Về đâu chiếc nón Gò Găng
8:46', 17/8/ 2009 (GMT+7)

Xã hội phát triển, người ta thay dần những chiếc nón lá bằng những chiếc mũ bảo hiểm, mũ thời trang nhiều màu sắc… Nón lá dần dần đi vào ký ức. Rồi mai đây, thế hệ con cháu chúng ta có phải dắt nhau vào bảo tàng … xem nón lá?

 

Sản phẩm nón lá tại Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Ảnh: Phạm Văn Chai

 

* “Anh về mua nón Gò Găng”

Gọi là nón Gò Găng, bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn), còn thật ra, nghề làm nón truyền thống trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Ngay như thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) cũng có nghề làm nón lá, thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) thì nổi danh với nón ngựa…

Trong số các địa phương trên, Phú Gia đã làm nón từ cả mấy trăm năm nay. Theo những người lớn tuổi trong làng thì: “Nghề làm nón có từ lâu lắm rồi, từ khi lớn lên đã thấy các bà, các mẹ chằm nón”. Những người con gái nơi đây thành thạo việc làm nón như cô gái Thái biết dệt khăn Piêu, hay cô gái kinh kỳ biết têm trầu cánh phượng.

Nón Phú Gia được gọi là nón ngựa, vì ngày xưa, vùng này chỉ làm nón phục vụ quan lại trong các vương triều, mà các quan thường đi về bằng ngựa. Nón ngựa nhìn có vẻ cứng cáp hơn nón lá thông thường, có lá màu vàng sẫm. Bên trong nón được trang trí bằng cách thêu hoa văn, họa tiết, thường là hình rồng, phượng hay chim trĩ, chim công. Chóp nón là một chùm ngũ sắc phất phơ như bông hoa để người giàu dùng. Ngày xưa các quan lại thì chóp nón thường được chụp bằng đồng hay bằng bạc, tùy theo phẩm hàm.

Để làm nên một chiếc nón ngựa phải qua ba, bốn công đoạn rất công phu. Làm mê, rồi đan sườn, rút sườn, rồi luôn sườn, thắt sườn. Sau đó, tiếp tục mạng, dọn vành, thêu hình rồng, phượng hay đám mây. Cuối cùng mới bủa lá. Bởi vậy, ở hai thôn Phú Gia và Trường Sơn (xã Cát Tường), các công đoạn được chia nhỏ, có những hộ chỉ chuyên làm mê, có hộ làm sườn, rồi có hộ mới sản xuất ra thành phẩm cuối. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi không ít thời gian. Chẳng hạn chỉ riêng việc làm sườn, người làm thạo nghề cũng chỉ làm được 3 cái/ngày. Để nên hình một chiếc nón, tính tất cả các công đoạn, ít ra cũng mất hai, ba ngày. Công phu là vậy, nên mỗi chiếc nón ngựa có giá thành từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, chủ yếu để bán ra Huế, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… để làm hàng lưu niệm cho du khách. Nón ngựa ít người dùng như vậy nên ngày nay nhiều người dân đã chuyển sang làm nón lá và nón ngựa cũng ít xuất hiện trong các phiên chợ nón.

“Ngày xưa, chỉ các ông quan, đi ngựa lục lạc rủng rẻng mới dám xài thứ này. Bởi vậy, chiếc nón lá là con nhà bình dân thì nón ngựa như cô nàng quý tộc. Nhưng cậu xem, mỗi thứ đều có cái đẹp riêng của nó đó chớ. Đừng vì cái này mà bỏ cái kia”- một người thợ làng nón Phú Gia đã từng nói với chúng tôi vậy.

 

Truyền nghề chằm nón lá. Ảnh: Đăng Huy

 

* Long đong nghề chằm nón

Cô Nguyễn Thị Ánh, năm nay 65 tuổi, có kinh nghiệm hơn 50 năm làm nón. Như bao thôn nữ khác, cô bắt đầu chằm những chiếc nón đầu tiên khi cô lên chín, mười tuổi, cái tuổi mà trẻ con thành phố còn chơi búp bê và mẹ phải dỗ dành ăn cơm. Cô Ánh bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa nghề chằm nón vui lắm. Cứ đến dịp nông nhàn là con gái trong làng tụ tập thành từng tốp, từng tốp lại, vừa làm, vừa nói chuyện râm ran cả một góc làng. Lũ trẻ bây giờ thì…” - cô Ánh nói vậy rồi bỏ lửng câu nói như hối tiếc về một thời quá khứ “vàng son” đã đi qua. Ai mà lại không nuối tiếc khi mà cả đời mình gắn bó với nghề mà giờ nhìn nó đang ngày một mai một.

Để làm một chiếc nón lá, tưởng đơn giản thôi, vậy mà cũng qua vài công đoạn. Đầu tiên là việc chẻ những cây giang để làm nan nón. Những cây giang phải thẳng và chẻ thật đều tay và  phải phơi cho vừa nắng. Nếu phơi quá nắng thì nan sẽ bị giòn, còn nếu không được nắng thì những sợi nan sẽ bị thâm và không có độ bền. Ngày xưa, khi mà cuộc sống chưa phát triển thì người ta phải lấy những sợi cước của cây dứa để làm chỉ, còn bây giờ thì có thể sử dụng những sợi cước hóa học vừa bền, rẻ mà tốn ít công hơn. Chiếc nón khi làm xong được bôi lên một lớp sơn dầu, vừa đảm bảo độ bền, mà lại thêm phần thẩm mỹ. Một chiếc nón lá có giá trung bình từ 5 đến 20 ngàn đồng/chiếc, tùy theo chiếc nón đó đẹp hay xấu. Với một người thợ làm nón thì một ngày cũng làm được 1-2 chiếc. Vật liệu làm nón chủ yếu được lấy từ vùng rừng núi Vĩnh Thạnh hay An Lão. Giá nguyên liệu cho một chiếc nón từ 1.500 -2.000 đồng/chiếc.

Chợ nón Gò Găng họp cũng thật lạ kỳ. Người dân nơi đây họ không gọi chợ là “phiên” như những phiên chợ khác mà họ gọi là “nhóm” chợ. Đúng thật, chợ họp từ 3 giờ đến 5 giờ sáng là tan. Cả chợ cũng chỉ khoảng 30-40 người mua bán và tương ứng với nó khoảng hai chục ngọn đèn dầu leo lét trong đêm. Chợ không ồn ào, náo nhiệt, cũng không có tiếng chí chóe cãi nhau vì những người ở đây đều quen biết nhau cả. Nhưng không  phải vì thế mà chợ kém đi tính thương mại, họ cũng mặc cả nhau để tăng hay giảm giá của chiếc nón được 500 đồng hay 1.000 đồng đó thôi.

Tối đó, tôi theo cô Ánh ra chợ. Đang vào giấc ngủ sâu, không cần báo thức, đúng 3 giờ sáng, đã thấy cô dậy, sắp xếp chồng nón treo ở ghi đông xe đạp. Cô Ánh giải thích: “Đem nón ra chợ được giá hơn, mỗi chiếc nón cũng hơn được 500 đồng, phụ vào tiền rau tiền mắm”. Rồi cô cũng thú thật: “Mấy chục năm quen với phiên chợ rồi, cứ buổi nào mưa không đi được là y như đêm đó không tài nào chợp mắt lại”.

 

Chợ nón Gò Găng. Ảnh: Đăng Huy

 

* Nón sẽ về đâu?

Nón lá hiện nay chủ yếu tiêu thụ ở những vùng nông thôn. Từ những làng nón và phiên chợ nón, thương lái đem nón đi các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi. Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk…và thậm chí cả vào các tỉnh phía Nam nữa để bán. Nón lá có vành rộng và thoáng đầu, vì vậy mà các bà, các chị đội mỗi khi ra đồng. Còn lớp trẻ bây giờ, chẳng ai đội nón lá nữa, nói chi nón ngựa.

Nón lá đang ngày một mai một. Trong các làng bây giờ, chỉ có người già làm, chứ lớp trẻ lớn lên không đi học thì lại vào những khu công nghiệp làm công nhân. Nếu cứ làm nón “thì lấy gì mà ăn”- họ nói vậy. Những người già làm nón để họ phụ cặp với con cái trong gia đình, để bữa ăn thêm tươm tất và cũng để họ đỡ nhớ nghề. “Bao nhiêu năm gắn bó với nó, bàn tay chỉ quen chuốt những chiếc nan hay là khâu nón, bây giờ lâu lâu không làm, thấy tay chân thừa thãi và nhớ không thể chịu nổi”- đó là tâm sự của cụ Nguyễn Thị Thà, 73 tuổi, có thâm niên hơn 50 năm với nghề chằm nón.

Rời làng nón, lòng tôi trĩu nặng. Bất chợt nhớ ra, cũng lâu lắm rồi, mình chưa đội nón. Rồi lại đâm ra bâng khuâng, rằng chẳng biết vài chục năm nữa, hình ảnh cô gái e ấp đội nón lá có còn không hay chỉ còn trong hoài niệm?

  • Thu Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)
Người “Nghe phù du hát”   (21/06/2009)