Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề
12:38', 30/8/ 2009 (GMT+7)

Giản dị, chân thành là những ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Văn Thành. Không chỉ tâm huyết với công việc giảng dạy trong suốt 36 năm qua tại Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, thầy Nguyễn Văn Thành còn là tác giả của những sáng kiến kỹ thuật được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn…

 

Thầy Thành đang hướng dẫn cho học trò tại xưởng sửa chữa ô tô của mình.  Ảnh: M.H

 

* Sáng tạo kỹ thuật để phục vụ giảng dạy chứ không phải kinh doanh

Thầy giáo Nguyễn Văn Thành sinh năm 1949 tại Huế. Tốt nghiệp kỹ sư ngành sửa chữa ôtô của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Sài Gòn, ông về công tác tại Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn (nay là trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn) từ năm 1973 đến nay, hiện đang là Trưởng khoa Động lực của Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn. Thầy giáo Nguyễn Văn Thành là tác giả của 2 sáng kiến kỹ thuật: Thiết bị làm sạch kim phun xăng bằng dung môi; thiết bị thước đo góc doãng và giải pháp giảm thiểu mài mòn lốp xe, sử dụng trong lĩnh vực sửa chữa xe ôtô. 2 giải pháp này đạt giải ba và giải khuyến khích của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

* Thầy có thể cho biết đôi nét về những sáng tạo của mình?

- Tôi nhận thấy những hư hỏng mà các loại xe ôtô hay mắc phải là kim phun xăng trong động cơ bị bẩn và lốp xe hay bị mài mòn trước thời hạn quy định. Thông thường, khi xe chạy được khoảng 100 ngàn km thì kim phun xăng thường bị cặn, bụi bám… nên dễ gây ra sự rung giật, vận hành không đều động cơ và gây ô nhiễm môi trường. Cách thông thường để giải quyết là dùng dung dịch làm sạch hòa trực tiếp vào thùng xăng để súc. Sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã sáng tạo ra thiết bị làm sạch kim phun xăng bằng dung môi. Thiết bị vận hành nhờ bộ biến áp 220v/6-12v và một đường ống làm sạch kim phun xăng. Kim phun được tháo ra khỏi động cơ, lắp vào vị trí làm sạch và được tạo rung với độ 100 lần/giây trong dung dịch làm sạch. Nhờ dòng điện xoay chiều nên thiết bị cho phép điều chỉnh độ rung cần thiết tùy theo từng loại ôtô. Cách làm này tiêu tốn rất ít xăng, nhanh gọn và cho hiệu quả cao, chi phí mỗi lần súc giảm chỉ bằng 1/3 so với phương pháp cũ. 

Đối với thiết bị “Thước đo góc doãng và giải pháp giảm thiểu mài mòn lốp xe”, xuất phát từ thực tế lốp xe ôtô nhanh bị mài mòn, kể cả với những chiếc xe mới. Để kiểm tra độ mòn của lốp, người thợ phải có thiết bị đo kiểm và điều chỉnh các thông số theo từng loại xe, do nước ngoài sản xuất có giá thành cao. Còn cách thông dụng nhất là thợ sửa xe sẽ xác định độ mài mòn nhờ kinh nghiệm của mình, nhưng như vậy thường không chính xác. Vì thế, tôi đã nghiên cứu sáng tạo ra 1 thước đo để xác định độ lệch của bánh xe, qua đó điều chỉnh cho phù hợp. Để chống mài mòn lốp xe, tôi thiết kế một miếng nhựa gắn vào bulông (gọi là cam xoay lệch tâm) của bánh xe, có thể điều chỉnh được góc lệch của tất cả loại xe ô tô. Đây là điều tôi tâm đắc nhất vì với thiết kế cam xoay lệch tâm, không chỉ giúp canh chỉnh độ lệch bánh xe hiệu quả, mà nó còn là giải pháp rẻ tiền, giúp người sử dụng xe tiết kiệm được nhiều chi phí…

* Thầy có đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sáng kiến kỹ thuật của mình không?

- Cũng có người khuyên tôi nên làm hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho thiết bị. Tuy nhiên, tôi tự thấy rằng, những sáng kiến của mình cũng không có gì “ghê gớm” lắm, miễn là nó được áp dụng có hiệu quả trong thực tế là vui rồi. Cũng có một số người đề nghị mua thiết bị này nhưng tôi không sản xuất để bán. Ai có nhu cầu tìm hiểu tôi sẵn sàng hướng dẫn cách thực hiện. Hơn nữa, tôi là một thầy giáo, thiết bị làm ra nhằm phục vụ mục đích giảng dạy là chính chứ không phải để kinh doanh.

* Là một thầy giáo, bận rộn với công việc giảng dạy, động lực nào giúp thầy có những sáng tạo kỹ thuật như vậy?

- Đã thành truyền thống, hàng năm trường luôn tổ chức Hội thi thiết bị dạy nghề tự tạo nhằm góp phần làm phong phú thêm thiết bị thực hành và lý thuyết. Từ đó, chúng tôi luôn suy nghĩ, nghiên cứu để tạo ra những sáng kiến kỹ thuật mới. Đây là một trong những cách nhanh nhất để sinh viên có thể nắm vững các kỹ năng của nghề.

Qua quá trình tìm tòi để tạo ra một thiết bị hoàn thiện, chúng tôi cũng muốn sinh viên thấy được hiệu quả của việc vận dụng giữa lý thuyết và thực hành. Để tạo ra một giải pháp, cần phải nắm vững lý thuyết để hiểu kỹ càng về nó và không ngừng tìm tòi, suy nghĩ để đưa ra một kết quả sau cùng hoàn thiện nhất. Dĩ nhiên, muốn làm được điều này thì sinh viên phải có một thái độ học tập nghiêm túc, chủ động tìm hiểu nghiên cứu. Một lý do nữa là vì sở thích của bản thân, trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, mỗi khi hoàn thành một thiết bị hữu ích, dù nhỏ tôi lại thấy rất vui.

 

Thầy Thành đang vận hành thiết bị làm sạch kim phun xăng.  Ảnh: M.H

 

* Đừng nên xem trường nghề là chốn dừng chân tạm thời

36 năm gắn bó với nghề, điều gì khiến thầy tâm đắc nhất, thưa thầy?

- Tôi đã trải qua không ít khó khăn để có thể trụ vững với nghề. Trong những thời điểm khó khăn đó, để có thêm thu nhập, ngoài công tác của trường, tôi còn đi sửa máy điện ở Tây Sơn, Phù Mỹ, Gia Lai, Kon Tum, Campuchia… Thú thật cũng có những lúc thấy nản lòng, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. Trước hết vì tình cảm cá nhân đối với trường, đối với lãnh đạo và các đồng nghiệp. Thứ hai, tôi xác định làm nghề gì phải luôn kiên trì theo đuổi mới có thể làm tốt. Tôi thực sự hạnh phúc vì mình đã góp một phần nhỏ cho sự phát triển của Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn hôm nay. Điều tôi tâm đắc nhất chính là mình đã sống trọn vẹn với nghề đã lựa chọn.

Với tư cách một người thầy và từ kinh nghiệm bản thân, thầy có lời khuyên gì đối với những bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào trường nghề?

- Vì rất nhiều lý do, học sinh bây giờ không được hướng nghiệp ngay từ đầu, nhiều em không xác định được mục tiêu và động cơ học tập. Điều này có tác động rất lớn đến thái độ học tập của các em. Tôi nói thật, một lớp học có khoảng 30 sinh viên thì số em thực sự chuyên tâm với nghề có khi chỉ chiếm 1/3. Tôi nhận thấy, những em chuyên tâm với nghề mình chọn học thường có kiến thức vững vàng và không bao giờ thiếu cơ hội việc làm khi ra trường. Việc học là một quá trình dài, phải học liên tục vì kiến thức luôn mới mẻ, vì vậy, nếu có mục tiêu học tập rõ ràng, các em sẽ có một nền tảng kiến thức vững chắc.

Đa số các bậc phụ huynh vẫn quan niệm đại học là con đường tiến thân duy nhất. Đó là mong ước hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta, nguồn nhân lực nghề được đào tạo bài bản còn thiếu so với nhu cầu. Đây là một cơ hội nghề nghiệp nếu các em biết xác định đúng. Nhiều thế hệ sinh viên của trường đã có việc làm ổn định ở trong và ngoài tỉnh sau khi ra trường. Hiện nay, có nhiều ngành nghề có thể học liên thông lên đại học. Trước khi vào trường, các em được quyền chọn nghề học nên cần xác định ngay từ đầu, đừng coi trường nghề là nơi dừng chân bất đắc dĩ hoặc tạm thời. Nếu như vậy việc học sẽ không đạt hiệu quả.

* Tri ân cuộc đời

Ngoài việc giảng dạy ở trường, thầy Nguyễn Văn Thành còn điều hành công việc tại xưởng sửa chữa ôtô tại nhà riêng ở đường Tây Sơn - TP Quy Nhơn. Đây là một địa chỉ rất được khách hàng tín nhiệm. Trong suốt nhiều năm qua, thầy Nguyễn Văn Thành đã tự nguyện giúp đỡ vô thời hạn một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đóng góp cho các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi...

* Việc mở xưởng sửa chữa ôtô tại nhà có ảnh hưởng đến công việc giảng dạy của thầy không?

- Hoàn toàn không. Tôi mở xưởng sửa chữa ôtô một phần vì muốn đảm bảo kinh tế cho gia đình, và một phần muốn đem những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của mình vận dụng vào thực tế. Quá trình làm việc tại xưởng giúp tôi tiếp cận được những dòng xe mới, và được thực hành liên tục. Điều này rất có ích cho việc giảng dạy, tôi phải liên tục cập nhật những kiến thức mới vì công nghệ ôtô luôn luôn biến động, thay đổi không ngừng. Ở đây, tôi có thể nghiên cứu, tìm tòi để có thể sáng tạo ra những sáng kiến kỹ thuật mới và vận dụng luôn vào thực tiễn sửa chữa. Đây còn là một trong những địa chỉ để các em sinh viên khoa công nghệ ôtô thực tập. Hiện tại, vài em đã từng là sinh viên của tôi đang làm việc tại xưởng.

* Câu hỏi cuối cùng, đâu là lý do khiến thầy đến với công tác từ thiện?

- Chuyện này tôi thấy cũng bình thường, không có gì to tát cả. Tôi thấy mình là một người may mắn. Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ, trời thương mình thì mình giúp người khác. Hàng ngày, tôi thấy nhiều hoàn cảnh rất đáng thương, tôi chỉ giúp đỡ trong điều kiện của mình. Đồng tiền cho đi tuy không lớn nhưng cũng góp phần nào xoa dịu nỗi đau của người khác, để họ cảm thấy sự quan tâm của cộng đồng. Đó là một cách để tôi tri ân với cuộc đời. Vậy thôi!

* Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!

  • Mai Hồng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)
Nghĩa cử mùa thi  (06/07/2009)
“Văn hóa Bana Kriêm, với tôi là duyên nợ”  (05/07/2009)