Một sự nghiệp trọn vẹn tại Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Hường đã thừa nhận với tôi rằng, cuộc đời chị thật “xuôi chèo, mát mái”. Nhưng, có thành công nào mà không có nước mắt và mồ hôi… Với người nữ hiệu trưởng này, còn là sự đam mê công việc, thông minh, năng động và có cả một chút may mắn…
|
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ hai, trái qua) đến thăm Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn nhân Hội giảng GV dạy nghề Toàn quốc được tổ chức tại Bình Định. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
* Sự phát triển nhanh chóng
- Từ một giáo viên (GV) trở thành hiệu trưởng một trường nghề lớn nhất tỉnh, chị có thể nói một chút về những bước đi và thành công của mình?
Tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội và về Trường công tác từ tháng 2.1979. Có thể nói, trọn cuộc đời công chức, tôi đã gắn bó với trường này. Năm 1984, lần đầu tiên Trường tổ chức thi GV dạy giỏi cấp trường, tôi tham gia thi và đã đạt giải. Năm 1986, tôi đại diện cho GV tỉnh Nghĩa Bình đi thi GV dạy giỏi nghề Toàn quốc lần thứ nhất và đạt giải Nhì, rồi liên tục đạt giải vào các năm sau… Đến năm 1996, tôi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Năm 1998, là Quyền Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng cho đến nay. Kể ra thì thấy mọi chuyện đều suôn sẻ...
- Trong vòng 5 năm gần đây, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn đã có bước phát triển khá vững vàng với quy mô đào tạo ngày càng tăng, chất lượng đào tạo nghề được đánh giá khá cao… Đâu là bí quyết của chị trong công tác điều hành, lãnh đạo?
Năm 2006, Trường được thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” (giai đoạn 2006-2010) và đang được đầu tư 48,5 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị tập trung cho một số nghề như Hàn, Cắt gọt kim loại… và xây dựng cơ sở hạ tầng: nhà học lý thuyết gồm 30 phòng, khu hiệu bộ, xưởng thực hành công nghệ cao và xưởng thực hành công nghệ ô tô… Bên cạnh đó, Trường còn được đầu tư 28,5 tỉ đồng khi nâng cấp lên cao đẳng nghề. Đó là một điều kiện để Trường nâng cao chất lượng đào tạo…
Trong chỉ đạo, tôi đã quan tâm đến xây dựng đội ngũ GV. Khi lên làm Hiệu trưởng, tôi đã cho GV đi học cao học rất nhiều. Hiện nay, trường đã có 42/110 GV có trình độ Thạc sĩ và đang học cao học- một tỉ lệ cao so với hệ thống các trường nghề toàn quốc. Tôi yêu cầu mỗi GV phải xây dựng cho mình kế hoạch tự bồi dưỡng chuẩn hóa về năng lực sư phạm và kỹ năng nghề. Năm ngoái, tất cả GV đã đăng ký thực hiện bằng kế hoạch cụ thể, thực hiện trong bao nhiêu năm, mỗi năm sẽ thực hiện đến đâu.
|
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ hai, trái qua) đến thăm Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn nhân Hội giảng GV dạy nghề Toàn quốc được tổ chức tại Bình Định. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
* Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
- Để mở ra một nghề mới cần có những yếu tố gì?
Hiện tại, Trường đang đào tạo 12 nghề ở cả 3 cấp học: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. So với trước đây, có thêm nghề Kế toán doanh nghiệp, Lắp ráp sửa chữa máy vi tính, Kỹ thuật nấu ăn có trình độ từ trung cấp nghề trở lên, còn sơ cấp nghề thì rất nhiều. Có một điều lạ là nghề Kế toán doanh nghiệp, học sinh (HS) theo học rất đông, nhất là nữ. Nhưng có những nghề thị trường rất cần (như Hàn) nhưng HS không muốn học… Đầu tư cho một nghề mới cần rất nhiều kinh phí. Bởi vậy, để thu hút HS, Trường luôn kết hợp giữa nắm bắt nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người học trong việc mở ra những ngành nghề đào tạo phù hợp.
Trước đây, nhiều người cho rằng, đây là trường nghề do tỉnh đầu tư, nên đào tạo nghề phải cung cấp nhân lực phục vụ cho tỉnh… Quan điểm của tôi là: hãy cho các em một cái nghề để có thể sống được bằng nghề, còn làm ở đâu cũng được. Khi các khu công nghiệp của tỉnh phát triển, có cơ hội, các em sẽ quay về phục vụ, mang theo cả “vốn” lẫn “lãi” - là sự tiếp cận công nghệ mới đã được tiếp thu ở nhiều nơi.
Hiện nay, HS đi học nghề có rất nhiều cơ hội. Các em được đào tạo các chương trình trung cấp nghề, cao đẳng nghề với phần thực hành rất nhiều, thiết bị đào tạo khá phong phú, hiện đại. Nếu có khả năng, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề, HS vẫn có thể tiếp tục học liên thông “dọc” lên đại học hoặc liên thông “ngang” trong cùng một nhóm nghề. Như vậy, thời gian đào tạo rút ngắn nhưng HS được đào tạo nhiều nghề, cơ hội hành nghề sẽ lớn hơn rất nhiều.
- Hiện nay, xã hội vẫn nói nhiều về tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Là người có nhiều gắn bó với công tác đào tạo nghề, chị có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cho điều này đã trở thành “hệ tư tưởng” ngay từ cha mẹ và bản thân HS. Để thay đổi được là rất khó. Năm kia, có một phụ huynh đến trường xin rút hồ sơ với suy nghĩ rằng, cho con học nghề ở đây là có tội với con… Hay như ở phổ thông, thay vì định hướng cho các em, nhiều thầy cô giáo vẫn thường lớn tiếng “các em không chăm chỉ học hành, không đậu đại học thì coi như… vứt”.
Nếu có đủ năng lực vào đại học, các em cứ thi vào đại học. Còn không, hãy đến với các trường nghề. Ra đi làm, các em vẫn có thể học tiếp, học lên nếu có chí tiến thủ. Tôi vẫn thường nói với HS mình như vậy…
* Ước mong về một trường nghề tầm khu vực ASEAN
NGƯT Nguyễn Thị Bích Hường, sinh năm 1955, là kỹ sư điện; Thạc sĩ Quản lý giáo dục; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (2001, 2008) và nhiều bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh… |
- Theo Đề án đổi mới dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 1 (2010-2015) sẽ có 5 trường và giai đoạn 2 (2016-2020) sẽ có thêm 15 trường dạy nghề trong cả nước được đầu tư thành trường trọng điểm Quốc gia và của khu vực ASEAN. Trường có cơ sở để thực hiện điều đó?
Để trở thành một trường nghề của khu vực ASEAN phải đạt được nhiều tiêu chí, như phải có 1-3 nghề được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Bước đầu, Trường đã có mối quan hệ hợp tác với Hội đồng Nghề Vương quốc Anh để tổ chức đào tạo 3 nghề (Điện- Điện Công nghiệp; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin) theo tiêu chuẩn quốc tế và từng bước xúc tiến để trở thành một trung tâm của Hội đồng Nghề Vương quốc Anh (hiện đã có 8.500 trung tâm tại 100 quốc gia)...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Trường là thiếu diện tích đất. Ít nhất, đến cuối năm 2009, trường phải có 8 ha (hiện tại mới có 4,2 ha) và năm 2020 phải có 20 ha đất để mở rộng quy mô đào tạo; hay như yêu cầu GV dạy nghề tầm khu vực phải giảng được bài bằng tiếng Anh cũng là rất khó… Tôi đã phổ biến cho GV tiêu chuẩn đó để ngay từ bây giờ, phải đi học…
Trong giai đoạn trước mắt, Trường sẽ phấn đấu trở thành trường trọng điểm Quốc gia… Với Hội giảng GV dạy nghề Toàn quốc vừa qua, được tổ chức tại TP Quy Nhơn, thành công hơn mong đợi. Các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá rất cao về năng lực đào tạo nghề của Trường. Hiện tại, tôi đang chấp bút viết chiến lược phát triển Trường đến năm 2020 cũng nhằm hướng đến mục tiêu này.
- Để Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực, chị còn điều gì trăn trở?
Tăng cường cơ sở vật chất không khó lắm, nhưng vấn đề đặt ra là con người. Để phát triển, Trường cần có nhiều GV đạt học vị Tiến sĩ. Nhưng hiện tại, những gương mặt có triển vọng tại Trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ kế cận cho những giai đoạn sau vẫn là vấn đề trăn trở…
Sang năm, tôi sẽ nghỉ hưu. Nhưng còn sức khỏe và khả năng, tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho Trường, cho sự nghiệp đào tạo nghề…
- Cảm ơn chị!