Hơn 40 năm dù là diễn viên hay là cán bộ quản lý, lãnh đạo, chị đều dốc lòng với tuồng. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, tuồng vẫn là một phần trong cuộc sống của chị. Chị là NSND Hòa Bình.
* Gắn bó với tư cách khác
Thưa chị, cảm giác xa sân khấu, xa Nhà hát mấy tháng qua như thế nào?
- Cả một đời sống với Nhà hát, nay rời ra, thấy nhớ lắm. Nhớ da diết, nhớ các bạn đồng nghiệp, nhớ công việc và trách nhiệm đối với công việc, đặc biệt khi thời điểm này Nhà hát đang dựng vở chuẩn bị cho Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2010. Dù đã xác định tư tưởng rằng mình được nghỉ hưu, phải thư giãn và chăm lo nhiều hơn đến gia đình, nhưng vẫn cứ nhớ, dù là rất gần.
|
NSND Hòa Bình (ôm hoa) tại buổi tổng kết, báo cáo thực hiện Dự án Sân khấu học đường tại Bình Định. |
Nói vậy nghĩa là chị vẫn dõi theo những diễn biến của tuồng...?
- Ừ! Cái nghiệp mình đã đeo mang, đã thành máu thịt của mình rồi, đâu phải nói nghỉ là hết sạch. Bây giờ, mình có nhiều thời gian để theo dõi diễn biến tình hình xã hội và cuộc sống, lại càng đau đáu với hoạt động sân khấu nói chung và của nghệ thuật tuồng nói riêng.
Vừa rồi, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có mời tôi tham gia Hội đồng thẩm định xét giải thưởng năm 2009 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Qua việc đánh giá những mặt được, mặt chưa được của sân khấu kịch, tôi củng cố, bổ sung thêm cho mình nhiều hiểu biết về sân khấu kịch hát truyền thống nói chung, đặc biệt thấy rõ rằng sân khấu tuồng cần tiếp thu những gì ở “người bạn” này, rồi cần chú trọng thêm điều gì để phát triển hơn. Tôi nghỉ hưu đúng vào thời điểm diễn ra Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nên được mời tham gia vào nhiều Hội đồng thẩm định. Tôi thấy vui vì được tiếp tục làm nghề, nhưng với một tư cách khác, trách nhiệm khác. Ở bất cứ vị trí nào, tôi cũng cố gắng cống hiến hết mình cho sân khấu.
* Cần thoát khỏi khó khăn để phát triển
Tâm huyết như thế, chắc chị không khỏi chạnh lòng trước thực trạng hiện nay của sân khấu tuồng?
- Dù các đơn vị nghệ thuật trong cả nước vẫn đảm bảo chỉ tiêu phục vụ nhân dân hàng năm, nhưng công bằng mà nói, các tác phẩm sân khấu gởi đến công chúng chất lượng cao chưa nhiều. Đời sống sân khấu nói riêng và nghệ thuật tuồng nói chung đang chững lại, trượt xuống. Đó là chưa kể đến sự hụt hẫng trong đội ngũ kế cận. Đây là thực trạng rất đáng quan ngại.
Theo chị, sân khấu tuồng đang vướng gì?
- Theo tôi, sân khấu tuồng đang gặp hai khó khăn lớn, đó là thiếu đội ngũ kế cận và thiếu kịch bản mới. Ở Bình Định, hàng năm, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định vẫn tuyển sinh học viên cho lớp tuồng. Đa số các em là con nhà nòi và được cha mẹ hướng nghiệp. Nghĩa là họ đã có chút ít năng khiếu hoặc đã được tiếp xúc với tuồng. Thế nhưng, đáng buồn là số em bỏ lửng không ít, còn số tốt nghiệp ra trường không phải tất cả đều có thể đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng của Nhà hát. Chuyện này không phải lỗi của các em, cũng không do nhà trường, thầy cô, mà tại chương trình học do Bộ GD-ĐT quy định. Này nhé, ban ngày học các môn chuyên ngành, tối về học văn hóa, vậy thời gian đâu các em ôn tập. Thêm vào đó, số tiết học môn chuyên ngành quá ít: 2 năm đầu, học hát múa cơ bản và 5 trích đoạn mẫu, năm cuối chỉ học vỏn vẹn 95 tiết chuyên ngành (1 ngày 7 tiết, vị chi chỉ học trong 13 ngày). Như vậy, số tiết học chuyên ngành chỉ chiếm 1/3 trong tổng số lượng tiết các em phải hoàn thành trong 3 năm.
|
NSND Hòa Bình với một số nghệ sĩ lão thành tại Đại hội đại biểu Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2009. |
Một vấn đề nữa là thiếu kịch bản mới. Nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Đào Tấn chỉ phục dựng những vở cũ. Các vở kinh điển ấy, ai cũng phải thừa nhận là rất hay, nhưng không mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, nên khó đến gần với khán giả, nhất là lớp trẻ. Nói như thế không có nghĩa là không có kịch bản mới, nhưng kịch bản mới thường được viết theo môtíp cũ. Đó là bởi tác giả mang tâm lý lo ngại, nếu thoát khỏi lề thói thì sẽ đánh mất chất tuồng. Người viết kịch bản tuồng tốt như cố tác giả Xuân Yến, tác giả Lê Duy Hạnh vẫn có, nhưng không nhiều.
Như vậy để khắc phục theo chị nên…
- Thật ra, có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi cho rằng, một trong những điều cần thiết là phải thay đổi cách đào tạo diễn viên trẻ. Cụ thể, tại Bình Định, năm thứ nhất có thể gởi các em học ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn, để trang bị cho các em một nền tảng cơ bản thật vững chắc, và giải quyết dứt điểm chuyện học văn hóa. 2 năm tiếp theo dồn toàn bộ thời gian học các trích đoạn mẫu, đồng thời, tạo nhiều cơ hội thực hành.
Tôi từng nghĩ đến việc liên hệ với các phường, dựng sân khấu, gầy một số trích đoạn để học viên diễn chung với các nghệ sĩ gạo cội. Làm được như vậy, các em sẽ dạn dĩ với sân khấu, cởi bỏ dần tâm lý tự ti khi đóng chung với đàn anh, đàn chị và trưởng thành rất nhanh.
Với chuyện kịch bản, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần tổ chức những trại sáng tác, thu hút nhiều cây bút trẻ. Đối tượng khách mời cần có thêm đạo diễn, diễn viên, để góc nhìn vào tác phẩm đa dạng, phong phú hơn. Nếu cần thiết, có thể dựng thử, diễn thử sẽ xem cách viết đó đã phù hợp chưa.
NSND Hòa Bình sinh năm 1954 tại Thanh Hóa.
13 tuổi, chị trở thành diễn viên của Đoàn Tuồng Liên khu V.
Năm 1975, chị theo Đoàn chuyển vào Bình Định, công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Năm 1983, được phong danh hiệu NSƯT.
Năm 2007 được phong danh hiệu NSND.
Nghỉ hưu từ tháng 9.2009. |
Điều quan trọng nữa, theo tôi, là cần có sự liên kết giữa các đoàn tuồng trong khu vực, để tạo tiếng nói chung, tạo sức mạnh cho tuồng.
* Hy vọng vào “Hồn Việt”
Vở “Hồn Việt” do Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng sẽ dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tuồng và dân ca, diễn ra vào ngày 8.1.2010 tới. Chị đánh giá vở diễn này như thế nào?
- Tôi hy vọng nhiều lắm. Mong rằng Nhà hát sẽ mang đến Hội diễn, cũng đồng thời giới thiệu với đồng nghiệp cả nước, một vở diễn đúng tầm và uy tín của Nhà hát mà lâu nay chúng tôi đã từng được tôn vinh, để tiếp tục làm rạng danh “đất tuồng” Bình Định.
Vậy tại Hội diễn này, chị có ngồi ở hàng ghế Ban giám khảo không, thưa chị?
- Chuyện đó luôn được giữ kín đến phút chót, và hiện tại tôi vẫn chưa có thông tin gì về việc này.
Xin cảm ơn chị!
|