Kiểng độc
8:43', 7/9/ 2009 (GMT+7)

Từ lâu giới chơi cây cảnh trong cả nước đã tôn vinh cây cảnh Bình Định là số một. Không ít kiểng độc của Bình Định đã góp mặt vào những vườn kiểng nổi tiếng của cả nước và cũng không ít cây kiểng từ cả nước khi trở về tay nghệ nhân của Bình Định đã trở thành kiểng độc… Cuộc sống không ngừng được cải thiện đã hướng nhiều người tìm đến thú vui chơi cây kiểng và giờ đây trên xứ sở “đất võ trời văn” này ngày ngày vẫn nóng lên với những cuộc săn lùng kiểng độc đồng nghĩa với sự phát triển của một nét văn hóa khác...

 

Vườn cảnh trị giá hơn 10 tỉ đồng của ông Nguyễn Văn Đạt.

 

Tôi có thâm niên gần 20 năm chơi cây cảnh, trong vườn từng ươm chăm đến ngàn cây, cũng có cây đáng giá trăm triệu song phải thú thật rằng sự hiểu biết của tôi về kiểng độc thật “chẳng thấm vào đâu”, dẫu quanh đề tài “cây” và “cảnh” tôi đã từng làm các phóng sự “Linh hồn cổ thụ”, “Đá cầm nóng lạnh”, “Chăm mai sau tết” hay “Những con đường nắng”…

Đề tài “kiểng độc” quả thật là khó viết. Khó bởi Bình Định có quá nhiều vựa kiểng, quá nhiều nghệ nhân và cũng quá nhiều kiểng độc, đi làm sao hết, viết làm sao đủ. Ngay như trong giới chơi cây kiểng thành danh cũng có lắm đường. Có người bắt đầu từ sự đam mê ươm, chăm, cộng với thời gian. Có người lại chỉ đi mua cây bụi rồi về tỉa tót. Lại cũng có người chẳng bao giờ biết cầm kéo, chỉ bỏ vốn ra… mà thành vựa, thành “đại gia cây cảnh”…

Vậy thì tôi cứ viết những thứ ấy đã, như đã trải, đã thấy, đã nghe. Bao giờ biết thêm nữa, tôi sẽ viết tiếp…

* Thành danh từ niềm đam mê

Mười lăm năm trước, khi mới nhập môn vào làng cây cảnh, một lần ghé thăm nhà, thấy cha tôi cứ hít hà cầm một nhánh mai đã cắt lìa chắp đi, chắp lại, tôi nói: “Đã cắt rồi thì vứt đi, cha tiếc làm gì!”. Cha tôi nói: “Con chẳng hiểu đâu, cha chợt nghĩ lại, cây này có thể tạo ra một dáng khác và rất tiếc khi đã lỡ cắt mất cái nhánh này. Chơi cây cảnh điều quan trọng là nhìn ra được cái dáng cây”. Mãi về sau tôi mới hiểu được sự nuối tiếc này cùng niềm đam mê sáng tạo trên cây của cha tôi.

Nhưng người chơi kiểng thành danh từ sự đam mê mà tôi phục là ông Nguyễn Ngọc Bích ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Ông kể, ông mê cái đẹp của cây cỏ từ khi còn là cậu học sinh tiểu học. Mỗi lần đi học qua bờ đê, ông lại dừng mắt thật lâu trước hình dáng lạ của một cái cây dại mọc tự nhiên. Song mãi đến tuổi trung niên, khi đã sở hữu được một căn nhà có khu vườn rộng thì niềm đam mê cây cảnh của ông mới được thực hiện. Ban đầu ông ươm chăm mai. Sau 10 năm, ông quyết định chuyển đổi “cơ cấu cây trồng” từ cây mai sang cây sanh. Ông nói: “Cây mai khó chăm sóc vì thường bị sâu bệnh lại chỉ chơi mỗi năm được mươi đến mươi lăm ngày; còn cây sanh đẹp quanh năm lại dễ chăm sóc, dễ tạo dáng. Có thể nói sanh là loại cây kiểng dành chỗ rộng rãi nhất cho người sáng tạo. Nó có sức sống mãnh liệt, càng già càng đẹp, càng có giá trị…”.

 

Ông Bích với cây sanh quý.

 

Trong khu vườn hơn 60 cây kiểng độc của ông có chừng chục cây có giá hơn trăm triệu. Trong đó có cây đã được trả với giá gần 500 triệu đồng. Đó là một cây sanh mà ông đã từng bán đi và sau 9 năm, chạy một vòng từ Bồng Sơn ra Quảng Ngãi về lại Quy Nhơn, ông đi tìm mua trở lại với số tiền gấp 3,5 lần giá bán. Vì là người dành tâm huyết rất nhiều cho mỗi tác phẩm của mình, mỗi lần bán đi một kiểng độc là mấy đêm liền ông lại mất ngủ, thẫn thờ ra nhìn chỗ trống của cây! Ông xác tín rằng vườn kiểng của ông có số phận, có linh hồn nên khi vợ ông mất, ông đã đeo khăn trắng cho cả vườn kiểng độc suốt 100 ngày! Mới đây, có người đến tuyển chừng chục cây kiểng của ông và trả giá 2 tỉ đồng, ông đã dứt khoát lắc đầu: “Tôi chỉ có thể bán dần từng cây, nếu bán đứt một lúc chắc tôi tiếc không sống nổi”. Ông Bích quả là người “chơi kiểng” đích thực!

Cũng trong giới “đại gia” kiểng độc có niềm đam mê chăm cây như ông Bích là ông Nguyễn Văn Hùng. Ông Hùng cũng bắt đầu sự nghiệp cây cảnh bằng cây mai nhưng bây giờ khu vườn của ông ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn còn có sự cân bằng 50-50 giữa cây mai và cây sanh. “Mỗi dịp tết, cây mai cũng cho tôi hàng trăm triệu”, ông nói để giải thích vì sao không đoạn tuyệt với cây mai như ông Bích. Chỉ trong năm nay, ông Hùng đã bán được gần chục cây sanh thu hơn 600 triệu đồng song trong vườn của ông vẫn còn hơn chục kiểng độc khác đáng giá hơn trăm triệu. Tuy nhiên trong giới cây kiểng, người ta biết nhiều đến Nguyễn Văn Hùng bởi ông đang sở hữu cây sanh giá trị bậc nhất ở Bình Định. Cây kiểng độc này vừa được một “đại gia” vườn kiểng ở Sơn Tây trả giá 1,4 tỉ đồng nhưng ông Hùng không bán bởi “cần phải giữ thương hiệu cho cả một vườn kiểng vốn ở nơi hẻo lánh”!

 

Cây lộc vừng 7 thân sau khi đã được Huỳnh Đăng Khoa cắt sửa.

 

* Thương trường kiểng độc

Tôi có cậu em kết nghĩa cùng quê Nhơn Hòa, An Nhơn tên Huỳnh Đăng Khoa từ nghèo khó đi lên nhờ kiểng độc. Không có vốn liếng nhưng nhờ sự nỗ lực học hỏi và trời cho được con mắt “nhìn ra dáng cây”, Khoa chuyên đi săn “cây bụi”. Quanh năm Khoa đi khắp nơi lùng mua những cây cổ thụ hoang dã… về tạo dáng rồi bán. Ban đầu chỉ dám mua những cây dưới chục triệu đồng, dần dà đủ vốn Khoa đã dám mua đến những cây giá trị gần cả trăm triệu đồng.

Chính nhờ con mắt biết “nhìn ra dáng cây” mà Khoa mua một bán năm, bảy, thậm chí là mười. Trong một chuyến đi săn cây ở Gia Lai, tình cờ Khoa nhìn thấy cái đọt cây sanh trải qua mái nhà khi đang ngồi uống cà phê. Lần theo đọt cây ấy, Khoa phát giác ra bụi cây sanh nằm hoang trong một góc vườn. Hỏi, chủ nhà đáp 3 triệu, Khoa chồng tiền ngay thì chị vợ lại nâng lên thành 8 triệu, Khoa cũng gật và thuê người đào, cưa, cắt, cẩu về nhà. 3 năm sau, cây sanh giờ đã có người trả 80 triệu! Phi vụ mới nhất, Khoa “trúng” cách đây chưa đầy tháng là cây lộc vừng 7 thân mua tại một con hẻm ở đường Chương Dương, TP Quy Nhơn. Cái “bụi lộc vừng” nằm trong sân một xí nghiệp gỗ buồn bã vì thiếu nước được Khoa mua với giá 60 triệu đồng! Vậy mà chỉ sau khi cẩu về nhà, phối đá cho vào chậu đã có người đến trả 180 triệu đồng, Khoa chưa bán và đang rao trên mạng với giá 300 triệu đồng!

Vài năm gần đây, chuyện mua bán kiểng độc với giá hàng vài trăm triệu ở Bình Định không còn là chuyện hiếm. Người ta từng biết danh ông Nguyễn Nghĩa Đàn ở TP Quy Nhơn với hằng trăm phi vụ mua bán cây ở tầm trăm triệu. Mới đây, thương trường kiểng độc ở Bình Định đã xuất hiện thêm  ông Nguyễn Văn Đạt, chủ doanh nghiệp Phát Đạt, ở Tuy Phước. Vốn là chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đá granite, năm 2003, khi tuổi chưa tới 40, ông Đạt bắt đầu kinh doanh kiểng độc và chỉ trong vòng 6 năm vườn kiểng ở Tuy Phước của ông đã lên tới gần 200 cây, trị giá hơn 10 tỉ đồng! Mê kinh doanh cây kiểng, ông gần như đã giao hẳn việc sản xuất, kinh doanh đá granit cho em. Với tham vọng lập nên một vườn kiểng có một không hai ở Bình Định, ông Đạt đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc để sưu tầm kiểng độc. Loại cây mà ông hướng đến vẫn là sanh, lộc vừng, me… có giá trăm triệu. Để chăm sóc vườn kiểng, ông Đạt thuê 6 người và phải trả hàng tháng 20 triệu đồng cho đội ngũ này. Ông đang cho thiết kế một website để quảng bá vườn kiểng của mình. Nguyễn Văn Đạt cho biết vừa mới bán được 5 cây sanh thu được 3 tỉ đồng! Lúc chúng tôi đến thăm vườn kiểng của ông, ngày 5.9.2009, cũng đã có người ngã giá 740 triệu đồng cho cây sanh ông mua từ Quảng Ngãi với giá 500 triệu đồng! Quả là siêu lợi nhuận!

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng và cây sanh số 1 Bình Định.

 

* Phát huy lợi thế

Tại Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008, gian hàng triển lãm sinh vật cảnh đã gây ngạc nhiên cho giới sinh vật cảnh cả nước. Bình Định được cả nước tôn vinh là số một về chơi kiểng độc. Vì sao vậy? Tôi đã đi tìm câu trả lời ở các nghệ nhân và đã nhận được nhiều giải thích khác nhau. Người bảo rằng vì nghệ nhân Bình Định biết dung hòa được sự giao thoa của trường phái thủy mặc (Trung Quốc) và trường phải bon sai (Nhật); người giải thích rằng vì nghệ nhân Bình Định được kế thừa lối chơi cây cảnh thanh lịch từ cha ông từng sống trong một vùng văn hóa giàu truyền thống; người lại bảo vì nghệ nhân Bình Định quen với con mắt nhìn từ những cây cỏ tự nhiên sống trong thời tiết khắc nghiệt… Dù cách lý giải nào, thì nghệ nhân “nhìn ra dáng cây” của chúng ta vẫn được ngưỡng mộ hàng đầu. Việc trồng cây cảnh ở Bình Định đang dần phổ biến và đã thành phong trào “nhà nhà trồng cây cảnh”… Vậy thì có cách nào không, để Bình Định thực sự có một “nền kinh tế cây cảnh” bên cạnh việc phát triển công nghiệp và du lịch?

Câu trả lời xin dành cho những nhà làm chiến lược trên tầm vĩ mô!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)
Tìm sống trong sóng dữ   (13/07/2009)
Cô chủ nhỏ khuyết tật và quán kem Những Người Bạn  (12/07/2009)