THẦY GIÁO TRƯƠNG HOÀI PHƯƠNG:
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”
10:33', 20/9/ 2009 (GMT+7)

30 năm trong nghề dạy học, những tiết dạy môn Lịch sử của thầy giáo Trương Hoài Phương (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) vẫn làm say mê và cuốn hút bao thế hệ học sinh (HS). Với thầy Phương, môn Lịch sử đã là nghiệp của một đời và thầy luôn tâm niệm phải truyền đam mê ấy cho người khác…

 

Qua giáo dục truyền thống của nhà trường, HS sẽ thấy được gương học tập, nhân cách sống của thế hệ đàn anh để phấn đấu, học tập tốt hơn. Ảnh: Q.H

 

* “Tôi may mắn có được một môi trường tốt”

* 30 gắn bó với nghề dạy học, thầy chiêm nghiệm được điều gì?

- Với tôi, nghề đã gắn liền với nghiệp, không thể tách rời được. Tôi đến với nghề giáo một cách tình cờ, nhưng đi dạy với lòng đam mê và đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống để “giữ lấy nghề”.

* Lâu nay, môn Lịch sử vẫn chưa hấp dẫn được số đông HS. Ngay như quan niệm của phụ huynh HS và xã hội, thì môn học này vẫn là môn học phụ. Thầy có thấy chạnh lòng?

- Có thể là tôi đã may mắn có được một môi trường tốt được dạy đối tượng là HS hiếu học nên đã giúp tôi gắn bó và đam mê với công việc. Sự trân trọng của phụ huynh HS cũng làm tôi yêu nghề hơn… Xác định được thiên chức xã hội ban cho nghề dạy học là nghề cao quý, nên tôi đã tự đào tạo, rèn luyện để nâng cao chuyên môn và có được một nhân cách sống của người thầy như hôm nay.

Trong diễn đàn “online” của HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, nhiều HS đã viết: “Bài giảng của thầy (thầy Phương) luôn thu hút HS. Cứ nghĩ Sử cấp 3 “khó nhai” lắm, nhưng qua lời giảng của thầy, mọi thứ trở nên sống động lạ thường”, “Thầy là người nghiêm túc, nhưng đôi lúc cũng vui tính…”, “Ước gì trong tuần có nhiều tiết Sử hơn thì hay biết mấy...”…

* Người ta thường gọi đó là nghệ thuật lên lớp?

Thầy Trương Hoài Phương, sinh năm 1955 tại Đông Hà, Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ngành Lịch sử, năm 1979, thầy vào giảng dạy tại Trường PTTH Quang Trung (nay là Trường THPT Quốc học Quy Nhơn); từ năm 2005, chuyển về dạy tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Thầy là giáo viên giỏi cấp tỉnh, đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều HS giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh về môn Lịch sử. Thầy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 5 bằng khen của Bộ GD&ĐT; 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (1995-2000 và 2000-2005).

- Giúp cho HS hiểu lịch sử, thấy được giá trị của lịch sử, giờ dạy sẽ ít khô khan, nhàm chán. Tự thân người thầy, bằng nhiệt tâm, năng lực, phương pháp dạy học mới, cũng sẽ giúp HS thay đổi cách nhìn nhận về học môn Lịch sử . Hơn nữa, khi lên lớp, được sự cộng hưởng nhiệt tâm của học trò, thành công của giờ dạy sẽ càng cao hơn. Tôi không làm thay đổi được quan niệm học Lịch sử của xã hội, nhưng ít ra cũng đã làm thay đổi được quan niệm học Sử của HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn…

Để thành công trong giờ dạy, theo tôi, trước hết phải truyền đạt được những kiến thức cơ bản nhất, từ đó, giúp HS hiểu nội dung kiến thức. Dạy Lịch sử mà chỉ “vãi” sự kiện ra như vãi lúa, thì không HS nào có thể nhớ nổi. Người thầy phải giúp cho HS ghi nhớ kiến thức, nhận thức được giá trị lịch sử từ những sự kiện để từ đó giáo dục tư tưởng, nhân cách cho HS. 

Để làm được những điều đó không hề dễ dàng. Đó là cả một quá trình nỗ lực, tự rèn luyện, đào tạo, tập dượt những phương pháp mới.

* Dạy Lịch sử khác với đọc sách sử

Nói về lịch sử, thầy Phương luôn nói một cách say sưa. Thầy nói rằng, SGK môn Lịch sử (chương trình phân ban mới) còn quá nhiều sai sót… và cứ luôn bị “ám ảnh” về những chi tiết sai ấy.

“Ai cũng biết lịch sử nhưng không phải ai cũng hiểu lịch sử để tranh luận về việc này- thầy nói, giọng chùng xuống- một giáo viên Toán, Lý… dạy tồi, ngay lập tức bị phụ huynh HS phản ứng, nhưng GV Sử dạy dở, dạy sai thì không mấy ai quan tâm. Nghĩ đến “đặc ân” dành cho những GV “môn phụ” này mà buồn (!)”.

* Mỗi tuần 20 tiết, một năm học có 35 tuần. Cứ thế nhân lên cho 30 năm đi dạy với môn học đầy những con số thời gian, mốc sự kiện. Có khi nào thầy thấy nhàm chán không? 

- Nếu quen với những gì đã có sẵn, không cập nhật kiến thức mới, không đầu tư chuyên môn thì rất dễ nhàm chán. Nhưng đối với tôi, cùng một giờ giảng nhưng vào những lớp khác nhau, đối tượng khác nhau, tôi có thể “điều chỉnh” để đạt hiệu quả cao nhất. Kiến thức Lịch sử luôn luôn mới, người dạy lịch sử, khác với đọc sách lịch sử. Đừng bắt HS phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện mà phải giúp các em hiểu kiến thức lịch sử từ sách giáo khoa và làm cho lịch sử xã hội “sống” lại.

Tôi quan niệm, vào lớp thầy phải thoải mái, gần gũi thì HS mới dám hỏi, dám nói. Hãy xem học trò như những người thân, từ đó, người thầy mới tạo ra được sự gần gũi và hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn nhiều.

* Để có một giờ giảng sống động, người thầy đã phải đầu tư rất nhiều công sức, nhưng nhiều khi sự nhìn nhận, đánh giá vẫn còn mang tính cào bằng. Dạy tốt, dạy không tốt vẫn nhận lương và phụ cấp như nhau. Thầy có bao giờ “băn khoăn” về điều đó?

- Có suy nghĩ chứ, nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng. Lên bục giảng là tôi đến với HS, sau đó, là được nhìn nhận mình qua sự đánh giá của HS, của đồng nghiệp. Giàu có, sung sướng ai cũng muốn, nhưng để có hạnh phúc trong cuộc sống, không chỉ là vật chất mà còn là những giá trị tinh thần. Một khi việc dạy học đã trở thành một niềm vui thì những tính toán thiệt hơn đời thường sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Có những buổi chiều, tôi phải lên lớp cho HS 5 tiết ở phòng truyền thống, rất mệt, nhưng thấy các em chăm chú nghe, quan sát, ghi chép là tôi vui, quên mệt luôn.

 

Thầy Phương: “Có thể, được dạy những HS hiếu học làm cho tôi yêu nghề hơn...”. - Trong ảnh: HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trong ngày khai giảng năm học mới 2009-2010. Ảnh: Q.H

 

* Một người yêu... “quá khứ”

* Thầy là người có công biên soạn và đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường?

- Bình Định là một trong 5 tỉnh đầu tiên đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường, từ năm 1997. Đây chính là sự chi tiết hóa lịch sử Quốc gia với những cái mới, gần gũi với HS hơn, do đó, các em sẽ dễ cảm nhận, thích tìm hiểu và sẽ có tác dụng sâu sắc trong giáo dục truyền thống. Việc tập hợp tư liệu, biên soạn nội dung, chương trình dạy lịch sử địa phương (cho HS cấp 2 và 3) do tôi và anh Quí (ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD&ĐT-PV) cùng thực hiện. Tôi vẫn ấp ủ mong muốn làm “mềm” hơn các tiết học này bằng các sự kiện lịch sử ở từng vùng, cho từng địa phương trong tỉnh.

* Trong dịp khai giảng năm học mới vừa qua, khách tham quan khá ấn tượng với phòng truyền thống của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Đây có lẽ là tác phẩm của thầy?

- Việc xây dựng phòng truyền thống giúp HS hiểu về nơi mình học để từ đó gắn bó về tình cảm và có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nơi mình được đào tạo, trưởng thành. Qua giáo dục truyền thống của nhà trường, HS sẽ thấy được gương học tập, nhân cách sống của các thế hệ đàn anh để phấn đấu học tập tốt hơn. Phòng truyền thống của Trường Lê Quý Đôn được bố cục theo 4 mảng nội dung như: giới thiệu về danh nhân Lê Quý Đôn; quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Trường; các hoạt động dạy và học, thành tích của thầy và trò; hoạt động đoàn thể. Mỗi mảng đều có điểm nhấn riêng của nó. Như đối với thành tích của HS chuyên Lý, tôi giới thiệu về HS Nguyễn Công Thịnh với sáng tạo “dây phơi thông minh” vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp bằng “Sáng tạo tuổi trẻ”. Là một học trò nghèo ở nông thôn, hàng ngày, hình ảnh cha mẹ lam lũ ngoài đồng không kịp về cất quần áo mỗi khi trời nổi mưa giông đã thôi thúc Thịnh thực hiện ý tưởng của mình. Sự sáng tạo phải gắn bó với cộng đồng, quê hương. Giá trị giáo dục truyền thống rất cao cũng là ở đó. Tôi được giao phụ trách Ban xây dựng phòng truyền thống và là người tập hợp tư liệu, viết kịch bản. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng đã hỗ trợ thêm về chuyên môn. Phải mất 3 tháng, phòng truyền thống mới hoàn thành.

* Thầy hài lòng với nghề dạy học?

- Vợ chồng tôi đều là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Con lớn tốt nghiệp Đại học Bách khoa đã đi làm, cháu nhỏ học năm thứ tư, Đại học Ngoại thương. Lương nhà giáo của hai vợ chồng bây giờ cũng đã “đội khung”. Hạnh phúc. Nghề nghiệp ngày càng phát triển. Vậy là đủ…

* Cảm ơn thầy!

  • Quỳnh Hoa (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)
Đi trong “thị xã” An Nhơn  (03/08/2009)
Tình nghĩa Cù Lao Xanh  (27/07/2009)
Tầm nhìn Đinh K’Răng  (26/07/2009)
Sức sống Đăk Mang  (20/07/2009)