Sống chung với… cúm
8:49', 24/8/ 2009 (GMT+7)

Khi ổ dịch cúm A/H1N1 xuất hiện tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) thì không khí ở Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng đến hồi “căng như dây đàn”. Và cũng chỉ ở đây mới có những sắc thái tình cảm muôn màu khi y, bác sĩ quá tải với công việc, còn phụ huynh thì không ngớt lo lắng…

 

Lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 nhiều, khiến Khoa Bệnh nhiệt đới rơi vào tình trạng quá tải giường bệnh lẫn nhân lực.

 

* “Gồng mình” đón cúm

“Đến trước ngày 21.8, cuộc sống vẫn bình thường” - đó là cách nói vui của một bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới vào thời khắc căng thẳng trong ngày 21.8.

Hàng chục học sinh ở Trường THCS Trần Hưng Đạo, Tiểu học Lê Lợi, Năng khiếu Thể dục Thể thao, THCS Tây Sơn… cùng lúc được đưa vào Khoa. 10 giờ sáng 21.8, Khoa Bệnh nhiệt đới “náo nhiệt” hơn bao giờ hết. Các bệnh nhân “nhí” vẫn đùa nghịch trong khi phụ huynh nháo nhác tìm bác sĩ để giải tỏa lo lắng. Còn y, bác sĩ của Khoa phải “gồng mình” vừa theo Đội Cấp cứu lưu động đưa bệnh nhân từ ổ dịch về Bệnh viện, lo đón tiếp, khai thác thông tin, ghi chép sổ sách; vừa tiến hành cách ly điều trị, nhưng vẫn không ngớt lời giải thích với người nhà bệnh nhân. 

11 giờ 30 phút, các y, bác sĩ ăn vội cơm hộp để lấy sức chống dịch. Bữa cơm liên tục bị bỏ dở vì phải báo cáo tình hình, tư vấn sức khỏe, dọn dẹp buồng bệnh do một số học sinh nôn mửa…

Sự mệt nhọc hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, ước tính đến giờ, đã có khoảng 60 bệnh nhân đang nằm tại Khoa, trong đó, có 8 học sinh của Trường THCS Trần Hưng Đạo nhiễm cúm A/H1N1. Chị băn khoăn: “Từ tối qua, hơn 20 bệnh nhân nghi nhiễm được đưa vào. Chúng tôi đã di chuyển toàn bộ bệnh nhân truyền nhiễm trước đó “giãn” về các khoa điều trị, những trường hợp tạm ổn định thì cho xuất viện. Nhưng đến sáng nay cũng không đủ giường bệnh. Khoa đã báo cáo lãnh đạo Bệnh viện và Giám đốc Sở Y tế”.

Ngay từ khi ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên xuất hiện tại Bình Định (ngày 3.8), Khoa đã triển khai phương án phân thành các tổ thay phiên nhau điều trị. Song đến sáng 21.8, toàn bộ nhân viên y tế của Khoa, gồm: 3 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 2 hộ lý vẫn chạy “bở hơi tai”. Điều dưỡng Nguyễn Thị Nga trực suốt đêm hôm trước đến sáng hôm sau cũng phải theo Đội Cấp cứu lưu động đón bệnh nhân. Còn bác sĩ Nguyễn Bình Phương, đang mang thai, vốn được ưu tiên miễn “biên chế” vào tổ điều trị cúm A/H1N1, cũng phải lo khâu đón tiếp bệnh nhân.

Việc sắp xếp, thăm khám và điều trị cho bệnh nhân được tiến hành khẩn trương. Những giọt mồ hôi lăn dài, đồ phòng hộ, bao tay được thay liên tục. 

 

Nhân viên y tế của Khoa còn làm công tác tư vấn cho người nhà bệnh nhân.

 

* “Nóng” ở phòng bệnh

Cửa sổ phòng bệnh được mở toang nhưng tôi vẫn thấy rõ sức nóng. Không những thế, ngay hành lang Bệnh viện, sức “nóng” từ sự lo lắng, sốt ruột của người nhà bệnh nhân cũng lên đến tột độ. Nhác thấy bóng chiếc áo blu trắng nào, mọi người cùng đổ xô đến hỏi thăm.

Chị Mỹ Trâm, nhà ở phường Trần Hưng Đạo, cho biết: “Tui đang bán hàng ngoài chợ, nghe tin vứt hết hàng họ chạy vội vào đây. Tui đọc báo cũng biết chút ít về đại dịch cúm này, thấy lây lan nhiều cũng sợ quá. Từ nãy đến giờ theo dõi con bé nhưng chẳng thấy sốt hay ho hen gì cả. Tui xin bác sĩ rồi, nhưng không biết khi nào thì được về nhà”.

Nhiều phụ huynh thấy con không có triệu chứng gì của bệnh cũng nhấp nhổm “đòi” đưa con về. Bác sĩ giải thích mãi vẫn chưa làm mọi người thấy yên lòng. Chị Hoa, có con gái học ở Trường THCS Trần Hưng Đạo, được cách ly tại Bệnh viện, khi được báo là sớm lắm cũng phải vài ngày sau con gái mới được về nhà, chị Hoa liền giục chồng mua thêm đồ ăn cho con. Giọng chị chùng xuống: “Từ hồi nào tới giờ con nhỏ có đi đâu xa. Bác sĩ bảo ở bệnh viện đã có mấy cô hộ lý lo tất, nhưng tui không yên tâm”.

Lo lắng hơn cả phải kể đến phụ huynh có con nhỏ học ở Trường Tiểu học Lê Lợi. Nhiều ông bố bà mẹ hay tin con bị cách ly vì nghi nhiễm cúm A/H1N1 đã theo xe cấp cứu lưu động để vào Bệnh viện. Lẫn trong đám đông người nhà, có nhiều cụ là ông, là bà của các em. Những gương mặt thẫn thờ, lo lắng, chờ đợi sự may mắn, hay cái thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân. Nhưng cũng có người “phản ứng” rất mạnh vì “con tui vẫn bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh tật gì mà phải nằm viện”.

Một số phụ huynh, ngay khi biết tin có học sinh nhiễm cúm, cũng tự đưa con đến Bệnh viện. Anh Nguyễn Thế Hải, ở phường Ngô Mây, “nằng nặc” đòi bác sĩ cho cậu con trai đang học lớp 3 nhập viện vì “sáng nay cháu bị sốt, sau khi chơi với một bạn ở Trường Tiểu học Lê Lợi”. Nhiều giáo viên cũng đến Bệnh viện hỏi thăm tình hình sức khỏe của học sinh và bản thân.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nhơn, cho biết: “Nhiều bệnh nhân hợp tác điều trị rất tốt. Ngược lại, cũng có người biết mình nhiễm thì lo lắng quá mức nên chúng tôi phải mất nhiều thời gian để giải thích và an ủi, thậm chí nhiều khi bác sĩ còn phải “dụ” bệnh nhân nữa”.

 

Nhân viên y tế của Khoa Bệnh nhiệt đới tham gia vào Đội Cấp cứu lưu động, đón bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 về Bệnh viện điều trị cách ly.

 

* Sống chung với... cúm

Bác sĩ Oanh trầm ngâm: “Khoa Bệnh nhiệt đới là “rốn” điều trị bệnh truyền nhiễm, nên tất thảy nhân viên đã được rèn luyện “thần kinh” nhiều rồi. Ngày trước còn có dịch SARS, H5N1… giờ đến cúm A/H1N1 thì tinh thần đã vững lắm. Vả lại, ai cũng có ý thức phòng bệnh và giữ gìn cho gia đình”.

Với các y, bác sĩ của Khoa, trường hợp của cháu Phạm Gia Kiên - bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên của Bình Định - là một kỷ niệm đáng nhớ. Ngày cháu Kiên vào Bệnh viện, giám sát dịch tễ thì cháu chỉ có đi vào TP Hồ Chí Minh, không hề tiếp xúc với Việt kiều, hay người nhiễm cúm, vì thế, không ai nghĩ cháu nhiễm cúm. Vậy mà, chỉ vài ngày sau, cháu Kiên có kết quả xét nghiệm nhiễm cúm A/H1N1, mọi người đều ngớ người. Thông tin có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 được thông báo toàn Bệnh viện, cũng là lúc có những cái nhìn “nghi ngại” và “dè dặt” trong tiếp xúc với nhân viên của Khoa. Lắm hôm đi nhận thuốc hay ra phòng khám cũng bị “né”,  làm các y, bác sĩ cũng thấy tủi thân.

Khoa Bệnh nhiệt đới có đặc thù gần như là nữ, chỉ có 2 nam thì bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng Khoa - đang đi học, người kia là bác sĩ Phạm Châu Duy;  nên các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý nữ động viên nhau cùng làm việc. Nhiều chị đã vượt lên hoàn cảnh, không ngại gian khổ, ngày đêm lặng lẽ chiến đấu với dịch bệnh.

 

Cấp thuốc uống cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

 

Cách đây vài năm, khi viết bài về những y, bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân của dịch SARS, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi điều dưỡng Huỳnh Thị Thu Hương. Khi ấy, chị còn trẻ và ở trong Đội Cấp cứu lưu động tiếp nhận bệnh nhân SARS. Bây giờ, chị cũng là một thành viên tích cực của Đội Cấp cứu lưu động. Đặc biệt hơn nữa, chị là người có tần suất tiếp nhận bệnh nhân cúm nhiều nhất. Chị còn nhớ rất rõ, cách đây 2 tuần, khi Bệnh viện Đa khoa TP Quy Nhơn báo có ca nghi nhiễm, trên đường về, bác sĩ Duy nói bâng quơ rằng “đêm nay không được tắt máy điện thoại”. Vậy là đêm đó, 12 giờ kém 5 phút, có điện thoại báo bệnh, chị đành giao con gái 2 tuổi cho chồng để đi đón bệnh nhân và về đến nhà khi kim giờ đồng hồ đã chỉ sang số 3. Chị tâm sự: “Ông xã là giáo viên, khá tường tận thông tin dịch cúm, nên thông cảm và hỗ trợ tôi nhiều lắm”.

Công việc nhiều, nỗi vất vả cũng tăng lên, nhưng mỗi bác sĩ, điều dưỡng của Khoa đã xác định phải làm hết mình vì sức khỏe của bệnh nhân. Không những thế, họ còn luôn tạo không khí thoải mái, vui vẻ nơi làm việc với nụ cười thường trực hay sự thân thiện, cởi mở cùng bệnh nhân. Tôi hỏi: “Đã có một số bác sĩ và điều dưỡng bị nhiễm cúm A/H1N1, các chị không sợ sao?”. Bác sĩ Oanh vui vẻ: “Nói không sợ thì cũng không hẳn, nhưng chúng tôi làm việc vì chức nghiệp và sự mách bảo của trái tim. Bây giờ, mỗi nhân viên của Khoa cũng được “lập trình” như máy để vận hành trơn tru trước bất cứ động tĩnh nào”. Còn điều dưỡng trẻ mới vào nghề hơn một năm Nguyễn Thị Lạc thì tâm sự: “Nếu sợ thì ngay từ đầu tôi đã không chọn nghề y”.

Hiện giờ, khó khăn trong điều trị và quản lý bệnh nhân vẫn còn nhiều, rồi đôi khi còn bị lãnh đạo Bệnh viện hay bệnh nhân sốt ruột phê bình “oan”, nhưng các y, bác sĩ của Khoa vui và hạnh phúc mỗi khi có một bệnh nhân được điều trị khỏi, hay một bệnh nhân nghi nhiễm nào đó được “trả tự do”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)
Mở đường cho chữ viết Bana Kriêm  (29/06/2009)