Xe ôm đêm
8:34', 4/1/ 2010 (GMT+7)

Những người chạy xe ôm đêm thường rời khỏi nhà khi hoàng hôn buông xuống và chỉ trở về khi ngày mới bắt đầu. Với những cuốc xe xuyên đêm, người chạy xe vừa phải dãi dầu sương gió, lại vừa tìm cách đối phó với những hiểm nguy luôn rình rập trên đường.

 

Xe ôm đợi khách ở ngã ba Phú Tài.

 

* Hiểm nguy trên từng cây số

Xe ôm đã trở thành phương tiện giao thông quan trọng ở nước ta. Từ rất lâu, khi chưa có nhiều xe máy, người ta đã dùng chiếc xe đạp sườn ngang, buộc trên yên sau một tấm ván dài để thồ thêm vài ba người, cũng từ đó mà thuật ngữø “xe thồ” ra đời.

Ngày nay, dù phương tiện giao thông hiện đại đã về đến miền quê, nhưng xe ôm vẫn có một vị trí riêng của nó. Tính cơ động, giá phải chăng… là những ưu điểm vượt trội mà xe ôm có được so với các loại phương tiện khác.

Làm nghề xe ôm là lao động cơ bắp nhưng chạy xe ôm vào ban đêm để kiếm ra tiền là “đòn cân não” không đơn thuần lao lực. Nó chứa đựng cả những phán đoán, ứng phó với hiểm nguy rình rập trên từng cây số. Báo chí đã tốn không ít giấy mực để kể về những vụ án mà nạn nhân là những người chạy xe ôm nghèo bị kẻ vô lương tâm sát hại để đoạt lấy chiếc xe hay những đồng tiền ít ỏi mà họ kiếm được.

Anh C, chạy xe ôm ở Phú Tài (Quy Nhơn), tâm sự: “Chuyện xe ôm chạy vào ban đêm bị cướp, bị đánh là bình thường; tụi tui đều biết, nhưng vì mưu sinh, vẫn phải chấp nhận đối đầu. Cũng may là ở Bình Định, những chuyện như thế không nhiều”. Không nhiều nhưng không phải là không có.

Và những người chạy xe ôm đêm ngoài việc vất vả thức chờ khách thâu đêm lạnh lẽo trong mùa đông, còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khác như dễ bị va phải ổ gà; chó, mèo chạy băng qua đường… Anh T, đứng dưới chân dốc lên đèo Quy Hòa, kể: “Một hôm, chừng 2 giờ sáng, tôi nhận chở khách đi Tuy Phước. Đang căng mắt quan sát thì bất ngờ phía trước, một con mèo hoang chạy thẳng vào bánh xe trước, khiến tôi lạc tay lái, ngã nhào ra đường. Cũng may là cả tôi và khách không ai bị thương nặng, nhưng chiếc xe thì bể dè, gãy tay thắng, về sửa chữa hết mấy trăm ngàn đồng…”.

Nhưng nỗi lo lắng thường trực của người chạy xe ôm đêm là cướp giả dạng khách và người say rượu, không chở thì không yên, còn chở thì họ ngồi trên xe ngặt nghẹo, có khi nôn lên lưng người lái. Anh Hoàng, ở phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn), đứng bến Phú Tài, kể: “Có lần, tui chở một khách say rượu từ Phú Tài về Quy Nhơn. Dọc đường đi, ông khách nôn thốc nôn tháo, dính hết trên lưng áo tui. Mùi mồ hôi trộn lẫn mùi bia rượu hôi không chịu thấu. Khi đến nơi, tiền đã không lấy được, còn bị ném đá...”.

 

Kiểm tra xe trước khi đón khách.

 

* “Vỏ quýt dày...”

Những người chạy xe ôm có một quy định “bất thành văn” để “phân bổ” khách cho hợp lý như sau: Để đón được khách thì phải nhanh để chọn tài đầu (ai đứng ở cửa xe trước là tài đầu, sau đó, theo thứ tự tài hai, ba...). Nói thì đơn giản thế, nhưng muốn đứng được tài đầu hoặc các thứ tự gần đầu, người chạy xe ôm phải có kinh nghiệm. Đầu tiên là học cách quan sát để biết được xe nào có thể bỏ khách xuống hoặc chạy thẳng để chấm vị trí “tài đầu” đón khách. Khi đã bắt được khách, nhất là khách thanh niên, cánh xe ôm thường tìm cách “câu giờ” để đợi xe tải pha đèn đến và chạy nương theo xe tải. Đây là một thủ thuật nhỏ để tránh tình trạng khách nảy sinh ý đồ xấu hoặc những tên cướp có sẵn ý đồ khó ra tay. Đến nơi thì tránh trả khách ở những chỗ tối, những chỗ có những con hẻm nhỏ dễ tẩu thoát. Nếu khách yêu cầu thì phải giả bộ không nghe hoặc giả vờ thắng xe không ăn để trờ khỏi những chỗ đó.

Anh Sơn, người có thâm niên chạy xe ôm 20 năm, kể: “Dù đã có nhiều kinh nghiệm nhưng rủi ro nghề nghiệp vẫn có thể xảy ra. Có lần tui chở khách đi Tây Sơn giữa đêm khuya. Trên đường đi, tên này dùng dao dí vào lưng tui, yêu cầu dừng xe. Lúc đó tui nghĩ, nếu dừng không chỉ bị mất xe mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Tui liều mạng rồ ga, chạy hết tốc lực, rồi nói, anh đâm thì tui chết anh cũng bị thương. Bí thế, tên này không dám đâm. Chạy thêm một quãng, tui nói, phía trước có đống rơm, tới đó tui chạy chậm lại, anh nhảy xuống. Tới đống rơm, nó nhảy tui cũng nhảy và la cướp... cướp... Bà con ở quanh đó chạy ra bắt được. Lần đó, vợ tui cúng mừng một con gà”.

Khi đang đi xe trong đêm mà bị thanh niên địa phương ra chặn đường thì giả vờ dừng lại, cho xe chạy chậm, về số, khi gần tới phải bất ngờ tăng ga “vọt” lẹ. Đó là kinh nghiệm xử lý tình huống trên đường. Còn khi bắt khách, lại có nguyên tắc riêng. Với khách “Tây”, khi khách chưa đồng ý đi, tuyệt đối không được đụng vào hành lý của họ kiểu như mang vác đồ xuống ô tô giúp họ chẳng hạn. Nếu đã đụng vào đồ của họ rồi, họ nhất định không đi, mà tìm khách sạn gần đó ngủ rồi sáng hôm sau đi taxi.

Bến có nhiều khách “Tây” nhất là Phú Tài. Cánh xe ôm ở đây không rành tiếng Anh như ở Hội An, Huế, Đà Lạt... nhưng hầu như ai cũng biết dăm ba câu bồi. Anh Hòa, 60 tuổi, ở bến Phú Tài nói giỏi cả 2 ngoại ngữ Anh và Pháp. Anh Hòa dạy lại cho anh em ở đây để giao tiếp với khách. Bình thường, họ ngại không nói được; nhưng khi có khách, họ nói và ứng xử cực nhanh, dù chỉ là nói tiếng bồi. Gặp khách “Tây” trúng thì được 100 - 200 ngàn đồng cho một cuốc từ Phú Tài về Quy Nhơn. Một số khách sạn khi được đưa khách “Tây” đến còn bồi dưỡng cho xe ôm 15-20 ngàn đồng. Nhưng có khách “Tây” cũng trả giá “sát ván” không thua người mình.

Chạy xe ôm còn phải có kinh nghiệm, ví như, những ngày như 7, 17, 27 ít có xe từ phía Bắc vào; các ngày mùng 5, 14, 23 ít có khách phía Nam ra, có khi cả đêm chẳng có khách nào.

 

Anh Tuấn (trái) kể chuyện chạy xe ôm đêm.

 

* Đồng tiền… sương gió

Buổi tối, ở Quy Nhơn và khu vực lân cận thuộc huyện Tuy Phước, có nhiều bến đỗ cho giới xe ôm đêm như: Vườn Bông, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn, ngã năm Hồ Le, Khách sạn Điện ảnh, ngã ba Diêu Trì, Ga Diêu Trì, cầu Bà Di, cầu Ông Đô và Phú Tài. Riêng bến Phú Tài có bến trong, bến ngoài và bến dưới, mỗi bến có khoảng 5-6 người chạy xe ôm đêm. Hầu hết các bến đều bắt khách bằng cách đua theo xe sắp dừng và “xí phần” bằng các đặc trưng của khách như áo, mũ, túi xách, va li, đồ trang sức, giới tính hoặc tuổi tác... ngay khi họ còn đang ngồi trên ô tô. Bến Phú Tài thì không xếp xe mà chạy theo xe, nhưng không “xí phần” mà ai đến trước được ưu tiên bắt trước. Cách tranh giành khách như trên dễ xảy ra tai nạn và làm mất trật tự an toàn giao thông, cần phải được sắp xếp lại. Bến ngã ba Diêu Trì không giành khách kiểu đó, mà có sự phân chia rạch ròi. Đầu buổi, nếu ai đến sớm và xếp xe vào vị trí trước thì người đó là tài đầu, có quyền bắt khách trước và chọn khách. Khi người đó chở khách đi và quay trở về thì thứ tự các tài lại thay đổi tùy theo thời điểm xếp xe, có thể luân phiên nhau trở thành tài đầu. Cách sắp xếp này tương đối công bằng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Có một chuyện mà anh Sang, một trong những người ở nhóm ngoài của bến Phú Tài, nói hết sức chân tình, là dù khách có bỏ quên đồ trên xe hay xe có bỏ nhầm đồ của khách xuống cũng khó mất. Khách bỏ quên đồ thì ngày hôm sau đến lấy, vì cánh xe ôm đêm chẳng bao giờ dám chôm chỉa. Theo anh Sang, ai chạy “cuốc” nào anh em đều biết, chỉ cần mất đồ, người ta báo công an là truy ra ngay. Còn trường hợp xe thả khách xuống mà bỏ nhầm đồ, có người chở phụ xe quay lại lấy và chỉ tính tiền xe ôm hoặc có chút tiền thưởng.

Thu nhập trung bình của mỗi xe ôm đêm khoảng 40-50 ngàn đồng/đêm, trừ tiền cà phê, ăn khuya cũng còn được vài mươi ngàn đồng. Hầu hết những người làm nghề xe ôm có hoàn cảnh gia đình khó khăn; đồng tiền kiếm được họ chẳng dám tiêu xài hoang phí, chỉ dám uống ly cà phê và ăn tô bún bình dân lấy sức chờ khách. Có khi cả tháng trời, họ không gặp mặt vợ con, bởi lúc họ về thì vợ con đã đi làm, đi học; đến lúc họ đi, vợ con lại chưa về.

Cuộc sống tuy bấp bênh, lúc được lúc mất, nhưng lái xe ôm đêm là nghề lương thiện. Mong muốn của họ là làm sao anh em cùng cảnh ngộ biết chia sẻ, nhường nhịn nhau, tránh giành giật khách rồi xảy ra tai nạn đáng tiếc làm khổ vợ con.

  • C.Tâm - T.Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)