Một người bình thường
9:34', 16/8/ 2009 (GMT+7)

Trong suy nghĩ của nhiều người, ông là một cán bộ tận tụy với công việc, một người lành hiền, sống có tâm với đời, với người. Tôi cũng thấy ông bình thường, không có gì nổi trội, đặc sắc, xét ở khía cạnh những công tích cụ thể. Nhưng nhiều lần trò chuyện, tiếp xúc, “người bình thường” này khiến tôi ngạc nhiên, rất ngạc nhiên… Ông là Nguyễn An Pha – nguyên Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Bình Định.

 

Tự ông Nguyễn An Pha đã đặt mình vào tư cách người chứng kiến, ghi nhận và kể lại, một kiểu bảo tàng sống về tuồng Bình Định. Ảnh: Văn Lưu
 

* “Nếu chịu nghe, tôi có thể kể tới sáng”

Đó là khi nói chuyện với ông về hát bội Bình Định, về bài chòi cổ, về các mảng văn hóa phi vật thể khác của Bình Định: lễ, hội các dân tộc, ví dụ, lễ ăn trâu tạ ơn của người Bana ở Vĩnh Thạnh, lễ mừng cốm mới của người Bana Hoài Ân, lễ cưới và dân ca dân vũ của người H’re An Lão, lễ cầu mưa của người Chăm H’roi Vân Canh, lễ hội đổ giàn An Thái của người Kinh… và cả võ cổ truyền Bình Định. Có thể nói không ngoa rằng, ông là một “cái máy nhớ” hoàn hảo, ông nói thao thao bất tận kèm theo những chứng lý đầy sức thuyết phục.

* Thưa ông, vì sao ông có thể tường minh một cách kỳ lạ như thế về những vấn đề thật ra hoàn toàn không dễ ghi nhớ như vậy, có bí quyết gì chăng?

- Ối, chẳng có bí quyết gì đâu. Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là vì tôi mê tất cả những gì thuộc về văn hóa của quê hương mình. Hễ thấy có cái gì đó đáng chú ý là tôi săm soi, tìm hiểu, mổ xẻ và thu nạp vào trí nhớ. Rồi theo năm tháng, tất cả đã ngấm hẳn vào máu thịt mình, như là hơi thở vậy. Chuyện đơn giản như ẩm thực Bình Định chẳng hạn, nếu mình không tường tận, sẽ không hiểu hết giá trị của thương hiệu bánh ít lá gai, nem Chợ Huyện, bánh tráng nước dừa… Tôi đã viết kha khá bài báo, lý giải cái đặc sắc của mấy món ăn, tuy cũng có ở nhiều nơi, nhưng vì sao lại thành phong vị Bình Định nhưng vẫn thấy chưa đủ. Làm cái anh cán bộ văn hóa, khi góp phần để nhiều lễ hội tốt đẹp, đặc sắc về phong hóa, tinh thần, tâm linh được đầu tư phục hồi, mình rất vui.

Tự tôi, tôi đã đặt mình vào tư cách người chứng kiến, ghi nhận và kể lại, một kiểu “bảo tàng” sống! Tôi mê nhất là hát bội. Không chỉ là biết rõ về tuồng tích, ý nghĩa, giá trị nghệ thuật các vở diễn… tôi nhớ như in không chỉ kể tên, tuổi các nghệ sĩ mà còn nói rõ sở trường sở đoản của từng vị. Tôi không có dịp xem hết các vở diễn của các nghệ sĩ, nhưng tôi lưu tâm, cố gắng nghe, nhớ, xem nữa nếu có thể, lọc ra những nét cá biệt làm nên tên tuổi họ, đối chiếu và so sánh với những nghệ sĩ khác... Đó là cách mà hình bóng họ đọng lại trong trí nhớ của tôi. Tôi không thể quên các chánh ca, phó ca, các ông bầu trứ danh: bầu Đồ, Quách Đán, Xã Đoàn Nhứt, bầu Bốn, Nhưn Nông, Minh Đỏ, chánh ca Chạng, chánh ca Võ, chánh ca Nhì, Tám Ngũ, phó ca Bang, bầu Chưu, bầu Khiêu, chánh ca May, chánh ca Đông, nhưn Mười… rồi Hoàng Long Trọng, Hoàng Chinh, Tư Cá, Cửu Vị, Ngọc Cầm, Hồng Thu, Lệ Suyền… Chuyện về tuồng, nếu chịu nghe, tôi có thể kể tới sáng đấy nghen.

* Những gì đã lưu lại trong trí nhớ một cách bài bản, chính xác và có lớp có lang như vậy hẳn là rất nhiều sau bao nhiêu năm tháng theo đuổi đam mê. Vậy ông đã làm gì với những tri thức ấy?

- Thật lòng mà nói, khi bắt đầu đi với nỗi đam mê là mình tự tìm cách thỏa mãn ham muốn được biết nhiều hơn về văn hóa, nghệ thuật quê hương thôi. Nào có nghĩ gì đến chuyện sẽ làm gì với những gì mình đã ghi nhớ đâu. Nếu có ý đó thì có lẽ tôi đã ghi chép làm tư liệu lại từ nhiều năm trước kia. Về sau lại thấy vốn văn hóa truyền thống thì cứ lạt phai dần theo sự ra đi của lớp người đi trước, tài liệu văn bản thì vừa ít, vừa hiếm, tôi mới nghĩ đến chuyện ghi lại bằng cách viết báo, làm đề tài khoa học. Thậm chí hễ gặp ai đó cũng thích như mình thì tôi tranh thủ kể lại như một cách truyền dữ liệu từ mình sang người ta vậy (cười). Ví như, về bài chòi cổ, tôi am tường về 9 chòi, 27 thẻ với các “con” cụ thể, trình thức bài bản thế nào, cuộc chuyển từ trò chơi dân gian “chòi” sang “chiếu” ra sao rồi đến sân khấu hóa hiện nay… Đây là công trình tôi đang làm chủ nhiệm, sang năm sẽ khôi phục trong đề án của Viện Văn hóa - Thông tin (đáng lý làm năm nay nhưng ưu tiên cho đề án Võ sư và võ nhân Bình Định ngoài 60 tuổi, vì sợ các bậc võ nhân “khuyết” bất ngờ)…

Chuyện tự nhiên sang võ, ông lại miên man về võ cổ truyền nói chung và võ cổ truyền Bình Định rất tường minh, cụ thể những chứng lý. Ông cắt nghĩa sự khác nhau ở 2 câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” và “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh” thế nào, ai là “tổ sư” của roi, quyền đó; rồi lý giải, khẳng định câu ca dao Bình Định “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền” mới đúng chứ không phải “cầm roi đi quyền”, chữ “đi” nghĩa là đánh, là đấu trực tiếp chứ không phải biểu diễn, thực tế không thể vừa cầm roi vừa “đi” quyền được. Tôi kể cái hăm hở của ông trong giải thích điều này không hẳn hoàn toàn đồng ý nhưng chỉ muốn nói, ông luôn có trách nhiệm và suy nghĩ thật thấu đáo những phát ngôn, cả trên các bài viết của ông. Ông, ít nhất cho tôi được kết luận rằng, là người Bình Định rặt!

°  Niềm đam mê đã 44 năm, và...

Nguyễn An Pha sinh năm 1949 ở Tây Bình, Tây Sơn. Ông là con kép hát Nguyễn Tư Phùng, đoàn bầu Thanh. Bản thân ông cũng là diễn viên của đoàn đồng ấu bầu hát này. Mẹ ông quê võ Thuận Truyền. Có thể lý giải ít nhiều về niềm đam mê, về những hiểu biết của ông mấy vấn đề trên qua vài thông tin nhỏ này. Ông là một cán bộ Nhà nước có trách nhiệm, tận tụy với công việc. Nhưng nếu ai biết rằng, hồi nhỏ, ông luôn xung phong đi “rao bảng” cho các gánh hát, nhận cái trống đánh tum tum, kèm lời rao trên tờ giấy ghi rõ tên đào kép hát đêm đó, cốt được ngồi giữa 2 trống chầu xem hát miễn phí, mới hiểu 44 năm và niềm đam mê cả đời của một con người chứ không thuần túy chuyện “tiến tận chức”!

* Nghe nói ông tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ và làm cách mạng cũng bằng chính năng lực sở trường của mình?

- Cũng không phải là nhỏ lắm đâu. Tôi xin đi bộ đội năm 16 tuổi (năm 1965), khi đó ông Lời, Đại đội trưởng, không nhận vì thấy tôi còn nhỏ bé quá, chỉ tặng cái khăn có thêu hình con chim với lời hẹn vài năm nữa về sẽ nhận vào đơn vị. Lại tới xin vào Đoàn Văn công Giải phóng của tỉnh, Đoàn trưởng “kiểm tra”, tôi bèn hát ngay 4 câu của Phương Cơ trong “Tam nữ đồ vương”. Có 4 câu thôi mà có tới 4 điệu hát: lý thương, nam xuân, nam ai, hát khách “Ai kêu ai lúc bên sông/ Ta đang sắm sửa cho chồng xuống ghe/ Bước xuống ghe quạt che tay ngoắc/ Gác mái chèo ruột thắt từng cơn”. Trưởng đoàn Nguyễn Tuấn Anh nhận ngay, nhưng vì thấy tôi còn nhỏ quá, các thứ lỉnh kỉnh được phân cho người khác trong đoàn mang giúp. Ba năm sau, ngày 28.1.1968, tôi được kết nạp Đảng, được cử là Đội trưởng Đội Diễn viên. Năm 1973 làm Đoàn phó Đoàn Văn công tỉnh, kiêm Bí thư Chi bộ, lúc này, tôi vừa 24 tuổi. Sau 1975, học bổ túc rồi đi học đạo diễn ở Hà Nội 4 năm (1977 - 1981), rồi về làm Trưởng đoàn Văn công (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định bây giờ); sau đó sang làm Phó Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; đến cuối năm 1989, lại về làm Trưởng đoàn Dân ca kịch Bài chòi. Đến năm 1994, về Sở Văn hóa - Thông tin phụ trách Trưởng phòng Nghiệp vụ; năm 1998 làm Phó Giám đốc Sở đến ngày nghỉ hưu. Như vậy, từ lúc lên đường dấn thân đến khi được nghỉ, dù là anh lính trơn hay là cán bộ quản lý, tôi đều sống trong môi trường văn nghệ, mà phần nhiều là văn nghệ Bình Định.

* Những hiểu biết về văn hóa nghệ thuật Bình Định chắc chắn đã hỗ trợ cho ông nhiều trong công tác quản lý?

- Tôi được phân công chuyên trách mảng sân khấu và văn hóa phi vật thể, rất phù hợp với khả năng của tôi. Tất nhiên, những tri thức tích lũy được đã hỗ trợ tôi nhiều chứ. Nhưng tôi nghĩ, cái được nhiều hơn là sự thấu hiểu con người, đặc biệt là con người nghệ sĩ, để có thể ứng xử sao cho chí tình, phải lẽ. Hồi còn là Trưởng đoàn Dân ca kịch Bài chòi Bình Định, tôi đã đề đạt và bảo vệ được đề án làm phim chân dung NSƯT Nguyễn Kiểm. Và đó là một trong những phim chân dung nghệ sĩ đầu tiên của cả nước. Tiếp theo là hàng loạt các chân dung NSND, NSƯT, hàng chục vở tuồng thầy, tuồng Đào Tấn được phục dựng lưu vào bảo tàng “dữ liệu”.

 

° Còn lại một tấm lòng

Ông Nguyễn An Pha đã nghỉ hưu. Chuyện công việc của chức vụ đã hết. Nhưng ông vẫn còn được tín nhiệm giao hoàn thành đề án chân dung võ sư, võ nhân Bình Định năm nay. Rồi sang năm, chưa rõ, nhưng chắc khó có ai thay ông làm chủ nhiệm đề án về bài chòi cổ… Và năm sau nữa… ông còn hăm hở lắm, còn nhiều hoài bão lắm, về những cái chưa kịp làm: trang phục hát bội Bình Định, mặt nạ tuồng Bình Định chưa hoàn chỉnh, tượng nhân vật tuồng…

* Xin phép được hỏi ông một câu hơi tế nhị nhé, vì sao am hiểu nhiều như vậy mà ông không đúc kết, tổng hợp cái vốn liếng đáng nể của ông thành học thuật, học vị, học hàm, nhất là khi làm cán bộ quản lý. Điều đó có khó gì đâu?

- Tôi có góp một chút công trong cuốn sách của nhạc sĩ Hữu Lai về các làn điệu bài chòi và bài chòi cổ. Trong sách NSƯT Đào Duy Kiền về nhạc cụ truyền thống của sân khấu hát bội, tôi cũng có một chút đóng góp... Nếu chuyên tâm làm riêng hoặc mời người cộng tác làm, hẳn các công trình tôi am hiểu, để có tên này tuổi nọ, chắc cũng làm được. Nhưng như lúc nãy tôi có nói đấy, mình tìm hiểu và ghi nhớ là để thỏa mãn ham muốn được hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, nghệ thuật quê hương thôi. Có bao giờ nghĩ tới việc trở thành nhà này, nhà nọ đâu cơ chứ. Vả lại, cái tạng của mình, làm công tác nghiên cứu không phù hợp đâu, mình biết mình chứ (cười hồn nhiên).

* Xin cảm ơn ông!

  • Lê Hoài Lương (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)
Phấp phỏng bên mép sóng  (15/06/2009)