|
Trung tá Phan Hồng Sơn |
Năm 1993, tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân (CSND), Phan Hồng Sơn về công tác tại Công an tỉnh với nhiệm vụ điều tra án về trật tự xã hội (TTXH). Hiện nay, trung tá Phan Hồng Sơn đang là Đội Trưởng Đội điều tra án xâm phạm sở hữu và tội phạm hình sự khác (Đội 4) thuộc phòng CSĐT tội phạm về TTXH. Trước tình hình tội phạm hoạt động liều lĩnh, manh động nhưng với một tập thể được đào tạo chính quy, có tinh thần trách nhiệm cao và hơn hết là sự đoàn kết gắn bó, Phan Hồng Sơn đã cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn thử thách để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh quyết liệt với tội phạm.
* Trưởng thành từ thực tiễn
Tốt nghiệp khoa Điều tra tội phạm – Đại học CSND và được phân công về phòng CSĐT là một thuận lợi rất lớn để Phan Hồng Sơn phát huy năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, qua quá trình công tác, chàng sĩ quan trẻ tuổi này nhận ra rằng, thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự vô cùng phức tạp, có những điều không thể học được ở nhà trường và nếu áp dụng lý luận trong sách vở một cách máy móc có thể sẽ đi vào ngõ cụt. Chính vì vậy, mỗi một ngày qua, mỗi vụ án được tham gia điều tra, dù thành công hay thất bại đều để lại trong anh những kinh nghiệm quý giá, và vận dụng những kinh nghiệm đó anh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Trong đó có những vụ trọng án anh góp phần điều tra làm rõ đã từng được lãnh đạo, đồng đội khen ngợi, ngưỡng mộ.
* Có lẽ cũng như nhiều cán bộ điều tra khác, trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự chắc anh có những kỷ niệm khó quên, nhất là những vụ trọng án. Vậy vụ án nào đáng nhớ nhất và bài học anh rút ra từ vụ án đó?
- Phòng Cảnh sát điều tra (PC16) có nhiệm vụ chủ yếu là điều tra những vụ trọng án về hình sự, như tội cướp; giết người; giết người cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và những hành vi phạm tội khác gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, tính mạng, sức khỏe công dân… Đối với những vụ trọng án loại này, tội phạm thường là những tên chuyên nghiệp, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp đối tượng phạm tội cơ hội. Nhưng dù là loại tội phạm nào, sau khi gây án chúng cũng đều tìm cách che giấu hành vi phạm tội. Điều tra viên phải đi tìm những chứng cứ đối tượng cố giấu đi để làm cơ sở lôi chúng ra ánh sáng pháp luật. Công tác điều tra tức là tìm kiếm những tài liệu, chứng cứ đó và bình thường đã rất khó, đối với đối tượng bị dị tật bẩm sinh càng khó bội phần. Vì vậy, vụ án giết người cướp tài sản do một thanh niên câm điếc thực hiện mà tôi tham gia điều tra làm rõ tuy xảy ra đã lâu nhưng những kinh nghiệm rút ra từ vụ án này luôn là tài liệu mới mẻ, quý giá mà tôi không thể nào quên được.
Vụ án được phát hiện tại thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân vào một buổi chiều mùa hạ. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Tuyết có thai 3 tháng, bị hung thủ giết chết, cướp đôi bông tai và sợi dây chuyền tổng cộng 4,5 chỉ vàng 24K. Sau khi phát hiện chị Tuyết nằm chết trong mảnh đất trồng hoa màu của một người dân địa phương nằm sát mép núi, anh Phòng, chồng nạn nhân đã hô hoán và bế xác vợ về gần nhà mình, sau đó mới báo cho cơ quan CA. Khi đoàn công tác của CA tỉnh đến khám nghiệm, hầu như mọi dấu vết đã bị xóa và xáo trộn. Khám nghiệm tử thi, Hội đồng pháp y tỉnh kết luận, nạn nhân (chị Tuyết) bị hung thủ dùng vật sắc nhọn đâm tổng cộng 12 nhát vào người, trong đó có 2 nhát đâm thủng mắt. Những vết đâm trên người chị Tuyết cho thấy nạn nhân thuận tay trái. Nhận định của cơ quan điều tra, đây là một vụ giết người cướp tài sản. Tuy nhiên công tác điều tra không bỏ qua những nguyên nhân khác như thù oán, hoặc do mê tín dị đoan…
Sau hàng tháng trời điều tra, chúng tôi đã xác minh, loại khỏi diện nghi vấn những đối tượng nổi ở địa phương nhưng còn hung thủ vẫn nằm trong bóng tối. Trong lúc vụ án đang đi dần vào bế tắc thì tôi phát hiện Đào Duy Chuẩn (SN 1977, ở Vạn Trung, xã Ân Hảo) là người bị câm điếc bẩm sinh, có những dấu hiệu nghi vấn. Nếu trong trường hợp Chuẩn là người bình thường, tôi đã đề xuất việc triệu tập anh ta đến trụ sở để ghi lời khai, qua đó xác minh tìm chứng cứ. Nhưng vì không thể thực hiện biện pháp đó được, tôi đã bắt đầu học làm người câm (trong giáo trình tôi học không đề cập đến cách học làm người câm như thế nào). Trước tiên tìm hiểu về Chuẩn tôi phát hiện tuy bị câm điếc nhưng anh ta có khá nhiều tài vặt, như biết chơi bi da, đá bóng, đánh bài, hàn dép nhựa bị đứt. Thậm chí không đi học nhưng Chuẩn có thể viết được tên của người khác và thường làm “thư ký” ghi điểm cho những người đến nhà Chuẩn chơi bi da. Tôi tiếp cận Chuẩn bằng cách cùng anh đánh bài, chơi bóng đá, bi da và luôn đứng về phía Chuẩn mỗi khi có tranh chấp hơn thua. Tôi đã chú ý ghi nhận cách “trò chuyện” của Chuẩn bằng ra “ni” (ra dấu bằng tay).
Từ đó, qua lời khai của các nhân chứng về việc phát hiện Chuẩn xuất hiện tại khu vực xảy ra vụ án để bảo Chuẩn vẽ lại những đoạn đường anh ta đi. Mỗi lần vẽ đều có cha của Chuẩn xác nhận. Từ 10 bản vẽ này, Chuẩn đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn “trong lời khai” và đó là cơ sở để tôi đấu tranh (tất nhiên bằng ra ni, làm dấu) với Chuẩn. Kết quả, Đào Duy Chuẩn đã khai nhận việc giết chị Tuyết cướp tài sản và qua lời khai của Chuẩn chúng tôi đã thu giữ đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng này. Chuẩn đã nhận lãnh bản án chung thân về tội giết người cướp tài sản.
Mỗi khi nhớ lại vụ án trên, tôi không quên tâm sự với đồng đội về sự kiên nhẫn của cán bộ điều tra. Mọi sự nôn nóng đều dẫn đến thất bại.
|
Trung tá Phan Hồng Sơn (ngồi giữa) trao đổi cùng đồng đội về một vụ án phức tạp tại địa bàn điều tra.
|
* Duy trì củng cố sự đoàn kết bằng niềm tin ở đồng đội
Bọn tội phạm nói chung, tội phạm về TTXH nói riêng rất ranh ma xảo quyệt, để đấu tranh lôi chúng ra ánh sáng pháp luật, đồng thời phòng ngừa chúng lợi dụng lôi kéo cán bộ, mỗi điều tra viên cũng như cán bộ chiến sĩ phải ý thức sâu sắc về sự đoàn kết và sức mạnh tập thể. Suy nghĩ, trăn trở của mỗi người trước một vụ án, một công việc phức tạp sẽ được tập hợp, phân tích và trở thành trí tuệ của tập thể. Với suy nghĩ đó, trung tá Phan Hồng Sơn đã có cách quản lý điều hành Đội 4 một cách khoa học và hiệu quả.
* Được giao nhiệm vụ nặng nề và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là tình hình tội phạm hình sự ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng Đội 4 đã liên tục lập được chiến công xuất sắc. Với tư cách là Đội trưởng anh có thể chia sẻ với chúng tôi về thành công đó?
- Tôi xin khẳng định, thành tích Đội 4 đạt được trong công tác phòng chống tội phạm trên lĩnh vực TTXH trước hết thuộc về lãnh đạo, những người đã có công nghiên cứu, phân tích những đề xuất của chúng tôi để có định hướng điều tra và trực tiếp theo dõi chỉ đạo chúng tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra. Tiếp đến, là công lao của mỗi cán bộ chiến sĩ trong đội, những người luôn gắn với tập thể, buồn với sự thất bại của đồng đội, vui với niềm vui chiến thắng của anh em. Chúng tôi thật sự cảm ơn về sự quan tâm đó của lãnh đạo và cũng rất trân trọng sự gắn bó tình cảm với tập thể đội của mỗi cán bộ chiến sĩ.
Với nhiệm vụ đội trưởng, tôi có thuận lợi rất lớn đó là 100% cán bộ trong đội đều được đào tạo nghiệp vụ bài bản và có thâm niên trong công tác điều tra. Tuy nhiên, để hiệu quả công tác điều tra đạt được như mong muốn, tôi và anh em trong đội đều có nhận thức rằng, tập thể phải chung tay, công tác điều tra mỗi vụ việc không giao cho một người riêng lẻ. Khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ điều tra một vụ việc nào đó xảy ra, tôi lên kế hoạch và phân công mỗi cán bộ một công việc phù hợp với năng lực, sở trường của họ và tiến hành theo cách cuốn chiếu.
Với việc điều hành đó, tuy công việc nhiều, có tháng xác minh hàng chục đơn tố cáo tội phạm nhưng luôn trôi chảy và nếu xảy ra việc đột xuất như, cán bộ ốm đau hay được lãnh đạo đơn vị điều động thực hiện nhiệm vụ khác, công việc không ách tắc, bị động vì có thể chuyển giao nhiệm vụ đó cho bất cứ ai trong đội. Đặc biệt, có không ít đối tượng tìm cách lợi dụng để mua chuộc cán bộ làm sai lệch hồ sơ, nhất là những vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm với số tiền hàng chục tỉ đồng để có lợi cho chúng. Nhưng, với chúng tôi, các đối tượng không thể làm được việc đó vì chúng không thể lôi kéo cả tập thể.
Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan, bởi sự thỏa mãn thường dẫn đến những hậu quả không tốt. Chúng tôi luôn phấn đấu trong việc học tập là thực hiện 6 điều dạy của Bác Hồ kính yêu đối với lực lượng CAND, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Được Đảng và nhân dân tin yêu, quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình và càng đoàn kết, gắn bó hơn với tập thể đơn vị cũng như trong đội.
* Là đội trưởng, anh đã có “bí quyết” gì để gắn kết anh em trong đội thành một tập thể thống nhất?
- Có lần điều tra một vụ trọng án xảy ra ở huyện miền núi, tôi được cán bộ địa phương dẫn băng qua rừng bạch đàn để đến nơi cần đến một cách nhanh nhất. Rừng bạch đàn thẳng tắp, chỉ những cây riêng lẻ ngoài rìa mới cong vẹo, nghiêng ngã. Nhìn chúng, tôi chợt nảy ra ý nghĩ, con người cũng như rừng cây, sống riêng lẻ sẽ khó có thể tồn tại và phát triển. Và, tôi đã đem ý nghĩ đó tâm sự với anh em, rằng chúng ta sẽ không trưởng thành nếu tách khỏi tập thể. Điều tôi nói tất cả anh em trong đội đều đồng tình và với nhận thức đó, họ đã hòa mình với nhau, gắn bó với nhau và đã cùng nhau vượt qua khó khăn để giành những chiến thắng trong cuộc đấu tranh kiên quyết với tội phạm.
Ngày nay, mặt trái của cơ chế thị trường luôn tiềm ẩn những phức tạp khó lường, nên điều tôi muốn nói với anh em là, hãy tiếp tục tin yêu lẫn nhau, hòa mình lẫn nhau để cùng nhau trưởng thành, xứng đáng là người chiến sĩ CAND Việt Nam.
|