Ông Dương Văn Thành (quê ở xã Phước Thuận - Tuy Phước), gắn bó với công việc quan trắc khí tượng suốt 26 năm qua, bắt đầu từ năm 1983, khi ông 22 tuổi. Học cùng khóa, ra trường và làm quan trắc viên như ông trong toàn ngành lúc bấy giờ có đến hơn 100 người, nhưng hiện nay chỉ còn chưa đầy 1/3 là trụ được với nghề...
|
Ông Dương Văn Thành kiểm tra số giờ nắng trong ngày. Ảnh: N.T |
v Công việc vất vả, thầm lặng
Khi chúng tôi đến Trạm Khí tượng Quy Nhơn - Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) Bình Định - ông Dương Văn Thành cũng vừa từ vườn khí tượng trở về. Không kịp lau mồ hôi, ông cắm cúi ghi chép lại số liệu vừa mới quan trắc để kịp báo về Đài KTTV Nha Trang. Quan sát ông làm việc, chúng tôi nhận thấy công việc của một quan trắc viên đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân trong vùng và khu vực. Từ những bản báo cáo của quan trắc viên, bản tin dự báo thời tiết sẽ được hình thành và thông báo rộng rãi trên trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày để người dân biết. Do vậy, không ngoa chút nào khi gọi họ là những “bác sĩ” chuyên bắt mạch đất - trời.
* Nếu nói một cách ngắn gọn về công việc của mình, ông sẽ nói điều gì?
- Quan trắc khí tượng là nghề khá vất vả và chịu nhiều áp lực xã hội. Để có được bản tin dự báo thời tiết chính xác, chúng tôi phải làm việc âm thầm giữa gió, mưa, bão tố… Công việc quan trắc không cho phép ai được chậm trễ mà tất cả các quan trắc viên trên thế giới đều phải làm việc theo đúng giờ quy định. Những lúc mưa to, gió bão, chúng tôi phải đội mưa, đội gió làm việc, mặc cho người ướt sũng, lạnh run. Dù phải làm việc trong điều kiện như thế, nhưng công việc này đòi hỏi phải hết sức chính xác. Chỉ một sai sót nhỏ của quan trắc viên sẽ dẫn đến bản tin dự báo thời tiết bị sai lệch, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của hàng triệu người dân.
|
Xử lý các số liệu để kịp gửi về Đài KTTV Nha Trang. Ảnh: N.T |
* Còn công việc cụ thể hàng ngày mà ông đảm nhận?
- Nhiệm vụ chính của chúng tôi là quan trắc các yếu tố: mây, mưa, áp suất không khí, nhiệt độ không khí (nhiệt độ thường, nhiệt độ cao nhất, nhiệt độ thấp nhất), nhiệt độ mặt đất, độ ẩm (trung bình, thấp nhất), lượng nước bốc hơi, số giờ nắng, hướng và tốc độ gió. Những ngày thời tiết bình thường, cứ 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới ra vườn khí tượng quan trắc một lần vào các thời điểm: 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ. Còn những lúc mưa lớn, áp thấp nhiệt đới hoặc bão thì tần suất quan trắc sẽ tăng lên; nhiều nhất có thể là 30 phút một lần. Mỗi lần quan trắc phải đo đạc và ghi lại toàn bộ số liệu trong vòng 10 phút. Sau đó, chỉ trong vòng 3 phút phải hoàn chỉnh các số liệu và chuyển ngay về Đài KTTV Nha Trang. Tại đây, số liệu sẽ được tổng hợp rồi chuyển về Trung tâm KTTV Quốc gia để phân tích, thống kê, dự báo, cảnh báo KTTV và lưu trữ phục vụ cho công tác nghiên cứu.
v Yêu nghề, quyết vượt mọi khó khăn
Đã 26 năm trong nghề, ông Thành chưa một lần đi làm muộn, chưa một lần bỏ dở công việc quan trắc. Có nhiều đêm đang nằm ngủ thì chuông đồng hồ báo thức réo lên, ông chỉ kịp choàng chiếc chăn vào người rồi chạy thẳng một mạch lên vườn khí tượng. Hồi mới vào nghề, hàng ngày phải để ba, bốn cái đồng hồ báo thức. Nhưng giờ thì quen rồi, cứ đến giờ là tự động dậy thôi. Những ngày áp thấp nhiệt đới hoặc có bão phải bò sát mặt đường mới đảm bảo an toàn. Ngay lần đầu tiên đo bão ông đã bị gió nhấc bổng ném ra xa đến gần 5 m. “Giờ thì kinh nghiệm lắm rồi”- quan trắc viên Thành mỉm cười tâm sự như vậy.
|
Vườn khí tượng của Trạm khí tượng Quy Nhơn. Ảnh: N.T |
* Trong suốt thời gian công tác của mình, những kỷ niệm nào đã theo ông nhiều nhất?
- 26 năm làm quan trắc khí tượng, vui buồn tôi đều nếm trải. Vui vì mình luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời chuyển những số liệu đo đạc một cách chuẩn xác nhất về Đài KTTV Nha Trang để góp phần cũng với những trạm quan trắc khác đưa ra những bản tin dự báo KTTV chính xác. Vui vì tình cảm của anh em trong ngành dành cho nhau rất chân tình, thắm thiết, coi nhau như người nhà.
Ngành KTTV Việt Nam được đánh dấu qua các mốc thời gian chủ yếu như sau: Năm 1891, thành lập Trạm Khí tượng đầu tiên tại nước ta. Ngày 3.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và đài Thiên văn Phù Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông. Ngày 28.9.1955, Chính phủ ban hành Nghị định số 588/TTg thành lập Nha Khí tượng trực thuộc Chính phủ. Ngày 14.10.1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 21-NQ/QHK6 thành lập Tổng cục KTTV trên cơ sở sát nhập Nha Khí tượng và Cục Thủy văn (Bộ Thủy lợi). Đến ngày 11.11.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/CP thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm KTTV Quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. |
Buồn vì trong suốt quá trình công việc cứ phải thui thủi một mình. Khác với các nghề khác, lễ, Tết, mưa bão thì được nghỉ hay ít ra thì cũng được giãn việc bớt, nhưng với nghề này thì ngược lại, càng đến mùa mưa bão càng phải làm việc nhiều hơn. Vào những đêm 30 Tết, phải lùi lũi làm việc một mình, buồn lắm. Còn những lúc mưa bão, mỗi lần quan trắc là một lần phải đối mặt với nguy hiểm. Có những lúc đang cắm cúi ghi các thông số thì cây ngã, tôn bay ngang mặt, qua đầu. Tuy vậy, nhưng nghĩ lại nếu mà bỏ nghề thì không phải với nó nên tự nhắc nhở bản thân cố gắng vượt qua. Và dần dần thành quen, rồi yêu nghề. Chỉ có lòng yêu nghề mới có thể bám trụ được với công việc này.
* Điều mong ước của ông lâu nay là gì ?
- “Biết lòng trời đời người không khó” - ông bà ta xưa nay đã nói thế. Nhưng để biết được “lòng trời” thì là cả một khoa học, mà cũng chỉ biết một phần nhỏ thôi chứ không thể nào biết hết được. Bởi vậy, tất cả những quan trắc viên như chúng tôi luôn mong sao khoa học ngày càng phát triển, ngành KTTV ngày càng phát triển để công tác dự báo thời tiết ngày càng hạn chế đến mức thấp nhất những sai số.
Ngoài ra, nguyện vọng của tôi cũng như các anh chị em trong ngành là mong sao có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để có thể yên tâm cống hiến hết mình cho công việc. Hiện nay, cán bộ, nhân viên ngành KTTV chỉ có lương, không có chế độ gì khác, và đã làm công việc này thì không thể làm thêm được gì nên đời sống kinh tế của chúng tôi rất khó khăn. Hồi mới vào nghề, lương rất thấp, lại phải làm việc xa nhà (lúc mới ra trường ông làm việc tại Trạm Hải văn Tiên Sa - Quảng Nam) mỗi lần tôi về thăm vợ con là mất cả tháng lương chắt bóp. Thế nên anh em mới nói đùa với nhau là làm khí tượng thủy văn là kiếm tiền tiêu vặt (từ tên viết tắt KTTV). Còn bây giờ, đã nhiều năm gắn bó với nghề, chẳng riêng gì tôi mà nhiều anh em trong ngành cũng không mua nổi một căn hộ, phải ở nhà công vụ.
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thân tình này. Chúc ông vượt qua được những khó khăn để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
|