Đầu tháng 9 năm nay, xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn) tròn 15 tuổi. Ai đã từng đến Hoài Hải 15 năm trước, giờ trở lại, ắt hẳn không khỏi bất ngờ khi đứng trước cơ ngơi hôm nay…
|
Bây giờ, ở Hoài Hải, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều.
|
* Bước ra từ lửa đạn
Hoài Hải được chính thức “khai sinh” ngày 2.9.1994, trên cơ sở sát nhập thôn Kim Giao (xã Hoài Hương) và thôn Diêu Quang (xã Hoài Mỹ). Từ trên cao nhìn xuống, dải đất hẹp Kim Giao-Diêu Quang như một cánh tay dài khổng lồ vươn ra biển cả. Trong chiến tranh, vùng đất này có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng, thông nối với vũng Lộ Diêu- nơi tập kết vũ khí của những chuyến tàu không số từ Bắc vào Nam, nơi cung cấp hàng ngàn thùng nước mắm, hàng trăm bao muối chuyển lên chiến trường phía Tây cho bộ đội và nhân dân ta đánh giặc.
Vì thế, trong suốt chặng đường đấu tranh chống Mỹ cứu nước, Hoài Hải là một trong những chiến trường gay go, ác liệt nhất ở các xã ven biển của huyện Hoài Nhơn. Những trận đánh vang dội gắn liền với các địa danh như đầm Hà Xuyên, hóc nước Diêu Quang, mũi nhọn Sát Lý, đi cùng với những chiến dịch tấn công kẻ thù như “Con sóng dữ”, “Đèn măng - xông”… mãi mãi là những chứng tích lịch sử, là niềm tự hào của quân và dân Hoài Hải hôm nay và mai sau.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Thế Năng là người sinh ra, trưởng thành cùng những thăng trầm của dải đất này suốt 40 năm qua. Trong ký ức của ông, vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh vài chục gia đình sống thưa thớt kham khổ dưới những mái nhà tranh lụp xụp giữa lưng chừng động cát. Giờ, ở Hoài Hải, những căn nhà 2, 3 tầng không còn hiếm nữa.
Chúng tôi đến thăm nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhung ở thôn Kim Giao Trung lúc mẹ vừa ốm dậy. Mẹ ngồi tựa vào bộ ghế salon ở phòng khách, kể chuyện cuộc đời mình, về người chồng là một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, về sự hy sinh của 3 người con. Mẹ bảo, 80 năm gắn bó với mảnh đất này, tận mắt chứng kiến quê mình thay da đổi thịt từng ngày, mẹ thấy rất tự hào. Rồi mẹ chỉ vào chiếc xe máy mới toanh của anh con trai út dựng trong phòng khách, chiếc ti-vi màn hình phẳng trong tủ kính và bộ ghế salon sang trọng mẹ đang ngồi, nghẹn ngào: “Có nằm mơ mẹ cũng không nghĩ tới có ngày mình được sống giữa cuộc sống đủ đầy thế này!”.
|
Cầu Lại Giang đi vào hoạt động, đưa Hoài Hải “xích lại” gần hơn với trung tâm huyện Hoài Nhơn.
|
* Đi lên từ biển
Những ngày đầu hòa bình lập lại, mảnh đất Kim Giao - Diêu Quang chìm trong hoang tàn đổ nát, như một vùng đất chết. Ghe thuyền đánh cá của người dân đều bị phá hỏng. Hơn 95% số hộ dân là hộ nghèo. Gần 35 năm qua, đặc biệt là sau 15 năm thành lập xã Hoài Hải, bằng đôi bàn tay dẻo dai, ý chí bền bỉ, người dân nơi đây đã bám biển, bám làng vươn lên như “cá chuồn ham ánh sáng”…
Trên các vùng đầm lầy hoang hóa đầy cỏ lác, len lỏi từ cửa An Dũ qua Hà Xuyên đến tận Diêu Quang, giờ đây đã thẳng tắp bờ bao của những hồ tôm đầy triển vọng. Toàn xã hiện có trên 35 ha mặt nước nuôi trồng thủy hải sản, chủ yếu là nuôi tôm, cua xuất khẩu. Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt từ 250 đến 300 ngàn tấn. Trung bình mỗi hộ đầu tư sử dụng từ 500 - 700 m2 mặt nước để sản xuất; nếu thời tiết thuận lợi, không bị dịch bệnh, thì nhiều hộ có thu nhập hàng năm từ 50 - 100 triệu đồng.
Đến với Hoài Hải vào những ngày cuối tháng 7 âm lịch, không khí nơi đây khá nhộn nhịp. Hàng trăm “bạn thuyền” đang tất bật chuẩn bị mọi thứ cần thiết, lên đường vào các ngư trường phía Nam câu mực và đi lưới rút. Còn hàng chục hộ dân Kim Giao Nam cũng đang hối hả thu hoạch vụ tôm thứ hai trong năm. Nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt đen sạm vì nắng trời, gió biển… Đứng trên vuông tôm của mình để “chỉ huy” thu hoạch, anh Phạm Việt Hoàng, 44 tuổi, hồ hởi cho biết: “Vụ này, tôi lại trúng lớn. Hồ của tôi rộng 3.600 m2, cho thu hoạch tới 4,8 tấn, tăng 1,2 tấn so với vụ trước. Sau khi trừ mọi chi phí, lãi hơn 70 triệu đồng”. Không riêng gì anh Hoàng, 14 hồ nuôi tôm ở Kim Giao Nam đã và đang thu hoạch đều đạt sản lượng và chất lượng tôm nuôi rất tốt, trung bình 50 - 60 con/kg. Ước tính, vụ này hộ nuôi ít nhất cũng có lãi từ 15 - 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, với lợi thế hơn 8 km bờ biển, những năm gần đây, ngư dân Hoài Hải đã mạnh dạn vay hàng trăm tỉ đồng đầu tư đóng mới tàu thuyền, mua sắm lưới cụ và phương tiện đánh bắt hiện đại, nên sản lượng đánh bắt xa bờ hàng năm tăng từ 1,5 đến 1,8 lần. Toàn xã hiện nay có 241 tàu thuyền với tổng công suất 13.390 CV, năng lực đánh bắt hải sản hàng năm đạt từ 4.200 đến 4.500 tấn, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách của địa phương.
Đã có không ít hộ gia đình trở nên giàu có từ làm kinh tế biển, như ông Ngô Nọ ở Kim Giao Nam. Từ năm 1997, khi việc đánh bắt cá ngừ đại dương mới manh nha, ông Nọ chính là ngư dân đầu tiên ở Hoài Hải mạnh dạn vay vốn, cải tạo thuyền đánh cá của mình để ra khơi đánh bắt xa bờ. Đến giờ, “lão ngư” 73 tuổi này đã có trong tay 2 thuyền đánh cá công suất lớn, do con, cháu quản lý. Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sang trọng, đủ biết nghề biển đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống đủ đầy như thế nào. Ở Kim Giao Nam, còn có nhiều hộ làm giàu từ nghề biển như nhà ông Ngô Huỳnh, Võ Thế Cường, Nguyễn Tùng…
Nói về bí quyết thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của kinh tế biển ở Hoài Hải, ông Nguyễn Bá Chính, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Với đặc thù là một xã có hơn 85% dân số sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chúng tôi luôn chủ động phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nhanh các nguồn vốn vay của Nhà nước, giúp bà con đầu tư phương tiện đánh bắt, mở rộng và cải tạo mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng và thực hiện các mô hình hỗ trợ trong phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản như: Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ; Tổ liên kết cộng đồng trong nuôi tôm… để giảm chi phí, rủi ro trong quá trình đánh bắt và ngăn chặn các loại dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, việc đánh bắt, nuôi trồng ngày càng đạt hiệu quả cao. Và cũng chính vì tổ chức tốt việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên biển và mặt nước, đã kéo theo một số ngành nghề dịch vụ khác phát triển như sản xuất nước đá, chế biến nước mắm, sửa chữa máy thủy, buôn bán thức ăn nuôi tôm…, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mọi lứa tuổi ở địa phương, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của xã”.
|
Những vụ tôm trúng đậm đã góp phần làm đổi thay đời sống của người dân Hoài Hải.
|
* Viết tiếp giấc mơ
Trước đây, để đến được Kim Giao, phải qua cây cầu khỉ dài hơn một cây số từ Hoài Hương bắc qua. Khi còn là học sinh, tôi đã từng dắt xe đạp qua cầu, trong cái thế chênh chao, cứ như mình lơ là một chút, bất cẩn một chút, là có thể rơi xuống dòng nước bất kỳ lúc nào. Chỉ có ai từng một lần đi qua cây cầu ấy mới thật sự thấm thía nỗi cơ cực của người dân nơi đây, mới hiểu được niềm vui được đi lại trên cây cầu Lại Giang hôm nay lớn lao biết dường nào. Với nhiều thế hệ người dân Hoài Hải, cây cầu Lại Giang giống như một giấc mơ đã hiện hữu.
Và rồi đây gần 200 hộ dân nằm trong vùng sạt lở tại các thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Thiện… đã và đang di dời đến Khu tái định cư Diêu Quang. Cuộc sống nơi tái định cư đang dần ổn định, làm yên lòng người dân. Chợ Kim Giao, bến xe khách… là những công trình xây dựng nằm trong kế hoạch gần của xã. Bên cạnh đó, xã cũng bắt đầu định hướng phát triển kinh tế theo hướng đa dạng ngành nghề. Trong đó, lợi thế bờ biển đẹp với những cảnh quan độc đáo như Bãi Con Diêu Quang, rừng dương… hứa hẹn tiềm năng lớn về du lịch sinh thái gắn liền với tuyến đường 639 (Tam Quan-Nhơn Hội)…
Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Bá Chính tươi cười nói: “Trước mắt, dù còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới, tốc độ phát triển của Hoài Hải sẽ không ngừng tăng nhanh…”.
Nhìn ánh mắt cương nghị của người con Hoài Hải ấy, chúng tôi tin ngày trở lại, sẽ được chứng kiến một cuộc “lột xác” mới của mảnh đất này…
|