Ngôi sao rừng dừa
15:13', 17/8/ 2009 (GMT+7)

Người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đăng Cầu - một “Ngôi sao rừng dừa” trong chiến đấu đã biết vươn lên trong cuộc chiến thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu.

 

Ông Cầu (đứng thứ 2 từ trái sang) bên những người đồng đội cũ của Sư đoàn 3 Sao Vàng

 

Trong chiến tranh, những rừng dừa Bình Định vẫn hiên ngang, bất khuất trước mưa bom bão đạn của kẻ thù. Và hình tượng Ngôi sao rừng dừa đã trở thành biểu tượng cao đẹp của những người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng. Viết tiếp truyền thống ấy, giữa thời bình, người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đăng Cầu đã làm nên một ngôi sao khác - một Ngôi sao rừng dừa trong cuộc chiến thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Ký ức chiến tranh

Trong khuôn viên của Công ty TNHH Anpha (phường Quán Trữ, Kiến An, Hải Phòng) vào một ngày cuối tháng 7 ngập tràn tiếng nói, tiếng cười của những người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này là những thương, bệnh binh của Sư đoàn lại tề tựu đông đủ về đây, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đau thương mà anh dũng của những ngày đỏ lửa chiến tranh, sẻ chia với nhau những khó khăn trong cuộc sống hay chỉ đơn giản để biết rằng những người đồng đội của mình vẫn còn khỏe mạnh, khi những vết thương trong người vẫn hằng ngày, hằng giờ chỉ chực khiến họ gục ngã. Trong câu chuyện của mình, nhiều người nhắc tới ông với niềm yêu mến và tự hào, đó là Nguyễn Đăng Cầu - người lính thông tin năm xưa, giờ là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Anpha.

Khó khăn lắm chúng tôi mới có được chút thời gian ít ỏi ngồi tâm sự với ông. ấn tượng về một vị chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc một công ty lớn, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm không phải là một vẻ quan cách, nghiêm trang mà là một cái gì đó rất “lính”, toát ra không chỉ ở bộ quân phục vận trên người mà ở sự cởi mở, chân thành và nụ cười hồn hậu luôn thường trực trên môi. Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, những ký ức chiến tranh bỗng chốc ùa về trong ông, tưởng như một dòng chảy không bao giờ cạn. Trong dòng chảy ấy, có những người  đồng chí, đồng đội đã từng cùng ông gắn bó, sẻ chia trong gian khó, có vẻ đẹp của tình quân dân với hình ảnh người chị gái miền Nam đã đùm bọc, chở che ông trong những trận càn, có kỷ niệm về những tháng ngày gian khổ hy sinh, có nỗi đau khi những đồng đội đã mãi mãi không còn… 

Sinh ra ở một miền quê nghèo ở Tiên Lãng, Hải Phòng, tuổi thơ của ông trôi đi với những nhọc nhằn, gian khó và khung cảnh thương đau của chiến tranh. Năm 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của quê hương, tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 21, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đó cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

Năm 1972, chiến trường miền Trung đỏ lửa chiến tranh. Hình ảnh quen thuộc của ông trong mắt đồng đội khi ấy là anh lính thông tin vóc dáng nhỏ bé với chiếc bộ đàm luôn khoác trên vai. Và giờ đây, ký ức về những ngày tháng chiến tranh ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già. Những bữa ăn không thể đạm bạc hơn khi quanh đi quẩn lại chỉ toàn rau tàu bay, lá sắn hay lõi cây bóng bán (một loại cây giống cây dừa). Có những hôm, vừa ngồi ăn với nhau bữa cơm, vậy mà lát sau địch đến đánh, mâm cơm lại thiếu vắng những bóng người. Những tháng mùa mưa, những người lính phải ngâm mình dưới hầm ngập nước hàng mấy tháng trời.

Có những trận đánh, cả tiểu đoàn hàng trăm người tham gia nhưng khi trở về thì “mất trắng”. Chiến tranh là thế, gian khổ và ác liệt. Nhưng cũng như những rừng dừa bất khuất, kiên trung, mặc cho bom đạn tàn phá, họ vẫn anh dũng vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù. Người này ngã xuống, người khác đứng lên. Rừng dừa chở che họ, nhưng cũng là chứng nhân ghi dấu những hi sinh và chiến công của người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng. Biết bao chiến công đã được ghi, biết bao người đã ngã xuống dưới những rừng dừa, và cũng từ đó, có những cái tên đã hóa thành bất tử. Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của anh Anh và anh Tô thuộc Tiểu đội 3, Trung đoàn 22, dù bị thương nặng vẫn không chịu rút lui về phía sau, chia nhau hai quả lựu đạn, chờ giặc tràn lên rồi cùng rút lựu đạn hy sinh bên xác hàng chục tên lính Mỹ. Đó là chiến sỹ Vũ Văn Cấp nhờ đồng đội chặt đứt da thịt trên cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu…

Và còn biết bao những người lính vô danh nữa đã vĩnh viễn nằm lại dưới những rừng dừa. Để ngày nay, người thương binh Nguyễn Đăng Cầu lại lặng lẽ gạt nước mắt, cùng những người đồng đội may mắn còn sống sót của mình, trở lại chiến trường xưa, đưa hài cốt của các anh trở về quê hương…

Và còn một hình ảnh mà ông không thể nào quên, đó là người chị gái tên Thành ở cửa biển Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã nuôi giấu ông qua những trận càn. “Đêm từ biệt chị để đi làm nhiệm vụ, chị đã khóc mà nói với tôi: “Em ơi, ở lại đi. Địch càn dữ lắm. Em đi trận này thì chết mất!”. Rồi chị cũng chỉ kịp chạy theo để dúi vào túi tôi vài chục đồng tiền ngụy” - người lính già nghẹn ngào. Sau lần ấy, ông đã bị thương nặng ở ngực và đầu trong trận chiến chống càn tại Lại Khánh II, Hoài Nhơn, Bình Định. Đó là một buổi chiều tháng 7 năm 1972…

 

Ông Nguyễn Đăng Cầu bên dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Anpha

 

Làm giàu từ cây dừa

Trở về sau chiến tranh với vết thương nặng ở đầu và ngực, nỗi đau vẫn hằng đêm dày vò người thương binh hạng 2/4. “Gặp anh em, đồng chí cũ thì vui vẻ nói cười vậy thôi nhưng đêm về ông ấy lại ôm ngực vì đau” - vợ ông, bà Vũ Thị Vui rơm rớm nước mắt nói với chúng tôi. Gần chục năm sau chiến tranh, ông vẫn bị những cơn sốt rét rừng hành hạ, có khi đắp 2 - 3 chiếc chăn bông mà vẫn không hết rét. Buồn hơn là người con trai thứ hai của ông, Nguyễn Đức Cường (sinh năm 1983) đã bị bại liệt nhẹ và hỏng đường tiêu hóa do chịu di chứng chất độc màu da cam từ cha. Nhưng vượt lên tất cả, với bản lĩnh của người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng năm xưa, ông đã tìm mọi cách để vươn lên trong cuộc chiến chống đói nghèo. Và một lần nữa, những cây dừa lại giúp ông như đã từng chở che cho ông qua những trận càn.

Khi ấy, đất nước bước vào thời kỳ xóa bỏ bao cấp. Trong khi nhiều người đổ xô đi mua hàng Trung Quốc về bán, vì đa phần người tiêu dùng vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại, với mẫu mã bao bì đẹp, hấp dẫn thì người thương binh già lại có suy nghĩ khác. Quê hương, đất nước mình nhiều sản vật quý, tại sao không mang chúng giới thiệu với nước ngoài? Nghĩ là làm, với sự giúp đỡ của những người đồng đội cũ ở Bến Tre và một số tỉnh khác, ông đã mang đặc sản kẹo dừa, hạt điều của Việt Nam sang bán ở Trung Quốc. Kết quả thật bất ngờ, đặc sản kẹo dừa của Việt Nam đã gây ấn tượng với bạn hàng Trung Quốc. Từ những chuyến hàng nhỏ lẻ, ông đã mở rộng ra quy mô lớn để bán kẹo dừa và giải quyết lao động, việc làm, giúp nhiều hộ gia đình ở Bến Tre thoát khỏi cảnh nghèo.

Có chút vốn, ông không dừng lại ở việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa mà quay sang sản xuất để tạo dựng sự bền vững. Mặt hàng ông lựa chọn chính là sản phẩm bánh trứng tươi. Lần đầu thử nghiệm, ông đã thất bại. Bao nhiêu vốn liếng bỏ ra để mua nguyên liệu và dây chuyền sản xuất gần như mất trắng. Không nản chí, ông nhờ sự tư vấn của các chuyên gia người Bỉ và các nhà nghiên cứu ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Lần này, ông đã thành công.

Giờ đây, thương hiệu bánh trứng tươi của Công ty TNHH Anpha đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng cả nước. Doanh thu của công ty năm 2008 lên tới 50 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2009, dù kinh tế khó khăn nhưng doanh thu của công ty vẫn đạt 30 tỷ đồng. Công ty đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, trong đó có tới 60% là những thương, bệnh binh và các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam. “Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua đạn lửa của kẻ thù trong chiến tranh. Giờ đây, chúng tôi lại được sát cánh với nhau trong cuộc chiến chống đói nghèo thời bình” - ông Vũ Xuân Tới, thương binh hạng 4/4, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Công ty TNHH Anpha nói với chúng tôi đầy tự hào.

Tạm biệt thành phố hoa phượng đỏ, lòng chúng tôi bỗng dâng lên một nỗi buồn khi nhớ tới câu nói của ông lúc chia tay. Ông mong những người đồng đội của mình luôn mạnh khỏe để những buổi gặp mặt này không còn vắng bóng nhiều người. Bởi thời gian trôi đi, những vết thương vẫn ngày càng nặng hơn, những mái đầu đã phơ phơ tóc trắng.

. Theo báo VOV News/TNVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)
Người tâm huyết với ngành chăn nuôi   (28/06/2009)
Khắc khoải La Vuông  (22/06/2009)