HLV Bùi Trung Hiếu (quê ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là người góp công lớn vào những thành công của võ thuật Bình Định, cả trong tư cách VĐV và HLV, trong quãng 15 năm gần đây…
|
HLV Bùi Trung Hiếu (bìa phải) săn sóc và chỉ đạo chiến thuật cho học trò giữa hai hiệp đấu. |
v Con đường võ thuật chông gai
Đến với võ cổ truyền từ nhỏ, với niềm đam mê như đã ngấm vào máu, đó là tiền đề cho những thành công rực rỡ sau này mà Bùi Trung Hiếu giành được. Nhưng ít ai biết rằng, đã có không dưới một lần ông có ý định chia tay với nghiệp võ…
* Xin chúc mừng thành công của ông ở Giải Kickboxing Toàn quốc vừa qua! Nhìn các học trò thi đấu ở một giải lần đầu tiên tổ chức, ông có nhớ đến những trận đài đầu đời?
- Cảm ơn anh! Quả thật là dù đã trải qua không biết bao nhiêu giải đấu giao hữu và chính thức, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những ngày mới chập chững làm quen với võ. Lần đầu tiên tôi thượng đài là ở một giải giao hữu năm 1988, tổ chức tại Phước Sơn (Tuy Phước). Lúc đó, tôi mới tập được chưa đầy hai tháng ở võ đường của võ sư Hồng Kim Chỉnh. Tuy vậy, tôi đã giành được 2 trận thắng trước các võ sĩ của Tây Sơn và Vân Canh. Điều khiến tôi phấn khích là ngay trong trận đầu tiên, tôi đã thắng knoc-out đối phương.
* Khởi đầu có vẻ suôn sẻ, nhưng còn thành tích của ông ở các giải chính thức như thế nào?
- Năm 1991, tôi đoạt chiếc huy chương đầu tiên trong sự nghiệp, đó là tấm HCV hạng cân 57kg ở Giải Vô địch Võ cổ truyền tỉnh. Hồi đó, phong trào luyện tập võ thuật ở nhiều địa phương trong tỉnh phát triển mạnh, nhiều giải đấu được tổ chức, nên chỉ trong vòng 3 năm tôi đã thượng đài khoảng 60 trận. Năm 1993, tôi khăn gói lên nhà thầy Hồng Kim Khanh ở Phước Lộc (Tuy Phước) để tiếp tục tập luyện, sau đó tôi đoạt chiếc HCĐ trong lần đầu tiên tham dự Giải Vô địch Toàn quốc.
* Đã bao giờ ông có ý định chuyển sang công việc khác?
- Ngay sau khi giành chiếc HCĐ toàn quốc lần đầu tiên, tôi đã có ý định bỏ nghề vì điều kiện gia đình lúc đó quá khó khăn, ruộng vườn chẳng ai chăm nom. Về nhà làm một anh nông dân chính hiệu, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn tham gia một số trận đài liên tỉnh. Năm 1995, tôi lại được thầy Đặng Hiếu Hiền triệu tập vào đội tuyển võ cổ truyền tỉnh tham dự giải toàn quốc ở Gia Lai. Bị xử ép trong trận bán kết, tôi đâm nản và ức chế. Điều đó cộng với công việc gia đình bừa bộn nên tôi lại quay về làm anh nông dân… Đến đầu năm 1997, thầy Đinh Văn Tuấn, khi đó là Trưởng bộ môn võ cổ truyền, lại gọi tôi xuống cho tập wushu. Sau đó tôi được vào đội tuyển tán thủ quốc gia.
|
Khởi động cho học trò trước trận đấu… |
v Những năm tháng khó quên
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thành tích của võ cổ truyền Bình Định ở các giải đấu mang tầm quốc gia khá nghèo nàn. Nhưng kể từ năm 1997, bộ môn này có sự lột xác nhờ một dàn VĐV tài năng, trong đó có Bùi Trung Hiếu.
* Việc được tập trung ở đội tuyển quốc gia có giúp ích gì cho sự nghiệp VĐV của ông không?
- Có thể nói khối lượng tập luyện nội dung tán thủ môn wushu cực kỳ nặng. Nhiều hôm, sau khi tập xong tôi đắng miệng, không ăn được gì. Cứ vài ngày lại phải uống thuốc. Nhưng rồi sau đó thể lực của tôi được nâng lên đáng kể. Năm 1997, tôi giành chiếc HCV duy nhất cho đoàn Bình Định ở Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc hạng cân 63,5kg. Liên tiếp từ năm 1998 đến 2001, tôi không có đối thủ ở hạng cân 67kg. Thể lực sung mãn giúp tôi kết thúc trận đấu rất nhanh, có khi chỉ cần mất hơn một phút đã hạ gục được đối thủ.
* Vậy đâu là trận đấu đáng nhớ nhất của ông?
- Đó là trận đấu với VĐV người Philippines tại SEA Games 1997. Lúc đó, tôi chỉ 66kg nhưng lại được đôn lên đánh ở hạng 70kg. Mới tập tán thủ chưa được bao lâu nên còn ít kinh nghiệm, tôi cứ lao vào đấm đá đối phương. Trong khi đó, anh ta cứ lừa lừa, ôm được tôi, vật mạnh xuống sàn. Mình đau ê ẩm, đầu nhức không chịu được vì những cú ném như “quăng bao gạo” của đối phương, lúc đó tôi thấy mệt kinh khủng. Kết thúc mỗi hiệp, được chuyên gia người Trung Quốc nhắc nhở, tôi vẫn đứng lên thi đấu tiếp, nhưng đương nhiên là không thể nào thắng được đối thủ. Mãi sau này, chuyên gia của đội tuyển Việt Nam vẫn đánh giá rất cao tinh thần thi đấu của tôi. Sau trận đấu “chết đi sống lại” đó, tôi đã tự hứa không theo võ nữa nhưng rồi lại lên đài…
* Đến khi nào ông mới chính thức từ giã nghiệp VĐV?
- Tôi nghỉ thi đấu sau Đại hội TDTT Toàn quốc năm 2002. Khi đó, đội tuyển võ cổ truyền Bình Định có nhiều VĐV xuất sắc như: Phan Trường Hận, Võ Đông Sơ, Trần Đình Đô… Nhưng đây là năm đầu tiên Liên đoàn quyết định thay đổi thể thức thi đấu, từ sàn đài xuống thảm đấu, chúng tôi chưa kịp thích nghi nên đoàn Bình Định chỉ đoạt 2 HCB (của Bùi Trung Hiếu và Võ Đông Sơ - PV).
|
… và nhấp nhổm không yên khi học trò thi đấu trên sàn đài. |
v Gian nan nghiệp HLV
Sau Đại hội TDTT Toàn quốc năm 2002, HLV đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định – võ sư Kim Đình - rời vị trí huấn luyện. Với khả năng, kinh nghiệm thi đấu, lại cẩn thận, chu đáo nên Bùi Trung Hiếu dần được tín nhiệm. Và ông không phụ lòng tin của người thầy cũ và lãnh đạo ngành thể thao, khi dẫn dắt các học trò đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
* Làm thế nào ông và đồng đội, học trò vượt qua được kỷ niệm buồn ở Đại hội TDTT Toàn quốc năm 2002?
- Thi đấu không thành công, lại phải chia tay người thầy nhiều tâm huyết, cả đội rất buồn. Riêng tôi rất ấm ức sau trận thua ở trận chung kết, nên quyết tâm xây dựng cho được lối đánh phù hợp với điều kiện thi đấu mới. Cùng với sự quyết tâm tập luyện của anh em, chỉ một năm sau, chúng tôi giành lại ngôi nhất toàn đoàn nội dung đối kháng Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc. Từ đó đến nay, chưa đoàn nào vượt qua được Bình Định về số huy chương nội dung đối kháng. Đó là một thành tích mà tôi cảm thấy rất hãnh diện.
* Sau 6 năm làm công tác huấn luyện, nhiều lần dẫn học trò đi thi đấu, đâu là giải đấu khiến ông tâm đắc nhất?
- Đó là Đại hội TDTT Toàn quốc năm 2006, các học trò của tôi đã đem về 5 HCV cho đoàn Bình Định - thành tích tốt nhất của thể thao Bình Định từ trước đến nay tại các kỳ Đại hội TDTT. Điều tôi tâm đắc là ở chỗ tính toán và phân chia lực lượng hợp lý, vì mỗi VĐV chỉ được tham gia thi đấu một môn. Ở môn shanshou, dù chỉ thi đấu 3 VĐV, nhưng Lê Công Bút và Lê Minh Tùng đã xuất sắc đem về 2 tấm HCV. Các VĐV đối kháng võ cổ truyền giành thêm 3 chiếc HCV, đó là một mùa giải ngọt ngào với chúng tôi.
* Nhiều năm cùng học trò đạt thành tích cao ở các giải vô địch toàn quốc, nhưng mỗi khi học trò thi đấu, trông ông rất căng thẳng…
- Không phải đến khi học trò mình thi đấu mới phải suy nghĩ, mà ngay sau khi bốc thăm tôi đã phải tính toán cách đánh cho từng VĐV. Không chỉ tính cho một trận, mà phải lường trước những đối thủ tiếp theo. Rồi quan sát diễn biến trong từng hiệp đấu để chỉ cho học trò cách khắc chế lối đánh của đối phương… Mà đâu phải mình tôi căng thẳng, HLV nào chả thế. Hồi tôi còn thi đấu, nhiều đêm không ngủ được, tôi cũng thấy thầy Kim Đình cứ đi tới đi lui chứ có được thoải mái đâu.
* Từng tham gia thi đấu cả wushu và võ cổ truyền, được tập huấn nhiều môn võ khác như: muay Thái, kickboxing… nhưng hiện nay ông chỉ tập trung huấn luyện võ cổ truyền và kickboxing. Vì sao ông lại bỏ shanshou - môn võ từng là thế mạnh của Bình Định - và không thử sức với muay Thái?
- Quả thật shanshou trước đây là thế mạnh của Bình Định, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta như hiện nay rất khó cạnh tranh với các địa phương khác. Hiện nay, nhiều tỉnh phía Bắc đầu tư shanshou rất mạnh, họ thường xuyên cho VĐV đi Trung Quốc tập huấn và thuê chuyên gia về huấn luyện nên trình độ phát triển rất nhanh. Vì vậy, chúng ta khó lòng đuổi kịp họ về thành tích. Còn với muay Thái, theo nhìn nhận của cá nhân tôi thì đây là môn võ dễ gây chấn thương khi thi đấu. Do đó, có lẽ nó chưa phù hợp để phổ biến tại Bình Định.
* Xin cảm ơn ông!
|