Ngày đêm lênh đênh trên biển, chịu được sóng lớn, biển động cấp 6, cấp 7... Lái thuyền giỏi, thả lưới khéo, khi cần có thể nổ máy xuôi thuyền, đuổi theo những luồng cá... Đó là hình ảnh của những nữ ngư phủ ở vùng biển Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn).
|
Phụ nữ ở Hải Giang đều chèo sõng, lái thuyền giỏi, kéo lưới khéo.
|
TP Quy Nhơn sang thôn Hải Giang mất khoảng 30 phút đi đò. Còn nếu đi bộ thì chỉ có cách từ trung tâm xã Nhơn Hải băng qua vách núi với độ dài hơn 3 km, rất hiểm trở. Nhìn từ biển, Hải Giang như được hai cánh tay khổng lồ dang ra bao bọc, bên này là mũi Tấn, bên kia là mũi Yến. Do địa hình hiểm trở nên cứ mỗi lần biển động, các loài hải sản như được sóng biển “lùa” vào đây, nên ngư dân thường xuyên trúng đậm ghẹ, cá...
Vùng biển Hải Giang có 2 mùa đánh bắt chính. Từ tháng 6 đến tháng 2 (âm lịch) là đánh bắt ghẹ, cá; từ tháng 10 đến tháng 2 (âm lịch) là bắt tôm hùm giống. Vào mùa đánh bắt ghẹ, cá, đêm nào trúng, mỗi thuyền có thu nhập từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, hoặc có khi còn cao hơn.
* Biển động... ra khơi
Tôi đã từng đi đến nhiều vùng biển trong tỉnh, nhưng có lẽ, chỉ Hải Giang là nơi duy nhất những người phụ nữ trong độ tuổi lao động đều hành nghề đánh bắt cá trên biển. Ông Nguyễn Khương, Trưởng thôn Hải Giang, cho biết: “Toàn thôn hiện có hơn 120 hộ dân (khoảng 500 nhân khẩu) thì số hộ làm nghề biển đã chiếm 97%. Mỗi tàu cá là một đôi vợ-chồng, hoặc mẹ-con, đi đánh bắt; một số phụ nữ chồng mất, chồng bỏ, đã tập hợp lại cùng đi “bạn” để ra khơi. Ở Hải Giang, có trên 200 phụ nữ là những ngư phủ thứ thiệt, không thua kém gì đàn ông…”.
Hôm chúng tôi đến Hải Giang, biển đã êm ả hơn sau những ngày nổi động. Cứ lo biển êm, phụ nữ trong thôn ra biển hết. Nhưng may sao, khi đến nơi, tôi gặp rất nhiều phụ nữ đang ngồi vá lưới ở nhà. Thì ra, mùa đánh bắt chính của ngư dân Hải Giang lại là mùa… biển động. Chị Nguyễn Thị Luyến, một nữ ngư phủ, cho biết: “Biển động thì ghẹ, cá nhiều… nên đây cũng là mùa bội thu của ngư dân. Nói “gở” chứ, chúng tôi chỉ mong biển động thường xuyên…”.
Thường xuyên đánh bắt vào mùa biển động, nên những ngư phủ ở Hải Giang có thể chịu được sóng cấp 6, cấp 7. Và do đánh bắt bằng thuyền công suất nhỏ, nên họ cũng chỉ quanh quẩn trong vùng biển Quy Nhơn, xa nhất là ra đến Đề Gi (Phù Cát) là quay về. Ở Hải Giang, nhà nào cũng có từ 1- 2 thuyền công suất nhỏ để hành nghề và nhà nào cũng sắm 2-3 chiếc sõng chèo hai mái để “vượt sóng cao” ra thuyền, chứ không dùng thúng như những nơi khác. Sõng còn có thể chèo gần bờ để đánh bắt.
|
Chuẩn bị lưới để ra khơi.
|
Trong số những nữ ngư phủ được xem là giỏi giang có tiếng ở Hải Giang, phải kể đến chị Đoàn Thị Hoa. Năm nay, chị Hoa 50 tuổi, nhưng đã có đến 30 năm đi biển. Vậy mà, so với nhiều phụ nữ ở đây, thời gian đi biển như vậy vẫn chưa phải lâu. Tuy nhiên, chị Hoa có khá nhiều kinh nghiệm đi biển. Nhìn con nước, chị có thể biết được nơi nào nhiều ghẹ, tôm, cá…
4 giờ chiều, chúng tôi theo vợ chồng chị Hoa lên thuyền ra khơi. Chị chèo chiếc sõng nhỏ khá nhanh, rồi đưa chúng tôi lên thuyền máy. Sau khi thả neo cho chiếc sõng, chị nhảy lên thuyền, tiến về phía sau quay máy nổ. Chỉ ở lần quay đầu tiên, chiếc máy cũ kỹ 15 CV đã bật lên tiếng nổ giòn tan, khói tỏa ra mù mịt… Chị tăng ga, cầm lái đưa con thuyền ra khơi. Khi thuyền cách bờ khoảng 4 hải lý, chị bắt đầu giảm tốc độ để chồng thả lưới. Sau gần một giờ đồng hồ, 2 tấm lưới dài cả ngàn mét đã được thả xuống. Chị neo thuyền lại, làm nhiệm vụ canh lưới, đến 12 giờ đêm mới kéo. Dù chồng chị Hoa cũng là dân biển thứ thiệt, nhưng nhiều việc vẫn đến “tay” chị. Nhiều lúc anh ốm, chỉ một mình, chị cũng ra khơi. Chị Hoa cho biết: “Lúc đầu ra biển đánh bắt, tôi cũng bị say sóng, ói đến mật xanh, mật vàng. Đến khi vào được bờ, phải nằm 2-3 ngày sau mới bình thường trở lại, cứ nghĩ, không dám ra khơi lần nữa. Nhưng ở vùng biển này, không đi đánh bắt thì lấy gì mà sống. Thế rồi, tôi lại ra khơi… rồi quen… Giờ thì biển có động đến cấp 6, cấp 7… tôi vẫn có thể chịu được. Vất vả vậy, vợ chồng tôi mới nuôi nổi 9 đứa con khôn lớn và xây được nhà...”.
Cũng như chị Hoa, chị Đinh Thị Hồng, năm nay 35 tuổi, nhưng đã đi biển từ lúc 15 tuổi. Cách đây không lâu, chồng chị đã bỏ đi lấy vợ khác, để lại cho chị 2 đứa con gái còn nhỏ dại, đứa lớn mới học lớp 4, đứa nhỏ học lớp 3. Một mình không thể tiếp tục ra khơi, lại không có phương tiện hành nghề, chị “đi bạn” cho đứa em trai. Thế rồi, em trai có vợ, chị lại xin “đi bạn” cho những thuyền khác, cho mãi đến khi dành dụm đủ tiền mua được tấm lưới, vài chục chiếc lờ để hành nghề. Không có thuyền máy, vào ban ngày, chị mượn sõng chèo đi đánh bắt gần bờ. Ngày nào trúng, kiếm được vài chục ngàn đồng, ngày “xui” phải về tay không. Đêm xuống, chị lại xin “đi bạn” cho thuyền khác. Chị Hồng, tâm sự: “Hè vừa rồi, ba mẹ con tui đã tranh thủ chèo sõng đánh bắt gần bờ nên có dư chút tiền mua sách vở cho 2 con vào năm học mới… Nhiều đêm, đánh bắt giữa biển, sóng to, gió lớn, tôi không sợ; chỉ lo, 2 đứa nhỏ ở nhà…”.
|
Chị Đoàn Thị Hoa đang điều khiển thuyền ra khơi đánh bắt.
|
* “Đàn bà dễ có mấy tay”
Chị Phạm Thị Thu, 46 tuổi, có thâm niên đi biển 22 năm, cho biết, đàn ông ở Hải Giang làm được việc gì thì phụ nữ cũng làm được và nhiều khi, họ còn chịu nhiều vất vả hơn… Và chị lý giải: Cùng đi đánh bắt, nhưng khi vào bờ, đàn ông đi ngủ hoặc tụ tập lại “lai rai”, còn chị em phải lo đem ghẹ, cá vào tận Quy Nhơn để bán. Để tiết kiệm dầu, cánh phụ nữ còn rủ nhau chèo sõng, mất khoảng 1 giờ mới vào được nội thành. Bán cá xong, lại đi mua thực phẩm, ngư lưới cụ… Chèo sõng về đến nhà là lo nấu ăn. Xong việc, lại ngồi vào vá lưới, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hôm sau…
Gia cảnh chị Thu cũng khá đặc biệt. Chồng mất sớm, để lại cho chị 4 đứa con nhỏ. Chị và chị Nguyễn Thị Thuận, 54 tuổi - một phụ nữ cùng cảnh ngộ - góp tiền lại, mua thuyền, sắm ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt. Sau nhiều năm hành nghề, thao tác của các chị bây giờ đã rất gọn gàng, mạnh mẽ, chuyên nghiệp chẳng thua kém đàn ông. Thậm chí, những lúc thuyền bị hư, tự tay các chị đứng ra sửa chữa chứ không thuê mướn ai. Sau nhiều năm vượt sóng ra khơi, mấy đứa con của các chị cũng dần khôn lớn. Có đứa đã theo mẹ hành nghề, có đứa còn đang học THPT (ở Hải Giang, số học sinh học lên THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay)…
|
Kéo lưới sau một đêm đánh bắt ghẹ, cá.
|
Phụ nữ ở Hải Giang bắt đầu đi biển cũng chừng khoảng vài chục năm trở lại đây. Lúc đầu, chỉ có vài ba chục người, dần dần, chị em truyền kinh nghiệm cho nhau, nên số phụ nữ đi biển ngày càng nhiều. Từ khi nghe tin, thôn Hải Giang sẽ được quy hoạch xây dựng khu du lịch, nhiều phụ nữ ở đây bắt đầu thấy lo... Chị Cao Thị Hạnh cho biết: “Lâu nay, phụ nữ chỉ biết mỗi việc xuôi thuyền, thả lưới trên biển. Nếu di dời đi nơi khác, chúng tôi mong Nhà nước tạo điều kiện cho người dân được sinh sống gần biển để chị em còn có thể tiếp tục ra khơi”...
-
Bài: Nguyễn Phúc
-
Ảnh: Văn Lưu |