Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão
7:38', 10/8/ 2009 (GMT+7)

An Lão là vùng nguyên liệu mây nổi tiếng. Nhiều năm trước, đồng bào Bana, H’rê ở các xã vùng cao như An Toàn, An Dũng, An Vinh… sống nhờ nghề khai thác mây rừng. Nguồn mây rừng khai thác mãi rồi cũng kiệt. Để duy trì nguồn lợi này, người dân đã khoanh vùng để tái tạo mây rừng. Nhiều hộ gia đình đã tích cực tham gia các dự án trồng cây mây nếp của huyện và tỉnh…

 

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra giống cây mây nếp trước khi giao cho các hộ nông dân.

 

* Nhọc nhằn nghề bứt mây rừng

Cách đây 5 năm, có dịp lên An Lão vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã chứng kiến cảnh hàng đoàn người vào rừng sâu bứt mây bột (cây mây mọc tự nhiên trong rừng) bất kể trời rét, sương mù che cả đường đi. Mây thường mọc ở các khe suối, vách đá cheo leo nên việc khai thác rất nguy hiểm. Thông thường, để lấy được 1-2 sợi mây (mỗi sợi dài từ 10-15 m), người dân phải dùng rựa phát quang quanh bụi mây. Thân cây mây có gai nhọn, sắc nên việc bóc vỏ rất khó khăn. Khác với người Kinh thường dùng bao tay để hái mây, đồng bào người Bana, H’rê ở An Lão thường bứt mây bằng tay trần. Bàn tay bị gai đâm, nhức nhối đến phát sốt là chuyện bình thường.

Để có được 5 bó mây (50-60 kg/bó), mỗi nhóm đi rừng phải mất từ 2-4 ngày. Trước mỗi chuyến đi, họ chuẩn bị thực phẩm, chăn màn để ăn ngủ trong rừng. Suốt chuyến đi, họ phải đối mặt với bao gian truân. Nếu gặp mưa, người bứt mây chỉ còn biết co ro trong hốc đá, tán cây. Đó là chưa kể việc phải luôn đối mặt với những mối nguy hiểm như thú rừng, rắn rết…

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng vì mưu sinh, nghề khai thác mây rừng vẫn thu hút không ít lao động ở địa phương. Tại xã An Toàn, mỗi ngày có khoảng 30 người đi bứt mây rừng. Chiều chiều, chúng tôi bắt gặp nhiều phụ nữ vác mây từ bìa rừng về thôn. Bàn tay của chị nào cũng sưng đỏ, chi chít sẹo. Chị Đinh Thị Quách, ở thôn 2, tâm sự: “Chồng bỏ nhà đi đã lâu, một mình phải nuôi hai con, lại ít nương rẫy, làm công thì không ai thuê nên sau mỗi mùa giáp hạt, tôi phải vào rừng bứt mây để kiếm sống”.

“Cơn sốt” mây rừng tại An Lão thật sự lên đến đỉnh điểm vào những năm cuối thập niên 90. Lượng mây khai thác được phải tính bằng tấn. Mỗi ngày có hàng chục xe tải lên An Nghĩa, An Toàn… chở mây. Sau năm 2000, do nguồn mây rừng cạn dần người buôn bán mây cũng thưa thớt.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Văn Ló, cũng ở thôn 2, xã An Toàn, cho biết: “Trước đây, lượng mây rừng mọc ở khu vực rừng nguyên sinh An Toàn khá dày. Từ năm 2000 trở lại đây, do khai thác ồ ạt, cây mây ngày càng khan hiếm. Chính vì thế, để có được chừng 5 bó mây, người khai thác phải vào tận rừng sâu, lặn lội nhiều ngày nhưng thu nhập chẳng là bao. Nếu may mắn tìm được vùng mây chưa ai khai thác, mỗi người cũng kiếm được 40.000 – 50.000 đồng/ngày, nhưng có không ít người chỉ bứt được chừng 2-3 bó mây, thu nhập chỉ được 15.000 - 20.000 đồng/ngày”.

 

Vì khai thác ồ ạt, mây rừng ở An Lão giờ đây đã cạn kiệt.

 

* Từ mây “nuôi” đến mây trồng

Giờ đây, ở An Lão, người sống bằng nghề bứt mây chẳng còn được bao nhiêu. Cây mây rừng đã bị khai thác quá mức và có dấu hiệu cạn kiệt.

Để giữ nguồn mây rừng ít ỏi còn lại, năm 2008, hai nông dân ở xã An Dũng là Đinh Văn Đấu và Đinh Văn Đinh đã khoanh vùng quản lý vùng mây tự nhiên ở địa phương. Đến năm 2009, chỉ còn ông Đinh Văn Đinh tiếp tục “nuôi” mây. Ông Trần Ngọc Ánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão, cho biết: “Đây là mô hình hay trong việc khai thác mây rừng theo từng điểm rừng, hết điểm rừng này sang điểm rừng khác, có như thế mây rừng mới có cơ hội phục hồi, tránh được tình trạng khai thác ồ ạt nhưng kém hiệu quả như trước đây. Song, mô hình trên không thể nhân rộng vì các vùng mây rừng ở các xã khác trên địa bàn huyện đã cạn kiệt”.

Khi mây rừng đã có dấu hiệu cạn kiệt, chính quyền địa phương bắt đầu khuyến khích người dân trồng mây nếp. Qua đó, có thể phục hồi được rừng mây, tạo việc làm cho đồng bào lúc nông nhàn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp đã khảo sát đánh giá, lập dự án và chọn trồng loại mây nếp cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Năm 2006, huyện An Lão đã trồng thí điểm 7 ha mây nếp dưới tán rừng tại xã An Dũng. Có 12 hộ nhận trồng và chăm sóc mây trồng xen dưới tán rừng phòng hộ, mỗi hộ được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng để thực hiện. Thực tế cho thấy, cây mây nếp thích nghi rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây.

Đến năm 2009, toàn huyện đã trồng được 400 ha cây mây nếp. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình 100 ha cây mây nếp cho 155 hộ dân ở huyện An Lão, với tổng kinh phí 225 triệu đồng. Diện tích mây nếp còn lại được “bảo trợ” bởi Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định, Ban quản lý rừng phòng hộ và các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ… Kỹ sư Nguyễn Xuân Thưởng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Trung tâm đã phối hợp với các hộ nông dân ở huyện An Lão tiến hành trồng thử nghiệm mây nếp từ năm 2006 đến nay. Cuối tháng 7 vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá khả năng sinh trưởng của cây mây nếp có độ tuổi 2 năm. Kết quả cho thấy tỉ lệ sống khá cao, trên 95%”. 

Mây nếp từ 3 đến 4 năm tuổi có thể thu hoạch được. Theo tính toán của ông Trần Ngọc Ánh, bình quân 1 ha mây đạt năng suất từ 6 đến 8 tấn, với giá thị trường ổn định 3.000 đồng/kg như hiện nay cho thu nhập từ 18-24 triệu đồng. Đây là con số mơ ước của người dân ở miền núi. 

Song, để phục hồi và phát triển bền vững rừng mây ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các ngành chức năng. Điều mà người dân trồng mây cần là sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc… Ngoài ra, địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng mây tre lá đặt cơ sở thu mua trực tiếp để tạo đầu ra ổn định cho cây mây.

 

Cây mây nếp 2 năm tuổi phát triển khá tốt trên những cánh rừng ở An Lão.

 

* Và chuyện về một dự án... “ngâm”

Thấy được lợi ích kinh tế của cây mây, từ năm 2006, huyện An Lão đã xây dựng dự án trồng 1.008 ha cây mây nếp nguyên liệu dưới tán rừng phòng hộ tại 8 xã trong huyện. Dự án này do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại quốc tế và phát triển nông thôn Thành Hưng (có trụ sở chính tại Hà Nội) là đơn vị hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật và ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm.

Cây mây nếp có đường kính từ 0,8-2 cm. Đến kỳ thu hoạch, một sợi mây có thể dài từ 20-22 m. Mây nếp đẻ nhánh quanh năm, mạnh nhất là vào mùa mưa ở nơi đất tơi xốp, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mây 7 năm tuổi có thể có tới 30 nhánh, thân mây sinh trưởng dài thêm từ 3-4 m. Cây mây nếp không kén đất, dễ trồng, ít đầu tư chăm sóc vẫn cho thu hoạch ổn định từ 7-10 năm, mỗi năm thu hoạch 2 lần.

Theo kế hoạch, từ năm 2006 đến năm 2010 huyện An Lão sẽ đầu tư hơn 47 tỉ đồng xây dựng vườn ươm mây giống và trồng mây, trong đó có 3,2% nguồn vốn liên doanh, 42,5% vốn hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, 21% vốn vay và 33% vốn tự có của nhân dân vùng hưởng lợi. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, khẳng định: Dự án có vốn đầu tư lớn, tính khả thi cao, nếu được thực hiện sẽ thu hút hàng ngàn lao động nông nhàn ở địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định, từng bước giảm nghèo tiến đến phát triển làm giàu từ nghề rừng của người dân địa phương.

Dự án trồng mây nếp của huyện An Lão đã được UBND tỉnh thông qua, gửi lên Bộ NN&PTNT xem xét. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, dự án này bị “ngâm” tại Bộ.

Dự án trồng mây nếp của UBND huyện An Lão không ngoài mục đích phát triển kinh tế rừng, khai thác tối đa tiềm năng đất rừng và lực lượng lao động sẵn có ở địa phương, giúp nhân dân gắn bó với nghề rừng và đi lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Mặt khác, mây trồng từ dự án này cũng là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh.

Thiết nghĩ, UBND huyện, UBND tỉnh cần đặc biệt quan tâm để dự án này sớm được hiện thực hóa…

  • Hải Yến – Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)
“Đói cho sạch, rách cho thơm”   (14/06/2009)