Nuôi yến
8:5', 14/9/ 2009 (GMT+7)

Nói đến chim yến, người ta nghĩ ngay đến nguồn lợi kinh tế có giá trị rất cao là tổ yến. Do tổ yến (yến sào) khai thác tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, nên nghề nuôi yến đã hình thành và phát triển ở những địa phương… có yến. Tại TP Quy Nhơn và vùng giáp ranh thành phố thuộc huyện Tuy Phước đã có khoảng 30 nhà nuôi yến. Đây là một nghề mới có nhiều triển vọng, nhưng nuôi yến, cũng cần thận trọng…

 

Nhà nuôi yến gần hang Cả - đảo Yến có rất ít chim yến vào làm tổ, sinh sản. Ảnh: Q.X

 

* Lộc trời cho...

Bà Phạm Thị Huân (số 53 Lê Văn Hưu, Quy Nhơn) là người đầu tiên đưa nghề nuôi yến về Bình Định. Do đau ốm và được mách phải uống huyết yến mới khỏi bệnh, bà đã cố công nhờ người bắt được một đôi chim yến. Thế nhưng, thương đôi chim yến chung tình, bà Huân đã giữ lại để nuôi. Một con sau đó bay đi mất, con còn lại nhớ bạn đã bỏ ăn cho đến chết. Bà Huân tiếc ngẩn ngơ đôi yến, cứ ngày ngày nhìn lên bầu trời… Cho đến cuối năm 2006, nghe chuyện nuôi yến thành công ở Khánh Hòa, thị xã Gò Công (Tiền Giang)… bà đã vào tận nơi, tìm tài liệu, mua thiết bị công nghệ và quyết định đầu tư nuôi yến.

Bà Huân cho biết: “Ban đầu, tôi cho phát đĩa tiếng kêu chim yến, chim về đen đặc đến hàng ngàn con. Nhưng chúng không ở lại… Vợ chồng tôi đã tiến hành cải tạo 3 tầng trên của căn nhà đang ở (khoảng 150m2) làm nhà nuôi yến… Đầu năm 2007, có 2 con về ở; cuối năm, có được 90 con. Sau đó, mỗi năm, số lượng chim yến đã tăng gấp đôi. Đến nay, đã có khoảng 300-400 con với hàng trăm tổ yến…”. Bà Huân còn cho biết, không chỉ dụ yến tự nhiên về nuôi, bà còn tham gia công nghệ ấp nở trứng yến thành chim con của Công ty Yến sào Khánh Hòa và đã thành công với khoảng 25 chim sống, trưởng thành và bay đi…

PGS.TS Sinh học Nguyễn Khoa Diệu Thu, chuyên gia hàng đầu về chim yến ở Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, có khoảng 20 tỉnh, thành trong cả nước có nhà nuôi chim yến. Bình Định là địa phương có triển vọng để phát triển nghề nuôi chim yến vì có nguồn chim yến tương đối lớn, điều kiện môi trường thuận lợi… Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ hơn về quy mô đầu tư, quy hoạch địa điểm nuôi và có những định hướng cụ thể để phát huy hiệu quả mô hình này”.

Để thành công với nghề nuôi yến, không thể thiếu sự kiên trì và niềm đam mê. Ông Trịnh Minh Hổ (đường Tây Sơn, Quy Nhơn) là người như vậy. Là sĩ quan Quân đội về hưu, năm 2007, ông bắt đầu nuôi yến. Theo ông, để nuôi được yến, trước hết phải xem nơi mình ở có nằm trên đường yến bay ngang qua hay vùng kiếm ăn của chúng hay không? Qua quan sát, ông thường thấy từng đàn chim yến bay ngang qua nhà nên đã mua đĩa “tiếng kêu chim yến gọi bầy đàn” về phát thử. Chim đã về đậu đặc quánh quanh loa nên ông quyết định cải tạo tầng thượng của ngôi nhà rộng chừng 30m2 và đầu tư kỹ thuật nuôi yến. Ông lắp đặt hai giàn âm thanh phát tiếng kêu chim yến suốt cả ngày và đêm, hệ thống phun sương tạo ẩm, tạo mùi, nhiệt độ thích hợp…

Ông Hổ kể: “Năm đầu tiên chỉ có một cặp chim về ở… Tôi đã mua vải đen về che hết các bức tường cho tối, thay ván trần từ gỗ tạp sang gỗ thông nàng; đặt các chậu lớn chứa đầy nước dưới sàn nhà cho có độ ẩm ướt, mua hóa chất của Indonesia về phun để làm mất mùi vôi vữa, thậm chí, còn quét phân yến lên các bức tường để tạo mùi quen thuộc cho chúng… Nhờ vậy, chim yến về ở ngày càng nhiều. Đến nay, đã có khoảng 100 con. Mỗi đợt chim làm 10 tổ, mỗi năm có khoảng 3 đợt như vậy…”.

Ông Hổ cũng cho biết, hiện ông chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác tổ mà chỉ cốt tạo được môi trường an lành cho chim về ở thật nhiều. Chỉ khi nào có được khoảng 1.000 con về ở thì mới nói đến giá trị kinh tế. Ông Hổ còn dự định xây dựng thêm một tầng thượng có đường dẫn xuống các tầng bên dưới như hang động để nuôi yến. “Đây là lộc trời cho nhưng nuôi yến không hề đơn giản, phải đầu tư đúng cách và kiên trì, chịu khó mới có thể thành công…” - ông Hổ nói.

 

Chim yến làm tổ sinh sản tại nhà nuôi của ông Trương Công Anh (đường Lê Lợi, Quy Nhơn). Ảnh: Q.X

 

* Nghề mới nhiều triển vọng

Ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định, cho biết: “Từ thực tiễn nuôi chim yến ở một số nước khu vực Đông Nam Á và tại một số địa phương trong nước, cũng như trong quá trình khai thác yến sào, chúng tôi đã phát hiện được vị trí chim yến thường xuyên vào, bay lượn trong nhà (hang Cả - đảo Yến), đường bay (đi kiếm mồi) và vùng kiếm thức ăn của chim yến, nên tiến hành nuôi thử nghiệm chim yến trong nhà (cải tạo nhà ở công nhân tại hang Cả và trụ sở làm việc của Ban tại số 26 đường Phan Bội Châu)…”.

Nuôi yến cũng là cơ sở để Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu nuôi thử nghiệm chim yến trong nhà để lấy tổ tại bán đảo Phương Mai tỉnh Bình Định” do ông Nguyễn Hồng Vân làm Chủ nhiệm. Ông Vân cho biết, nhà ở công nhân ở hang Cả (cũ) là nhà 2 tầng, tầng 1 có 24m2, tầng 2 có 41m2. Năm 2006, Ban đã cho tháo dỡ các cửa đi, cửa sổ và xây kín lại… Phải mất gần 2 năm dẫn dụ mới có chim quẹt tổ lần đầu. Nguyên nhân, có thể là do chim yến tại đảo có tập tính sinh sống khá ổn định trong các hang động và do kỹ thuật nuôi yến ban đầu chưa thật chuẩn xác…

Chim yến làm tổ trong nhà có tên khoa học Aerodramus fuciphagus amechanus, là loài có kích thước nhỏ, có lông màu nâu đen, cánh dài, nhọn, đuôi ngắn. Chim non nở ra trụi lông, sau 5-6 ngày tuổi đâm lông tơ…, sau khoảng 45 ngày thì bay được. Sau 8-10 tháng, chim yến thành thục và đẻ trứng lần đầu. Trong nhà yến, mỗi năm, một cặp chim có thể đẻ khoảng 3 lần. Một chu kỳ sinh sản khoảng 3-4 tháng, trong đó, có 1-2 tháng xây tổ.

Sau đó, Ban Quản lý đã xây dựng thêm nhà nuôi chim yến trong đất liền đặt tại tầng thượng của Văn phòng làm bằng tole, giữa lót xốp và bên trong dựng bằng những tấm primaflex… Ông Vân cho biết, so với nhà ở đảo thì chỉ một ngày sau khi mở đĩa phát “tiếng kêu chim yến gọi bầy đàn”, chim đã vào nhà và chỉ sau 4 tháng, chim đã ở lại và làm tổ. Hiện tại, ở đây đã có hơn 200 tổ lớn, nhỏ, với khoảng 500 chim yến đang ở…

Cũng theo ông Vân, sau khi Ban Quản lý và Khai thác Yến sào nuôi thử nghiệm yến trong nhà (năm 2006) đến nay, đã có khoảng 30 nhà - chủ yếu ở TP Quy Nhơn và vùng giáp ranh thành phố thuộc huyện Tuy Phước - có nuôi yến trong nhà. Hầu hết các nhà đều cải tạo lại phòng cũ hoặc xây dựng mới trên sân thượng của ngôi nhà cũ thành nhà nuôi chim yến. Họ đặt các thanh gỗ để chim làm tổ, các hệ thống phun sương, hệ thống thông gió để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với điều kiện sống tự nhiên của chim… vốn đầu tư từ 20-100 triệu đồng/nhà. Các nhà nuôi yến đều có chim vào nhưng ở lại và làm tổ thì không đều, nhà nhiều, nhà ít…

 

3 tầng trên của căn nhà số 53 Lê Văn Hưu (Quy Nhơn) đã được chủ nhà cải tạo thành nhà nuôi yến. Ảnh: Q. Hoa

 

* Cần cẩn trọng vì tính rủi ro cao

Đi trong TP Quy Nhơn, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nhà nuôi chim yến bởi chúng được xây dựng khá đặc trưng: không cửa, chỉ gồm rất nhiều những lỗ thông hơi. Tại đây, tiếng ríu rít của chim yến kêu vang động suốt cả ngày, đêm. Buổi sáng, hàng đàn chim rời nơi ở bay đi kiếm ăn và chạng vạng chiều, chúng chao liệng, hòa âm trên nóc nhà trước khi bay vào tổ. Nuôi chim yến là nghề đem lại giá trị kinh tế rất cao nếu thành công. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Vân, nghề này nó đòi hỏi sự đầu tư về trí tuệ. Người nuôi phải say mê, nắm vững kỹ thuật và có hiểu biết nhất định về các đặc điểm sinh học của loài chim, để không ngừng chỉnh sửa cho nhà yến của mình ngày càng hoàn thiện.

Sau nhiều năm đầu tư nuôi chim yến, hầu hết các nhà nuôi ở Quy Nhơn đều chưa khai thác tổ hoặc chỉ khai thác được rất ít… Điều này cho thấy, đây là một nghề có khả năng thu hồi vốn chậm. Do đó, các nhà chuyên môn khuyến cáo, ban đầu chỉ nên đầu tư những nhà nuôi có quy mô vừa phải. Sau khi nuôi thành công, mới nên làm các nhà yến khác lớn hơn…

Ông Vân cho biết: “Đây là nghề có triển vọng ở Bình Định nhưng hiệu quả kinh tế còn chậm so với các tỉnh phía Nam. Do đó, khi đầu tư nuôi yến, nhà đầu tư cần phải nghiên cứu thật kỹ, nếu không nguy cơ thất bại sẽ không nhỏ”.

Hiện nay, việc nuôi chim yến ở Bình Định chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Bởi vậy, các cấp, các ngành hữu quan cần có quy hoạch địa điểm nuôi và định hướng hợp lý. Người nuôi yến cũng cần có sự liên kết, hợp tác, trao đổi, thì nghề nuôi chim yến lấy tổ mới đạt được kết quả khả quan.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)
Nốt trầm Phạm Ghi   (19/07/2009)