phường, phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ…
Nền tảng của một đô thị đã phát triển hàng ngàn năm, cùng những ưu đãi của thiên nhiên, là “vốn liếng” để An Nhơn vươn mình trên hành trình đô thị hóa theo hướng hiện đại.
Đất An Nhơn được mệnh danh là đất “trăm nghề” với sự phát triển của các làng nghề đã có từ hàng trăm năm và kết tinh thành những thương hiệu nổi tiếng như: làng tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu, làng rượu Bàu Đá ở Nhơn Lộc, bún Song Thằn ở Nhơn Phúc, các nghề điêu khắc, thêu ren, chạm trổ, khảm xà cừ, chế biến nước mắm… ở Nhơn An, Nhơn Hưng, thị trấn Đập Đá, thị trấn Bình Định…
An Nhơn còn là “đất hai vua”: xưa từng là một trong những trung tâm của Chămpa xưa và kinh đô của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn, là tỉnh lỵ thời nhà Nguyễn, nên còn lưu lại nhiều di tích lịch sử có giá trị như tháp Cánh Tiên (Nhơn Hậu), tháp Phú Lốc (Nhơn Thành), khu lò gốm cổ Gò Sành (Nhơn Hòa), thành Hoàng Đế (Nhơn Hậu), thành Bình Định (thị trấn Bình Định)…
An Nhơn cũng là miền đất sơn thủy hữu tình, với 3 con sông: Gò Chàm, sông Côn, Tân An chảy qua, tạo nên những không gian xanh biếc, những bờ bãi mỡ màu.
Giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử này cùng với hệ sinh thái bên các dòng sông sẽ là lợi thế số 1 để thị xã An Nhơn tương lai phát triển về du lịch.
|
Một góc thị trấn Đập Đá. Ảnh: Q.H
|
* Còn nhiều việc phải làm
Nhiều người mách rằng, muốn hình dung rõ hơn về thị xã An Nhơn trong tương lai, hãy về Đập Đá. Quả đúng như vậy, thị trấn này đang hiện hữu với tất cả sự nhộn nhịp, phồn thịnh của một đô thị trên đà phát triển.
Theo quy hoạch, khi An Nhơn lên thị xã, thị trấn Đập Đá được chia thành 2 phường là phường Đập Đá và phường Phương Danh. Để tiến đến sự kiện này, thị trấn đã chuẩn bị một số điều kiện cơ bản. Về nhân sự, UBND thị trấn đã hợp đồng thêm nhân viên từ 2 năm trước, để khi tách và thành lập đơn vị hành chính mới thì có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc ngay. Ngoài ra, chính quyền thị trấn cũng phối hợp với các ngành chức năng trong việc phân định địa giới hành chính; đồng thời quy hoạch cơ sở hạ tầng các cơ quan như: trạm y tế, đồn công an, UBND phường... để phục vụ các đơn vị hành chính mới.
5 năm gần đây, thị trấn Đập Đá được huyện An Nhơn đầu tư một số công trình lớn như: công viên Bả Canh, kiên cố hóa trường học, quy hoạch 2 khu dân cư. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đập Đá, thì thị trấn vẫn còn nhiều việc cần phải làm để xứng tầm một thị xã. Đó là cải tạo cơ sở hạ tầng vốn chưa được khang trang, nhất là hạ tầng giao thông và giải quyết vấn đề thoát nước mùa mưa; cụ thể là quy hoạch, mở rộng đường bê tông liên thôn và xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa.
Sự phát triển nào cũng hướng đến cái đích cuối cùng là cuộc sống của mỗi người dân. Ông Nguyễn Đình Song (58 tuổi, ở thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá), tâm sự: “Người dân chúng tôi mong An Nhơn được lên thị xã lắm chứ. Khi đó, chúng tôi sẽ được hưởng những chính sách đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng; công nghiệp phát triển giúp giải quyết việc làm cho người dân; rồi trường học, bệnh viện sẽ được nâng cấp…”.
|
Khu dân cư mới trên đường Thanh Niên (thị trấn Bình Định). Ảnh: N.Q
|
* Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị
Muốn lên thị xã, An Nhơn phải được công nhận là đô thị loại IV. Điều này, An Nhơn đã đủ điều kiện, tiêu chí, cả tiêu chí khó nhất là tỉ lệ hộ phi nông nghiệp trong khu vực nội thị. Nên vấn đề đặt ra là sau khi lên thị xã, đời sống người dân sẽ như thế nào, có xứng tầm là dân phố thị hay không? Chính vì vậy, việc chỉnh trang đô thị đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của An Nhơn. Ông Trần Châu, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: “Nhìn chung, 2 thị trấn Bình Định và Đập Đá đủ các điều kiện để được công nhận đô thị loại IV và quy hoạch thị xã, nhưng ghép với các xã còn lại để phát triển đô thị thì huyện còn phải đầu tư nhiều”.
Một trong những điểm yếu của An Nhơn hiện nay là hạ tầng giao thông. Toàn huyện có 347 km đường giao thông nhưng hiện tại mới đổ bê tông được hơn 180 km, chủ yếu tập trung ở các khu trung tâm, nội thị. Về nước sạch, ngoài 2 thị trấn Bình Định và Đập Đá, người dân các xã còn lại vẫn chưa được sử dụng nước máy. Hiện tại, vỉa hè các tuyến đường hầu như chưa được chỉnh trang và cây xanh cũng không nhiều.
Thị xã An Nhơn sẽ gồm 20 phường, xã, cụ thể như sau:
- 8 phường nội thị: Gò Găng, Phương Danh, Đập Đá, Nhơn Hưng, Nhơn Thịnh, Nhơn Trung, Bình Định, Phú Hòa.
- 12 xã ngoại thị: Nhơn Thành, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hòa. |
Về điều này, ông Trần Châu cho biết: Từ các nguồn vốn vay và dự án, huyện dự kiến đến năm 2010 sẽ bê tông hóa thêm 90-100 km đường giao thông nông thôn nữa. Về cây xanh, huyện sẽ trồng thêm cây ở các điểm, cụm công nghiệp, thị trấn, sửa sang lại các công viên. Về nước sạch, từ các nguồn của một số dự án, phấn đấu đến năm 2010, An Nhơn có trên 90% số xã, thị trấn có nước sạch sinh hoạt, nước sạch đảm bảo cho ăn uống cũng sẽ đạt trên 80%. Đầu năm 2010, huyện cũng sẽ cho làm vỉa hè một số tuyến đường chính như Trần Phú, Ngô Gia Tự… Còn lại, sẽ thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Xác định nhiệm vụ cơ bản là chỉnh trang đô thị, lãnh đạo huyện An Nhơn cũng xác định luôn trở ngại lớn nhất của mình là kinh phí để thực hiện, nên giải pháp sẽ là phải tăng thu ngân sách huyện để chi. Ông Trần Châu phân tích: “Nói chung, đa số người dân địa phương đều thích được là cư dân thị xã, vì khi đó An Nhơn sẽ được đầu tư nhiều hơn, điều kiện an sinh xã hội sẽ tốt hơn. Mặt khác, họ cũng sẽ gặp một số khó khăn vì mức thuế tăng. Tuy nhiên, cái được sẽ nhiều hơn mất. Đó là những quyền lợi, điều kiện sống mà người dân ở vùng nông thôn không có được”.
Trong quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại, An Nhơn thuận lợi hơn các huyện khác bởi là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, có hoạt động thương mại lâu đời, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh và có nền. Như vậy, vấn đề còn lại sẽ là làm sao để phát huy tốt nội lực của mình và vẫn giữ được bản sắc của một vùng đất vốn giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.
|